Khám nghiệm hiện trường là một trong những công tác điều tra tại hiện trường vô cùng quan trọng nhằm truy nguyên những dấu vết, chứng cứ để góp phần tìm ra sự thật khách quan của vụ án hình sự. Công tác bảo vệ hiện trường, điều tra tại hiện trường giúp quá trình điều tra vụ án hình sự được nhanh chóng, khách quan và chính xác.
Mục lục bài viết
1. Tri thức chung về điều tra tại hiện trường:
Điều tra tại hiện trường là một giai đoạn của quá trình điều tra vụ án có hiện trường. Nó bao gồm hàng loạt những hoạt động điều tra và các hoạt động cần thiết khác được tiến hành một cách cấp bách nhằm thu thập những tài liệu, chứng cứ và ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả hoạt động phạm tội.
Điều tra hiện trường thường diễn ra ở giai đoạn điều tra ban đầu với vụ án, nó xác lập căn cứ khởi tố vụ án và khởi tố bị can, xác lập những căn cứ và những điều kiện cần thiết cho cuộc điều tra tiếp theo.
Trong nhiều trường hợp, nhờ tiến hành các hoạt động điều tra tại hiện trường mà xác định rằng sự kiện xảy ra không phải là sự kiện tội phạm.
Điều tra tại hiện trường thường do cơ quan điều tra, công an cấp quận, huyện ; đồn biên phòng, hải quan, kiểm lâm, các cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra, cơ quan kỹ thuật hình sự tiến hành. Trong những trường hợp có thể phải thu hút hàng loạt các cơ quan hoặc chuyên gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia vào quá trình điều tra hiện trường.
Điều tra hiện trường chỉ diễn ra trong những tình huống đột xuất (nhận được tin báo về sự kiện xảy ra), trong một số trường hợp tin báo chỉ mới những sự kiện nghị là tội phạm đã xảy ra, trong những trường hợp khác chẳng những tin báo về sự kiện xảy ra mà còn phát hiện, bắt giữ được kẻ gây án. Mỗi một đặc điểm của tình huống như vậy sẽ điều chỉnh việc áp dụng các biện pháp điều tra hiện trường.
2. Những hoạt động điều tra và các hoạt động khác cấp bách tại hiện trường:
Biện pháp cấp bách tại hiện trường là những biện pháp được áp dụng ngay không chậm trễ do các cán bộ, chiến sĩ có trách nhiệm điều tra tại hiện trường tiến hành với mục đích khắc phục hiệu quả, phòng ngừa những nguy hiểm, ngăn chặn hành động phạm tội tiếp diễn không để thủ phạm trốn thoát, tiêu hủy dấu vết, vật chứng, thu thập những tài liệu, chứng cứ.
Sau đây là những hoạt động cấp bách tại hiện trường.
a/ Nhận tin báo hoặc tin tố giác.
– Nhận tin báo hoặc tin tố giác thường do trực ban hình sự các cấp đảm nhận. Nó là hoạt động cấp bách đầu tiên và thường diễn ra ở trụ sở công an, tuy nhiên sau khi nhận được tin báo cần tổ chức xác minh, sàng lọc, nghiên cứu tin để có quyết định xử lý tin đúng đắn.
b/ Tổ chức lực lượng và phương tiện đến ngay hiện trường bằng mọi sự ưu tiên nhất.
Dựa trên cơ sở tin đã được nghiên cứu xác minh cán bộ trực ban hình sự báo cáo với lãnh đạo, đề xuất các biện pháp cần áp dụng ngay. Lãnh đạo phải tổ chức chỉ đạo các lực lượng và phương tiện đến hiện trường.
c/ Cứu chữa nạn nhân.
Nếu tại hiện trường có nạn nhân thì phải tổ chức cấp cứu ngay. Tùy theo vết thương nặng hay nhẹ mà đưa họ … đến trạm xá, bệnh viện cấp cứu. Trong những trường hợp nhất định có thể cấp cứu ngay tại hiện trường. Quá trình cấp cứu cần lấy lời khai của người bị nạn. Nội dung tập trung vào những điều cần thiết nhất như ai đã gây ra, vì sao gây ra việc đó, người đó đang ở đâu, đề có thể truy tìm, khi bắt chuyện gì nguy hiểm đang hoặc sắp xảy ra…
d/ Ngăn chặn thiệt hại đang tiếp diễn và ngăn chặn những ảnh hưởng xấu có thể xảy ra.
Trường hợp hiện trường đang có những thiệt hại xảy ra về vật chất như kho đảng bốc cháy, dầu xăng đang chảy ra từ đường ống, các chất độc, chất phóng xạ đang rò rỉ thì phải tổ chức cứu chữa ngăn chặn ngay những thiệt hại tiếp tục xảy ra.
Các vụ án xảy ra tùy theo tính chất mức độ, đặc điểm, thời gian, địa điểm bối cảnh chính trị nhất định đều có ảnh hưởng không tốt đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong một thời gian nhất định. Bởi vậy cần áp dụng những biện pháp cần thiết để hạn chế, ngăn chặn những ảnh hưởng xấu này đến mức thấp nhất.
e/ Truy tìm và bắt kẻ phạm tội.
Trường hợp biết kẻ phạm tội còn ở quanh khu vực hiện trường, chưa chạy được xa hoặc xác định được hướng chạy trốn thì cần phải tổ chức truy tìm, truy lùng, truy bắt kẻ phạm tội.
f/ Lấy lời khai người bị bắt.
Trong trường hợp phát hiện ra kẻ gây án thì bắt giữ và lấy lời khai ngay lập tức người bị bắt về những vấn đề khẩn cấp như đồng bọn còn đang lẩn trốn bị bắt giữ chúng còn cất dấu chưa bị phát hiện, thu giữ, những hoạt động phạm tội đang tiếp tục xảy ra cần ngăn chặn ngay.
g/ Bảo vệ hiện trường.
Khi đến hiện trường cần tổ chức ngay việc bảo vệ hiện trường nguyên vẹn như tình trạng ban đầu khi mới phát hiện.
h/ Bảo vệ ngay các dấu vết vật chứng có nguy cơ bị hư hại.
Thực tiễn điều tra cho thấy rằng, khi đến hiện trường có những dấu vết, vật chứng đang bị đe dọa hư hỏng do thời tiết, mưa, nắng, gió trong những trường hợp như vậy phải áp dụng những biện pháp và phương tiện thích hợp để bảo vệ ngay những dấu vết, vật chứng đó.
i/ Lấy lời khai người biết việc.
Sự kiện xảy ra, những tin tức về sự kiện đó hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp được phản ánh trong nhận thức của những người biết việc. Lấy ngay lời khai của họ về nội dung, điều kiện, hoàn cảnh họ biết được sự kiện và những tin tức có liên quan đến quá trình làm sáng tỏ vụ án sắp tới là cần thiết. Trong nhiều trường hợp lấy ngay lời khai của họ cho phép áp dụng những biện pháp hữu hiệu truy tìm thủ phạm.
k/ Ghi nhận những biến đổi trên hiện trường.
l/ Sử dụng chó nghiệp vụ truy tìm thủ phạm và vật chứng theo dấu vết ” nóng “.
m/ Khám nghiệm hiện trường.
n/ Nêu những nhận xét, nhận định ban đầu về sự kiện đã xảy ra.
3. Bảo vệ hiện trường:
3.1. Hiện trường là gì?
Hiện trường là nơi còn lưu giữ dấu vết, vật chứng của tội phạm hoặc nghi liên quan đến tội phạm mà
Khi có sự kiện tội phạm hoặc nghi là tội phạm xảy ra cơ quan điều tra rất quan tâm đến những nơi còn giữ được dấu vết, vật chứng về sự kiện đó. Có thể là nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông, nơi kho tàng bị cháy, nơi nạn nhân bị giết, cửa hàng bị cậy khóa và mất trộm…
Cần phân các loại hiện trường để thuận tiện cho bảo vệ và khám nghiệm hiện trường.
– Phân theo nội dung, tính chất sự việc xảy ra hiện trường ngoài trời.
– Phân theo nội dung, tính chất sự việc xảy ra, có hiện trường vụ cháy, vụ nổ, vụ giết người, tai nạn giao thông, vụ dán áp phích, rải truyền đơn chống chế độ, vụ gây rối…
– Phân theo tình trạng của dấu vết có hiện trường còn nguyên vẹn, hiện trường đã bị xáo trộn.
3.2. Thế nào là bảo vệ hiện trường và vì sao phải bảo vệ hiện trường?
a/ Bảo vệ hiện trường: là công việc giữ cho hiện trường ở trạng thái như khi mới phát hiện ra nó. Có nghĩa là giữ nguyên được các dấu vết, vật chứng và bối cảnh chung.
b/ Vì sao phải bảo vệ và ai bảo vệ.
Những nguyên nhân sau đây có thể làm xáo trộn, hư hỏng hiện trường.
+ Hoạt động của con người.
+ Hoạt động của súc vật và các loại côn trùng.
+ Sự tác động của thời tiết lên các dấu vết, vật chứng.
c/ Ai bảo vệ hiện trường.
+ Lực lượng bảo vệ ở cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường học …
+ Bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm…
+ Công an phường, xã, dân quân các địa phương. + Cơ quan công an các cấp.
3.3. Khi bảo vệ hiện trường cần chú ý những công việc sau đây:
Bao quát khu vực hiện trường.
– Cử cán bộ chốt giữ các địa điểm có thể ra vào được hiện trường.
– Sử dụng những phương tiện cần thiết để bảo vệ hiện trường
– Báo cáo với lãnh đạo cơ quan xí nghiệp, trường học, chính quyền địa phương để xin chủ trương, giúp phương tiện và người để bảo vệ hiện trường.
Ghi nhận những thay đổi trên hiện trường.
Quá trình bảo vệ không để cho người không nhiệm vụ ra vào hiện trường.
– Không tự ý đi lại trên hiện trường .
– Không mang các vật ra khỏi hiện trường và cũng không đưa vào hiện trường những vật khác.
– Không được tiết lộ những bí mật trên hiện trường. Không làm việc khác khi đang bảo vệ hiện trường. Xác định đối tượng nghi vấn và theo dõi di biến động của họ.
– Lấy lời khai người biết việc.
– Báo cáo với lực lượng khám nghiệm hiện trường những tin tức cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng này hoạt động.
Làm những văn bản cần thiết trong quá trình bảo vệ hiện trường và chuyển giao cho cơ quan có trách nhiệm những vật chứng đã thu giữ.
4. Khám nghiệm hiện trường:
4.1. Khái niệm:
Khám nghiệm hiện trường là tổ chức việc nghiên cứu, phát hiện, ghi nhận, thu lượm, bảo quản dấu vết, vật chứng và các tin tức tài liệu có liên quan trực tiếp tại hiện trường.
– Khám nghiệm hiện trường là hoạt động cấp bách.
– Khám nghiệm hiện trường là hoạt động điều tra hình sự.
Khám nghiệm hiện trường là hoạt động nghiệp vụ đòi hỏi sự tham gia của nhiều lực lượng và phương tiện kỹ thuật hình sự. Trong những trường hợp nhất định có có thể mời cả những chuyên gia có chuyên môn thích hợp tham gia vào quá trình khám nghiệm hiện trường. Do vậy số người tham gia khám nghiệm hiện trường không bị hạn chế. Tuy nhiên luật quy định điều tra viên là người tổ chức và tiến hành khám nghiệm hiện trường.
4.2. Yêu cầu và nhiệm vụ khám nghiệm hiện trường:
a/ Yêu cầu :
Phải kịp thời.
Phải thật khoa học.
Mọi dấu vết, vật chứng và tin tức cần thiết phải được phát hiện và thu giữ.
b/ Nhiệm vụ :
– Phát hiện, nghiên cứu, đánh giá các dấu vết, vật chứng và ghi nhận vị trí trạng thái chúng tại hiện trường.
– Thu lượm, bảo quản các dấu vết, vật chứng, tài liệu có liên quan, xác lập các văn bản pháp lý.
Điều tra, thu thập, phân tích, chọn lọc những tin tức, tài liệu có liên quan trực tiếp đến hiện trường.
– Phát hiện những sơ hở, thiếu sót, đề xuất những biện pháp phòng ngừa tích cực.
4.3. Phương pháp khám nghiệm hiện trường:
Phương pháp quan sát.
Quan sát bao quát toàn bộ hiện trường và quan sát tỉ mỉ từng chi tiết.
Có thể dùng mắt thường hoặc dùng các phương tiện kỹ thuật để quan sát.
Quan sát có thể phát hiện được vật chứng, dấu vết, bao quát được khu vực hiện trường và phác họa được từng khu vực của hiện trường để chuyển sang khám tỉ mỉ.
Phương pháp khám tỉ mỉ : Cán bộ tiến hành nghiên cứu sử dụng các phương tiện kỹ thuật phát hiện, thu lượm, bảo quản, đánh giá dấu vết, vật chứng ở hiện trường.
Có thể khám nghiệm theo phân chia khu vực. Cũng có thể khám lần theo dấu vết.
4.4. Xây dựng hồ sơ khám nghiệm hiện trường:
– Lập biên bản khám nghiệm hiện trường.
Vẽ sơ đồ chung toàn bộ hiện trường, sơ đồ khu vực, sơ đồ chi tiết.
– Các bản ảnh hiện trường : Ảnh toàn cảnh hiện trường, ảnh xác định hướng, ảnh từng phần, ảnh chi tiết.
– Báo cáo khám nghiệm hiện trường.
Tất cả những văn bản trên đây được tập hợp vào một hồ sơ gọi là hồ sơ khám nghiệm hiện trường.