Khái quát về người ra quyết định thanh tra thuế? Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra thuế?
Thanh tra thuế là hoạt động đặc thù của cơ quan thuế đối với người nộp thuế nhằm kết luận về việc chấp hành các quy định pháp luật thuế; đánh giá ưu điểm – khuyết điểm, góp phần hoàn thiện chính sách, cơ chế quản lý thuế; phòng ngừa và xử lý các vi phạm pháp luật thuế, nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế.
Mục lục bài viết
1. Khái quát về người ra quyết định thanh tra thuế:
Quyết định thanh tra thuế là văn bản do chủ thể có thẩm quyền ban hành làm phát sinh hoạt động thanh tra thuế và chứng minh hoạt động thanh tra thuế là hợp pháp. Quyết định thanh tra thuế được quy định tại Điều 114 Luật Quản lý thuế, tại điều luật này xác định rằng:
Người ra quyết định thanh tra thuế là “Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế các cấp có thẩm quyền“- tức là “Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế; Cục trưởng Cục Thuế; Chi cục trưởng Chi cục Thuế”.
Với tư cách là người đứng đầu cơ quan thuế, cũng như là người ra quyết định thanh tra thuế có khả năng ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người nộp thuế, chủ thể này buộc phải được ghi nhận nhiệm vụ, quyền hạn một cách cụ thể để ràng buộc trách nhiệm và tránh tình trạng lạm quyền, đảm bảo hoạt động thanh tra diễn ra hiệu quả, đúng đắn. Quyết định được ban hành, người ra quyết định thanh tra thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
2. Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra thuế:
Nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra thuế được quy định tại Điều 116 Luật Quản lý thuế, trong đó bao gồm 11 nhiệm vụ, quyền hạn sau:
– Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đoàn thanh tra thuế thực hiện đúng nội dung, quyết định thanh tra thuế;
Đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo rằng đoàn thanh tra thực hiện nghiêm túc, đúng đắn, hiệu quả theo đúng nội dung được ghi nhận trong quyết định thanh tra thuế. Chỉ đạo ở đây có nghĩa là định hướng, phân công, hướng dẫn đoàn thanh tra thực hiện; kiểm tra có nghĩa là xem xét việc thực hiện; và giám sát là chủ động theo dõi, đánh giá hoạt động của đoàn thanh tra. Nếu nhiệm vụ, quyền hạn này được đảm bảo thì công tác thực hiện của đoàn thanh tra sẽ mang lại hiệu quả tối ưu nhất.
– Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra thuế cung cấp thông tin, tài liệu đó;
Khi nhắc đến đối tượng thanh tra thuế thì người ta liên tưởng ngay tới người nộp thuế, họ là người thực hiện các hoạt động liên quan đến thuế. Việc yêu cầu đối tượng thanh tra thuế cung cấp các thông tin tài liệu, báo cáo, giải trình liên quan đến nội dung thanh tra thuế là cần thiết để đảm bảo cho hoạt động thanh tra thuế được diễn ra thuận tiện và nhanh chóng hơn. Đặc biệt, đối với nhiệm vụ, quyền hạn này, người ra quyết định thanh tra thuế với tư cách là người có thẩm quyền, sử dụng quyền lực để yêu cầu, do đó đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm cung cấp mà không được từ chối. Cần chú ý, đối tượng thanh tra được xác định rõ trong quyết định thanh tra thuế được ban hành.
– Trưng cầu giám định về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế;
Trưng cầu giám định là nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định đối với một cơ quan giám định độc lập về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra thuế, mà thường là các vấn đề về tài sản. Quyền hạn này có thể không phổ biến, bởi tùy từng trường hợp thì việc trưng cầu giám định có thực sự cần thiết thì mới được sử dụng.
– Tạm đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ việc làm khi xét thấy việc làm đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
Tạm đình chỉ là việc tạm ngừng việc làm trong một thời gian nhất định và chỉ có thể tiếp tục khi có quyết định phục hồi hoặc hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ. Đình chỉ là việc quyết định chấm dứt việc làm. Việc trao quyền tạm định chỉ, kiến nghị đình chỉ cho người ra quyết định thanh tra cũng hoạt toàn hợp lý, khi họ là người theo dõi đối với hoạt động thanh tra và nếu xét thấy việc làm gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của chủ thể khác thì điều quan trọng là cần phải hạn chế điều đó nhanh nhất và hiệu quả nhất.
– Quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử lý kết quả thanh tra, đôn đốc việc thực hiện quyết định xử lý về thanh tra thuế;
Kết quả thanh tra là báo cáo sơ bộ về quá trình và những điều có được từ hoạt động thanh tra. Xử lý kết quả thanh tra là việc đảm bảo cho quá trình ra kết luận thanh ra và quyết định xử lý thanh tra thuế. Đôn đốc việc thực hiện quyết định xử lý thanh tra thuế yêu cầu các đơn vị có liên quan, cá nhân nhanh chóng thực hiện quyết định đúng đắn, chính xác.
– Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến trách nhiệm của trưởng đoàn thanh tra thuế, các thành viên khác của đoàn thanh tra thuế;
Giải quyết khiếu nại, tổ cáo là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo lợi ích của đối tượng thanh tra, nhà nước, cá nhân, tổ chức liên quan. Giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng là nhiệm vụ phổ biến của hầu hết các cá nhân có thẩm quyền, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan nhà nước. Quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành.
– Đình chỉ, thay đổi trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra khi không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ thanh tra hoặc có hành vi vi phạm pháp luật hoặc khi phát hiện trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra có liên quan đến đối tượng thanh tra hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể thực hiện nhiệm vụ thanh tra;
Đoàn thanh tra là chủ thể trực tiếp thực hiện hoạt động thanh tra, là chủ thể đưa ra kết quả thanh tra làm căn cứ để kết luận thanh tra và có quyết định xử lý hay không, do vậy, trưởng đoàn, thành viên đoàn thanh tra phải đpá ứng các yêu cầu, nhiệm vụ vì vậy, khi không còn đáp ứng thì họ thường bị định chỉ và bị thay đổi. Đối với hành vi vi phạm pháp luật hay có liên quan đến đối tượng thanh tra, thì đây là các trường hợp đặc thù mà việc thanh tra sẽ không thể đưa ra kết quả khách quan, chính xác, do vậy việc bị đình chỉ và thay đổi là điều dễ hiểu. Đây là quyền hạn quan trọng của người ra quyết định thanh tra, thể hiện sự chỉnh chu, tỷ mỉ trong việc lựa chọn chính xác các cá nhân trong đoàn thanh tra.
– Kết luận về nội dung thanh tra thuế;
Đây là nhiệm vụ quan trọng, được thực hiện dựa trên các tài liệu được cung cấp, ghi nhận lại toàn bộ quá trình và kết quả thanh tra thuế, đảm bảo đủ cơ sở, căn cứ pháp lý và hợp pháp của hoạt động thanh tra.
– Chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu của tội phạm, đồng thời
Đây là nhiệm vụ thể hiện sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc phát hiện và xử lý tội phạm, đảm bảo được các hành vi vi phạm pháp luật được xử lý triệt để, tránh bỏ lọt tội phạm. Việc thông báo cho Viện kiểm sát cũng rất quan trọng để đảm bảo rằng cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp được biết và nắm bắt thực tế.
– Áp dụng các biện pháp quy định tại các điều 121, 122 và 123 của Luật này;
Đó là các biện pháp: Thu thập thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế; Tạm giữ tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế; Khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế.
– Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản đó để phục vụ việc thanh tra khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản, không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản của Thủ trưởng cơ quan Thanh tra nhà nước, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước.
Phong tỏa tài khoản là việc tạm ngừng hoạt động chiều ra của tài khoản ngân hàng trong một thời gian nhất định để đảm bảo cho tài khoản không bị tẩu tán. Việc yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản là quyền, còn tổ chức tín dụng có nghĩa vụ phải thực hiện việc phòng tỏa, điều này cho thấy được rằng, để hoạt động thanh tra thuế được hiệu quả thì việc cần sự giúp đỡ của các cơ quan, cá nhân khác là điều hoàn toàn cần thiết.