Đo vẽ chi tiết ranh giới thửa đất được thực hiện theo hiện trạng thực tế đang sử dụng. Nguyên tắc thực hiện đo vẽ chi tiết ranh giới thửa đất.
Đo vẽ chi tiết ranh giới thửa đất được thực hiện theo hiện trạng thực tế đang sử dụng. Nguyên tắc thực hiện đo vẽ chi tiết ranh giới thửa đất.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi đang ở trên miếng đất và được cấp sổ đỏ với diện tích là 109m2. Nay chính quyền có đo lại để cấp sổ đỏ mới thì chỉ còn lại là 98m2. Khi tôi trình bày trong đơn khiếu nại thì được trả lời là do đo lại theo hệ khác (tôi không biết hệ gì?) nên mất đất. Nhưng thực tế mảnh đất do chủ đất hai bên lấn ranh. Một bên khi đo đac lại để cất nhà thì không cho tôi biết. Một bên thì lấn ranh qua khoảng 5 tấc đất chiều dọc để cất nhà cũng không nói với tôi 1 tiếng nào. Nay khi đo đạc lại thì cán bộ lấy theo thực tế hiện trạng (hình chữ nhật, trước kia sổ đỏ là hình gần giống hình thang). Xin cho hỏi tôi phải làm sao để làm sổ đỏ mới không bị mất đất? Xin cảm ơn! ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Khoản 3 Điều 12 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định như sau:
"3. Đo vẽ ranh giới thửa đất
3.1. Việc đo vẽ chi tiết ranh giới thửa đất được thực hiện theo hiện trạng thực tế đang sử dụng, quản lý đã được xác định theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này.
Trường hợp có giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất thể hiện rõ ranh giới thửa đất (có kích thước cạnh hoặc tọa độ đỉnh thửa đất) nhưng ranh giới thửa đất trên thực địa đã thay đổi so với giấy tờ đó thì trên bản đồ địa chính phải thể hiện cả đường ranh giới thửa đất theo giấy tờ đó (bằng nét đứt) và ranh giới thửa đất theo hiện trạng (bằng nét liền). Đơn vị đo đạc phải thể hiện sự thay đổi về ranh giới thửa đất trong Phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất lập theo mẫu quy định tại Phụ lục số 12 kèm theo Thông tư này; đồng thời lập danh sách các trường hợp thay đổi ranh giới thửa đất gửi Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường (đối với thửa đất do tổ chức sử dụng) nơi có thửa đất để xử lý theo thẩm quyền.
Trong quá trình đo vẽ chi tiết, tại mỗi trạm máy phải bố trí các điểm chi tiết làm điểm kiểm tra với các trạm đo kề nhau. Số lượng điểm kiểm tra phụ thuộc vào khu vực đo và không dưới 2 điểm với mỗi trạm đo kề nhau. Trường hợp sai số vị trí điểm kiểm tra giữa hai lần đo từ hai trạm máy bằng hoặc nhỏ hơn sai số quy định tại Điều 7 của Thông tư này thì vị trí điểm kiểm tra được xác định bằng tọa độ trung bình giữa hai lần đo. Trường hợp sai số nói trên vượt quá sai số quy định tại Điều 7 của Thông tư này thì phải kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân để khắc phục.
Đối với khu đo cùng thời điểm đo vẽ có nhiều tỷ lệ khác nhau thì phải đánh dấu các điểm chi tiết chung của hai tỷ lệ để đo tiếp biên. Các điểm đo tiếp biên phải được đo đạc theo chỉ tiêu kỹ thuật của tỷ lệ bản đồ lớn hơn.
3.2. Sau khi bản đồ địa chính được nghiệm thu cấp đơn vị thi công, đơn vị đo đạc in Phiếu xác nhận kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất theo mẫu quy định tại Phụ lục số 12 kèm theo Thông tư này và giao cho người sử dụng đất để kiểm tra, xác nhận, kê khai đăng ký đất đai theo quy định và nộp lại cùng hồ sơ đăng ký đất đai để làm cơ sở nghiệm thu bản đồ địa chính. Trường hợp phát hiện trong kết quả đo đạc địa chính thửa đất có sai sót thì người sử dụng đất báo cho đơn vị đo đạc kiểm tra, chỉnh sửa, bổ sung."
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Trong trường hợp nếu như sau khi kết thúc việc đo vẽ ranh giới thửa đất, nếu như chủ sở hữu quyền sử dụng đất mảnh đất được đo đạc nhận thấy kết quả đo đạc chỉnh thửa đất có sai sót thì chủ sở hữu quyền sử dụng đát mảnh đất được đo đạc có quyền yêu cầu đơn vị đo đạc kiểm tra, chỉnh sửa, bổ sung. Theo mục 1.2 khoản 1 Điều 11 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT: "Ranh, giới thửa đất được xác định theo hiện trạng đang sử dụng, quản lý và chỉnh lý theo kết quả cấp Giấy chứng nhận, bản án của tòa án có hiệu lực thi hành, kết quả giải quyết tranh chấp của cấp có thẩm quyền, các quyết định hành chính của cấp có thẩm quyền có liên quan đến ranh giới thửa đất.", cơ quan thực hiện xác định ranh giới thửa đất phải căn cứ vào hiện trạng đang sử dụng, quản lý. Nếu như không có sự thay đổi về nội dung cấp Giấy chứng nhận, bản án của tòa án có hiệu lực thi hành, kết quả giải quyết tranh chấp của cấp có thẩm quyền, các quyết định hành chính của cấp có thẩm quyền có liên quan đến ranh giới thửa đất thì cơ quan tiến hành xác định ranh giới đất không được thay đổi kích thước của thửa đất.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, chủ sở hữu quyền sử dụng đất có thể yêu cầu đơn vị đo đạc, kiểm tra, chỉnh sửa, bổ sung kết quả đo đạc. Nếu như, có sai phạm trong hoạt động xác định ranh giới đất, chủ sở hữu đất và người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến quyền sử dụng đất có thể thực hiện quyền khiếu nại và tố cáo về sai phạm trong hoạt động của đơn vị đo đạc. Việc khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo Luật khiếu nại năm 2011, Luật tố cáo năm 2011. Chủ sở hữu quyền sử dụng đất cần cung cấp các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất của mình.