Nguyên nhân dẫn đến các hoạt động đầu tư núp bóng của nước ngoài? Các khía cạnh kiểm soát hoạt động đầu tư núp bóng của nước ngoài?
Mục lục bài viết
1. Nguyên nhân dẫn đến các hoạt động đầu tư “núp bóng” của nước ngoài:
Che giấu các khoản đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư cũng dẫn đến cho các nhà đầu tư nước ngoài nhiều rắc rối, đặc biệt là vấn đề không được ghi nhận quyền sở hữu để nhận được bảo hộ tại nước tiếp nhận đầu tư và do đó rủi ro rất lớn khi xảy ra tranh chấp. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến quyết định đầu tư như vậy của nhà đầu tư nước ngoài, nội dung phần này nêu ra một số nguyên nhân điển hình như sau:
1.1. Đầu tư vào ngành nghề cấm hạn chế đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài:
Xuất phát từ nhu cầu bảo vệ các nhà đầu tư trong nước trong những lĩnh vực đầu tư quan trọng như độc quyền nhà nước, đặc điểm lợi thế quốc gia,… Ngoài ra, nhà nước dành ưu tiên để các nhà đầu tư trong nước chiếm thị phần trong khi năng lực cạnh tranh thấp, nếu có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm trên thế giới thì nguy cơ bị mất thị phần rất cao, lợi nhuận sẽ chảy về các nước ngoài đầu tư. Vì vậy, bảo hộ đầu tư trong nước là một biện pháp mà các nước tiếp nhận đầu tư áp dụng để bảo vệ các nhà đầu tư trong nước và sự ổn định của nền kinh tế. Tùy vào thực trạng kinh tế xã hội, mỗi quốc gia có những chính sách bảo hộ đầu tư riêng theo từng giai đoạn và trên cơ sở của các hiệp định đầu tư ký kết.
Các quốc gia thường hướng tới áp dụng biện pháp cấm/ hạn chế gia nhập thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài vào nước tiếp nhận đầu tư theo ngành nghề. Ngoài tuân thủ theo cam kết gia nhập WTO trong đó các cam kết mở cửa thị trường, hầu hết các quốc gia đều có một danh sách ngành nghề kinh doanh hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, trong danh sách này nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu cổ phần/ phần vốn góp thường dao động từ 0% – 49% tổng vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Như vậy, có những ngành nghề nhà đầu tư nước ngoài không được phép đầu tư tại nước sở tại, có những ngành nghề nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư nhưng với những tỷ lệ sở hữu nhỏ, không đủ chi phối hoạt động đầu tư kinh doanh của tổ chức đó. Hiện nay, Việt Nam có 25 ngành nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận và 59 ngành nghề nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận có điều kiện. Việc đầu tư “núp bóng” không chính danh giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư, kiếm lợi nhuận tại nước khác trong những ngành nghề kinh doanh nếu như họ đứng một mình thì không thể thực hiện được.
1.2. Rửa tiền:
Rửa tiền là các hành động nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc các tài sản do phạm tội mà có, theo đó các tài sản từ vi phạm pháp luật được che giấu nguồn gốc và biến thành tiền sạch hay tài sản hợp pháp. Hoạt động rửa tiền vô cùng nguy hiểm đối với mỗi quốc gia và an ninh toàn cầu khi (1) sự thiếu minh bạch nguồn tiền cũng khiến nhà nước khó quản lý, làm gia tăng sự cạnh tranh không lành mạnh, gây bất ổn về nền kinh tế vĩ mô; (ii) các nguồn tiền phạm pháp có thể trở thành nguồn tài trợ khủng bố hoặc trốn tránh các biện pháp trừng phạt quốc tế.
Theo “Khảo sát về Tội phạm kinh tế và gian lận toàn cầu năm 2018” được công bố bởi Công ty TNHH Tư vấn PwC Việt Nam thực hiện với 7.228 người tại 123 quốc gia và vùng lãnh thổ cho kết quả khảo sát: 36% các tổ chức được khảo sát cho biết đã đối mặt với tội phạm kinh tế nói chung. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Thế giới, mỗi năm có từ 2% đến 5% GDP toàn cầu là tiền được rửa và hành vi trốn thuế. Mặc dù không có số liệu thống kê về tỷ lệ tội phạm rửa tiền sử dụng tiền đó trong hoạt động đầu tư ở nước ngoài, nhưng không loại trừ khả năng này.
Nghiên cứu do Bộ Tài chính Cộng hòa Liên Bang Đức thực hiện năm 2016 ước tính hơn 108 tỷ USD tiền có nguồn gốc tội phạm được “rửa” mỗi năm ở nước này. Trong khi đó, Hiệp hội Ngân hàng Pfandbrief của Đức ước tính có khoảng 32,5 tỷ USD tiền đầu tư vào Đức có nguồn gốc từ các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản năm 2017. Theo số liệu này, có thể thấy số tiền từ nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản của Đức nhằm mục đích rửa tiền là khá lớn [1].
Theo báo cáo của tóm tắt đánh giá rủi ro Quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố 2012 – 2017, tại Việt Nam, từ năm 2010 đến tháng 9 năm 2016, Việt Nam đã nhận được 15 yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự từ nước ngoài, chủ yếu đến từ các nước Úc, Hoa Kỳ, Ba Lan, Tây Ban Nha, Campuchia và liên quan chủ yếu đến các tội rửa tiền, ma túy (trong đó riêng yêu cầu có liên quan đến tội rửa tiền chiếm 11/15 yêu cầu) và các tội khác như trốn thuế, lạm dụng chức vụ, hối lộ. Các yêu cầu đề nghị tương trợ bao gồm việc điều tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ.
Hầu hết tất cả các vụ việc này đã được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam giải quyết và phản hồi cho đối tác. Mặc dù không có số liệu thống kê được các tài sản này vào Việt Nam thông qua con đường nào? theo hình thức nào? có phải được sử dụng để thực hiện các hoạt động đầu tư ở Việt Nam hay không? Tuy nhiên, theo xu hướng chung của thế giới thì khả năng chúng xảy ra là cao, khi các dòng tiền phạm pháp này vào Việt Nam, không loại trừ khả năng chúng được chuyển thành tiền đầu tư không chính thức. Đây cũng là một con số báo động về hoạt động rửa tiền tại Việt Nam, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế, chính trị quốc gia.
1.3. Gian lận xuất xứ:
Trong nội bộ quốc gia, quy định về xuất xứ hàng hóa là công cụ giúp nhà nước bảo vệ người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng có được các thông tin minh bạch, sản phẩm chất lượng, đồng thời cũng lường trước về trách nhiệm bồi thường nếu có khi phát sinh. Dưới góc độ kinh tế, quy định về xuất xứ hàng hóa giúp ổn định thị trường, minh bạch hóa. Khi có giao lưu thương mại quốc tế, xuất xứ hàng hóa lại là một công cụ hữu hiệu giúp các quốc gia có lợi thế so sánh, lợi thế thương mại. Thông qua các FTAs, các quốc gia thành viên sẽ có những ưu thế hơn khi thuế nhập khẩu thấp hơn so với các quốc gia khác không phải thành viên.
Gian lận xuất xứ mang lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp nước gian lận và đương nhiên sẽ khiến nước bị gian lận xuất xứ gặp rắc rối. Cụ thể, các nước bị gian lận xuất xứ có thể đối diện với việc bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại: bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất, quốc gia mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường nếu như bị nước nhập khẩu phát hiện.
Khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung vẫn đang diễn ra, xuất hiện tình trạng “đầu tư chui, đầu tư núp bóng” trong ngành gỗ nhằm gian lận xuất xứ lấy nhãn mác xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác. Theo báo cáo Đầu tư trực tiếp nước ngoài trong ngành gỗ Việt Nam (2020) chỉ ra hình thức đầu tư “núp bóng” như: các doanh nghiệp Trung Quốc thuê nhà xưởng, nhân công, người quản lý của Việt Nam, nhưng thực chất là nhập khẩu các bộ phận của đồ gỗ từ Trung Quốc và sau đó lắp ráp tại Việt Nam nhằm lấy được xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu hưởng ưu đãi thuế [9].
1.4. Thực hiện tội phạm khác:
Một số “nhà đầu tư” nước ngoài đã lợi dụng nhiều thủ đoạn “núp bóng” khác nhau để thực hiện các hành vi phạm tội nhằm mục đích kiếm lợi. Theo báo cáo Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện các thủ đoạn phạm tội như: hành vi người nước ngoài đầu tư vốn cho người Việt Nam thành lập doanh nghiệp, sau đó thâu tóm điều hành doanh nghiệp nhằm mục đích tổ chức đánh bạc qua mạng, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, thao túng giá chứng khoán, sử dụng các phần mềm, ứng dụng trên mạng Internet để cho vay nặng lãi và chuyển tiền trái phép qua biên giới; thông qua người Việt Nam tổ chức vận chuyển hàng hóa, buôn lậu, gian lận thương mại, che giấu nguồn gốc hàng hóa từ các quốc gia đang chịu áp các chính sách thuế của Mỹ, Châu Âu,…
Các loại tội phạm kể trên rất nguy hiểm cho an ninh quốc gia và an toàn trật tự xã hội, nguy hiểm hơn nữa là chúng “núp bóng” các doanh nghiệp trong nước gây khó khăn cho hoạt động xác minh điều tra phá án của lực lượng công an. Đây là loại nguyên nhân thực hiện đầu tư “núp bóng” của nước ngoài nguy hiểm nhất mà các quốc gia phải đề phòng.
2. Các khía cạnh kiểm soát hoạt động đầu tư “núp bóng” của nước ngoài:
Kiểm soát hoạt động đầu tư nước ngoài nói chung và hoạt động đầu tư “núp bóng” của nước ngoài nói riêng là một vấn đề mà bất kỳ quốc gia nào cũng đều quan tâm trong hoạt động đầu tư trên lãnh thổ của mình. Đầu tư “núp bóng” của nước ngoài có tác động tiêu cực đến cả hai quốc gia nơi có nhà đầu tư và nơi tiếp nhận đầu tư: trong khi nước đầu tư bị chảy dòng tiền ra nước ngoài không kiểm soát được thì nước tiếp nhận đầu tư cũng gánh chịu những tác hại ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, kinh tế vĩ mô. Để kiểm soát được hoạt động này cần tới nỗ lực của nhà nước trong xây dựng cơ chế, công cụ kiểm soát,…và nội dung phần này sẽ nghiên cứu về chúng:
2.1. Cơ quan kiểm soát:
Cơ quan kiểm soát hoạt động đầu tư “núp bóng” của nước ngoài nói riêng là cơ quan thuộc quốc gia nước tiếp nhận đầu tư, có chức năng quản lý về đầu tư bao gồm nhưng không giới hạn như: chấp thuận đầu tư, giám sát, báo cáo,… và buộc các nhà đầu tư phải tuân theo bằng quyền lực nhà nước. Ở các quốc gia, các cơ quan kiểm soát đầu tư nói chung thuộc chính phủ,
Ví dụ: Thái Lan có hai cơ quan liên quan đến quản lý đầu tư: (1) Cục Phát triển kinh doanh: cơ quan đầu mối trong việc tiến hành các thủ tục đăng ký cấp Giấy phép kinh doanh nước ngoài và đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Thái Lan và (2) Cơ quan quản lý đầu tư trực thuộc Bộ Công nghiệp: có vai trò chủ trì trong việc xây dựng các danh mục khuyến khích, hạn chế đầu tư,… Malaysia có hai cơ quan gồm (1) Cơ quan quản lý về đầu tư của Malaysia là Cục Phát triển đầu tư trực thuộc Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp; (2) Cơ quan quản lý về đăng ký kinh doanh là Ủy ban doanh nghiệp Malaysia trực thuộc Bộ Thương mại nội địa, hợp tác xã và bảo vệ người tiêu dùng. Canada có các cơ quan quản lý đầu tư gồm: (1) Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài: thủ tục
2.2. Công cụ kiểm soát:
Đối với kiểm soát nền kinh tế vĩ mô nói chung, nhà nước thường sử dụng các công cụ để cùng điều tiết chủ yếu gồm: (1) Các chính sách kinh tế như chính sách tài khoá; chính sách tiền tệ; chính sách đầu tư; chính sách ngoại hối;… (2) Chương trình kế hoạch mang tính định hướng; và (3) hệ thống pháp luật. Tương tự đối với kiểm soát hoạt động đầu tư “núp bóng” của nước ngoài, nhà nước cũng sử dụng các công cụ phổ biến trên. Trong phạm vi luận văn này chỉ tập trung vào nội dung về công cụ pháp luật điều chỉnh.
Nhận diện được vấn đề cần điều chỉnh, Bộ Chính Trị đã ban hành Nghị Quyết 50 đưa ra nhận định và nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng,” chuyển giá, đầu tư “chui” đầu tư “núp bóng” như là một yêu cầu cấp bách, cần triển khai. Hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh đầu tư nước ngoài được xác định là kim chỉ nam và chìa khóa để kiểm soát các hoạt động này. Có thể nhận thấy, vấn đề kiểm soát hoạt động đầu tư “núp bóng” của nước ngoài đang được Việt Nam đặc biệt quan tâm, là một nhiệm vụ cấp bách và chiến lược trong phát triển kinh tế đất nước.
Pháp luật đầu tư theo nghĩa rộng là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tổ chức, thực hiện hoạt động đầu tư, bao gồm: pháp luật về thành lập doanh nghiệp, mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đất đai, lao động, thuế, ngân hàng,… Pháp luật đầu tư liên quan đến các mối quan hệ như: quan hệ Nhà nước với nhà đầu tư; quan hệ giữa nhà đầu tư với nhau, giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài,… Pháp luật đầu tư theo nghĩa hẹp là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tổ chức và tiến hành hoạt động đầu tư (thủ tục đầu tư, hình thức đầu tư, đảm bảo đầu tư, ưu đãi đầu tư,…). Trong khuôn khổ của bài luận văn này tập trung nghiên cứu theo hướng pháp luật đầu tư theo nghĩa rộng.
Với vị trí là một phần của pháp luật đầu tư, pháp luật kiểm soát hoạt động đầu tư “núp bóng” của nước ngoài là tổng thể các nguyên tắc, các quy phạm pháp luật điều chỉnh vấn đề kiểm soát hoạt động đầu tư “núp bóng” của nước ngoài trong các khía cạnh: thủ tục đầu tư, hình thức đầu tư, giám sát đầu tư,… và nó là một phần của pháp luật đầu tư.
Thứ ba, nội dung kiểm soát
Trên phạm vi pháp luật quốc tế, các cam kết quốc tế thường mang tính vĩ mô, các quy định khung, tuy nhiên có thể nhận thấy nội dung liên quan về kiểm soát hoạt động đầu tư “núp bóng” của nước ngoài được xem xét đối với: (i) khoản đầu tư nước ngoài được bảo hộ; và (ii) nhà đầu tư nước ngoài được bảo hộ. Trong khi đó, pháp luật về kiểm soát hoạt động đầu tư “núp bóng” trong phạm vi pháp luật quốc gia là pháp luật điều chỉnh trực tiếp vấn đề kiểm soát được thể hiện ở các nội dung: (i) cơ quan quản lý, cơ chế kiểm soát và thủ tục đầu tư; (ii) quản lý dòng vốn đầu tư; (iii) báo cáo giám sát; và (iv) trách nhiệm pháp lý.