Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định pháp luật. Vậy người thu nhập cao có được mua nhà ở xã hội không?
Mục lục bài viết
1. Người thu nhập cao có được mua nhà ở xã hội không?
Theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có nhiều điều kiện để một chủ thể được quyền mua nhà ở xã hội, theo như nhu cầu và mong muốn của họ. Vì thế bên cạnh các điều kiện về đối tượng, cư trú… thì cần phải thỏa mãn thêm cả điều kiện về thu nhập, bao gồm hai điều kiện cơ bản sau:
– Các đối tượng mua nhà ở xã hội phải là cá nhân không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật thuế;
– Các đối tượng mua nhà ở xã hội phải thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo, được hưởng những chính sách ưu đãi của địa phương.
Trong đó, có thể phân tích và trình bày chi tiết từng điều kiện như sau:
Thứ nhất, đối tượng không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên. Theo quy định của pháp luật thuế và bộ tài chính thì cá nhân không có người phụ thuộc không phải nộp thuế thu nhập khi có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công ≤ 11 triệu đồng / tháng. Đây là khoản thu nhập mà đã trừ đi các khoản như khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học… Cụ thể thì những cá nhân không đạt ngưỡng thu nhập chịu thuế trong bảng dưới đây thì được xếp vào đối tượng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Stt | Số người phụ thuộc | Thu nhập nhận được từ tiền lương, tiền công theo tháng | Tổng thu nhập nhận được từ tiền lương, tiền công theo năm |
1 | Không có người phụ thuộc | > 11 triệu đồng | > 132 triệu đồng |
2 | Có 01 người phụ thuộc | > 15,4 triệu đồng | > 184,8 triệu đồng |
3 | Có 02 người phụ thuộc | > 19,8 triệu đồng | > 237,6 triệu đồng |
4 | Có 03 người phụ thuộc | > 24,2 triệu đồng | > 290,4 triệu đồng |
5 | Có 04 người phụ thuộc | > 28,6 triệu đồng | > 343,2 triệu đồng |
6 | Có 05 người phụ thuộc | > 33 triệu đồng | > 396 triệu đồng |
Thứ hai, người có nhu cầu mua nhà ở xã hội thuộc vào đối tượng hộ nghèo hoặc cận nghèo được xác định theo các quy định tại Điều 3 Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 như sau:
– Đối với chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn thì được xác định là người có thu nhập bình quân tính trên đầu người / tháng chỉ đạt từ 1 triệu 500 đồng trở xuống và thiết hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên;
– Đối với chuẩn hộ nghèo ở khu vực thành thị thì được xác định là người có thu nhập bình quân tính trên đầu người / tháng chỉ đạt từ 2 triệu đồng trở xuống và thiết hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên;
– Đối với chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn thì được xác định là có thu nhập bình quân tính trên đầu người / tháng từ 1 triệu 500 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản;
– Đối với chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị thì được xác định là có thu nhập bình quân tính trên đầu người / tháng từ 02 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Như vậy, pháp luật hiện hành quy định rõ người có thu nhập thấp thuộc các đối tượng khó khăn nhất định mới thuộc diện được mua nhà ở xã hội, mặc dù pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể về mức thu nhập cao mà ở mức bao nhiêu tuy nhiên có thể sử dụng phương thức loại trừ như đã phân tích ở trên. Có thể lấy mốc mức thu nhập đóng thuế thu nhập thường xuyên để xác định điều kiện mua nhà ở xã hội. Tức là người lao động phải có thu nhập từ 11 triệu đồng / tháng trở xuống thì mới có thể được mua nhà ở xã hội. Hay người đó thỏa mãn điều kiện để xác định là hộ nghèo, hộ cận nghèo thì có mức thu nhập bình quân đầu người / tháng theo quy định trên. Vì thế đối với câu hỏi: Người thu nhập cao có được mua bảo hiểm xã hội không? thì câu trả lời là không do đây không phải đối tượng được pháp luật ưu tiên mua.
2. Quy định của pháp luật về những yêu cầu và điều kiện để mua nhà ở xã hội:
Thứ nhất, điều kiện về chủ thể. Căn cứ vào văn bản hợp nhất Luật Nhà ở năm 2020 thì để mua nhà ở xã hội, công dân có nhu cầu cần thuộc một số đối tượng được phép mua nhà ở xã hội của cơ quan nhà nước được quy định tại Điều 49. Theo đó, các đối tượng được phép mua nhà ở xã hội của cơ quan nhà nước bao gồm người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức…
Thứ hai, điều kiện về nhà ở. Tức là những đối tượng được mua nhà ở xã hội chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc chưa được mua nhà ở xã hội hoặc chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở và đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ cũng như từng khu vực. Trường hợp có nhà ở thuộc sở hữu của mình thì diện tích nhà ở bình quân dưới 10m2 / người.
Thứ ba, điều kiện về cư trú. Tức là những đối tượng được mua nhà ở xã hội phải là công dân có đăng ký thường trú tại tỉnh hoặc tại thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội, nếu như trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này.
Thứ tư, điều kiện về thu nhập. Đối tượng được xác định ở đây là người thu nhập thấp như đã phân tích ở trên. Người thu nhập thấp là người thuộc diện mua nhà ở xã hội sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị thì phải thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Đối tượng bảo trợ xã hội cũng phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường hay thị trấn nơi mình cư trú. Ngoài ra, đối với người có công với cách mạng, đối với các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ thì không yêu cầu phải đáp ứng điều kiện về thu nhập.
3. Tại sao người thu nhập cao không được mua nhà ở xã hội theo quy định pháp luật?
Nhà ở xã hội là loại nhà đặc biệt chỉ dành cho những đối tượng đặc biệt thể hiện sự quan tâm của nhà nước, trong đó có người thu nhập thấp. Pháp luật nhà ở không có quy định người thu nhập cao thuộc trường hợp được mua loại nhà ở xã hội này. Có thể kể đến những lí do sau:
Thứ nhất, nhà ở xã hội có giá thường rất thấp do nhà nước hỗ trợ về giá, hầu như chỉ tính tiền đất, vị trí xây dựng cũng phải ở nơi phù hợp như khu công nghiệp, vùng ven nhằm mục đích tạo điều kiện cho những người lao động di chuyển một cách dễ dàng và thuận lợi. Vì thế cho nên quỹ đất ở mấy khu đất này còn nhiều và rẻ hơn nội đô. Nhà ở xã hội này thì được bố trí gần chỗ làm, công nhân lại tiết kiệm chi phí đi lại, sức khỏe, ngoài ra còn giúp giảm tải giao thông, có lợi cho nền kinh tế.
Thứ hai, do giá vận hành của nhà ở xã hội cũng ở mức phù hợp với mức sống của người lao động, cho nên nếu cho người có thu nhập cao mua, thì người có thu nhập thấp sẽ không thể có điều kiện giành mua, khi đó sẽ gây ra thiệt thòi cho những người có kinh tế thấp hơn, bởi nhà ở xã hội là nơi ở được đánh giá là đủ điều kiện sinh sống tối thiểu cũng như tiết kiệm tối đa chi phí xây dựng, minh bạch các khoản thu chi.
Thứ ba, đối với những người có thu nhập cao, hầu như họ đều có công ăn việc làm và chỗ ở ổn định, thậm chí là nhiều nơi, nếu cho họ mua nhà ở xã hội nữa thì mục đích nhân văn của nhà nước sẽ không đạt được, người khó khăn vẫn mang những gánh nặng nhất định thậm chí họ phải đi ở nhà thuê, đời sống của họ không được cải thiện. Vì thế, quy định của pháp luật về đối tượng thuộc nhóm người thu nhập thấp, hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo được đánh giá là một quy định phù hợp.
4. Một số lưu ý trên thực tế về việc người thu nhập cao mua nhà ở xã hội:
Mặc dù luật không quy định nhưng trên thực tế thì nhiều người có thu nhập cao, thậm chí đại gia vẫn tìm nhiều cách để tranh suất mua nhà ở xã hội của người có thu nhập thấp. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trên, đó là:
Thứ nhất là từ tiêu chí điều kiện về nhà ở của đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội. Theo đó, pháp luật nhà ở quy định đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội chưa từng hưởng chính sách hỗ trợ dưới mọi hình thức tại nơi ở và nơi làm việc. Quy định này rất khó thực thi và kiểm tra trên thực tế nhất là đối với người thay đổi nơi làm việc nhiều lần. Cũng như pháp luật nhà ở quy định rằng đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội hoặc nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà tối thiểu. Trên thực tế, nếu một người nào đó muốn lách luật thì không khó, bởi khách mua để cho người thân khác đứng tên sở hữu nhà. Như vậy, khách mua chứng minh được mình chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc có nhà ở nhưng ở chật thì hiện tượng lách luật lại xảy ra.
Thứ hai là các tiêu chí điều kiện về thu nhập của đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội. Tại pháp luật nhà ở quy định người được hưởng chính sách phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ nhà tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Đây được xem là một lỗ hổng dẫn đến tình trạng người giàu tranh suất mua nhà ở xã hội hoặc có người giàu ở lẫn trong các chung cư nhà ở xã hội. Thực tế cho thấy nhiều người làm thêm nghề tay trái, mà nghề tay trái này lại tạo ra thu nhập cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều lần so với thu nhập của nghề chính thể hiện trên bảng tiền lương, tiền công chính thức, nên người mua nhà vẫn hội đủ tiêu chí điều kiện về thu nhập, đó là không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân. Vì thế cần nâng cao các quy định pháp luật và quá trình thực thi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để hạn chế các trình trạng trên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất Luật Nhà ở năm 2020;
Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2014;
Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025.