Hiện nay, rất nhiều người lao động làm việc trong công ty tuy nhiên không muốn đóng bảo hiểm xã hội, vì vậy đã thỏa thuận với người sử dụng lao động để hạn chế nghĩa vụ này, mặc dù tham gia chế độ bảo hiểm xã hội đem lại rất nhiều lợi ích cho người lao động. Vậy theo quy định của pháp luật thì người lao động không đóng bảo hiểm xã hội có được không?
Mục lục bài viết
1. Người lao động không đóng bảo hiểm xã hội được không?
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 2 của Văn bản hợp nhất Luật bảo hiểm xã hội năm 2019 có quy định về đối tượng áp dụng. Theo đó, người lao động là công dân Việt Nam sẽ thuộc đối tượng tham gia chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc. Bao gồm:
– Người lao động làm việc theo
– Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời gian từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
– Các cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ công chức và viên chức;
– Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm việc và công tác trong các tổ chức cơ yếu;
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng quân đội nhân dân, sĩ quan và hạ sĩ quan nghiệp vụ, sỹ quan và hạ sĩ quan chuyên môn kĩ thuật thuộc lực lượng công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương giống như quân nhân;
– Hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc quân đội nhân dân, hạ sĩ quan và chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn, học viên quân đội, học viên công an, học viên có yếu đang theo học và được hưởng chế độ sinh hoạt phí;
– Người làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng lao động;
– Người quản lý doanh nghiệp, người điều hành hợp tác xã có hưởng lương;
– Người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn.
Theo đó, người lao động làm việc và công tác tại doanh nghiệp thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia chế độ bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp sẽ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thông báo đến cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, hành vi thông đồng để trốn tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Căn cứ theo quy định tại Điều 17 của Văn bản hợp nhất Luật bảo hiểm xã hội năm 2019 có quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Bao gồm:
– Hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp;
– Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, chậm đóng tiền bảo hiểm thất nghiệp;
– Có hành vi chiếm dụng tiền đóng, chiếm dụng tiền hưởng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp;
– Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng mục đích, không đúng quy định pháp luật;
– Có hành vi gian dối, giả mạo thành phần hồ sơ để thực hiện bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp;
– Cản trở, thực hiện các hành vi gây khó khăn, gây thiệt hại tới quyền lợi hợp pháp chính đáng của người lao động hoặc người sử dụng lao động;
– Truy cập trái phép, khai thác trái phép cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp;
– Báo cáo sai sự thật, cung cấp thông tin sai sự thật, số liệu không chính xác trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó thì có thể nói, người lao động làm việc và công tác tại doanh nghiệp thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia chế độ bảo hiểm xã hội. Đây là khoản bắt buộc, thuộc nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động, vì vậy không thể dựa trên sự tự quyết định của người lao động và người sử dụng lao động, cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Hay nói cách khác, người lao động thuộc đối tượng tham gia chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc tuy nhiên không đóng bảo hiểm xã hội là hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
2. Những trường hợp người lao động có thể không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Căn cứ theo quy định tại Điều 42 của Quyết định 595/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, có quy định cụ thể về việc quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Theo đó:
– Người lao động đồng thời tham gia từ 02 hợp đồng lao động trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên, phải đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất, đóng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động nhất định;
– Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan hành chính/trong các đơn vị sự nghiệp nhà nước, có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp căn cứ dựa trên tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của người lao động;
– Các cơ quan, các đơn vị được quyền tạm dừng đóng quỹ hưu trí và quý tử tuất thì vẫn phải có trách nhiệm đóng quỹ ốm đau và quỹ tài sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Hết thời gian được quyền tạm dừng đóng, các cơ quan sẽ phải tiếp tục đóng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp theo phương thức đã đăng ký ban đầu và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và quý tử tuất. Khoản tiền đóng bù sẽ không tính lãi chậm đóng. Đồng thời, trong thời gian được tạm dừng đóng, nếu có người lao động nghỉ việc, người lao động di chuyển sang đơn vị khác hoặc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội thì đơn vị đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, và số tiền chậm đóng đối với người lao động đó để có thể xác nhận sổ bảo hiểm xã hội tại cơ quan bảo hiểm xã hội;
– Người lao động không làm việc, người lao động không hưởng lương trong khoảng thời gian từ đủ 14 ngày trở lên trong tháng thì người lao động đó sẽ không đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó. Thời gian này sẽ không được sử dụng để tính hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động;
– Người lao động nghỉ việc để hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì người lao động sẽ không cần phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, tuy nhiên người lao động vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế;
– Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trong khoảng thời gian từ đủ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người sử dụng lao động và người lao động không cần phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Đồng thời khoảng thời gian này vẫn sẽ được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, tuy nhiên không được tính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời được cơ quan bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho người lao động.
Theo đó thì có thể nói, người lao động chỉ được phép không tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong tháng nếu thuộc một trong những trường hợp sau:
Thứ nhất, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương trong khoảng thời gian từ đủ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động đó sẽ không cần phải đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó. Đồng thời, khoảng thời gian này người lao động cũng sẽ không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.
Thứ hai, người lao động nghỉ việc để hưởng chế độ ốm đau trong khoảng thời gian từ đủ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, khi đó người lao động cũng không cần phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, tuy nhiên người lao động vẫn sẽ được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế.
Thứ ba, người lao động nghỉ việc để hưởng chế độ thai sản trong khoảng thời gian từ đủ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động và người sử dụng lao động cũng không cần phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, khoảng thời gian này cũng vẫn sẽ được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, tuy nhiên không được tính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, và được cơ quan bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho người lao động đó.
3. Người lao động không đóng bảo hiểm xã hội thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 39 của Nghị định 12/2022/NĐ-CP, có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với các đối tượng có hành vi vi phạm quy định về vấn đề đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động để có thể không tham gia chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia chế độ bảo hiểm thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức theo quy định của pháp luật.
Theo đó thì có thể nói, người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động để có thể không tham gia chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc trái quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt hành chính từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Tuy nhiên cần phải lưu ý, mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Trong trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền sẽ được xác định bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân trong cùng một hành vi vi phạm căn cứ theo quy định tại Điều 6 của Nghị định 12/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, NLĐ Việt Nam ở nước ngoài theo hợp đồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
–
– Nghị định 12/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, NLĐ Việt Nam ở nước ngoài theo hợp đồng;
– Quyết định 595/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc ban hành Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế;
– Quyết định 948/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 và Quyết định 490/QĐ-BHXH ngày 28/3/2023 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
THAM KHẢO THÊM: