Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là gì? Theo quy định pháp luật người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự có được tặng cho không?
Mục lục bài viết
1. Người hạn chế năng lực hành vi dân sự có được tặng cho?
Chủ thể là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc hình thành các quan hệ pháp luật. Năng lực chủ thể của cá nhân được tạo bởi hai thành tố là năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự. Trong đó, năng lực pháp luật dân sự là quyền xử xự của chủ thể do pháp luật ghi nhận và cho phép thực hiện; năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng tự có của cá nhân đó trong việc thực hiện, kiểm soát và làm chủ hành vi, để tự mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ trong các quan hệ pháp luật.
Việc tham gia các giao dịch dân sự của các cá nhân, tổ chức phải đảm bảo các điều kiện theo quy định để giao dịch có hiệu lực pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015, giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện:
– Chủ thể tham gia giao dịch dân sự phải là người có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
– Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện, không có yếu tố bị lừa dối, ép buộc;
– Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự được ký kết, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Theo quy định pháp luật, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình và bị Tòa án ra quyết định, tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan. Những người này sẽ bị hạn chế quyền trong việc tham gia các giao dịch dân sự, bởi việc sử dụng các chất kích thích khiến cho họ không thể kiểm soát và làm chủ hành vi của mình – không thỏa mãn điều kiện về chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật. Do đó, tất cả các giao dịch mà người hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện sẽ đều bị vô hiệu.
Như vậy, người hạn chế năng lực hành vi dân sự sẽ không được tham các giao dịch dân sự, do họ không thể tự kiểm soát và làm chủ hành vi, để tự mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ trong các giao dịch.
Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Bộ luật dân sự 2015, các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự vẫn có thể thực hiện được, nếu có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người đó (trường hợp này không áp dụng với các giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác).
2. Hợp đồng tặng cho do người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, có bị vô hiệu không?
Giao dịch dân sự vô hiệu là giao dịch không được pháp luật công nhận do không đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo pháp luật. Các trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu:
– Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội;
– Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo;
– Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện;
– Giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch;
– Giao dịch dân sự vô hiệu do một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
– Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình;
– Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức của giao dịch.
Theo đó, chủ thể thực hiện giao dịch dân sự bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, thuộc một trong những trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu. Do đó, hợp đồng tặng cho do người hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập sẽ bị coi là vô hiệu.
3. Thủ tục khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập:
Giao dịch dân sự bị coi là vô hiệu khi không đáp ứng đầy đủ các điều kiện có hiệu lực theo quy định của luật dân sự. Theo đó, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong trong giao dịch, các bên có trách nhiệm hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận. Tuy nhiên, một giao dịch dân sự sẽ không tự nhiên bị vô hiệu, mà chỉ được coi là vô hiệu khi bị Tòa án ra quyết định tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu theo yêu cầu của một trong các bên xác lập giao dịch.
Thủ tục khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện.
Hồ sơ khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, bao gồm:
– Đơn khởi kiện (theo mẫu);
– Bản sao Căn cước công dân (hoặc Hộ chiếu) của hai bên tham gia giao dịch;
– Giao dịch/Hợp đồng dân sự đã ký kết của hai bên;
– Quyết định hạn chế năng lực hành vi dân sự của Tòa án đối với người tham gia giao dịch (Bản sao có công chứng hoặc chứng thực);
– Các tài liệu chứng cứ khác có liên quan.
Bước 2: Nộp hồ sơ khởi kiện.
Người khởi kiện yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu nộp hồ sơ khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi người tham gia giao dịch bị tuyên hạn chế năng lực hành vi dân sự, theo 1 trong các phương thức sau:
– Nộp đến Tòa án thông qua dịch vụ bưu chính;
– Nộp trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ của Tòa án sẽ tiếp nhận hồ sơ của người khởi kiện. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, bộ phận tiếp nhận sẽ ghi vào sổ biên nhận và thông báo cho người khởi kiện. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, bộ phận tiếp nhận hồ sơ sẽ thông báo cho người khởi kiện nộp bổ sung hồ sơ.
Bước 4: Thụ lý yêu cầu khởi kiện.
Tòa án sẽ gửi thông báo cho người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí, khi xét thấy hồ sơ hợp lệ (nếu họ phải nộp tiền tạm ứng án phí).
Người khởi kiện tiến hành nộp tiền tạm ứng án phí tại Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí. Tòa án sẽ thụ lý vụ việc sau khi cá nhân khởi kiện nộp lại biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án sẽ gửi thông báo về việc thụ lý vụ án cho người khởi kiện và phân công thẩm phán giải quyết vụ án.
Bước 5: Xem xét giải quyết yêu cầu khởi kiện.
Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày thụ lý hồ sơ khởi kiện, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc, có trách nhiệm thực hiện các hoạt động cần thiết cho việc xét xử vụ án, như lập hồ sơ vụ án, xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự, xác minh hoặc thu thập thêm chứng cứ tài liệu có liên quan.
Bước 6: Mở phiên tòa tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu.
Phiên tòa phải được tiến hành đúng địa điểm cũng như thời gian đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra tiến hành xét xử hoặc được ghi trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật dân sự 2015;
– Bộ luật tố tụng dân sự 2015.