Để thiết lập hợp đồng, các chủ thể thông thường sẽ phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, trong đó có quá trình đàm phán và thỏa thuận (hay còn được gọi là giai đoạn tiền hợp đồng). Dưới đây là một số nghĩa vụ của các bên trong giai đoạn tiền hợp đồng.
Mục lục bài viết
1. Nghĩa vụ của các bên trong giai đoạn tiền hợp đồng:
Trong giai đoạn tiền hợp đồng, cần phải được thực hiện và tuân thủ đầy đủ nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự một cách thiện chí, trung thực. Nghĩa vụ của các bên trong giai đoạn tiền hợp đồng bao gồm những nghĩa vụ sau:
Thứ nhất, nghĩa vụ cung cấp thông tin. Thông tin đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình thỏa thuận của các bên, thông tin là một trong những yếu tố quan trọng được phản ánh trong hợp đồng. Các bên cần phải hiểu rõ về thông tin của sản phẩm, thông tin của dịch vụ mà họ đang thảo luận, thông tin của đối tác, từ đó để có thể đưa ra quyết định cuối cùng về việc giao kết hợp đồng. Căn cứ theo quy định tại Điều 387 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định, trường hợp một bên có thông tin ảnh hưởng đến việc chấp thuận giao kết hợp đồng của bên còn lại thì phải thông báo cho bên còn lại biết. Bên vi phạm mà gây ra thiệt hại thì sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Như vậy có thể thấy, Bộ luật dân sự năm 2015 rất coi trọng nghĩa vụ cung cấp thông tin của các bên chủ thể trong giai đoạn tiền hợp đồng. Thông tin chính là yếu tố quyết định đến sự thành công hoặc thất bại của hợp đồng dân sự, quá trình không cung cấp thông tin đầy đủ hoặc cung cấp thông tin không trung thực có thể gây ra các vấn đề pháp lý nghiêm trọng khi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng.
Thứ hai, nghĩa vụ bảo mật thông tin. Để có thể đạt được thỏa thuận của mình trong giai đoạn tiền hợp đồng, các bên cần phải chia sẻ những thông tin quan trọng liên quan đến nội dung và mục đích của hợp đồng. Những thông tin này thông thường sẽ là những thông tin bí mật và có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến bên còn lại nếu như thông tin đó được công khai cho chủ thể thứ ba. Căn cứ theo quy định tại Điều 387 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định, trong trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên còn lại trong quá trình tiến hành thủ tục giao kết hợp đồng thì sẽ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật, không được thực hiện hành vi sử dụng thông tin đó trái mục đích hoặc sử dụng thông tin vào mục đích cá nhân hoặc mục đích trái pháp luật khác. Có thể nói, mỗi bên trong hợp đồng cần phải có nghĩa vụ bảo mật thông tin cho nhau trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng, nghĩa vụ bảo mật thông tin nhằm mục đích tránh gây ra những tổn thất không đáng có trên thực tế cho đối phương, ảnh hưởng tới quá trình đàm phán và ký kết hợp đồng nói riêng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi hợp pháp của các bên nói chung.
Thứ ba, nghĩa vụ của các bên trong đề nghị giao kết hợp đồng. Sau khi đã nhận được thông tin, để có thể tiếp tục đàm phán và thỏa thuận, các bên cần phải nắm rõ mong muốn của nhau và mục tiêu trong hoạt động giao kết hợp đồng, những quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên trong quá trình giao kết hợp đồng thông qua những đề nghị cụ thể. Căn cứ theo quy định tại Điều 386 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định, đề nghị giao kết hợp đồng được xem là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc của đề nghị đó của bên đề nghị đối với bên được đề nghị, bên được đề nghị là bên đã được xác định hoặc gửi tới công chúng. Trên cơ sở đó, các bên có thể tiếp tục thực hiện hoạt động đàm phán và thỏa thuận với nhau để cùng đi đến ký kết hợp đồng. Ngoài ra, những quy định ràng buộc về việc đề nghị giao kết hợp đồng cũng tạo ra sự thiện chí và hạn chế tối đa những rủi ro trong giai đoạn tiền hợp đồng.
Thứ tư, nghĩa vụ của các bên trong chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng. Căn cứ theo quy định tại Điều 393 của Bộ luật dân sự năm 2015 thì chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng được xem là sự trả lời của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung đề nghị của bên đề nghị. Việc trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng phải mang những dấu hiệu cơ bản sau:
– Bên được đề nghị phải trả lời về việc chấp nhận toàn bộ nội dung lời đề nghị căn cứ theo quy định tại Điều 393 của Bộ luật dân sự năm 2015;
– Bên được đề nghị không được đặt ra bất cứ điều khoản nào và cũng không được thêm bất cứ điều kiện nào, không được sửa đổi bất cứ nội dung nào trong lời đề nghị căn cứ theo quy định tại Điều 392 của Bộ luật dân sự năm 2015;
– Nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì thông báo này sẽ được coi là lời đề nghị mới của bên chậm trả lời, trong trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng được gửi chậm vì lý do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do đó, thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn sẽ có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay về việc không đồng ý với chấp nhận đó.
Như vậy có thể nói, Bộ luật dân sự năm 2015 đã đặt nên nền móng vững chắc cho các nghĩa vụ tiền hợp đồng của các bên chủ thể. Nghiên cứu quy định về nghĩa vụ của các bên trong giai đoạn tiền hợp đồng đóng vai trò vô cùng quan trọng, góp phần làm sáng tỏ các quy định của pháp luật về nghĩa vụ tiền hợp đồng, đồng thời là cơ sở để các bên giao kết hợp đồng trên thực tế.
2. Một số lỗi thường gặp trong giai đoạn tiền hợp đồng:
Có thể kể đến một số lỗi thường gặp trong giai đoạn tiền hợp đồng như sau:
Thứ nhất, lỗi về hình thức của hợp đồng. Về nguyên tắc thì các bên có quyền tự do thỏa thuận và thương lượng về hình thức của hợp đồng. Hình thức của hợp đồng có thể được tái hiện bằng lời nói, văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, trừ một số trường hợp pháp luật quy định hợp đồng bắt buộc phải thực hiện bằng một hình thức nhất định thì cần phải tuân thủ, ví dụ như hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và được thể hiện bằng văn bản và phải thực hiện thủ tục công chứng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế có nhiều trường hợp thỏa thuận sai về hình thức của hợp đồng, ví dụ như trường hợp mua bán quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất nhưng không có công chứng thì sẽ không được pháp luật bảo vệ.
Thứ hai, về ký kết hợp đồng và việc ủy quyền ký kết hợp đồng. Bộ luật dân sự năm 2015 hiện nay xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng dựa trên cơ sở công nhận hiệu lực của cam kết và thỏa thuận của các bên, không phụ thuộc vào hình thức của hợp đồng. Do đó về nguyên tắc, hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết của bên được đề nghị. Hợp đồng cũng được xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận đề nghị vẫn im lặng, nếu các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết. Bên cạnh đó, về nguyên tắc thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng sẽ được tính từ thời điểm giao kết, tuy nhiên doanh nghiệp cần biết rằng vẫn có ngoại lệ đó là khi các bên có thỏa thuận khác. Ngoài ra, vấn đề ủy quyền ký kết hợp đồng không được pháp luật dân sự quy định cụ thể, tuy nhiên vì hợp đồng là một dạng của giao dịch dân sự cho nên có thể áp dụng các quy định về ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Theo đó cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hoàn toàn có thể thực hiện thủ tục ủy quyền cho người khác để xác lập, thực hiện hợp đồng theo chế định người đại diện.
Thứ ba, về thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng dân sự. Theo quy định của pháp luật hiện nay thì thời hiệu để khởi kiện yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 02 năm được tính kể từ ngày quyền lợi hợp pháp của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác bị xâm phạm. Thực tế nhiều chủ thể trong hoạt động kinh doanh thường không quan tâm về quy định này dẫn đến trường hợp hết thời hạn khởi kiện, khi nộp đơn ra cơ quan có thẩm quyền và toà án đã trả lại đơn khởi kiện với lý do hết thời hiệu khởi kiện.
3. Những điều cần lưu ý khi chuẩn bị soạn thảo hợp đồng:
Một số điều cần lưu ý trong quá trình chuẩn bị soạn thảo hợp đồng như sau:
– Cần phải xác định rõ loại hợp đồng mà các bên ký kết căn cứ theo quy định tại Điều 385 của Bộ luật dân sự năm 2015;
– Xác định rõ căn cứ và cơ sở pháp lý để điều chỉnh hợp đồng, xác định rõ tính hợp pháp trong các thỏa thuận của hợp đồng;
– Xác định cụ thể hình thức của hợp đồng phù hợp với quy định tại Điều 117 và Điều 119 của Bộ luật dân sự năm 2015;
– Xác định vị thế của thân chủ và đối tác trong quá trình soạn thảo và thương thảo hợp đồng;
– Xác định ngôn ngữ và thống nhất cách giải thích trong hợp đồng đó.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015.