Nghị định 99/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
NGHỊ ĐỊNH
Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng,
bảo vệ rừng và quản lý lâm sản
__________
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002; Pháp lệnh sửa đổi một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 08 tháng 3 năm 2007; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nghị định này không áp dụng đối với gỗ và các lâm sản khác từ nước ngoài nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam (kể cả trường hợp lô hàng gỗ nhập khẩu hợp pháp nhưng khi kiểm tra có chênh lệch về kích thước, khối lượng).
2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài (sau đây còn gọi là người vi phạm) có hành vi vô ý hoặc cố ý vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản chưa gây thiệt hại hoặc đã gây thiệt hại đến rừng, lâm sản, môi trường rừng nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng các quy định của Điều ước quốc tế đó.
Điều 2. Về một số thuật ngữ được sử dụng trong Nghị định
1. Lâm sản là sản phẩm khai thác từ thực vật, động vật, vi sinh vật và các bộ phận của chúng có nguồn gốc từ rừng.
2. Gỗ tròn: bao gồm gỗ nguyên khai, gỗ đẽo tròn, gỗ lóc lõi có đường kính đầu nhỏ từ 10 cm đến dưới 20 cm, chiều dài từ 1 mét trở lên hoặc có đường kính đầu nhỏ từ 20 cm trở lên, chiều dài từ 30 cm trở lên. Riêng đối với gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm không phân biệt kích thước.
3. Củi được khai thác từ thực vật rừng thân gỗ, là bộ phận của chúng có kích thước nhỏ hơn đối với quy cách gỗ tròn quy định tại khoản 2 Điều này hoặc các phế liệu của chúng sau chế biến.
4. Thực vật rừng nhóm IA, IIA; động vật rừng nhóm IB, IIB là những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo quy định của Chính phủ.
5. Tang vật vi phạm hành chính gồm gỗ, lâm sản ngoài gỗ bị người có hành vi vi phạm hành chính xâm hại.
6. Phương tiện vi phạm hành chính gồm đồ vật, công cụ, phương tiện vận chuyển được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568