Nghị định này quy định đối tượng, thủ tục, trình tự đăng ký nghĩa vụ quân sự; chế độ, chính sách đối với người đăng ký nghĩa vụ quân sự
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 83/2001/NĐ-CP NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2001 VỀ ĐĂNG KÝ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 30 tháng 12 năm 1981; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 21 tháng 12 năm 1990; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 22 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên ngày 27 tháng 8 năm1996;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Nghị định này quy định đối tượng, thủ tục, trình tự đăng ký nghĩa vụ quân sự; chế độ, chính sách đối với người đăng ký nghĩa vụ quân sự và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Điều 2. Đăng ký nghĩa vụ quân sự là việc kê khai lý lịch và những yếu tố cần thiết khác theo quy định của pháp luật của người trong độ tuổi đăng ký nghĩa vụ quân sự, để cơ quan quân sự địa phương quản lý và tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự đối với các đối tượng trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Điều 3. Đăng ký nghĩa vụ quân sự phải đúng đối tượng, chế độ chính sách, trình tự thủ tục để cơ quan quân sự địa phương nắm chắc số lượng, chất lượng, tình hình biến động của người sẵn sàng nhập ngũ và quân nhân dự bị nhằm phục vụ cho việc gọi công dân nhập ngũ và xây dựng lực lượng dự bị động viên.
Điều 4. Công dân nam giới trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự; phụ nữ có chuyên môn cần cho quân đội phải đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Sĩ quan dự bị đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của
Điều 5. Đăng ký nghĩa vụ quân sự được tiến hành tại nơi cư trú của công dân do Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) và Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) chịu trách nhiệm thực hiện.
Nơi cư trú của công dân quy định trong Nghị định này thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 48 của
Điều 6. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm động viên, giáo dục, đôn đốc, tạo điều kiện để công dân chấp hành đầy đủ những quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Chương 2:
ĐỐI TƯỢNG ĐĂNG KÝ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
Điều 7. Những người sau đây, trừ những người quy định tại Điều 8, Điều 9 của Nghị định này, phải đăng ký nghĩa vụ quân sự:
Công dân nam giới từ đủ 17 tuổi đến hết 45 tuổi.
Phụ nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có chuyên môn cần phục vụ cho quân đội. Danh mục ngành, nghề chuyên môn do phụ nữ đảm nhiệm cần phục vụ cho quân đội do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 8. Những người sau đây chưa được đăng ký nghĩa vụ quân sự:
Người đang bị Toà án tước quyền phục vụ trong các lực lượng vũ trang nhân dân.
Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người bị phạt tù hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ.
Khi hết thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này thì phải đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Điều 9. Những người sau đây được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự:
Công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng đang phục vụ trong các cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Người đang phục vụ trong các cơ quan, đơn vị Công an nhân dân.
Người tàn tật, người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính khác theo danh mục bệnh tật do Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Điều 10. Những người đã đăng ký nghĩa vụ quân sự được sắp xếp như sau:
Người sẵn sàng nhập ngũ.
Quân nhân dự bị hạng 1 và quân nhân dự bị hạng 2.
Điều 11. Người đã đăng ký nghĩa vụ quân sự được xếp vào diện sẵn sàng nhập ngũ bao gồm:
Công dân nam giới từ đủ 17 tuổi đến hết 27 tuổi chưa qua phục vụ tại ngũ trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Phụ nữ có chuyên môn cần cho quân đội.
Điều 12. Người đã đăng ký nghĩa vụ quân sự được xếp vào diện quân nhân dự bị hạng 1 bao gồm:
Hạ sĩ quan và binh sĩ xuất ngũ đã phục vụ tại ngũ đủ thời hạn hoặc trên hạn định.
Hạ sĩ quan và binh sĩ xuất ngũ trước thời hạn nhưng đã phục vụ tại ngũ từ một năm trở lên.
Hạ sĩ quan và binh sĩ xuất ngũ đã trải qua chiến đấu.
Quân nhân chuyên nghiệp xuất ngũ.
Công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng (là hạ sĩ quan, binh sĩ đã qua phục vụ tại ngũ được chuyển chế độ công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng) được giải quyết chế độ thôi việc.
Quân nhân dự bị hạng 2 đã được huấn luyện đủ chương trình chính quy với tổng thời gian huấn luyện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự.
Điều 13. Người đã đăng ký nghĩa vụ quân sự được xếp vào diện quân nhân dự bị hạng 2 bao gồm:
Hạ sĩ quan và binh sĩ xuất ngũ trước thời hạn đã có thời gian phục vụ tại ngũ dưới một năm.
Công dân nam giới đã qua phục vụ trong các cơ quan, đơn vị công an nhân dân; công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng là nam giới đã qua phục vụ trong quân đội nhân dân.
Công dân nam giới hết 27 tuổi mà chưa phục vụ tại ngũ.
Phụ nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi, có chuyên môn cần cho quân đội theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này.
Điều 14. Căn cứ vào độ tuổi, quân nhân dự bị ở mỗi hạng được chia thành 2 nhóm:
Nhóm A bao gồm những quân nhân dự bị: Nam giới đến hết 35 tuổi; phụ nữ đến hết 30 tuổi.
Nhóm B bao gồm những quân nhân dự bị: Nam giới từ đủ 36 tuổi đến hết 45 tuổi; phụ nữ từ đủ 31 tuổi đến hết 40 tuổi.
Chương 3:
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
MỤC 1: ĐĂNG KÝ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ LẦN ĐẦU
Điều 15. Trong thời hạn mười ngày đầu tháng một hàng năm, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã phải báo cáo với Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện danh sách công dân nam giới đủ 17 tuổi trong năm đó, công dân trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự chưa được đăng ký nghĩa vụ quân sự và công dân được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự quy định tại Điều 9 của Nghị định này.
Điều 16. Trong thời hạn mười ngày đầu tháng một hàng năm, Hiệu trưởng các trường: Dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức cơ sở khác phải báo cáo với Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi cơ quan đặt trụ sở danh sách công dân trong diện đăng ký nghĩa vụ quân sự mà chưa được đăng ký lần đầu.
Điều 17. Tháng tư hàng năm, theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, công dân nam giới đủ 17 tuổi trong năm và những người trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự chưa được đăng ký phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi cư trú xuất trình chứng minh nhân dân, kê khai lý lịch để đăng ký lần đầu vào sổ đăng ký công dân sẵn sàng nhập ngũ.
Điều 18. Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện có trách nhiệm:
Cấp giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự cho người sẵn sàng nhập ngũ.
Lập lý lịch nghĩa vụ quân sự cho người sẵn sàng nhập ngũ đủ điều kiện gọi nhập ngũ.
Bàn giao lý lịch nghĩa vụ quân sự cho đơn vị nhận quân khi công dân được gọi vào phục vụ tại ngũ.
MỤC 2: ĐĂNG KÝ VÀO NGẠCH VÀ CHUYỂN HẠNG QUÂN NHÂN DỰ BỊ
Điều 19.
Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng thuộc quân đội nhân dân; công nhân viên, hạ sĩ quan chuyên môn, chiến sĩ thuộc công an nhân dân thuộc diện xuất ngũ, thôi việc phải đăng ký vào ngạch dự bị.
Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày xuất ngũ, thôi việc người được xuất ngũ, thôi việc phải mang hồ sơ, giấy tờ xuất ngũ, thôi việc đến Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện tại nơi cư trú để đăng ký vào ngạch dự bị.
Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện làm thủ tục đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký quân nhân dự bị cho những người quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 20.
Theo lệnh gọi của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, những người quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 13 của Nghị định này phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi cư trú để đăng ký vào ngạch dự bị.
Khi đến đăng ký công dân nam giới xuất trình giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự, nếu đã qua đào tạo ở các trường: Dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học xuất trình bằng tốt nghiệp; phụ nữ xuất trình bằng tốt nghiệp chuyên môn.
Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện làm thủ tục đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký quân nhân dự bị cho những người quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 21. Việc chuyển hạng quân nhân dự bị từ hạng 2 lên hạng 1 thực hiện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
MỤC 3: ĐĂNG KÝ BỔ SUNG
Điều 22. Trong thời hạn mười ngày, kể từ khi có thay đổi họ tên, địa chỉ nơi ở trong phạm vi xã đang cư trú, địa chỉ nơi làm việc, học tập, chức vụ công tác, trình độ văn hoá thì người sẵn sàng nhập ngũ hoặc quân nhân dự bị phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã nơi đang cư trú để đăng ký bổ sung.
Điều 23. Sáu tháng một lần vào các thời gian từ ngày 01 tháng 7 đến ngày 10 tháng 7 và từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 10 tháng 01 hàng năm; Ban Chỉ huy quân sự cấp xã báo cáo với Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện việc thay đổi đăng ký theo quy định tại Điều 22 của Nghị định này.
MỤC 4: ĐĂNG KÝ DI CHUYỂN VÀ ĐĂNG KÝ VẮNG MẶT
Điều 24.
Người sẵn sàng nhập ngũ hoặc quân nhân dự bị, trước khi di chuyển nơi cư trú từ xã này sang xã khác trong phạm vi huyện, phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã nơi đang cư trú xuất trình giấy tờ về sự thay đổi nơi cư trú để xoá tên trong sổ đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày đến nơi cư trú mới, người sẵn sàng nhập ngũ hoặc quân nhân dự bị phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã xuất trình giấy tờ về sự thay đổi nơi cư trú và giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự để đăng ký vào sổ đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Ban Chỉ huy quân sự cấp xã nơi có người sẵn sàng nhập ngũ hoặc quân nhân dự bị chuyển đi, chuyển đến phải báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện về sự thay đổi tại khoản 1 và khoản 2 Điều này vào các thời gian quy định tại Điều 23 của Nghị định này.
Điều 25.
Người sẵn sàng nhập ngũ hoặc quân nhân dự bị, trước khi di chuyển nơi cư trú từ huyện này sang huyện khác, phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã và Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi đang cư trú xuất trình giấy tờ về sự thay đổi nơi cư trú, xin giấy giới thiệu di chuyển đăng ký nghĩa vụ quân sự. Khi chuyển đến nơi cư trú mới, trong thời hạn mười ngày phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện và Ban Chỉ huy quân sự cấp xã nơi cư trú mới để đăng ký chuyển đến.
Người sẵn sàng nhập ngũ hoặc quân nhân dự bị, khi được gọi vào học tại các trường: Dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện chuyển giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự đến trường để nhà trường quản lý và báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi nhà trường đặt trụ sở.
Trong thời hạn ba tháng sau khi tốt nghiệp, người sẵn sàng nhập ngũ hoặc quân nhân dự bị phải chuyển giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự về nơi cư trú mới.
Điều 26. Quân nhân dự bị đã được xếp vào đơn vị dự bị động viên khi vắng mặt khỏi nơi cư trú từ mười ngày trở lên phải báo cáo với Ban Chỉ huy quân sự cấp xã. Hàng tháng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã phải báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện số quân nhân dự bị đang vắng mặt tại nơi cư trú.
Điều 27. Người sẵn sàng nhập ngũ hoặc quân nhân dự bị được cơ quan, tổ chức cử đi công tác ở nước ngoài thì việc đăng ký vắng mặt và đăng ký lại được thực hiện như sau:
Nếu thời hạn được cử đi từ một năm trở lên thì chậm nhất là mười ngày, kể từ ngày người đó ra nước ngoài, cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác phải cử đại diện đến Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện để đăng ký vắng mặt dài hạn và nộp giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự của người sẵn sàng nhập ngũ hoặc quân nhân dự bị. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày người đó về đến nơi công tác thì cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác cử đại diện đến Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện để đăng ký lại.
Nếu thời hạn được cử đi từ ba tháng đến dưới một năm thì người sẵn sàng nhập ngũ hoặc quân nhân dự bị gửi lại giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự tại cơ quan, tổ chức nơi công tác. Cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác có trách nhiệm báo cáo với Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày người đó ra nước ngoài hoặc trở về nước.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài:1900.6568
Điều 28. Người sẵn sàng nhập ngũ hoặc quân nhân dự bị được phép ra nước ngoài về việc riêng thì việc đăng ký vắng mặt và đăng ký lại được thực hiện như sau:
Nếu thời hạn ra nước ngoài từ một năm trở lên thì người sẵn sàng nhập ngũ hoặc quân nhân dự bị phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi đang cư trú để xuất trình giấy tờ được phép ra nước ngoài, đăng ký vắng mặt dài hạn và gửi lại giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày về nước thì người sẵn sàng nhập ngũ hoặc quân nhân dự bị phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện để đăng ký lại.
Nếu thời hạn ra nước ngoài từ ba tháng đến dưới một năm thì người sẵn sàng nhập ngũ hoặc quân nhân dự bị phải gửi lại giấy đăng ký nghĩa vụ quân sự tại Ban Chỉ huy quân sự cấp xã nơi đang cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi công tác. Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác có trách nhiệm báo cáo đăng ký tạm vắng hoặc đăng ký lại với Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày người đó ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài trở về nước.
MỤC 5: ĐĂNG KÝ ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐƯỢC MIỄN GỌI NHẬP NGŨ TRONG THỜI CHIẾN
Điều 29. Người đã đăng ký nghĩa vụ quân sự nếu thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, thì được đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự để quản lý riêng. Trong thời hạn mười ngày kể từ ngày người đã đăng ký nghĩa vụ quân sự nhận được quyết định bổ nhiệm chức vụ thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến thì cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác cử đại diện mang quyết định bổ nhiệm chức vụ, giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự của người đó đến Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện để làm thủ tục đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Điều 30. Người đã được đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự quy định tại Điều 29 của Nghị định này, nếu không còn giữ chức vụ thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến mà còn thuộc diện đăng ký nghĩa vụ quân sự thì phải đăng ký lại. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày người đó thôi giữ chức vụ thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến thì cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác cử đại diện đến Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện để làm thủ tục đăng ký lại cho người đó.
Điều 31. Việc quản lý những người thuộc diện được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
MỤC 6: ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC RA KHỎI DIỆN ĐĂNG KÝ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
Điều 32. Những người được ra khỏi diện đăng ký nghĩa vụ quân sự bao gồm:
Người đã đăng ký nghĩa vụ quân sự mà bị chết hoặc bị tàn tật, mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính khác thuộc diện quy định tại khoản 3 Điều 9 của Nghị định này.
Những người hết tuổi phục vụ ở ngạch quân nhân dự bị.
Điều 33. Hàng năm, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định đưa ra khỏi diện đăng ký nghĩa vụ quân sự cho những người thuộc diện quy định tại Điều 32 của Nghị định này.
Chương 4:
CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH VÀ NGÂN SÁCH BẢO ĐẢM CHO ĐĂNG KÝ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
Điều 34. Người sẵn sàng nhập ngũ và quân nhân dự bị trong thời gian đi đăng ký nghĩa vụ quân sự hoặc kiểm tra sức khoẻ được hưởng các chế độ sau:
Nếu là cán bộ, công chức, công nhân đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cơ sở nơi làm việc trả nguyên lương và các khoản phụ cấp khác (nếu có), tiền tàu xe và phụ cấp đi đường theo chế độ hiện hành.
Các đối tượng khác được Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện cấp tiền tàu xe đi về, tiền ăn, ở trong những ngày chờ đăng ký hoặc kiểm tra sức khoẻ theo chế độ hiện hành.
Điều 35. Kinh phí chi cho việc đăng ký nghĩa vụ quân sự do ngân sách địa phương bảo đảm, gồm các khoản sau đây:
In sổ sách, mẫu biểu về đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Tổ chức đăng ký nghĩa vụ quân sự ở cấp huyện và cấp xã.
Các công việc khác liên quan đến việc đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Chương 5:
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC TRONG VIỆC ĐĂNG KÝ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ
Điều 36. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo việc đăng ký nghĩa vụ quân sự trong phạm vi cả nước; quy định chế độ báo cáo, chế độ kiểm tra việc đăng ký nghĩa vụ quân sự cho cơ quan quân sự các cấp và đơn vị thuộc quyền; quy định chế độ sinh hoạt đối với người sẵn sàng nhập ngũ và quân nhân dự bị; quy định hệ thống mẫu biểu, sổ sách đăng ký, quản lý người sẵn sàng nhập ngũ và quân nhân dự bị.
Điều 37. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quân sự cùng cấp thực hiện việc đăng ký nghĩa vụ quân sự, quản lý người sẵn sàng nhập ngũ và quân nhân dự bị ở địa phương theo quy định của Nghị định này và các quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Điều 38.
Tư lệnh Quân khu, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan quân sự thuộc quyền thực hiện việc đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có trách nhiệm trực tiếp tổ chức việc đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Điều 39. Cơ quan công an các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
Tạm giữ giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự khi người sẵn sàng nhập ngũ hoặc quân nhân dự bị đang bị tạm giữ, tạm giam.
Thông báo cho Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi người sẵn sàng nhập ngũ hoặc quân nhân dự bị đang cư trú về việc họ bị tạm giữ, tạm giam hoặc được trả lại tự do trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày họ bị tạm giữ, tạm giam hoặc được trả lại tự do.
Thông báo cho Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện về việc người sẵn sàng nhập ngũ hoặc quân nhân dự bị được cấp giấy di chuyển hộ khẩu, đăng ký hộ khẩu hoặc được cấp giấy đăng ký tạm trú có thời hạn, để theo dõi và quản lý việc đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Kiểm tra việc đăng ký vắng mặt của người sẵn sàng nhập ngũ hoặc quân nhân dự bị khi họ được phép ra nước ngoài thuộc thẩm quyền cấp hộ chiếu của Bộ Công an.
Phối hợp với cơ quan quân sự địa phương và các cơ quan liên quan khác kiểm tra, xử lý những người vi phạm các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Điều 40. Cơ quan ngoại giao có trách nhiệm kiểm tra việc đăng ký vắng mặt của người sẵn sàng nhập ngũ hoặc quân nhân dự bị khi được cử đi nước ngoài thuộc thẩm quyền cấp hộ chiếu của Bộ Ngoại giao.
Điều 41. Cơ quan y tế cấp huyện có trách nhiệm chủ trì việc kiểm tra sức khoẻ cho quân nhân dự bị và khám sức khoẻ cho người sẵn sàng nhập ngũ theo kế hoạch của cơ quan quân sự địa phương cùng cấp.
Điều 42. Cơ quan tư pháp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm thông báo cho Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện về việc người sẵn sàng nhập ngũ hoặc quân nhân dự bị thay đổi họ tên, bị chết trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày thay đổi họ tên hoặc chết.
Điều 43. Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, khi nhận được trích lục án của Toà án về việc người thuộc diện sẵn sàng nhập ngũ hoặc quân nhân dự bị bị Toà án tuyên tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân, bị xử phạt tù, cải tạo không giam giữ thì đưa vào diện chưa được đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định tại Điều 8 của Nghị định này.
Chương 6:
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 44. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc đăng ký nghĩa vụ quân sự thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 45. Tổ chức và cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 46. Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết về khiếu nại, tố cáo những vi phạm các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Chương 7:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 47. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau mười lăm ngày, kể từ ngày ký và thay thế Nghị định số 48/HĐBT ngày 16 tháng 5 năm 1983 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Điều lệ đăng ký nghĩa vụ quân sự. Các quy định khác trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 48. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Điều 49. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.