Ngân hàng có quyền truy thu lại số tiền chuyển nhầm không? Trách nhiệm hình sự tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định pháp luật.
Ngân hàng có quyền truy thu lại số tiền chuyển nhầm không? Trách nhiệm hình sự tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định pháp luật.
Tóm tắt câu hỏi:
Em có 1 tài khoản VietinBank tài khoản của em bị lỗi sms báo số dư về điện thoại khi có thay đổi số tiền trong tài khoản, từ cuối 2016 em có ra ngân hàng 2 lần đề nghị xem lại cho em nhưng không được và đến tháng 3/2017 do thẻ em không thanh toán 1 số dịch vụ trực tuyến được bên ngân hàng yêu cầu làm sang thẻ mới trong quá trình làm thẻ mới ngân hàng có chuyển nhầm cho em 2 lần tiền từ tài khoản cũ sang mới 2 lần chuyển cách nhau 1 tháng mỗi lần là 135 triệu ( tài khoản cũ em có 135 triệu) như vậy là em được thêm 135 triệu trong quá trình chuyển em vẫn ko hề biết vì tin nhắn điện thoại em ko báo trong quá trình sử dụng em vẫn rút và gửi như bình thường và mãi cho tới hôm 25/8 bên ngân hàng mới báo lại và in lại toàn bộ lịch sử hàng trăm giao dich từ khi chuyển nhầm và yêu cầu truy thu lại số tiền 135tr chuyển thừa. Do ngân làm làm việc tắc trách 5 tháng trời mới báo lại cho em và hệ thống tin nhắn báo số dư của em ko hoạt động nên em ko hề biết đến số tiền đó. Em muốn hỏi trong trường hợp của em thì nên giải quyết như thế nào. Em cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009
2. Giải quyết vấn đề:
Bạn nêu ngân hàng có chuyển nhầm tiền cho bạn là 135 triệu. Hiện sau 5 tháng ngân hàng yêu cầu bạn trả lại số tiền 135 triệu ngân hàng chuyển nhầm. Trong trường hợp này, ngân hàng có quyền đòi lại khoản tiền chuyển nhầm và bạn có nghĩa vụ trả lại tiền cho ngân hàng. Bởi vì:
Theo quy định tại Điều 165 Bộ luật dân sự 2015 thì chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong trường hợp sau đây:
– Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;
– Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;
– Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;
– Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;
– Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, quy định khác của pháp luật có liên quan;
– Trường hợp khác do pháp luật quy định.
Việc chiếm hữu tài sản không thuộc một trong các trường hợp nêu trên là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Do đó, việc bạn có 135 triệu trong tài khoản là do ngân hàng chuyển nhầm nên bạn là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Vì vậy ngân hàng có quyền đòi lại 135 triệu đó và bạn có nghĩa vụ trả lại cho ngân hàng theo quy định tại Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ hoàn trả như sau:
"1. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này."
Theo đó, Điều 236 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
>>> Luật sư tư vấn chuyển tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng: 1900.6568
Trong trường hợp bạn cố tình trốn tránh, không trả tiền cho ngân hàng bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản được quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009:
“Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Theo đó, các dấu hiệu của tội chiếm giữ trái phép tài sản như sau:
– Chủ thể: người phạm tội từ đủ16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.
– Khách thể của tội phạm: xâm phạm đến quan hệ sở hữu;
– Mặt khách quan: Trước hết người phạm tội có được tài sản là do bị giao nhầm, do mình tìm được hoặc bắt được (nhặt được). Đối với trường hợp bị giao nhầm, cần xác định người phạm tội phải hoàn toàn không có thủ đoạn nào để bên giao tài sản tưởng nhầm mà giao tài sản cho mình.
+ Về việc không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp là hành vi cố tình giữ tài sản do bị giao nhầm, do tìm được hoặc bắt được khi đã có yêu cầu của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Có thể người phạm tội thừa nhận tìm được, bắt được nhưng cho rằng tài sản đó thuộc sở hữu của mình, nhưng cũng có thể không thừa nhận là mình đã được giao nhầm, đã tìm được hoặc bắt được, nhất là trường hợp được giao nhầm.
+ Yêu cầu nhận lại tài sản bị giao nhầm, do người phạm tội tìm được hoặc bắt được là yêu cầu của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản. Nếu chưa có yêu cầu nhận lại tài sản hoặc yêu cầu đó không phải của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản thì chưa cấu thành tội phạm tội này.
+ Về hậu quả: giá trị tài sản bị giao nhầm phải từ mười triệu đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.
– Mặt chủ quan của tội phạm: tội chiếm giữ trái phép tài sản cũng được thực hiện do cố ý.
Như vậy, giá trị số tiền bạn được ngân hàng chuyển nhầm là 135 triệu đồng và phía ngân hàng đã có thông báo yêu cầu bạn trả lại tiền, nếu bạn cố tình không trả tiền cho ngân hàng thì bạn có thể bị phía Ngân hàng làm đơn ra phía công an để tố giác bạn về tội chiếm giữ trái phép tài sản. Chính vì thế, trong trường hợp này bạn nên trả lại tiền cho ngân hàng khi họ thông báo.