Năng lực pháp luật dân sự (Legal personality) là gì? Năng lực pháp luật dân sự là gì? Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là người nước ngoài ?
Người nước ngoài là chủ thể đặc biệt trong các quan hệ xã hội, quy chế pháp lý đối với họ sẽ có nhiều sự khác biệt so với công dân quốc gia sở tại. Một trong những nội dung cần quan tâm khi cá nhân tham gia vào các quan hệ dân sự là năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự của họ, và người nước ngoài cũng không ngoại lệ. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ tập trung vào phân tích năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là người nước ngoài.
Cơ sở pháp lý:
Mục lục bài viết
1. Người nước ngoài là gì?
Để giải thích khái niệm người nước ngoài hầu hết các hệ thống pháp luật trên thế giới đều căn cứ vào dấu hiệu quốc tịch, theo đó người nước ngoài được hiểu là người không mang quốc tịch của quốc gia sở tại. Điều đó có nghĩa là bất kỳ một cá nhân nào không mang quốc tịch của quốc gia sở tại đều được xác định là người nước ngoài.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3
– Người mang quốc tịch của một quốc gia khác.
– Người mang nhiều quốc tịch nhưng không có quốc tịch Việt Nam.
– Người không có quốc tịch.
Dựa vào các tiêu chí khác nhau, chúng ta có thể phân loại người nước ngoài thành các nhóm :
– Căn cứ vào quốc tịch, người nước ngoài được chia thành :
+ Người mang quốc tịch nước ngoài là người mang quốc tịch của một quốc gia khác, không mang quốc tịch Việt Nam.
+ Người mang hai hay nhiều quốc tịch nước ngoài là người có quốc tịch của hai hay nhiều quốc gia, không bao gồm quốc tịch Việt Nam.
+ Người không quốc tịch là người không mang quốc tịch của quốc gia nào.
– Căn cứ vào nơi cư trú, người nước ngoài được chia thành người nước ngoài cư trú tại Việt Nam và người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam.
– Căn cứ vào thời gian cư trú, người nước ngoài được chia thành người nước ngoài thường trú và người nước ngoài tạm trú.
– Căn cứ vào quy chế pháp lý dành cho người nước ngoài, người nước ngoài được phân loại thành các nhóm :
+ Người nước ngoài được hưởng quy chế ưu đãi và miễn trừ ngoại giao.
+ Người nước ngoài được hưởng quy chế theo các điều ước quốc tế được Việt Nam ký kết với nước ngoài.
+ Người nước ngoài làm ăn, sinh sống tại Việt nam vì mục đích cá nhân.
2. Năng lực pháp luật dân sự là gì ?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 BLDS năm 2015, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và có nghĩa vụ dân sự. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng, là tiền đề, điều kiện cần thiết để công dân có quyền, có nghĩa vụ ; là thành phần không thể thiếu được của cá nhân với tư cách chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, là một mặt của năng lực chủ thể.
Đặc điểm của năng lực pháp luật của cá nhân :
+ Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được Nhà nước ghi nhận trong các văn bản pháp luật mà nội dung của nó phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội ; vào hình thái kinh tế- xã hội tại thời điểm lịch sử nhất định.
+ Mọi cá nhân đều bình đẳng về năng lực pháp luật, Khoản 2 Điều 16 BLDS năm 2015 quy định mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không bị hạn chế bởi bất cứ lý do nào.
+ Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân do Nhà nước quy định cho tất cả cá nhân nhưng Nhà nước cũng không cho phép công dân tự hạn chế năng lực pháp luật của chính họ và của cá nhân khác.
3. Năng lực pháp luật dân sự trong Tiếng anh là gì ?
Năng lực pháp luật dân sự trong Tiếng anh là “Legal personality”.
4. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là người nước ngoài ?
Đối với các nước thuộc hệ thống pháp luật Common Law, để xác định năng lực chủ thể của cá nhân, pháp luật được áp dụng thường là pháp luật của nước mà họ cư trú, ví dụ, tại Anh, để xác định năng lực chủ thể của cá nhân, tòa án Anh sẽ xác định theo pháp luật của nước có mối quan hệ mật thiết với cá nhân, đó chính là nơi cư trú của cá nhân.
Đối với các nước thuộc hệ thống pháp luật Civil Law, việc xác định năng lực chủ thể của cá nhân thường căn cứ vào nguyên tắc chủ đạo là áp dụng pháp luật của nước mà người đó là mang quốc tịch. Cụ thể theo tư pháp quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức, năng lực chủ thể của cá nhân được xác định theo luật quốc tịch: Năng lực chủ thể và năng lực giao kết hợp đồng của cá nhân được điều chỉnh bởi luật của nước mà cá nhân đó mang quốc tịch.
Năng lực chủ thể của người nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 673
Thứ nhất, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được xác định theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch. Với quy định này, cá nhân là công dân của quốc gia nào thì năng lực pháp luật của họ sẽ xác định theo pháp luật quốc gia đó. Quy định này thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa cá nhân với quốc gia mà họ mang quốc tịch, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người nước ngoài khi tham gia vào các quan hệ dân sự.
Ví dụ: Tòa án Việt nam giải quyết vụ tranh chấp về hợp đồng giữa một công dân Hoa kỳ và công dân Việt Nam. Trong trường hợp này năng lực pháp luật của công dân Việt nam áp dụng pháp luật Việt Nam, năng lực pháp luật của công dân Hoa Kỳ sẽ được xác định theo pháp luật Hoa Kỳ.
Bên cạnh nguyên tắc chủ đạo trên, tư pháp quốc tế Việt Nam còn áp dụng nguyên tắc thư hai để xác định năng lực pháp luật dân sự của người nước ngoài là “Người nước ngoài tại Việt nam có năng lực pháp luật dân sự như công dân Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác (Khoản 2 Điều 673). Trường hợp này đặt ra khi người nước ngoài tại Việt Nam và tham gia các quan hệ dân sự thì năng lực pháp luật của người đó được xác định như công đân Việt Nam và theo pháp luật Việt Nam.
Kết hợp giữa Khoản 1 và Khoản 2 của Điều 673 Bộ luật dân sự năm 2015 cho thấy, để xác định năng lực pháp luật dân sự của người nước ngoài tại Việt nam, ngoài việc căn cứ vào pháp luật của nước mà người đó mang quốc tịch còn căn cứ trên cở sở các quy định của pháp luật Việt Nam.
Ví dụ, tòa án Việt Nam giải quyết một vụ tranh chấp về quyền sở hữu tài sản giữa một công dân Hoa Kỳ và công dân Việt Nam và công dân Hoa Kỳ đó đang cứ trú tại Việt Nam. Khi xem xét năng lực pháp luật của công dân này (quyền sở hữu tài sản), ngoài việc căn cứ vào pháp luật của Hoa Kỳ (luật của nước mà đương sự mang quốc tịch) tòa án Việt Nam còn căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt nam. Trong trường hợp này công dân Hoa Kỳ sẽ có năng lực pháp luật như công dân Việt Nam.
Trong trường hợp áp dụng pháp luật của nước mà người nước ngoài mang quốc tịch dẫn đến hậu quả trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ không áp dụng luật nước ngoài đó mà sẽ áp dụng pháp luật Việt Nam (Điều 670 Bộ luật dân sự năm 2015).
Tuy nhiên, người nước ngoài tại Việt Nam, không phải trong mọi trường hợp người đó đều có năng lực pháp luật dân sự như công dân Việt Nam. Pháp luật Việt Nam cũng như hầu hết pháp luật các nước đều có những quy định về quyền và nghĩa vụ dành riêng cho công dân nước mình như quyền được phục vụ trong lực lượng vũ trang công an, quân đội,…chỉ dành riêng cho công dân Việt nam (trừ một số trường hợp ngoại lệ).
Điều 673 của Bộ luật dân sự năm 2015 tuy có sự hoán đổi về câu chữ tại Khoản 2, “người nước ngoài tại Việt Nam có năng lực pháp luật dân sự như công dân Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác” nhưng thực chất là đã kế thừa toàn bộ nội dung của Điều 761
Đối với người không quốc tịch, pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Nếu người đó có nhiều nơi cư trú hoặc không xác định được nơi cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó có mối quan hệ gắn bó nhất (Điều 672). Hệ thuộc luật quốc tích và hệ thuộc luật nơi cư trú là hai dạng chính của hệ thuộc luật nhân thân- một trong các hệ thuộc luật lâu đời của tư pháp quốc tế thường được áp dụng để điều chỉnh các quan hệ liên quan đến nhân thân của các bên chủ thể.
Đối với người có nhiều quốc tịch, “pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó có quốc tịch và cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Nếu người đó có nhiều nơi cư trú hoặc không xác định được nơi cư trú hoặc nơi cư trú và nơi có quốc tịch khác nhau vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và có mối liên hệ gắn bó nhất. (Khoản 2, Điều 672). Pháp luật nước được coi là gắn bó nhất sẽ được xác định theo từng trường hợp, hoàn cảnh, từng loại quan hệ nhất định, ví dụ, có thể là nơi tồn tại bất động sản trong quan hệ sở hữu, nơi ký kết hợp đồng trong quan hệ hợp đồng.
Nếu pháp luật được dẫn chiếu đến là pháp luật của nước mà cá nhân có quốc tịch nhưng cá nhân đó là người có nhiều quốc tịch, trong đó có quốc tịch Việt Nam thì pháp luật áp dụng là pháp luật Việt Nam.