Trên thực tế chính sách tạo việc làm cho người dân bị mất đất sản xuất nông nghiệp vẫn chưa phát huy được tối đa hiệu quả.
Về chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp được pháp luật quy định cụ thể, theo đó, người bị thu hồi đất nông nghiệp sẽ được Nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm trong nước hoặc hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tùy vào những trường hợp cụ thể và nhu cầu của người dân bị thu hồi đất. Tuy nhiên trên thực tế chính sách này vẫn chưa phát huy được tối đa hiệu quả. Vì vậy, một số giải pháp dưới đây có thể cải thiện và nâng cao hiệu quả và tính thiết thực của chính sách này.
Thứ nhất, bổ sung quy định trách nhiệm của nhà dầu tư, doanh nghiệp trong việc đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp; đào tạo, tuyển dụng lâu dài con em nông dân vào làm việc. Không ít doanh nghiệp hứa hẹn to tát, nhưng không mặn mà tiếp nhận con em nông dân. Kể cả những người đã qua đào tạo, nhưng chỉ làm dăm bữa nửa tháng là bị sa thải, với hàng trăm lý do “chính đáng”. Chính vì vậy cần quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của những đối tượng này nhằm góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho người dân bị mất đất.
Thứ hai, quy định về việc thành lập và củng cố hoạt động của quỹ trợ cấp thất nghiệp, quỹ giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp. Quỹ này được hình thành từ một phần của khoản tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nộp ngân sách Nhà nước của doanh nghiệp, tiền chênh lệch giữa giá đất nông nghiệp trước khi bị thu hồi với giá đất chuyên dụng đã được chuyển đổi sau khi thu hồi. Nếu triển khai và nâng cao hiệu quả của quỹ trợ cấp thất nghiệp sẽ phần nào hỗ trợ cho người nông dân bị mất đất vẫn có thu nhập trong thời gian họ tìm công việc mới, hay trong quá trình đào tạo học nghề mới. Điều này sẽ tạo được sự yên tâm, ổn định về tinh thần cho những người dân đang bị mất việc để họ có ý thức cố gắng học hỏi để chuyển đổi sang một công việc mới.
Thứ ba, hiện nay có nhiều dự án bị chậm trễ trong quá trình thi công hoàn thiện. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương mà còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặc biệt là những đối tượng được chủ đầu tư hỗ trợ việc làm mà dự án sau bao năm chưa xong khiến người dân rơi vào cảnh không có việc làm kéo dài, không có thu nhập để ổn định cuộc sống. Như vậy, các địa phương cần có những biện pháp cứng rắn, kiên quyết hay đưa ra hạn mức bắt buộc trong việc thực hiện các dự án. Nếu không thể thực hiện dự án theo thời gian đã đăng ký do nguyên nhân chủ quan của bên nhà đầu tư thì sẽ tiến hành việc thu hồi dự án. Có như vậy thì việc làm của người dân mới được đảm bảo giúp họ vượt qua thời gian khó khăn do việc thu hồi đất mang đến, đồng thời cuộc sống sớm được ổn định. Như ở Sở Kế hoạch đầu tư của thành phố Vũng Tàu đã kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai. Trong năm 2013 vừa qua, toàn tỉnh đã tiến hành đình chỉ, thu hồi quyết định triển khai hơn 124 dự án, buộc các chủ đầu tư phải có những động thái xử sự nhất định để cứu dự án của mình như: đẩy nhanh tiến độ thi công, đẩy nhanh hoạt động thụ lý giải quyết phương án xây dựng… Điều này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của người dân.
>>> Luật sư
Thứ tư, chính quyền và các cơ quan có liên quan cần phối hợp với những doanh nghiệp khác của địa phương để giải quyết một phần nào đó trách nhiệm giải quyết hỗ trợ việc làm. Đối với hộ gia đình, cá nhân đời sống gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp thì cần tổ chức các lớp đào tạo nghề, trước tiên là ưu tiên các ngành nghề thủ công, cần ít thời gian đào tạo. Sau đó khi có điều kiện giúp đỡ đào tạo lao động dài hạn thì tạo điều kiện hỗ trợ cho họ được tham gia đào tạo. Bên cạnh đó, cần có những quy định riêng cho những đối tượng là người lao động đã cao tuổi, sắp hết tuổi lao động, tuyển dụng. Ví dụ như bố trí cho họ công việc thay thế phù hợp. Ở độ tuổi của họ chỉ phù hợp với những công việc cần ít công sức, chủ yếu là các ngành nghề thủ công, cần ít thời gian đào tạo. Hoặc địa phương có thể đưa ra những chính sách riêng để hỗ trợ cho người dân tự đầu tư phát triển sản xuất riêng để ổn định đời sống của gia đình mình