Pháp luật hiện nay quy định như thế nào về mức xử phạt đối với các đối tượng có hành vi làm giả hồ sơ và giấy tờ để đăng ký thường trú?
Mục lục bài viết
1. Thành phần hồ sơ đăng ký thường trú:
Thành phần hồ sơ đăng ký thường trú là một trong những vấn đề được người đăng ký thường trú vô cùng quan tâm trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính này. Căn cứ theo quy định tại Điều 21 của Luật cư trú năm 2020 hiện nay có ghi nhận về thành phần hồ sơ cho các chủ thể cần phải chuẩn bị khi thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, cụ thể trong một số trường hợp sẽ bao gồm những giấy tờ cơ bản sau:
Thứ nhất, các loại giấy tờ cần phải chuẩn bị trong hồ sơ đăng ký thường trú đối với các chủ thể thực hiện hoạt động đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình, bao gồm:
– Tờ khai thay đổi thông tin cư trú theo mẫu do pháp luật quy định;
– Các loại giấy tờ và tài liệu chứng minh về việc sở hữu hợp pháp chỗ ở, ví dụ như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất …;
– Giấy tờ tùy thân của cá nhân đi đăng ký thường trú ví dụ như căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân …
Thứ hai, các loại thành phần giấy tờ của hồ sơ đăng ký thường trú đối với các chủ thể đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ hoặc chủ sở hữu hợp pháp chỗ ở đồng ý, bao gồm:
– Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong tờ khai này phải nêu rõ ý kiến đồng ý cho hoạt động đăng ký thường trú của chủ thể được xác định là chủ hộ hoặc chủ sở hữu hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
– Các loại giấy tờ và tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ và các thành viên trong gia đình, chưa trường hợp đã có thông tin thể hiện rõ nét quan hệ nhân thân này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý dân cư và Cơ sở dữ liệu về cư trú;
– Các loại giấy tờ và tài liệu chứng minh về một số điều kiện khác.
Thứ ba, hồ sơ đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp thực hiện thông qua hoạt động giao dịch như cho thuê, mượn hoặc ở nhờ, bao gồm:
– Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý của chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
– Hợp đồng được lập theo quy định của pháp luật hoặc văn bản thể hiện giao dịch cho thuê hoặc cho mượn hoặc cho ở nhà đã được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật;
– Các loại giấy tờ và tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng có công trình phụ trợ là nhà ở:
– Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh là nhà tu hành, chức sắc, chức việc hoặc người khác hoạt động tôn giáo và được hoạt động tại cơ sở tôn giáo;
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh là người đại diện cơ sở tín ngưỡng;
– Văn bản xác nhận của chủ thể có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân cấp xã về việc trong cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng có công trình phụ trợ là nhà ở;
– Văn bản xác nhận của chủ thể có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân cấp xã về việc thuộc các đối tượng là trẻ em, người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng, người không nơi nương tựa được đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.
2. Mức phạt khi làm giả hồ sơ, giấy tờ để đăng ký thường trú:
Căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, có quy định về mức xử phạt đối với hành vi làm giả hồ sơ hoặc làm giả giấy tờ để thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, cụ thể như sau:
Thứ nhất, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với các chủ thể khi thực hiện hành vi vi phạm sau đây:
– Các chủ thể không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về thủ tục đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú, không thực hiện đúng thủ tục trong quá trình xóa đăng ký thường trú hoặc xóa đăng ký tạm trú, thực hiện sai thủ tục để tắt hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;
– Không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về thông báo lưu trú và khai báo tạm vắng tại cơ quan có thẩm quyền;
– Không xuất trình được sổ tạm trú và không xác định thông tin về cư trú, không cung cấp được một số các giấy tờ khác có liên quan đến cư trú theo yêu cầu của chủ thể có thẩm quyền.
Thứ hai, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với các chủ thể thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
– Thực hiện hoạt động tay xóa hoặc sửa chữa cháy quy định của pháp luật, có các hành vi khác làm sai lệch nội dung trong sổ tạm trú hoặc giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc các giấy tờ khác liên quan đến cư trú;
– Thực hiện hoạt động mua bán hoặc cho thuê sổ tạm trú hoặc giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc các giấy tờ khác liên quan đến cư trú nhằm mục đích thực hiện hành vi trái pháp luật;
– Cho mượn hoặc cho thuê hoặc sử dụng sổ tạm trú hoặc các giấy tờ khác liên quan đến cư trú để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;
– Đã cư trú tại một chỗ ở hợp pháp mới theo quy định của pháp luật và đủ điều kiện để đăng ký cư trú, tuy nhiên không làm thủ tục thay đổi đăng ký cư trú tại cơ quan có thẩm quyền;
– Kinh doanh lưu trú và kinh doanh các nhà ở tập thể hoặc kinh doanh cơ sở khám chữa bệnh, kinh doanh các cơ sở lưu trú dịch vụ du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú tuy nhiên không thực hiện thủ tục thông báo việc lưu trú cho cơ quan có thẩm quyền;
– Tổ chức hoạt động kích động và xúi giục, thực hiện các hành vi lôi kéo và dụ dỗ, môi giới và cưỡng bức người khác dưới mọi hình thức để thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật về cư trú;
– Hủy hoại các loại giấy tờ và tài liệu liên quan đến cư trú hoặc cầm cố, nhận cầm cố các loại giấy tờ và tài liệu về cư trú trái quy định của pháp luật.
Thứ ba, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với các chủ thể thực hiện một trong các hành vi sau đây:
– Cho người khác đăng ký cư trú và chỗ ở hợp pháp của mình để thực hiện hoạt động trái pháp luật hoặc vụ lợi cá nhân;
Cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú theo quy định của pháp luật;
– Thực hiện hoạt động môi giới hoặc nhận hối lộ trong quá trình đăng ký và quản lý cư trú của các chủ thể có thẩm quyền.
Thứ tư, phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng khi thực hiện một trong các hành vi sau đây:
– Cung cấp thông tin và các loại giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú để đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú;
– Làm giả hoặc sử dụng giấy tờ và tài liệu giả về cư trú trong quá trình đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú;
– Làm giả và sử dụng sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú ra để đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú;
– Kinh doanh các cơ sở lưu trú, hoặc các nhà ở tập thể, hoặc các cơ sở khám chưa bệnh, hoặc cơ sở lưu trú du lịch khách có chức năng lưu trú tuy nhiên không thực hiện thủ tục thông báo về việc lưu trú từ 9 người lưu trú trở lên;
không khai báo tạm trú cho người nước ngoài quy định của pháp luật;
– Cản trở hoặc không chấp hành việc kiểm tra thường trú và kiểm tra tạm trú hoặc kiểm tra lưu trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy thì đối với hành vi làm giả hồ sơ và giấy tờ để đăng ký thường trú sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân và 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức.
3. Các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi làm giả hồ sơ, giấy tờ để đăng ký thường trú:
Căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, bên cạnh mức xử phạt vi phạm hành chính nêu trên thì, hành vi làm giả hồ sơ và giấy tờ để đăng ký thường trú còn có thể bị áp dụng một số hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
– Hình thức xử phạt bổ sung có thể áp dụng trong trường hợp này đó là tịch thu tang vật hoặc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính;
– Bên cạnh đó còn có thể áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả, đó là buộc chủ thể có hành vi vi phạm quy định của pháp luật phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm pháp luật mà có.
Như vậy, các chủ thể thực hiện hành vi làm giả hồ sơ và giấy tờ để đăng ký thường trú có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng, ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là tịch thu phương tiện và tang vật vi phạm, trong trường hợp này được xác định là các giấy tờ và tài liệu ra để đăng ký thường trú.
4. Làm giả hồ sơ, giấy tờ để đăng ký thường trú có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Các đối tượng thực hiện hành vi làm giả hồ sơ và giấy tờ để đăng ký thường trú hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn các cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội làm giả con dấu và tài liệu của cơ quan, tổ chức, tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan và tổ chức. Lỗi của chủ thể được quy định là lỗi cố ý. Người phạm tội biết con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức mà mình làm ra là giả và sẽ được sử dụng cho việc thực hiện hành vi trái pháp luật hoặc biết con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ mà mình sử dụng thực hiện hành vi trái pháp luật là giả. Theo đó, điều luật quy định 3 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung. Cụ thể như sau:
– Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm;
– 02 khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 02 năm đến 05 năm và tử 03 năm đến 07 năm. Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được quy định là dấu hiệu về số lượng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả; về loại tội (theo Điều 9 của Bộ luật hình sự năm 2015) được thực hiện khi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả; về mức độ thu lợi bất chính …;
– Khung hình phạt bổ sung được quy định (có thể được áp dụng) là phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Cư trú năm 2020;
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.