Mức bồi thường khi mượn tài sản mà làm hỏng. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm.
Mức bồi thường khi mượn tài sản mà làm hỏng. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm.
Tóm tắt câu hỏi:
Ngày 15/6/2014, gia đình ông H có đám giỗ nên ông đã sang mượn của ông N một chiếc quạt cây phục vụ cho việc tổ chức ăn uống. Đây là một chiếc quạt cổ, nên có những hoa văn rất đẹp đẽ được khắc trên đó. Trước khi giao quạt cho ông H, ông N đã dặn rất cẩn thận rằng chiếc quạt cổ thời Pháp nên chỉ chạy được điện 110v và bảo ông H phải dùng bộ chuyển nguồn. Khi mang quạt về nhà, mọi người đều rất thích thú vì chiếc quạt lạ mắt. Buổi trưa, khi gia đình tổ chức ăn uống thì con trai ông H đã cắm chiếc quạt cây ông H mượn của ông Nam để phục vụ việc ăn uống. Do không được nhắc nhở đổi nguồn điện nên anh đã cắm trực tiếp vào dòng điện 220v làm chiếc quạt bị cháy. Sau buổi hôm đó, ông H có sang trình bày sự việc và xin ông N cho mình được mua một chiếc quạt cây mới thay thế hoặc đền tiền, nhưng ông N không đồng ý vì chiếc quạt cây của ông là chiếc quạt cổ rất quý nên yêu cầu ông H phải mang chiếc quạt đi sửa. Tuy nhiên, vì chiếc quạt của ông N là quạt cổ nên trên thị trường không ai có thể sửa được chiếc quạt này. Câu hỏi: Nếu ông N chấp nhận cho ông H mua một chiếc quạt cây khác thay thế thì việc ông H giao chiếc quạt cây mới chính là thực hiện nghĩa vụ trả lại tài sản mượn có đúng không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo như bạn trình bày, ông H và ông N đã giao kết hợp đồng mượn tài sản với nhau. Tuy không có giấy tờ chứng minh, nhưng hợp đồng mượn tài sản này được giao kết bằng lời nói, hành động cụ thể đó là hành động hỏi mượn quạt và hành động giao quạt. Do đó, hiệu lực hợp đồng đã phát sinh và các bên có quyền, nghĩa vụ đối với nhau, cũng như đối với tài sản cho mượn. Trong trường hợp này, ông N đã dặn dò kĩ về việc chiếc quạt chỉ chịu được nguồn điện 110v nhưng ông H đã không dặn lại con mình là chỉ cắm quạt vào dòng điện 110v, gây ra việc chiếc quạt bị hỏng, cháy.
Căn cứ Điều 496 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định nghĩa vụ của bên mượn tài sản như sau:
“Điều 496. Nghĩa vụ của bên mượn tài sản
1. Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa.
2. Không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn.
3. Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được.
4. Bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản mượn.
5. Bên mượn tài sản phải chịu rủi ro đối với tài sản mượn trong thời gian chậm trả.
Như vậy, Ông H có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho ông N theo quy định tại Điều 589 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
"Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
4. Thiệt hại khác do luật quy định."
Như vậy, chiếc quạt này đã bị hư hỏng, nếu không thể sửa được thì coi như nó đã không còn giá trị sử dụng. Ông H và ông N cần có thỏa thuận cụ thể về việc bồi thường. Cụ thể có thể bồi thường bằng tiền, bồi thường bằng việc mua một chiếc quạt mới thay thế cho chiếc quạt cũ, hơn nữa, ông H còn có thể phải bồi thường thiệt hại về mặt tinh thần khi chiếc quạt này là chiếc quạt quý giá của ông N mà ông H đã làm hỏng nó.
Nếu ông N chấp nhận cho ông H mua một chiếc quạt cây khác để thay thế thì việc ông H giao chiếc quạt cây mới là thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông N, không phải là trả lại tài sản mượn bởi việc trả lại tài sản mượn là phải trả lại chiếc quạt đã mượn từ đầu, không phải chiếc quạt mới.