Mua sản phẩm có thương hiệu trong nước đóng gói dán nhãn mới và bán ra thị trường. Thay đổi nhãn có bị vi phạm pháp luật không?
Mua sản phẩm có thương hiệu trong nước rồi đóng gói dán nhãn mới và bán ra thị trường có vi phạm pháp luật không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào bạn! Tôi muốn hỏi: việc mua một sản phẩm có thương hiệu trong nước, sau đó về đóng gói dán nhãn mới và bán ra thị trường ( hình thức lấy sỉ về bán lẻ) có bị xem là vi phạm pháp luật không ạ? Nếu muốn hợp thức hóa tôi phải làm những thủ tục gì?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Theo quy định tại Khoản 4, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005: “Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh”.
Theo đó, Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với quyền sở hữu công nghiệp được quy định như sau: “Quyền sở hữu công nghiệp được xác lập như sau: a) Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký”.
Theo như câu hỏi bạn đưa ra, bạn mua sản phẩm có thương hiệu trong nước, tuy nhiên không nêu cụ thể thương hiệu đó có đăng ký quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hay không nên chúng tôi xin phép chia làm hai trường hợp:
* Sản phẩm đó không đăng ký quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc có đăng ký nhưng đã hết thời hạn bảo hộ:
Theo đó, trong trường hợp này, việc đóng lại bao bì, dán nhãn hiệu của bạn đương nhiên không vi phạm pháp luật. Vì theo quy định tại Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 nhà nước sẽ tiến hành bảo hộ nhãn hiệu đối với sản phẩm có văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng thủ tục pháp luật quy định. Sản phẩm này không đăng ký quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, nên sẽ không được pháp luật bảo vệ về quyền sở hữu trí tuệ, do đó bạn thực hiện hành vi đóng gói dán nhãn mới đối với sản phẩm đó không vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ cũng như pháp
Tương tự như vậy, trong trường hợp văn bằng bảo hộ đã hết thời hạn mà công ty đó không gia hạn thời hạn bảo hộ hoặc rơi vào các trường hợp chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ theo quy định tại Điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì đương nhiên cũng không được nhà nước bảo hộ và việc bạn dán nhãn mới sẽ không vi phạm quy định của pháp luật.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
* Sản phẩm đó có đăng ký quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu:
Trong trường hợp này, sản phẩm có đăng ký quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và văn bằng bảo hộ đó còn thời hạn bảo hộ thì sản phẩm đó sẽ được nhà nước bảo hộ về quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu.
Theo đó, nếu như người có quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đồng ý cho bạn đóng gói dán nhãn mới thì việc thay đổi đó tất nhiên sẽ không vi phạm pháp luật vì trong trường hợp này người quyền sở hữu đã từ bỏ quyền được bảo hộ của mình. Tuy nhiên, trên thực tế trường hợp này ít có khả năng xảy ra. Nếu như người có quyền sở hữu công nghiệp không biết hoặc không đồng ý về việc dán nhãn mới của bạn thì đương nhiên, hành vi này của bạn đã vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và sẽ cấu thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của Luật Cạnh tranh 2004.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ 2005:
“Điều 130. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh
1. Các hành vi sau đây bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh:
a) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hoá, dịch vụ;
b) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hoá, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hoá, dịch vụ;
c) Sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên, nếu người sử dụng là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu và việc sử dụng đó không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng;
d) Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.
2. Chỉ dẫn thương mại quy định tại khoản 1 Điều này là các dấu hiệu, thông tin nhằm hướng dẫn thương mại hàng hoá, dịch vụ, bao gồm nhãn hiệu, tên thương mại, biểu tượng kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng bao bì của hàng hoá, nhãn hàng hoá.
3. Hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm các hành vi gắn chỉ dẫn thương mại đó lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện quảng cáo; bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu hàng hoá có gắn chỉ dẫn thương mại đó”.
Do đó, nếu thực hiện hành vi trên trong trường hợp này, bạn sẽ vi phạm pháp luật, và nếu muốn hợp thức hóa hành vi trên bạn phải xin sự đồng ý của người có quyền sở hữu công nghiệp hoặc thực hiện khi thời hạn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp chấm dứt.