Giám sát hải quan là gì? Có những hình thức giám sát hải quan như thế nào? Đối tượng chịu sự giám sát hải quan?
Định nghĩa giám sát hải quan
Giám sát hải quan là biện pháp nghiệp vụ do cơ quan hải quan áp dụng để bảo đảm sự nguyên trạng của hàng hóa, phương tiện vận tải đang thuộc đối tượng quản lý hải quan (Khoản 9 Điều 4 Luật Hải quan năm 2005).
Định nghĩa giám sát hải quan theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật Hải quan 2014 có sự kế thừa của Luật Hải quan 2005 và quy định rõ hơn, theo đó giám sát hải quan là biện pháp nghiệp vụ do cơ quan hải quan áp dụng để bảo đảm sự nguyên trạng của hàng hóa, sự tuân thủ quy định của pháp luật trong việc bảo quản, lưu giữ, xếp dỡ, vận chuyển, sử dụng hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải đang thuộc đối tượng quản lý hải quan.
Chủ thể thực hiện quyền giám sát hải quan
Đối với giám sát hải quan truyền thống: Theo quy định tại Điều 27 Luật Hải quan 2001 sửa đổi bổ sung 2005, điểm b khoản 1 và khoản 2 Thông tư 128/2013/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quẩn lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì có thể xác định chủ thể thực hiện quyền giám sát hải quan đó là công chức hải quan, Chi cục trưởng Chi cục hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Đối với giám sát hải quan điện tử: Theo quy định tại khoản 1, điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều 31 Thông tư 22/2014/TT-BTC quy định thủ tục hải quan điện tủ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại thì chủ thể thực hiện quyền giám sát hải quan điện tử cũng giống như trên.
Đối tượng chịu sự giám sát hải quan
Đối với giám sát hải quan truyền thống
Theo quy định tại Điều 13 nghị định 154/2005 /NĐ-CP thì không phải tất cả mọi hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại đều là đối tượng của hoạt động giám sát hải quan. Xuất phát từ nội dung, mục đích của hoạt động này, pháp luật chỉ đặt ra trách nhiệm giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại trong những trường hợp nhất định, bao gồm:
Thứ nhất, hàng hóa đã làm xong thủ tục hải quan xuất khẩu nhưng chưa thực xuất khẩu.Thông thường, hàng hóa sau khi thực hiện hết thủ tục hải quan thì sẽ được xuất khẩu hoặc nhập khẩu. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó hàng hóa có thể chưa được xuất khẩu ngay sau khi làm thủ tục hải quan. Đối với hàng hóa trong trường hợp này, cơ quan hải quan có thẩm quyền phải thực hiện hoạt động giám sát hải quan.
Thứ hai, hàng hóa đã làm xong thủ tục hải quan xuất nhập khẩu nhưng chưa được thông quan.
Thứ ba, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa làm thủ tục hải quan được lưu trong kho, bãi, thuộc phạm vi, địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan.
Thứ tư, hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh.
Thứ năm, hàng hóa chuyển cửa khẩu.
Thứ sáu, hàng hóa chuyển cảnh.
Đối với bất kỳ loại hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại nào nếu rơi vào nếu rơi và một trong số năm trường hợp kể trên thì sẽ phải trải qua thủ tục giám sát hải quan.
Đối với giám sát hải quan điện tử
Căn cứ tại khoản 1 Điều 31 Thông tư 22/2014/TT-BTC thì đối tượng chịu sự giám sát hải quan điện tử cũng giống như giám sát hải quan truyền thống.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Chủ thể chịu sự giám sát hải quan
Đối với giám sát hải quan truyền thống: Chủ thể này bao gồm các cá nhân, pháp nhân, tổ chức tham gia vào quan hệ pháp luật về giám sát hải quan. Bao gồm:
– Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thương mại;
– Tổ chức được chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thương mại ủy thác;
– Người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa thương mại xuất khẩu, nhập khẩu.
Đối với giám sát hải quan điện tử:
Chủ thể chịu sự giám sát hải quan điện tử chính là người khai điện tử, theo đó Điều 4 Thông tư 22/2014/TT-BTC có xác định người khai điện tử có thể là:
- Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại
- Tổ chức được chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ủy thác.
- Đại lý làm thủ tục hải quan.
Ngoài ra còn có thêm người điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa thương mại xuất nhập khẩu.