Thủ tục để đảm bảo việc ra quyết định mở thủ tục phá sản đúng quy định pháp luật, bao gồm: Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; Thực hiện quá trình thương lượng của các chủ nợ với con nợ trong một thời hạn nhất định; Lệ phí và chi phí phá sản.
Mục lục bài viết
- 1 1. Khái niệm mở thủ tục phá sản, ra quyết định mở thủ tục phá sản:
- 2 2. Ý nghĩa của việc ra quyết định mở thủ tục phá sản:
- 2.1 2.1. Nhằm bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ:
- 2.2 2.2. Nhằm bảo vệ quyền lợi của con nợ, tạo cơ hội cho con nợ rút khỏi thường trường một cách có trật tự:
- 2.3 2.3. Nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động:
- 2.4 2.4. Góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, ổn định xã hội, lành mạnh hoá môi trường đầu tư, kinh doanh:
1. Khái niệm mở thủ tục phá sản, ra quyết định mở thủ tục phá sản:
Pháp luật phá sản một số nước trên thế giới và Luật Phá sản năm 2014 của Việt Nam không đưa ra khái niệm mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên theo thông lệ chung trên thế giới, kết hợp với nhiều công trình nghiên cứu của nhiều học giả có tên tuổi, tác giả xin tham khảo và đưa ra khái niệm mở thủ tục phá sản như sau:
Mở thủ tục phá sản có thể khái niệm là làm cho thủ tục phá sản được bắt đầu tiến hành. Việc làm cho thủ tục phá sản được bắt đầu là việc một cơ quan có thẩm quyền tiến hành ban hành một quyết định mở thủ tục phá sản(thông thường là Toà án) khi có chủ thể yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với các doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán.
Có thể hiểu rằng mở thủ tục phá sản là một khởi đầu cho một chuỗi các bước tiếp theo được pháp luật quy định để giải quyết việc doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Với khái niệm như trên có thể khái quát rằng: Ra quyết định mở thủ tục phá sản là hành vi ban hành Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm đáp ứng yêu cầu của một hoặc một số chủ thể nhất định (Chủ thể có thẩm quyền) trong quá trình phá sản doanh nghiệp, hành vi này được thực hiện với một số căn cứ, điều kiện, thủ tục nhất định được pháp luật quy định.
Căn cứ và điều kiện ra quyết định mở thủ tục phá sản được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành, bao gồm các quy định pháp luật về tình trạng mất khả năng thanh toán của Doanh nghiệp, Hợp tác xã.
Thủ tục để đảm bảo việc ra quyết định mở thủ tục phá sản:
+ Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;
+ Thực hiện quá trình thương lượng của các chủ nợ với con nợ trong một thời hạn nhất định;
+ Lệ phí và chi phí phá sản.
2. Ý nghĩa của việc ra quyết định mở thủ tục phá sản:
2.1. Nhằm bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ:
Một “con nợ chết” sẽ kéo theo hàng loạt chủ nợ có thể đứng trước nguy cơ mất trắng tài sản và lâm vào tình trạng bị đát về tài chính, và hơn hết, các chủ nợ khi cho vay đều không mong muốn con nợ của mình “chết” hoặc “sống” nhưng không có khả năng trả nợ. Vì vậy, việc bảo vệ quyền và lợi ích cho chủ thể (con nợ) bị ảnh hưởng lớn nhất trước nguy cơ một doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán là điều vô cùng cần thiết.
Khi doanh nghiệp , Hợp tác xã bị phá sản thì chủ nợ nào cũng muốn lấy được càng nhiều càng tốt tài sản còn lại của doanh nghiệp , Hợp tác xã bị phá sản. Như vậy, nếu không có Luật để đưa vấn đề phân chia tài sản của con nợ theo một trật tự nhất định, nhằm bảo đảm sự công bằng và khách quan mà cứ để mạnh ai người nấy lấy một cách vô tổ chức thì sẽ gây ra tình trạng lộn xộn, mất trật tự, gây ra mâu thuẫn giữa chủ nợ với con nợ, giữa chủ nợ với nhau.
Bảo vệ quyền lợi cho chủ nợ trước tiên là bảo vệ các quyền về tài sản của các chủ nợ. Khi doanh nghiệp , Hợp tác xã mắc nợ không trả được nợ cho các chủ nợ thì chủ nợ có quyền yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản doanh nghiệp , Hợp tác xã để bán toàn bộ tài sản còn lại của doanh nghiệp , Hợp tác xã để trả cho các chủ nợ. Luật Phá sản còn đảm bảo sự bình đẳng của các chủ nợ trong việc đòi nợ. Không một chủ nợ nào được quyền đòi nợ một cách riêng lẻ. Không một chủ nợ nào được con nợ trả nợ cho mình trong khi các chủ nợ khác chưa được trả nợ. Tất cả các chủ nợ đều phải đợi đến khi Tòa án tuyên bố doanh nghiệp , Hợp tác xã phá sản và cùng nhau chia số tài sản còn lại theo tỷ lệ (trừ những chủ nợ có một sự đảm bảo đặc biệt cho món nợ của mình như có tài sản cầm cố, thế chấp).
Việc ra quyết định mở thủ tục phá sản bảo vệ quyền lợi cho các chủ nợ thể hiện rõ nét nhất là sau khi đã có Quyết định mở thủ tục phá sản thì con nợ không thể thực hiện quyền đòi nợ riêng lẻ, ảnh hưởng đến các chủ nợ khác; các giao dịch của con nợ không đảm bảo nguyên tắc chung sẽ bị Tòa án tuyên bố hiệu để đảm bảo một phần quyền lợi của các chủ nợ đã bị mất ....
Trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện thành công phương án phục hồi đã được Hội nghị chủ nợ thông qua thì các chủ nợ sẽ được thanh toán các khoản nợ theo nội dung đã đề ra trong phương án phục hồi.
2.2. Nhằm bảo vệ quyền lợi của con nợ, tạo cơ hội cho con nợ rút khỏi thường trường một cách có trật tự:
Ngày nay, quan niệm về việc kinh doanh đã được thay đổi, người ta không còn coi phá sản là một tội phạm và người gây ra sự phá sản là một phạm nhân, quy định pháp luật đối với con nợ đã được xây dựng theo hướng tích cực, có lợi cho con nợ.
Do sự biến động không lường của thị trường và các yếu tố khách quan khác nên tình trạng kinh doanh thua lỗ, không trả được nợ đến hạn đều có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với bất kỳ nhà kinh doanh nào. Một doanh nghiệp , Hợp tác xã bị phá sản có thể kéo theo nhiều hậu quả xấu đối với xã hội, mà trước hết là đối với các chủ nợ và bản thân con nợ. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp , Hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì vấn đề đầu tiên mà pháp luật quan tâm giải quyết không phải là việc tuyên bố doanh nghiệp , Hợp tác xã phá sản ngay và phân chia tài sản của nó cho các chủ nợ mà là việc phải tìm mọi cách để giúp đỡ con nợ thoát khỏi tình trạng khó khăn này. Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ được chủ nợ chính là bảo vệ con nợ. Có thể thấy, khi các chủ nợ cảm thấy quyền lợi của mình được pháp luật bảo vệ chặt chẽ hơn, họ sẽ mạnh dạn hơn trong việc tiếp tục hỗ trợ con nợ tái cấu trúc lại doanh nghiệp để họ có thể thu hồi được nhiều hơn khoản nợ so với việc bán thanh lý doanh nghiệp , giúp quá trình phục hồi SXKD của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán được thành công. Quá trình phục hồi này họ có thể giám sát được thông qua nhiều hình thức khác nhau mà pháp luật quy định, trong đó quyền giám sát của các chủ nợ có thể xem là tuyệt đối, con nợ cũng từ đây thoát khỏi cảnh nợ nần, cảnh mất khả năng thanh toán.
Việc ra quyết định mở thủ tục phá sảnbảo vệ quyền lợi cho các con nợ thể hiện rõ nét nhất là sau khi đã có Quyết định mở thủ tục phá sản thì chủ nợ không thể tiến | hành xâu xé con nợ, họ đòi nợ phải theo trật tự nhất định, mọi khoản nợ đều được minh bạch hóa, các chủ nợ nhìn thấy hết được viễn cảnh của con nợ ... dẫn đến các chủ nợ sẽ có những giải pháp nhất định giúp hỗ trợ con nợ trong quá trình phục hồi (nếu có), hoặc trong quá trình thanh lý tài sản thu lại được nhiều lợi ích nhất có thể được.
Trong trường hợp, con nợ đã cố gắng bằng mọi cách để phục hồi kinh doanh nhưng không thành công, thì họ có thể an tâm rút khỏi kinh doanh một cách có trật tự theo các quy định pháp luật, bên cạnh đó về mặt tâm lý họ được giải phóng khỏi tình trạng cảm thấy mình có tội lỗi với các chủ nợ.
Điều đó giải thích rằng pháp luật của đa số các nước đều quy định nhiều hình thức phục hồi khác nhau để doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản lựa chọn, áp dụng.
2.3. Nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động:
Khi mở thủ tục phá sản thì những người lao động là đối tượng phải chịu hậu quả trực tiếp. Họ sẽ bị mất việc làm, mất nguồn thu nhập để đảm bảo đời sống cho bản thân và gia đình. Cơ chế phục hồi hoạt động SXKD của doanh nghiệp được đặt ra là cơ hội để cứu doanh nghiệp , Hợp tác xã thoát khỏi tình trạng phá sản cũng chính cứu người lao động thoát khỏi nguy cơ mất việc làm. Bên cạnh đó, sự bảo vệ của Luật Phá sản đối với người làm công thể hiện ở chỗ pháp luật cho phép người lao động được quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản hoặc phản đối yêu cầu tuyên bố phá sản, quyền được tham gia quá trình giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản, quyền được ưu tiên thanh toán nợ lương trước các khoản nợ khác của doanh nghiệp , ....
Ra quyết định mở thủ tục phá sản đảm bảo cho người lao động hiểu rõ hơn về nơi mình đang làm việc, hiểu rõ bản chất của con nợ, hiểu rõ hơn các chủ nợ ... từ đó người lao động có thể đưa ra những giải pháp nhằm cứu con nợ cũng như tự cứu lấy chính công việc làm của mình, thông qua cơ chế quản lý của Tòa án có thẩm quyền và các thiết chế khác sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản.
Người lao động trong doanh nghiệp mất khả năng thanh toán chính là một trong những nguồn lực quan trọng để duy trì và phát triển doanh nghiệp . Luật Phá sản cho người lao động được tham gia trong quá trình giải quyết yêu cầu TBPS, là một trong những yếu tố quan trọng, bởi họ chính là những người trực tiếp tham gia vào quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp , tham gia trực tiếp vào phương án phục hồi SXKD. Việc phục hồi SXKD có thành công hay không thì yếu tố Người lao động là yếu tố then chốt, bởi phục hồi SXKD thì họ có cơ hội tiếp tục làm việc, tiếp tục được thanh toán lương và đặc biệt là họ góp phần vào việc ổn định lại doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung.
2.4. Góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, ổn định xã hội, lành mạnh hoá môi trường đầu tư, kinh doanh:
Ra quyết định mở thủ tục phá sản có thể xem là một cách thức giải quyết mang ý nghĩa tích cực cho toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Thứ nhất, quyết định mở thủ tục phá sản giúp cho các doanh nghiệp , Hợp tác xã mắc nợ có cơ hội trình bày được phương án phục hồi SXKD của mình trước tất cả các chủ nợ dưới sự giám sát của Tòa án và Quản tài viên các phương án kinh doanh trong giai đoạn khó khăn của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán được thể hiện minh bạch, công khai và đây chính là tiền để giúp cho các chủ nợ thấy được rằng khoản thu nợ của mình sẽ được thu lúc nào, nhằm có kế hoạch cho dòng tiền của đơn vị mình trong thời gian tới, cũng như thấy rõ được dòng tiền của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, từ đó có thể góp phần vào việc cơ cấu lại SXKD cho doanh nghiệp kể cả con nợ và chủ nợ.
Thứ hai, từ phương án phục hồi SXKD của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, nếu được thực thi sẽ đem lại hiệu quả như ổn định công ăn việc làm cho người lao động trong doanh nghiệp , ổn định về mặt xã hội cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.
Thứ ba, cũng thông qua việc quyết định mở thủ tục phá sảnthì những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không lập được phương án phục hồi SXKD sẽ bị loại ra khỏi thị trường một cách nhanh chóng, nguồn lực lao động sẽ được những doanh nghiệp khác sử dụng nhằm làm cho nền kinh tế không bị trì trệ.
Thứ tư, quyết định mở thủ tục phá sản cũng nhằm mang tính phòng ngừa cho các doanh nghiệp họ phải thận trọng hơn trong việc đưa ra các quyết định kinh doanh, nhằm tránh đi những quyết định kinh doanh không phù hợp, giảm thiểu những rủi ro xảy ra trong kinh doanh tối đa.
Thứ năm, những quy định rõ ràng và minh bạch trong thủ tục phá sản góp phần làm giới đầu tư yên tâm đầu tư vào kinh doanh, vì họ hiểu rằng có thể được pháp luật bảo vệ và họ có thể lường trước những rủi ro. Các doanh nghiệp thì mạnh dạn đầu tư mở rộng kinh doanh vì pháp luật Phá sản nói chung và cơ chế phá sản nói riêng cho phép họ có thể “rút lui có trật tự” mà vẫn bảo đảm được quyền lợi hợp pháp của mình nếu không may gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
Như vậy có thể khẳng định, việc quyết định mở thủ tục phá sản càng nhiều thì các phương án phục hồi kinh doanh ra đời càng nhiều, giúp cho nền kinh tế có thể có sự chọn lựa hợp lý các phương án kinh doanh hiệu quả, giúp cho càng nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh toán có cơ hội thoát nợ, góp phần làm giảm quy mô những ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh không hiệu quả, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế hiệu quả hơn, các nguồn đầu tư được phân bố hợp lý hơn, làm cho môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn hơn, lành mạnh hơn, minh bạch hơn.