Khái quát về miễn nhiệm, bãi nhiệm, thay thế thành viên Hội đồng quản trị? Miễn nhiệm, bãi nhiệm, thay thế thành viên Hội đồng quản trị?
Hội đồng quản trị là cơ quan đóng vai trò quan trọng nhất trong hoạt động quản trị công ty cổ phần. Nhận thức được vai trò đó, pháp luật Việt Nam hiện hành đã có nhiều chế định liên quan, tạo cơ sở pháp lý chung để những nhà quản lý doanh nghiệp áp dụng vào thực tiễn, nhằm làm cho bộ máy công ty cổ phần vận hành có hiệu quả. Khi nghiên cứu về Hội đồng quản trị, một trong những vấn đề trọng tâm cần được hiểu sâu hơn là cơ cấu thành viên- mà việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, thay thế thành viên Hội đồng quản trị là nội dung đáng được bàn luận và giải thích cụ thể
Cơ sở pháp lý:
1. Khái quát về miễn nhiệm, bãi nhiệm, thay thế thành viên Hội đồng quản trị?
Theo giải thích tại Khoản 1, Điều 153 Luật Doanh nghiệp: ” Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ các quyền và nghĩa vụ thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.” Hội đồng quản trị được coi là cơ chế quản trị bên trong của công ty, đại diện cho sự kết nối giữa những cá nhân cung ứng vốn với những cá nhân sử dụng vốn đó để tạo ra giá trị. Với việc xác định Hội đồng quản trị theo khái niệm trên, Hội động quản trị hoạt động hiệu quả khi cơ quan này thực hiện thành công vai trò của mình: (i) vai trò kiểm soát; (ii) vai trò hỗ trợ; (iii) vai trò chiến lược.
Thành viên Hội đồng quản trị là cá nhân đáp ứng đủ các tiêu chuẩn luật định và được Đại hội đồng cổ đông bầu làm thành viên Hội đồng quản trị. Số lượng thành viên Hội đồng quản trị ở mỗi công ty cổ phần là khác nhau, được quy định trong Điều lệ công ty, đảm bảo có từ 03 đến 11 thành viên.
Một điểm thú vị cần biết đó là thành viên Hội đồng quản trị không nhất thiết phải là cổ đông của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác. Đây là quy định phù hợp với thông lệ quốc tế. Các công ty có nhiều cơ hội tuyển chọn được những người có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tham gia vào Hội đồng quản trị. Không những thế điều này còn thể hiện rằng yếu tố độc lập của Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần ngày càng được coi trọng. Do có vị trí độc lập với công ty, nên những thành viên này thường có cái nhìn khách quan hơn, đưa ra những ý kiến sáng suốt hơn và hạn chế tối thiểu xung đột lợi ích trong công ty.
Miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị là việc cá nhân thôi giữ vị trí thành viên Hội đồng quản trị khi chưa hết nhiệm kỹ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do thuộc một trong các trường hợp luật định.
Bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị là việc cá nhân không được tiếp tục giữ vị trí thành viên Hội đồng quản trị khi chưa hết nhiệm kỳ trong trường hợp không tham gia các hoạt động của Hội đồng quản trị trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc Điều lệ công ty có quy định khác.
Thay thế thành viên Hội đồng quản trị là việc cá nhân là thành viên Hội đồng quản trị bị cho thôi giữ vị trí bởi một cá nhân khác trong những trường hợp cụ thể khi cho rằng cá nhân bị thay thế không còn thích hợp nữa.
2. Miễn nhiệm, bãi nhiệm, thay thế thành viên Hội đồng quản trị?
2.1. Các trường hợp miễn nhiệm, bãi nhiệm, thay thế thành viên Hội đồng quản trị?
Nội dung về các trường hợp miễn nhiệm, bãi nhiệm, thay thế thành viên Hội đồng quản trị được ghi nhận tại Điều 160 Luật Doanh nghiệp, theo đó:
“1. Đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị trong trường hợp sau đây:
a) Không có đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định tại Điều 155 của Luật này;
b) Có đơn từ chức và được chấp thuận;
c) Trường hợp khác quy định tại Điều lệ công ty.
2. Đại hội đồng cổ đông bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị trong trường hợp sau đây:
a) Không tham gia các hoạt động của Hội đồng quản trị trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng;
b) Trường hợp khác quy định tại Điều lệ công ty.
3. Khi xét thấy cần thiết, Đại hội đồng cổ đông quyết định thay thế thành viên Hội đồng quản trị; miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị ngoài trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này…..“
Thứ nhất, về miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị:
Về cơ bản, pháp luật vẫn trao quyền cho công ty cổ phần quyết định về các trường hợp miễn nhiệm thành viên Hội đông quản trị và phải được thể hiện trong Điều lệ công ty, vì vậy về cơ bản, nếu theo luật định thì có hai trường hợp cụ thể:
– Một là không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện là thành viên Hội đồng quản trị. Đây là nội dung quan trọng để lựa chọn ra những cá nhân có đủ năng lực đảm nhiệm trách nhiệm, vai trò của Hội đồng quản trị, trong đó, vừa có điều kiện chung vừa có điều kiện riêng.
Tiêu chuẩn, điều kiện chung:
(1) Không thuộc đối tượng không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp. Ví dụ: Cán bộ, công chức, viên chức.
(2) Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh hoặc trong lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của công ty và không nhất thiết phải là cổ đông của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
(3) Thành viên Hội đồng quản trị công ty có thể đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của công ty khác.
(4) Đối với doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và công ty con của doanh nghiệp nhà nước thì thành viên Hội đồng quản trị không được là người có quan hệ gia đình của Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty; của người quản lý, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ.
Bên cạnh các tiêu chuẩn này, thành viên độc lập Hội đồng quản trị còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn và điêu kiện cụ thể khác.
Với trường hợp miễn nhiệm này, thực tế sẽ thường xảy ra do cá nhân thành viên Hội đồng quản trị trở thành người thuộc đối tượng không được quản lý doanh nghiệp hoặc vi phạm điều kiện số (4) đối với doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, khả năng miễn nhiệm trong trường hợp khá khó xảy ra bởi quá trình bầu thành viên là quá trình được chuẩn bị kỹ lưỡng, thực hiện việc xác nhận thông tin và thành viên Hội đồng quản trị cũng đã thực hiện nghĩa vụ thông báo các lợi ích liên quan.
– Hai là, có đơn từ chức và được chấp thuận. Đây là trường hợp miễn nhiệm khá đặc biệt xuất phát từ ý chí của thành viên và được chủ thể có thẩm quyền chấp thuận. Lí do từ chức có thể khác nhau, phù thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế. Điểm tiến bộ trong trường hợp này so với Luật Doanh nghiệp 2014 đó là việc phải “được chấp nhận”, trước đây tại Điều 156 Luật Doanh nghiệp 2014 đã không quy định về điều này. Sự thay đổi được cho là hoàn toàn hợp lí xuất phát từ ý chí của cá hai bên, bên thành viên và bên đại diện công ty.
Thứ hai, về bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị.
Cũng giống như miễn nhiệm, bãi nhiệm cũng được pháp luật trao quyền cho công ty quyết định và ghi nhận trong Điều lệ công ty, Điều 160 chỉ nêu ra trường hợp cụ thể nhất đó là: Không tham gia các hoạt động của Hội đồng quản trị trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng.
Hoạt động của Hội đồng quản trị rất đa dạng xuất phát từ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, vai trò mà họ phải gánh vác. Với tư cách là thành viên Hội động quản trị, việc không tham gia các hoạt động trong vòng 06 tháng liên tục khiến thành viên gần như bị “đào thải” ra khỏi cơ chế vận hành của Hội đồng quản trị khi sự phát triển các nội dung quản lý diễn ra cực kỳ nhanh chóng. Tuy nhiên, ngoại lệ là vấn đề vẫn được đặt ra, đó là “trường hợp bất khả kháng”, thực tế thì không cần giải thích quá chi tiết về trường hợp này, có thể vận dụng quy định của Bộ luật dân sự để áp dụng.
Quy định về trường hợp miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã có nhiều sự thay đổi so với
Thứ ba, về thay thế thành viên Hội đồng quản trị.
Thay thế thành viên Hội đồng quản trị không phải là nội dung mới vì nó đã được nhắc đến trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, tuy nhiên, đến Luật Doanh nghiệp 2020, thì quy định về thay thế thành viên Hội đồng quản trị mới được nâng lên thành một điều khoản cụ thể. Thực tiến pháp luật cho thấy, thay thế thành viên Hội đồng quản trị không được diễn ra một cách cụ thể mà theo ý chí của Đại hội đồng cổ đông khi xét thấy cần thiết. Thay thế thành viên Hội đồng quản trị diễn ra khi miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên không thuộc các trường hợp đã được nêu trên.
2.2. Thẩm quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm, thay thế thành viên Hội đồng quản trị?
Thẩm quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm, thay thế thành viên Hội đồng quản trị thuộc về Đại hội đồng cổ đông. Thẩm quyền này được ghi nhận trong chính quy định tại Điều 160 về miễn nhiệm, bãi nhiệm, thay thế, bổ sung thành viên Hội đồng quản trị, đồng thời, tại Điểm c, Khoản 2, Điều 138 về quyền và nghĩa vụ của Đại Hội đồng cổ đông.
Đại hội đồng cổ đông cũng là “cơ quan” có quyền bầu thành viên Hội động quản trị, do đó họ có quyền “khai tử” thành viên đó nếu đáp ứng các điều kiện. Thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông dựa trên cơ cấu tổ chức gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần.