Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của các loại hình doanh nghiệp, để đảm bảo và điều hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia vào quá trình lao động, thỏa ước lao đông tập thể đã ra đời và cho thấy những vai trò to lớn của nó trong thực tế đời sống.
Mục lục bài viết
1. Thỏa ước lao động tập thể là gì?
Thỏa ước lao động tập thể được tạo ra thông qua sức mạnh tập thể của người lao động bằng sự thương lượng, mặc cả với người sử dụng lao động để có thể hưởng được những lợi ích cao hơn so với quy định trong pháp luật. Đồng thời, thỏa ước lao động tập thể còn là cơ sở ràng buộc trách nhiệm của hai bên trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh của mình. Do đó, thỏa ước lào dộng tập thể là vấn đề mà cả người sử dụng lao động cũng như tập thể người lao động cần quan tâm để nâng cao hiệu suất và gia tăng doanh thu cũng như quyền lợi của người lao động được đảm bảo tốt nhất.
Thỏa ước lao động tập thể được hiểu là những quy định trong nội bộ của một doanh nghiệp, trong thỏa ước lao động tập thể sẽ là sự thỏa thuận giữa một bên là tổ chức đại diện người lao động với một bên là người sử dụng lao động về những vấn đề liên quan đến quan hệ lao động xảy ra trong thực tiễn. Bên người sử dụng lao động có thể là người sử dụng lao động hoặc đại diện tổ chức đại diện của người sử dụng lao động có đủ năng lực kí kết thỏa ước lao động tập thể. Mẫu nêu rõ căn cứ pháp lý, đại diện tập thể người lao động, đại diện doanh nghiệp, các điều khoản thỏa thuận,…
2. Mẫu thỏa ước lao động tập thể:
CÔNG TY ……
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
……, ngày … tháng …. năm 20…
THỎA ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ
– Căn cứ
– Căn cứ Luật Công đoàn 2012;
– Căn cứ Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động;
– Căn cứ Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 hướng dẫn một số nội dung của Bộ luật Lao động.
Để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của hai trong mối quan hệ lao động chúng tôi gồm có:
Ông: …… Chức vụ: …..
ĐẠI DIỆN TẬP THỂ NGƯỜI LAO ĐỘNG:
Bà:…… Chức vụ: Chủ tịch công đoàn
Hai bên thương lượng, thỏa thuận và ký Thỏa ước lao động tập thể (gọi tắt là Thỏa ước) với các điều khoản sau:
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thỏa ước lao động tập thể này quy định mối quan hệ lao động giữa tập thể lao động và Người sử dụng lao động về các điều kiện lao động và sử dụng lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong thời hạn Thỏa ước có hiệu lực. Mọi trường hợp khác trong mối quan hệ lao động không quy định trong bản Thỏa ước lao động tập thể này, sẽ được giải quyết theo Bộ luật Lao động và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Điều 2. Đối tượng thi hành.
1. Đối tượng thi hành bản Thỏa ước này gồm Ban Giám đốc, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở và toàn thể người lao động đang làm việc tại Công ty ……. kể cả Người lao động trong thời gian học nghề, tập nghề, thử việc, Người lao động vào làm việc sau ngày Thỏa ước có hiệu lực đều có trách nhiệm thực hiện những nội dung thỏa thuận trong Thỏa ước này;
2. Thỏa ước này là cơ sở để giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ của 2 bên và là cơ sở giải quyết tranh chấp lao động tại Công ty.
Điều 3. Thể thức ký kết.
1. Thỏa ước này đã được lấy ý kiến của toàn thể Người lao động, được Ban chấp hành Công đoàn cơ sở cùng với Ban Giám đốc Công ty thương lượng, thỏa thuận thông qua và ký kết.
2. Bản Thỏa ước này được lập thành 04 bản bằng Tiếng Việt và gửi cho:
– Ban Giám đốc Công ty giữ 01 bản;
– Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở giữ 01 bản;
– Gửi Liên đoàn Lao động quận Thanh Khê giữ 01 bản
– Gửi Sở Lao động – Thương binh & Xã hội thành phố Đà Nẵng giữ 01 bản.
CHƯƠNG II
NHỮNG NỘI DUNG HAI BÊN THỐNG NHẤT THỰC HIỆN
Điều 4. Tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp và nâng lương
1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng định mức lao động, Thang lương, bảng lương theo quy định. Quy chế trả lương, trả thưởng được tập thể lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở góp ý và công khai cho Người lao động tại doanh nghiệp biết.
2. Chế độ nâng lương: Doanh nghiệp sẽ tổ chức đánh giá thành tích nhân viên và xem xét lại mức lương 01 năm/1lần cho Người lao động đã làm việc từ 01 năm trở lên. Ngoài ra, Doanh nghiệp sẽ xét nâng lương trước thời hạn cho Người lao động có năng lực và thành tích làm việc xuất sắc hoặc Người lao động bổ sung bằng cấp, chứng chỉ liên quan đến ngành.
3. Tiền thưởng: Doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng Quy chế thưởng quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn xét thưởng cho Người lao động. Tiền thưởng gồm:
4. Thưởng lương tháng 13 vào dịp tết: Tùy theo tình hình kinh doanh, Doanh nghiệp sẽ xét thưởng lương tháng 13 cho Người lao động làm việc đủ 12 tháng với mức thưởng ít nhất 01 tháng lương theo
5. Thưởng đột xuất cho cá nhân, tập thể Người lao động đạt những thành tích trong các trường hợp sau: Phát hiện và báo cáo kịp thời các vụ việc tiêu cực như trộm cắp, lãng phí, tham ô tài sản doanh nghiệp, và các nguy cơ khác giúp doanh nghiệp tránh được những tổn thất rủi ro.
6. Trong thời gian thử việc tại doanh nghiệp, người lao động được hưởng 85% lương của công việc đó. Sau thời gian thử việc nếu người lao động được chính thức ký hợp đồng tuyển dụng thì sẽ được hưởng 100% lương theo cấp bậc công việc.
Điều 5. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
1. Thời gian làm việc: 08giờ/ngày và 48 giờ/tuần
2. Thời gian nghỉ hàng năm: Doanh nghiệp thực hiện thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật.
– Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01/01).
– Tết Âm lịch: 05 ngày (30 Tết, mồng 01, 02, 03, 04 Tết).
– Ngày Giỗ tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10/03 âm lịch).
– Ngày Thống nhất đất nước: 01 ngày (ngày 30/04 dương lịch).
– Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01/05 dương lịch).
– Ngày Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02/09 dương lịch và 01 ngày liên kề trước hoặc sau đó).
– Bản thân kết hôn: 03 ngày.
– Con kết hôn: 01 ngày.
– Bố, mẹ (cả bên vợ và bên chồng) mất, vợ hoặc chồng mất, con mất: 03 ngày.
– Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột mất; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
– Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Điều 6. Bảo đảm việc làm đối với người lao động
1. Người sử dụng lao động cam kết ký hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 21 Bộ luật lao động và đảm bảo việc làm cho Người lao động trong suốt thời gian có hiệu lực của hợp đồng; Người sử dụng lao động và Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động đảm bảo đúng quy định tại Điều 35 và Điều 36 Bộ luật lao động; Trường hợp Người lao động và Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trái luật thì nghĩa vụ của hai bên thực hiện theo quy định của Điều 40, 41 Bộ luật lao động.
2. Mọi trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động cần tham khảo ý kiến của Ban chấp hành công đoàn công ty.
3. Khi có nhu cầu đào tạo cho Người lao động Công ty sẽ hỗ trợ 100% học phí cho Người lao động. Các điều khoản về đào tạo, được ghi trong hợp đồng đào tạo nghề đảm bảo đúng quy định của Bộ luật lao động hiện hành.
4. Người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không bị xử lý kỷ luật lao động sẽ được tái ký Hợp đồng lao động khi hết hạn hợp đồng.
Điều 7. Bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động.
1. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ sau đây:
– Hàng năm, khi xây dựng kế hoạch kinh doanh, Công ty phải lập kế hoạch, biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động;
– Bảo đảm các điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động hoặc đạt các tiêu chuẩn về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc đã được công bố, áp dụng;
– Lấy ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở khi xây dựng kế hoạch và thực hiện các hoạt động bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động.
-Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các tiêu chuẩn, quy định, vệ sinh lao động đối với người lao động;
– Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo tiêu chuẩn, chế độ quy định;
– Trang bị phương tiện bảo hộ lao động cho người lao động với mức: …….đồng/người/năm.
2. Người lao động có nghĩa vụ sau đây:
– Chấp hành các quy định, quy trình, nội quy về an toàn lao động, vệ sinh lao động có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao;
– Sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được cấp; các thiết bị an toàn lao động, vệ sinh lao động nơi làm việc;
– Người lao động phải tham gia các lớp tập huấn, chấp hành các nội quy, quy trình quy phạm về an toàn lao động liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao. Có trách nhiệm giữ gìn dụng cụ, thiết bị an toàn. Khi cá nhân được trang bị các phương tiện bảo vệ thì bắt buộc phải sử dụng theo đúng quy định trong khi làm việc.
Điều 8. Các phúc lợi cho người lao động:
1. Hỗ trợ tiền ăn giữa ca: : ….000 đồng/người/tháng
2. Quà sinh nhật : ….000 đồng/người
3. Tết Dương lịch : ….000 đồng/người
4. Lễ Giỗ tổ Hùng Vương : ….000 đồng/người
5. Lễ 30/4 và 01/5 : ….000 đồng/người
6. Lễ Quốc khánh 2/9 : ….000 đồng/người
7. Tham quan nghỉ mát, hoạt động vui chơi giải trí : …..000 đồng/người/năm
8. Quà mừng Người lao động kết hôn : ….000 đồng/lần
9. Quà mừng nhân viên sinh con : …..000 đồng/con
10. Trợ cấp tang chế Người lao động :……000 đồng/người
11. Trợ cấp tang chế tứ thân phụ mẫu, vợ, chồng, con Người lao động : ….000 đồng/người
12. Thăm bệnh : ……000 đồng/người
13. Trợ cấp khó khăn đột xuất (xét theo từng trường hợp trên cơ sở mức thu nhập, thâm niên công tác, hoàn cảnh gia đình) : …..000 đồng/người.
14. Hỗ trợ Người lao động bị phẫu thuật nội và ngoại khoa : …..000 đồng /người
Đây là mức thưởng tối thiểu Người sử dụng lao động áp dụng đối với Người lao động. Trên thực tế, Người sử dụng lao động sẽ quyết định về việc mức thưởng có thể tăng lên so với mức quy định trên tùy theo tình hình kinh doanh của Doanh nghiệp.
Điều 9. Về Bảo hiểm xã hội và các bảo hiểm khác
1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của
2. Ngoài Bảo hiểm xã hội, Người sử dụng lao động sẽ căn cứ vào điều kiện sản xuất kinh doanh công ty để mua các loại bảo hiểm khác cho Người lao động đã ký Hợp đồng lao động đang làm việc tại công ty theo quy định của pháp luật hiện hành. Khi xảy ra tai nạn lao động và những rủi ro khác, Người lao động được hưởng các chế độ do công ty bảo hiểm chi trả.
CHƯƠNG III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Hiệu lực thực hiện.
1. Thỏa ước này gồm 03 chương 11 điều và có thời hạn là 03 năm. Thỏa ước có hiệu lực sau 30 ngày làm việc kể từ ngày ký.
2. Các quy định của Công ty trái với điều khoản tại bản Thỏa ước này đều bị bãi bỏ và được áp dụng theo Thỏa ước lao động tập thể này. Những vấn đề không được nêu trong thỏa ước này sẽ được giải quyết theo quy định của Bộ luật lao động, Nội quy lao động và các văn bản pháp luật khác liên quan.
Điều 11. Sửa đổi, bổ sung và hết hạn Thỏa ước lao động tập thể
1. Sau 6 tháng thực hiện Thỏa ước lao động tập thể, hai bên có quyền yêu cầu thương lượng để sửa đổi, bổ sung Thỏa ước lao động tập thể. Việc sửa đổi, bổ sung Thỏa ước được tiến hành theo trình tự như khi ký kết.
2. Khi quy định của pháp luật thay đổi mà dẫn đến Thỏa ước lao động tập thể không còn phù hợp với quy định của pháp luật, thì hai bên phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Thỏa ước lao động tập thể trong vòng 15 ngày kể từ ngày quy định của pháp luật có hiệu lực. Trong thời gian tiến hành sửa đổi, bổ sung thì quyền lợi của Người lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Trong thời hạn 90 ngày trước ngày thỏa ước lao động tập thể hết hạn, các bên có thể thương lượng để kéo dài thời hạn của thỏa ước lao động tập thể hoặc ký kết thỏa ước lao động tập thể mới. Trường hợp các bên thỏa thuận kéo dài thời hạn của thỏa ước lao động tập thể thì phải lấy ý kiến theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật lao động.
Khi thỏa ước lao động tập thể hết hạn mà các bên vẫn tiếp tục thương lượng thì thỏa ước lao động tập thể cũ vẫn được tiếp tục thực hiện trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày thỏa ước lao động tập thể hết hạn, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Thỏa ước lao động tập thể này ký tại Công ty ……… ngày …. tháng ….năm 20….
TM. BAN CHẤP HÀNH CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ
CHỦ TỊCH
………..
TM. CÔNG TY
TỔNG GIÁM ĐỐC/GIÁM ĐỐC
……….
3. Hướng dẫn soạn thảo thỏa ước lao động tập thể:
– Phần mở đầu:
+ Tên công ty.
+ Ghi đầy đủ thông tin bao gồm Quốc hiệu và tiêu ngữ.
+ Thời gian và địa điểm lập mẫu thỏa ước lao động tập thể.
+ Tên biên bản cụ thể là thỏa ước lao động tập thể.
– Phần nội dung chính của biên bản:
+ Căn cứ pháp lý.
+ Thông tin đại diện người sử dụng lao động.
+ Thông tin đại diện người lao động.
+ Những quy định chung.
+ Thông tin những nội dung hai bên thống nhất thực hiện.
+ Điều khoản thi hành.
– Phần cuối biên bản:
+ Ký và ghi rõ họ tên của đại diện bạn chấp hành CĐCS.
+ Ký và ghi rõ họ tên của tổng giám đốc công ty.
4. Một số quy định pháp luật về thỏa ước lao động tập thể:
Để thành lập thỏa ước lao động tập thể thì việc đầu tiên là người sử dụng lao động và người lao động phải tiến hành phiên họp thương lượng tập thể như sau:
Quy trình chuẩn bị thương lượng tập thể như sau:
– Trước khi các chủ thể thực hiện việc ký kết thì dự thảo thỏa ước lao động tập thể trước đó phải được các bên đàm phán phải được lấy ý kiến của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp. Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp chỉ được ký kết khi có trên 50% người lao động của doanh nghiệp biểu quyết tán thành.
– Trong thời hạn ít nhất 10 ngày trước khi bắt đầu phiên họp thương lượng tập thể thì người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty khi tập thể lao động yêu cầu, trừ những bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của người sử dụng lao động;
– Lấy ý kiến của tập thể người lao động thông qua đại diện thương lượng của bên tập thể lao động. Họ sẽ lấy ý kiến trực tiếp của tập thể lao động hoặc gián tiếp thông qua hội nghị đại biểu của người lao động về đề xuất của người lao động với người sử dụng lao động và các đề xuất của người sử dụng lao động với tập thể lao động;
– Thông báo nội dung thương lượng tập thể trước ít nhất 05 ngày làm việc trước khi bắt đầu phiên họp thương lượng tập thể, bên đề xuất yêu cầu thương lượng tập thể phải thông báo bằng văn bản cho bên kia biết về những nội dung dự kiến tiến hành thương lượng tập thể.
Quy trình tiến hành thương lượng tập thể như sau:
– Thời gian và địa điểm họp được thỏa thuận giữa các bên.
– Biên bản phiên họp thương lượng tập thể phải có chữ ký của đại diện tập thể lao động, người sử dụng lao động và của thư ký – người viết biên bản.
– Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc phiên họp thương lượng tập thể, bằng phương pháp công khai biên bản họp, đại diện của bên tập thể lao động phải phổ biến rộng rãi nội dung thương lượng tập thể cho tập thể lao động biết và lấy ý kiến biểu quyết về các nội dung đã thỏa thuận.
– Đối với trường hợp thương lượng không thành thì một trong hai bên có quyền tiếp tục đề nghị thương lượng hoặc tiến hành các thủ tục giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của “Bộ luật lao động 2019”.
– Sau khi đã đạt được thỏa thuận trong phiên họp thương lượng tập thể thì tập thể người lao động cùng với đại diện người sử dụng lao động kí kết thỏa ước lao động tập thể với tỷ lệ như sau:
+ Đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp thì phải có trên 50% số người của tập thể lao động biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể;
+ Đối với thỏa ước lao động tập thể ngành thì phải có trên 50% số đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên cơ sở biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể;
– Sau khi thỏa ước lao động tập thể được ký kết thì người sử dụng lao động có trách nhiệm phải công bố cho tất cả người lao động của mình biết và trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký kết, người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động phải gửi một bản thỏa ước lao động tập thể đến Sở Lao động – Thương binh – Xã hội.
Thời hạn của thỏa ước lao động tập thể:
Thời hạn của thỏa ước lao động tập thể: được quy định là từ một đến ba năm.
Theo quy định tại Điều 83 Bộ luật Lao động 2019, trước khi thỏa ước lao động tập thể hết hạn 90 ngày thì các bên tham gia ký kết có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn của thỏa ước lao động tập thể hoặc tiến hành ký kết thỏa ước lao động tập thể mới. Nếu các bên thỏa thuận với nhau về việc kéo dài thời hạn của thỏa ước lao động tập thể thì phải tiến hành lấy ý kiến của người lao động theo quy định của pháp luật và nội quy của công ty.
Trong trường hợp đang trong quá trình các bên tiếp tục thương lượng mà thỏa ước lao động tập thể hết hạn thì thỏa ước lao động tập thể cũ đó vẫn sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày thỏa ước lao động tập thể hết hạn nếu các bên không có thỏa thuận khác.