Sản phẩm quảng cáo bao gồm nội dung và hình thức quảng cáo được thể hiện bằng hình ảnh, âm thanh, tiếng nói, chữ viết, biểu tượng, màu sắc, ánh sáng và các hình thức tương tự. Sản phẩm quảng cáo cần phải được thẩm định bởi hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo thì mới được đưa vào với mục đích để quảng cáo.
Mục lục bài viết
1. Mẫu đơn đề nghị thẩm định sản phẩm quảng cáo là gì?
Mẫu đơn đề nghị thẩm định sản phẩm quảng cáo là mẫu đơn do cá nhân, tổ chức lập ra gửi đến cơ quan có thẩm quyền. Mẫu đơn đề nghị thẩm định sản phẩm quảng cáo nêu rõ những thông tin về người làm đơn cũng như nội dung thẩm định, hồ sơ kèm theo, tên sản phẩm đề nghị thẩm định quảng cáo.
Mẫu đơn đề nghị thẩm định sản phẩm quảng cáo là mẫu đơn được dùng để đề nghị về việc thẩm định sản phẩm quảng cáo. Mẫu đơn đề nghị thẩm định quảng cáo là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền thẩm định về sản phẩm quảng cáo được đề nghị thẩm định xem có đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo đúng quy định của pháp luật hay không..
2. Mẫu đơn đề nghị thẩm định sản phẩm quảng cáo:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————–
………, ngày… tháng… năm………
ĐƠN ĐỀ NGHỊ THẨM ĐỊNH SẢN PHẨM QUẢNG CÁO
Kính gửi: Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Họ và tên:…………… Chức vụ:………..(1)
Đại diện cho:……………(2)
Địa chỉ:………….(3)
Điện thoại:……. Fax:……………..(4)
Đề nghị thẩm định sản phẩm quảng cáo:………(5)
Nội dung thẩm định:…….(6)
Hồ sơ gửi kèm: (7)
1………….
2………….
3…………….
Chúng tôi xin bảo đảm về tính trung thực của các số liệu, tài liệu trong các văn bản nêu trên. Nếu có sai phạm, chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Ký, ghi rõ họ tên, chức danh, đóng dấu)
3. Hướng dẫn soạn thảo:
(1): Điền tên, chức vụ của người làm đơn.
(2): Điền tên của tổ chức/ doanh nghiệp
(3): Điền địa chỉ của tổ chức/ doanh nghiệp
(4): Điền số điện thoại của tổ chức/ doanh nghiệp.
(5): Điền tên sản phẩm quảng cáo cần thẩm định
(6): Điền nội dung thẩm định
(7):Điền hồ sơ gửi kèm
4. Quy định về hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo:
– Cơ sở pháp lý:
+ Thông tư 10/2013/TT- BVHTTDL
– Theo đó, hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo được quy định như sau:
+ Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo là tổ chức tư vấn trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giúp Bộ trưởng xem xét và đưa ra kết luận về sự phù hợp của sản phẩm quảng cáo với quy định của pháp luật trong trường hợp tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo.
+ Thành phần của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo bao gồm đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện của tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo và các chuyên gia trong lĩnh vực có liên quan.
+ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo.
Như vậy, có thể thấy được thành phần của hội đông thẩm định sản phẩm quảng cáo là: đại diện Bộ văn hoá, thể thao và du lịch, đại diên của tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo và các chuyên gia trong những lĩnh vực liên quan, đây là những người trực tiếp quản lý cũng như có những chuyên môn, am hiểu về lĩnh vực này nên có thể sẽ đưa ra những nhận xét, đánh giá chính xác và đầy đủ nhất.
* Thành phần Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo được quy định như sau: ( Thông tư 10/2013/TT- BVHTTDL)
– Số lượng thành viên của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo phải là số lẻ và phải có ít nhất 05 (năm) thành viên, bao gồm: 01 Chủ tịch Hội đồng, 01 ủy viên làm thư ký và các ủy viên.
– Thành phần tham gia Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo căn cứ vào nội dung của sản phẩm quảng cáo cần thẩm định, bao gồm:
+ Đại diện các Cục, Vụ có liên quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành khác;
+ Đại diện các tổ chức nghề nghiệp;
+ Chuyên gia hoặc đại diện đơn vị, tổ chức khác có các hoạt động chuyên môn liên quan đến nội dung cần thẩm định.
– Chủ tịch Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo là Lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở.
– Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo là Cục Văn hóa cơ sở.
* Cơ chế hoạt động của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo (Điều 6 Thông tư 10/2013/TT- BVHTTDL)
– Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo làm việc dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng theo nguyên tắc tập trung dân chủ và quyết định theo đa số.
– Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo và từng thành viên trong Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định.
– Phiên họp của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo phải đảm bảo có mặt ít nhất 3/4 tổng số thành viên.
– Kết quả thẩm định phải thể hiện bằng văn bản và phải có chữ ký của Chủ tịch và Thư ký Hội đồng.
Như vậy, hoạt động thẩm định có những hoạt động như sau: Chủ tịch hội đồng thẩm định điều hành hội đồng thẩm định theo nguyên tắc tập trung dân chủ và theo quyết định của đa số, những thành viên và hội đồng thẩm định phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng của sản phẩm đã thẩm định. Phiên họp, và kết quả của phiên họp phải đảm bảo có đủ số lượng thành viên tham gia theo quy định của pháp luật ( ít nhất 3/4 tổng số thành viên) và kết quả phải được thể hiện dưới dạng văn bản và có chữ ký của Chủ tịch và thư ký hội đồng.
* Quy trình thẩm định sản phẩm quảng cáo(Điều 7 Thông tư 10/2013/TT- BVHTTDL)
– Tổ chức, cá nhân gửi yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo trực tiếp đến Cục Văn hóa cơ sở hoặc qua đường bưu điện (Mẫu số 1).
– Sau khi nhận được yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo của tổ chức, cá nhân, Cục Văn hóa cơ sở trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập Hội đồng, gửi tóm tắt yêu cầu cần thẩm định và
– Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo tiến hành họp để thẩm định theo quy trình sau đây:
+ Chủ tịch Hội đồng trình bày tóm tắt nội dung yêu cầu cần thẩm định;
+ Các ủy viên của Hội đồng đưa ra nhận xét, đánh giá; Hội đồng thảo luận để thống nhất ý kiến nhận xét, đánh giá;
+ Thành viên Hội đồng biểu quyết; Chủ tịch Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo quyết định theo đa số về sự phù hợp của sản phẩm quảng cáo với quy định của pháp luật về quảng cáo;
+ Ủy viên thư ký lập biên bản phiên họp;
+ Hội đồng thông qua biên bản phiên họp, Chủ tịch và Ủy viên thư ký Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo ký vào biên bản đã được thông qua.
– Căn cứ vào kết quả thẩm định, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở có văn bản gửi tổ chức, cá nhân trong đó nêu rõ sản phẩm quảng cáo phù hợp hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật về quảng cáo.
– Trong thời gian 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo, Cục Văn hóa cơ sở phải gửi văn bản thẩm định sản phẩm quảng cáo (Mẫu số 2) cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu thẩm định.
Như vậy, thẩm định sản phẩm quảng cáo phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, phải được thẩm định dưới sự thẩm định của Hội đồng thẩm định, và căn cứ vào kết quả thẩm định sau quá trình thẩm định thì Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở có văn bản gửi tổ chức, cá nhân trong đó nêu rõ sản phẩm quảng cáo phù hợp hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật về quảng cáo.
* Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Điều 8 Thông tư 10/2013/TT- BVHTTDL)
– Cục Văn hóa cơ sở:
+ Giúp Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quảng cáo trong phạm vi cả nước;
+ Chủ trì Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân;
+ Có ý kiến tham gia trong việc khen thưởng và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo.
– Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở giúp Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo.
– Thanh tra Bộ có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo theo thẩm quyền; phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động quảng cáo theo quy định của pháp luật.
* Trách nhiệm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
– Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các Sở, ngành ở địa phương xây dựng quy hoạch quảng cáo trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.
– Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận và xử lý hồ sơ
+ Trực tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo và băng-rôn;
+ Sau khi nhận đủ hồ sơ quy định tại Điều 29 của Luật quảng cáo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có giấy tiếp nhận hồ sơ gửi tổ chức, cá nhân (Mẫu số 3) và vào sổ tiếp nhận hồ sơ (Mẫu số 4);
+ Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ được ghi trong sổ tiếp nhận hồ sơ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân thông báo sản phẩm quảng cáo. Trong trường hợp không đồng ý với các nội dung trong hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo của tổ chức, cá nhân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải trả lời, nêu rõ lý do và yêu cầu nội dung cần chỉnh sửa;
+ Gửi nội dung văn bản thông báo sản phẩm quảng cáo và văn bản yêu cầu chỉnh sửa (nếu có) cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện để phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
– Giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo định kỳ việc quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn gửi về Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (Cục Văn hoá cơ sở) trước ngày 31 tháng 12 hằng năm với các nội dung sau đây:
+ Văn bản quản lý nhà nước về quảng cáo của địa phương đã ban hành;
+ Quy hoạch quảng cáo của địa phương, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch;
+ Số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ quảng cáo có trụ sở trên địa bàn; số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo có chi nhánh, văn phòng đại diện đặt tại địa phương;
+ Số lượng, tình hình hoạt động của Văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài tại địa phương;
+ Số lượng hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo (cụ thể đối với từng phương tiện quảng cáo);
+ Các vi phạm về hoạt động quảng cáo và kết quả xử lý vi phạm trên địa bàn.
Như vậy, có thể thấy Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm vô cùng quan trọng trong việc chủ trì và phối hợp với các Sở, ngành ở địa phương xây dựng quy hoạch quảng cáo trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt, tiếp nhận, xử lý đơn theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Đây cũng là cơ sở để Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý một cách tốt nhất về số lượng cũng như chất lượng của các sản phẩm quảng cáo.