Đối với các cơ quan muốn cử cán bộ đi tập huấn, công tác sẽ phải có công văn đăng ký cử cán bộ đi tập huấn, công tác. Vậy mẫu công văn này có quy định như thế nào, nội dung và hình thức công văn ra sao?
Mục lục bài viết
- 1 1. Mẫu công văn đăng ký cử cán bộ đi tập huấn, công tác là gì, mục đích của mẫu công văn?
- 2 2. Mẫu công văn đăng ký cử cán bộ đi tập huấn, công tác:
- 3 3. Hướng dẫn soạn thảo công văn:
- 4 4. Áp dụng chương trình bồi dưỡng và thực hiện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm:
- 5 5. Tổ chức khóa bồi dưỡng ở nước ngoài:
1. Mẫu công văn đăng ký cử cán bộ đi tập huấn, công tác là gì, mục đích của mẫu công văn ?
Theo Điều 4 Luật cán bộ công chức năm 2008 quy định về cán bộ, công chức như sau: “Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.”
Mẫu công văn đăng ký về việc cử cán bộ tham dự tập huấn là mẫu văn bản được lập ra để đăng ký về việc cử cán bộ tham dự tập huấn, nội dung công văn nêu rõ nội dung đăng ký…
Mục đích của công văn đăng ký về việc cử cán bộ tham dự tập huấn: Khi cơ quan muốn cử cán bộ đi tập huấn, công tác, cơ quan sẽ phải dùng công văn đăng ký về việc cử cán bộ tham dự tập huấn nhằm mục đích đăng ký với cơ quan tổ chức lớp học số lượng và thông tin cán bộ công tác, tập huấn.
2. Mẫu công văn đăng ký cử cán bộ đi tập huấn, công tác:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————-
UBND ……
SỞ CÔNG THƯƠNG
Số: …..
V/v đăng ký cử cán bộ tham dự học/tập huấn …(1)….
….., ngày…tháng…năm…
Kính gửi: ……(2)…….
Sở Công Thương nhận được….(3)……; Sở Công Thương cử cán bộ của Sở tham gia lớp ……(1)….. như sau:
TT | Họ và tên | Chức vụ | Đơn vị |
Sở Công Thương gửi ……(2)……..tổng hợp./.
3. Hướng dẫn soạn thảo công văn:
(1) Tên lớp học.
(2) Cơ quan tổ chức lớp học.
(3) Văn bản, tên cơ quan tổ chức lớp học.
(4) Ký hiệu người đánh máy, nhân bản và số lượng bản phát hành (nếu cần).
(5) Nếu người ký văn bản là Phó Giám đốc thì ghi chữ viết tắt “KT.” vào trước, bên dưới ghi “PHÓ GIÁM ĐỐC”; nếu là Chánh Văn phòng thì ghi chữ viết tắt “TL.” vào trước, bên dưới ghi “CHÁNH VĂN PHÒNG”.
4. Áp dụng chương trình bồi dưỡng và thực hiện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm:
4.1. Áp dụng chương trình bồi dưỡng:
Điều 18 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định về áp dụng chương trình bồi dưỡng như sau:
– Áp dụng chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức cho viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng tương đương làm việc ở bộ phận hành chính, tổng hợp, quản trị văn phòng, kế hoạch, tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
– Chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý
+ Áp dụng chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương cho viên chức lãnh đạo, quản lý phòng, khoa, ban hoặc các đơn vị tương đương của đơn vị sự nghiệp công lập; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;
+ Áp dụng chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp sở và tương đương cho người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
+ Áp dụng chương trình bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp vụ và tương đương cho người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương; người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Nhằm nâng cao kiến thức, nghiệp vụ và kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức, Chính phủ đã quy định chi tiết về việc áp dụng các chương trình bồi dưỡng đối với các đối tượng này. Chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước được tiến hành theo tiêu chuẩn ngạch công chức cho viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng tương đương làm việc ở bộ phận hành chính, tổng hợp, quản trị văn phòng, kế hoạch, tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với các chức vụ lãnh đạo, quản lý sẽ được bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm, với các vị trí sẽ có các chương trình bồi dưỡng khác nhau.
4.2. Thực hiện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm:
Theo Điều 3 Thông tư 01/2018/TT-BNV hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, việc thực hiện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm như sau:
– Những chương trình, khóa bồi dưỡng, tập huấn sau đây được tính vào việc thực hiện hình thức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc tối thiểu hàng năm của cán bộ, công chức, viên chức:
+ Các chương trình bồi dưỡng theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;
+ Các khóa tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ;
+ Các khóa bồi dưỡng ở nước ngoài.
– Thời gian tham gia các khóa bồi dưỡng, tập huấn quy định tại khoản 1 Điều này được cộng dồn để tính thời gian thực hiện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm.
Ví dụ: Năm 2017, công chức A tham gia 01 khóa bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu của vị trí việc làm trong 03 ngày; tham gia 01 khóa tập huấn kiến thức, kỹ năng chuyên ngành với thời gian 02 ngày. Tổng cộng công chức A đã tham gia 02 khóa bồi dưỡng, tập huấn với thời gian là 05 ngày. Như vậy, công chức A đã hoàn thành bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc tối thiểu năm 2017.
– Trường hợp khóa bồi dưỡng, tập huấn tổ chức kéo dài sang năm sau thì được tính vào việc thực hiện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm của năm mà khóa bồi dưỡng, tập huấn bắt đầu.
Ví dụ: Công chức B tham gia khóa bồi dưỡng chương trình ngạch chuyên viên được tổ chức từ ngày 02 tháng 12 năm 2017 đến ngày 02 tháng 02 năm 2018, công chức B được xác nhận là đã thực hiện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc tối thiểu năm 2017.
Đối với việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành cho cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện bắt buộc hằng năm nhằm đảm bảo những đối tượng này được bổ sung kiến thức, kỹ năng theo sự đổi mới của ngành, cập nhật kịp thời các kiến thức. Thời gian bồi dưỡng được quy định cụ thể theo Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
5. Tổ chức khóa bồi dưỡng ở nước ngoài:
Theo Điều 8 Thông tư 01/2018/TT-BNV hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, quy định về tổ chức khóa bồi dưỡng ở nước ngoài như sau:
– Các cơ quan, đơn vị được giao theo thẩm quyền tổ chức các khóa bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài có nhiệm vụ:
+ Xây dựng và phê duyệt kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài.
+ Xây dựng nội dung, chương trình chi tiết của khóa bồi dưỡng khi kế hoạch được phê duyệt.
+ Ký hợp đồng với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nước ngoài. Hợp đồng bồi dưỡng phải nêu rõ những cam kết của hai bên về hình thức, thời gian, nội dung, chương trình, kinh phí, điều kiện sinh hoạt, học tập và những nội dung khác liên quan.
– Quyết định thành lập đoàn và cử trưởng đoàn đi bồi dưỡng ở nước ngoài. Thẩm quyền quyết định cử cán bộ, công chức, viên chức đi bồi dưỡng ở nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
– Phổ biến tới từng thành viên của đoàn trước khi đi bồi dưỡng:
+ Các quy định về việc quản lý đoàn và cán bộ, công chức, viên chức đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài; khái quát về pháp luật, văn hóa, tôn giáo của nước sở tại;
+ Nội dung, chương trình khóa bồi dưỡng và các chế độ liên quan.
Ngoài việc bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức tại các lớp do các ban ngành mở ra thì chính phủ còn quy định về việc tổ chức khóa bồi dưỡng cho các đối tượng này ở nước ngoài. Các cơ quan, đơn vị được giao theo thẩm quyền tổ chức các khóa bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài có nghĩa vụ thực hiện đúng các nhiệm vụ trong quá trình tổ chức và thực hiện bồi dưỡng.