Khi xét duyệt các trường hợp vay vốn, ngân hàng sẽ xem xét mục đích vay vốn của cá nhân, tổ chức vay vốn. Quá trình kiểm tra này được ghi nhận bằng biên bản kiểm tra sau khi cho vay. Vậy mẫu biên bản này có nội dung và hình thức ra sao?
Mục lục bài viết
1. Mẫu biên bản kiểm tra sau khi cho vay là gì, mục đích của mẫu biên bản?
Mẫu biên bản kiểm tra sau khi cho vay là văn bản được lập ra khi có sự kiểm tra của cán bộ thanh tra về việc sử dụng vốn mà ngân hàng cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vay, nội dung biên bản ghi đầy đủ nội dung của cuộc kiểm tra bao gồm mục đích sử dụng vốn, tình hình thực hiện dự án, phương án, khả năng trả nợ, tài sản đảm bảo trả nợ…
Mục đích của mẫu biên bản kiểm tra sau khi cho vay: Sau khi ngân hàng cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vay vốn, ngân hàng sẽ có sự kiểm tra về việc bên vay vốn có sử dụng vốn đã vay đúng mục đích hay không. Biên bản kiểm tra sau khi cho vay nhằm mục đích ghi nhận quá trình làm việc của bên thanh tra với bên vay vốn, nội dung của cuộc kiểm tra, kết quả kiểm tra, ý kiến của cán bộ kiểm tra và ý kiến của bên vay.
2. Những quy định liên quan đến hợp đồng vay tài sản:
Điều 463
“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
– Quyền sở hữu đối với tài sản vay: Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó.
* Nghĩa vụ của bên cho vay: được quy định tại Điều 465 Bộ Luật dân sự 2015
– Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận.
– Bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó.
– Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 470 của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan quy định khác.
* Nghĩa vụ trả nợ của bên vay: được quy định tại Điều 466 Bộ Luật dân sự 2015
– Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
– Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
– Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Về việc sử dụng tài sản vay: Các bên có thể thỏa thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay. Bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích.
* Lãi suất: được quy định tại Điều 468 Bộ Luật dân sự 2015
– Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
– Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
* Thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn
“1. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.”
* Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn
“1. Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.
2. Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”
* Họ, hụi, biêu, phường: Được quy định tại Điều 471 Bộ Luật dân sự 2015
“1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
2. Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật này.
4. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.”
3. Mẫu biên bản kiểm tra sau khi cho vay:
NGÂN HÀNG ……….
—————
CHI NHÁNH…………………….
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————————-
BIÊN BẢN KIỂM TRA SAU KHI CHO VAY
Họ và tên cán bộ kiểm tra:………….
Tên người vay:………..
Địa chỉ:………….
Đã tiến hành kiểm tra sử dụng vốn vay theo
I- NỘI DUNG KIỂM TRA
1- Mục đích sử dụng tiền vay:
……….
2- Tình hình thực hiện dự án, phương án, khả năng trả nợ:
………..
3- Tài sản làm đảm bảo nợ:
………
II- Ý KIẾN CỦA CÁN BỘ KIỂM TRA:
……..
III- Ý KIẾN CỦA NGƯỜI VAY:
………
NGƯỜI VAY
(Ký, ghi rõ họ tên)
CÁN BỘ KIỂM TRA
(Ký, ghi rõ họ tên)
4. Hướng dẫn soạn thảo biên bản:
Người viết biên bản cần đảm bảo tính chính xác cho biên bản cả về nội dung lẫn hình thức.
Người viết biên bản cần ghi rõ tên cán bộ kiểm tra, tên người vay, ngày tháng năm thực hiện kiểm tra.
Nội dung biên bản ghi rõ nội dung kiểm tra: mục đích sử dụng tiền vay, tình hình thực hiện dự án, phương án, khả năng trả nợ, tài sản làm đảm bảo nợ.
Phần tiếp theo là ý kiến của cán bộ kiểm tra và ý kiến của người vay, nội dung này được ghi tóm tắt nhưng vẫn thể hiện rõ nội dung của ý kiến.
Cuối cùng là phần ký tên xác nhận của bên kiểm tra và bên bị kiểm tra: Sau khi ký tên xác nhận vào biên bản thì biên bản sẽ không thể được sửa đổi cả về nội dung lẫn hình thức biên bản, do đó, các bên liên quan trong biên bản kiểm tra sau khi cho vay sẽ phải xem xét lại biên bản kỹ càng trước khi ký, sau khi xem xét và xác nhận nội dung biên bản là chính xác, các bên sẽ thực hiện ký tên vào biên bản.