Mất xe trong trường hợp các nhà hàng, quán ăn, quán cafe có nhân viên trông xe? Mất xe trong trường hợp các nhà hàng không có nhân viên trông xe?
Tình hình trộm cắp tài sản dường như xảy ra thường xuyên và liên tục trên thực tế với những thủ đoạn tinh vi, nhanh gọn, đặc biệt là việc mất trộm tài sản, mất xe lại quán ăn, nhà hàng, quán cafe. Trong trường hợp tìm lại được chiếc xe bị mất, thì chiếc xe sẽ trở về với chủ sở hữu của nó. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng tìm lại được chiếc xe bị mất, khi này, đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại, vậy ai là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại?
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Mất xe trong trường hợp các nhà hàng, quán ăn, quán cafe có nhân viên trông xe:
Hầu hết ở các nhà hàng, quán ăn, quán cafe (sau đây gọi chung là nhà hàng) đều có nhân viên trông xe. Khi đến các nhà hàng này, thì sẽ được hướng dẫn để xe tại nơi để xe của nhà hàng, có thể có vé gửi xe. Tại các nơi gửi xe này, thì người gửi thông thường không phải trả tiền gửi xe, nhưng có thể có trường hợp phải trả tiền gửi xe.
Căn cứ vào các dấu hiệu trên, có thể nhận thấy giữa người gửi xe và nhân viên gửi xe đã xác lập quan hệ hợp đồng gửi giữ tài sản. Vì nó mang bản chất là sự thỏa thuận giữa hai bên về việc gửi xe và trông giữ xe. Bên nhân viên trông xe có trách nhiệm nhận xe và bản quản, trông coi xe và trả lại chính chiếc xe đó khi chủ xe ra về. Việc nhân viên làm mất chiếc xe đó chính là việc vi phạm hợp đồng. Vi phạm hợp đồng chính hành vi không thực hiện đúng hợp đồng của bên có nghĩa vụ, bao hồn hành vi không thực hiện một phần, không thực hiện toàn bộ, chậm thực hiện nay có khiếm khuyết trong việc thực hiện hợp đồng.
Cụ thể, trong trường hợp này, thì căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm:
Thứ nhất, đó là có hành vi vi phạm hợp đồng. Hành vi vi phạm hợp đồng là một căn cứ quan trọng và cần thiết để áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại. Hành vi vi phạm hợp đồng là điều kiện cơ bản và là tiền đề làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Dựa trên nguyên tắc được ghi nhận tại Điều 3
Thứ hai, có thiệt hại xảy ra. Thiệt hại được hiểu là những tổn thất về tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền tài sản,… của cá nhân hoặc pháp nhân. Hay nói cách khác, thiệt hại là bất kỳ tổn thất nào mà một người phải gánh chịu do các quyền, tài sản, lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm hay nói cách khác thiệt hại là bất kỳ sự thay đổi tiêu cực nào đối với các quyền, tài sản và lợi ích hợp pháp của bên có quyền. Thiệt hại xảy ra bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Tại Khoản 2 Điều 361 năm 2015 quy định về thiệt hại về vật chất đó chính là “những tổn thất về vật chất thực tế xác định được bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút”. Đây chính là những thiệt hại có thể tính được thành một số tiền nhất định.
Thiệt hại về tài sản là những tổn thất được nhắc đến đầu tiên trong các tổn thất về vật chất được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ nói chung và vi phạm hợp đồng nói riêng. Theo Điều 589 BLDS năm 2015, tổn thất về tài sản là hệ quả của hành vi không thực hiện đúng hợp đồng của bên có nghĩa vụ có thể được xác định trên cơ sở: tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại ; và những tổn thất khác do luật quy định. Có thể nhận thấy, thiệt hại do tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng là những thiệt hại trực tiếp và lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút hay những chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại là thiệt hại gián tiếp. Tài sản bị mất là trường hợp tài sản rời khỏi sở hữu chủ ngoài ý chí của sở hữu chủ mà không thể tìm thấy được và do đó, tổn thất về tài sản này là tổn thất hoàn toàn và không thể khắc phục được.
Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút là hoa lợi, lợi tức thu được từ việc sử dụng, khai thác tài sản nếu tài sản không bị mất, bị hủy hoại hay bị hư hỏng. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại được hiểu là những chi phí vật chất mà bên bị thiệt hại phải bỏ ra nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại hoặc khắc phục tình trạng xấu do tài sản, tính mạng, sức khỏe bị xâm hại hoặc các giá trị tinh thần bị xâm hại. Chi phí để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại còn bao gồm chi phí hợp lý và thu nhập bị mất, bị giảm sút của người chăm sóc bên có quyền phải nghỉ việc theo yêu cầu của cơ sở điều trị để chăm sóc bên có quyền và các chi phí đi lại hợp lý, tiền công hợp lý cho người chăm sóc bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng hợp đồng.
Dễ dàng nhận thấy trong trường hợp mất xe này, thì thiệt hại về tài sản xảy ra đó chính là việc mất tài sản là chiếc xe máy. Tài sản này thông thường khó có thể tìm lại được. Nếu tìm lại được chiếc xe thì cần phải xem xét đến trường hợp chiếc xe bị hư hỏng, cần phải sửa chữa thì cần tính đến cả những chi phí sửa chữa đó. Bên cạnh đó cũng cần tính đến các thiệt hại về hoa lợi, lợi tức bị mất khi chiếc xe bị mất đi và các chi phí khác như việc thu nhập bị giảm sút,…
Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra. Quan hệ nhân quả được hiểu là sự gắn liền giữa hai hay nhiều sự vật khác nhau, khiến vật này có biến đổi, thay đổi thì có thể tác động đến sự vật kia. Quan hệ nhân quả là điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được hiểu là mối quan hệ nguyên nhân với hậu quả, trong đó nguyên nhân chính là hành vi không thực hiện đúng hợp đồng và hậu quả là những tổn thất mà bên bị thiệt hại phải gánh chịu. Trong trường hợp mất xe này, do chính việc vi phạm trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện hợp đồng gửi giữ của các nhân viên coi xe mà dẫn đến việc chiếc xe bị mất. Hay nguyên nhân của việc mất xe đó chính là việc vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng gửi giữ tài sản.
Về mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp mất xe này, thì thông thường, các bên không có thỏa thuận trước về việc bồi thường, nên mức thiệt hại được bồi thường được xác định dựa trên nguyên tắc bồi thường toàn bộ. Bên bị thiệt hại do vi phạm hợp đồng có thể nhận được một khoản tiền tương ứng với toàn bộ thiệt hại mà họ phải gánh chịu là hậu quả của hành vi không thực hiện đúng hợp đồng. Đó chính là những tổn thất vật chất thực tế xác định được. Ở đây, thì mức bồi thường thiệt hại sẽ được xác định theo giá của chiếc xe tại thời điểm chiếc xe bị mất. Việc xác định giá của chiếc xe có thể dựa vào kết luận của tổ chức thẩm định giá, hoặc tham khảo giá trên thị trường,…. và do các bên thỏa thuận về mức bồi thường.
2. Mất xe trong trường hợp các nhà hàng không có nhân viên trông xe:
Như phần trên đã nói, không phải trong trường hợp nào các nhà hàng, quán ăn đều có nhân viên trông xe, vì đây không phải là nghĩa vụ đối với họ. Trong những trường hợp này, thì thông thường các nhà hàng sẽ có khẩu hiệu “khách hàng tự bảo quản tư trang cá nhân, đề phòng trộm cắp”. Đối chiếu với trường hợp trên, dễ dàng nhận thấy giữa nhà hàng và khách hàng có xe không hình thành hợp đồng gửi giữ tài sản, hai bên không phát sinh quyền, và nghĩa vụ với nhau.
Do vậy, trong trường hợp mất xe tại nhà hàng không có nhân viên coi, giữ xe hay không có dịch vụ trông, gửi xe mà chiếc xe bị mất, thì các chủ nhà hàng, quán ăn sẽ không có trách nhiệm bồi thường. Vì xuất phát ở đây họ không có trách nhiệm hay nghĩa vụ để trông coi chiếc xe của khách hàng, nên việc bị mất xe không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường đối với họ.