Mắng chửi con cái có bị coi là hành vi bạo lực gia đình. Xử phạt hành vi mắng chửi, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm thành viên trong gia đình.
Tóm tắt câu hỏi:
Mẹ tôi mất sớm, bố tôi đi bước nữa nên hiện tại tôi đang ở với bố và mẹ kế. Mẹ kế có con riêng và không yêu thương tôi, bà thường xuyên la mắng và chửi rủa tôi từ sáng đến chiều tối. Mặc dù tôi vẫn rất kính trọng mẹ kế và không kể gì với ba về việc này bởi ba tôi thường đi công tác xa và tôi cũng không muốn ba phải suy nghĩ. Tuy nhiên, mẹ kế tôi càng ngày càng quá đáng đến mức tôi không thể chịu được nữa. Cho tôi hỏi trường hợp mẹ kế tôi làm như vậy có phải là bị bạo hành gia đình không. Và tôi phải làm gì bây giờ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo quy định tại Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007, các hành vi bao lực gia đình bao gồm:
“a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;…”
Theo đó, hành vi lăng mạ, chửi bới nhằm xúc phạm nhân phẩm danh dự nhân phẩm các thành viên trong gia đình cũng được coi là hành vi bạo lực gia đình. Cụ thể, hành vi liên tục chửi bới bạn của mẹ kế là hành vi lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Trong trường hợp này, khi việc mắng chửi còn ở mức độ nhẹ, chúng tôi khuyên bạn nên kể cho bố bạn biết về sự việc của mẹ kế bạn để giải quyết trong phạm vi gia đình.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 18 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định như sau:
“1. Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 của Luật này.
2. Cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình”.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 19006568
Ngoài ra, mẹ kế bạn sẽ có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình theo quy định tại Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 19006568 để được giải đáp.