Tôi có ký hợp đồng vay 500.000.000đ, sau khi trả lãi được 5 năm, công ty tôi phá sản. Tôi xin hỏi, trường hợp của tôi có bị đưa ra tòa không? Nếu ra tòa thì bị xử phạt như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có ký hợp đồng vay 500.000.000đ của Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex Viettel, ký hợp đồng trả lãi trong vòng 4 năm. Sau khi trả lãi được 5 năm, công ty tôi phá sản nên tôi không có khả năng chi trả. Tôi xin hỏi, trường hợp của tôi có bị đưa ra tòa không? Nếu ra tòa thì bị xử phạt như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thứ nhất, hai bên có sự thỏa thuận không khởi kiện ra Tòa.
Giữa công ty tài chính Vinaconex Viettel và bạn có ký Hợp đồng vay tài sản. Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định (Điều 471 Bộ luật Dân sự).
Khi giao kết hợp đồng vay tiền với công ty tài chính Vinaconex Viettel, bạn đã có các quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng; và các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Theo đó bạn có nghĩa vụ trả nợ của bên vay theo Điều 474 Bộ luật Dân sự.
Khi bạn không thể thực hiện được nghĩa vụ theo hợp đồng thì bạn có thể thương lượng, thỏa thuận với công ty tài chính Vinaconex Viettel về việc hoãn thực hiện nghĩa vụ trả nợ, gia hạn trả nợ… Hai bên có thể tự thương lượng với nhau để tìm ra phương án giải quyết tốt nhất, đảm bảo được quyền và lợi ích của hai bên. Tuy nhiên, nếu bạn đó không có khả năng trả nợ thì công ty Vinaconex Viettel có quyền khởi kiện yêu cầu
Thứ hai, Công ty tài chính Vinaconex Viettel khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Khi tòa án giải quyết vụ tranh chấp dân sự giữa bạn và công ty tài chính Vinaconex Viettel thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Toà án tiến hành hoà giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hoà giải hoặc không tiến hành hoà giải được quy định tại Điều 181 và Điều 182 của Bộ luật này.
Việc hoà giải được tiến hành theo các nguyên tắc sau đây:
– Tôn trọng sự tự nguyện thoả thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thoả thuận không phù hợp với ý chí của mình;
– Nội dung thoả thuận giữa các đương sự không được trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.
Trong trường hợp, công ty tài chính Vinaconex Viettel và bạn tự hòa giải và tự giải quyết được tranh chấp thì tòa án ra Quyết định công nhận sự tự thỏa thuận của các đương sự. Trường hợp, hai bên không tự hòa giải được thì tòa án tiếp tục giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Và đương nhiên, cho dù tự hòa giải hay tòa án giải quyết thì bạn vẫn luôn luôn phải thực hiện nghĩa vụ dân sự là nghĩa vụ trả nợ đối với công ty tài chính Vinaconex Viettel theo hợp đồng đã giao kết và theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác) vì đây là trách nhiệm dân sự mà bạn đó phải gánh chịu do vi phạm nghĩa vụ dân sự.
>>> Luật sư
Cụ thể, Điều 302 Bộ luật Dân sự quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự như sau:
– Bên có nghĩa vụ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.
– Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
– Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.
Ngoài ra, bạn còn có thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 307 Bộ luật Dân sự:
– Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần.
– Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
– Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.