Lịch sử hình thành và phát triển các quy định của pháp luật thi hành án dân sự Việt nam về đấu giá tài sản sau Cách mạng tháng Tám đã trải qua 04 giai đoạn: từ 1945 đến trước 1975, giai đoạn từ 1975 đến trước 1995, giai đoạn từ 1995 đến trước 2005 và từ 2005 đến nay.
Mục lục bài viết
- 1 1. Pháp luật thi hành án dân sự Việt nam về đấu giá tài sản trong giai đoạn từ năm 1945 đến trước 1975:
- 2 2. Pháp luật thi hành án dân sự Việt nam về đấu giá tài sản trong giai đoạn từ năm 1975 đến trước 1995:
- 3 3. Pháp luật thi hành án dân sự Việt nam về đấu giá tài sản trong giai đoạn từ năm 1995 đến trước 2005:
- 4 4. Pháp luật thi hành án dân sự Việt nam về đấu giá tài sản trong giai đoạn từ năm 2005 đến nay
1. Pháp luật thi hành án dân sự Việt nam về đấu giá tài sản trong giai đoạn từ năm 1945 đến trước 1975:
Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, cả dân tộc lại phải đứng lên dốc sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm kéo dài 9 năm. Với chiến thắng Điện Biên
Phủ ngày 7/5/1954, hoà bình được lập lại nhưng đất nước tạm thời bị chia cắt |àm hai miền. Ở miền Bắc bắt đầu thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh. Từ năm 1958, miền Bắc thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa về kinh tế, hình thành mô hình phát triển kinh tế tập trung và công hữu hoá tự liệu sản xuất, kế hoạch hoá nền kinh tế quốc dân từ trung ương. Do vậy, trong thời kỳ này các quan hệ kinh tế ít được chú trọng. Việc mua bán tài sản không phát triển do đó đấu giá tài sản không được thực hiện tại miền Bắc. Tại miền Nam, dưới chế độ của Việt Nam cộng hòa, ngày 20/12/1972 có ban hành Sắc luật số 029–TT/SLU về Bộ luật thương mại. Tiếp đó là Bộ luật Dân sự và Thương sự tố tụng năm 1972 có điều chỉnh về vấn đề đấu giá tài sản. Trong đó Bộ luật thương mại có quy định nội dung liên quan đến việc phát mại cửa | hàng thương mại, sai áp và phát mại tàu biển, việc đấu giá bất động sản. Bộ | luật Dân sự và Thương sự tố tụng quy định đến trình tự, thủ tục việc đấu giá các tài sản nêu trên. Tuy nhiên, những quy định này chỉ nằm một cách rải rác, chưa có tính hệ thống. Thủ tục đấu giá cũng chưa quy định chặt chẽ, đầy đủ mà chỉ dừng lại ở những bước sơ khai, ban đầu.
2. Pháp luật thi hành án dân sự Việt nam về đấu giá tài sản trong giai đoạn từ năm 1975 đến trước 1995:
Sau năm 1975 khi đất nước thống nhất, chúng ta từng bước xây dựng hệ thống pháp luật mới – Pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong giai đoạn đầu khi đất nước thực hiện cơ chế kế hoạch hóa tập trung, đấu giá tài sản với tư cách như một phương thức bán tài sản trong nền kinh tế thị trường nên không được quy định. Việc đấu giá tài sản chỉ được đánh dấu bằng sự ra đời của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1989. Trong Pháp lệnh này đã có các quy định về đấu giá tài sản kê biên và một điều quy định riêng về đấu giá nhà. Tại Điều 28 của Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1989 quy định danh mục tài sản và thời gian đấu giá phải được niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án và Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có tài sản; đương sự được thông báo chậm nhất là bảy ngày trước ngày đấu giá. Tài sản đã kê biên được bán cho người trả giá cao nhất. Nếu không có ai trả giá cao hơn giá đã định thì tài sản được bán cho người mua theo giá mà Hội đồng định giá đã định. Tài sản không bán được thì được định giá lại để tiếp tục đấu giá. Về đấu giá nhà, Điều 30 Pháp lệnh quy định: Người muốn mua nhà phải nộp đơn và nộp trước 1% giá trị nhà tại Tòa án. Số tiền này được hoàn lại ngay, nếu họ không mua được nhà. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày đấu giá, người mua được nhà phải trả đủ tiền tại Tòa án. Nếu họ không trả đủ tiền trong thời hạn đó thì số tiền nộp trước không được trả lại và được nộp vào ngân sách nhà nước.
Để thực hiện Pháp lệnh này, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và Bộ Tư pháp có Thông tư liên ngành số 06/1989/TTLN ngày 07/12/1989 hướng dẫn thực hiện một số quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự. Sau này, khi Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993 được ban
hành, ngày 18/10/1993, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 69/CP quy định về thủ tục thi hành án trong đó quy định khá cụ thể về đấu giá tài sản kê biên. Theo đó thì đấu giá tài sản kê biên theo quy định tại các Điều 28, 30 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993 do Chấp hành viên tổ chức. Chậm nhất là bảy ngày trước ngày đấu giá, Chấp hành viên phải niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án, Uỷ ban nhân dân nơi có tài sản và thông báo rộng rãi danh mục tài sản, giá đã định, thời gian và địa điểm đấu giá. Đồng thời phải báo cho các bên đương sự biết. Trong thông báo có thể nêu rõ những yêu cầu đối với người tham gia đấu giá. Trước khi đấu giá, người phải thi hành án có thể nộp tiền thi hành án để lấy lại tài sản bị kê biên và người được thi hành án có thể nhận tài sản đã kê biên để thi hành án theo giá đã định.
Tài sản đấu giá được trưng bày công khai, có ghi rõ số thứ tự và giá đã định. Chấp hành viên khai mạc cuộc đấu giá, giới thiệu đại diện chính quyền, đoàn thể được mời tham gia chứng kiến việc đấu giá, đại diện Viện kiểm sát nhân dân (nếu có) và công bố thể thức đấu giá. Chấp hành viên lần lượt bán tài sản của từng người phải thi hành án và công bố giá đã định của từng tài sản để người mua trả giá. Tài sản được bán cho người trả giá cao nhất. Nếu không có ai trả giá cao hơn giá đã định thì bán cho người mua theo giá đã định. Khi số tiền bán tài sản đã đủ để thi hành án và thanh toán các chi phí về thi hành án thì chấp hành viên ngừng bán và số tài sản còn lại sẽ được trả lại cho người phải thi hành án.
Đối với tài sản không phải là nhà, người mua được tài sản phải trả tiền ngay tại nơi đấu giá; nhưng nếu tài sản trị giá từ một triệu đồng trở lên thì người mua phải trả ngay ít nhất là 10% trị giá của tài sản và trong thời hạn 03 (ba) ngày kể từ ngày đấu giá họ phải trả đủ tại Tòa án số tiền còn thiếu. Người mua được nhận tài sản ngay sau khi đã trả đủ tiền. Nếu người mua không trả đủ tiền trong thời hạn này, thì số tiền nộp trước không được trả lại mà được nộp vào ngân sách Nhà nước, trừ trường hợp có lý do chính đáng được chấp hành viên chấp nhận.
Đối với những tài sản phải làm thủ tục chuyển dịch quyền sở hữu thì chậm nhất là 03 (ba) ngày sau khi người mua trả đủ tiền, chấp hành viên phải giao cho người mua các giấy tờ cần thiết để làm thủ tục chuyển dịch quyền sở hữu. Chấp hành viên phải lập biên bản về việc đấu giá tài sản của từng người phải thi hành án, trong đó cần ghi rõ danh mục tài sản, các giá đã được trả, họ và tên, địa chỉ của người mua được tài sản,... Trong biên bản phải có chữ ký của Chấp hành viên, những người chứng kiến và các bên đương sự tham dự cuộc đấu giá (nếu có). Trong những trường hợp không có người mua, người mua trả giá thấp hơn giá đã định hoặc không trả đủ tiền trong thời hạn quy định, chấp hành viên lập biên bản về việc đấu giá không thành và thông báo cho các đương sự biết. Có thể thấy rằng pháp luật về đấu giá trong giai đoạn này đã quy định đầy đủ về trình tự, thủ tục đấu giá từ kê biên tài sản, định giá, thông báo, niêm yết công khai, nộp tiền đặt cọc, người điều hành phiên đấu giá, điều hành phiên đấu giá, giao tài sản trúng đấu giá và tạo cơ sở ban đầu cho việc hình thành nền móng pháp luật về đấu giá tài sản thi hành án.
3. Pháp luật thi hành án dân sự Việt nam về đấu giá tài sản trong giai đoạn từ năm 1995 đến trước 2005:
Ngày 28/10/1995, Bộ luật dân sự được ban hành. Việc đấu giá tài sản, tài sản được quy định tại Điểm 3 Mục I Chương II (từ Điều 452 đến Điều 455) của Bộ luật này. Các vấn đề đấu giá tài sản như tài sản đấu giá, trình tự thủ tục đấu giá; tổ chức đấu giá với động sản, bất động sản vv... đã được quy định đầy đủ hơn. Để hướng dẫn việc đấu giá theo Điều 454 Bộ luật dân sự năm 1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 86/CP ngày 19/12/1996 về quy chế đấu giá tài sản. Đây là văn bản pháp luật có tính chất quan trọng đối với việc thành lập các tổ chức đấu giá tài sản ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, một tổ chức đấu giá tài sản có nhiệm vụ chủ yếu là đấu giá tài sản để thi hành án. Các quy định về mức tiền đặt trước, mức phí trong trường hợp đấu giá không thành, căn cứ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản, chuộc lại tài sản, cơ chế ngăn ngừa, xử lý sự liên kết dìm giá hoặc cản trở cuộc đấu giá,... lần đầu tiên được đề cập đến.
Ngày 14/01/2004, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh thi hành án dân sự mới thay thế Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993. Trong Pháp lệnh này cũng có quy định về việc giao tài sản đấu giá để thi hành án cho Trung tâm để tổ chức đấu giá. Theo đó thì đối với tài sản kê biên là bất động sản, bao gồm cả quyền sử dụng đất hoặc động sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên thì trong thời hạn không quá 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày định giá, Cơ quan thi hành án phải làm thủ tục ký hợp đồng uỷ quyền cho tổ chức đấu giá để bán tài sản. Trung tâm dịch vụ đấu giá được quyền thu phí dịch vụ từ khoản tiền do Chấp hành viên trích từ khoản thu được từ việc đấu giá. Mức phí được tính 50.000 đồng đối với tài sản bán được có giá trị từ 1.000.000 đồng trở xuống, 5% giá trị của tài sản từ 1.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; 20.000.000 đồng cộng với 2% phần giá trị tài sản bán được vượt quá 1.000.000.000 đồng nếu tài sản có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên nếu việc đấu giá thành công. Trong trường hợp bán không thành thì Trung tâm dịch vụ đấu giá không được thu lệ phí và phải chịu mọi chi phí cho việc tổ chức đấu giá tài sản. Các văn bản cũng đặt ra vấn đề về trách nhiệm chuyển quyền sở hữu tài sản đấu giá thành trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày đối với động sản và 30 (ba mươi) ngày đối với bất động sản,...
Tính đến hết năm 2004, theo số liệu của Bộ Tư pháp, cả nước có 48 Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản ở 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thành lập theo quy định của Nghị định số 86/CP và giao cho Sở Tư pháp trực tiếp quản lý. Ngoài các Trung tâm dịch vụ
đấu giá tài sản, có 4 doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và Nghị định 86/CP (02 doanh nghiệp ở Hà Nội và 02 doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh). Nhìn chung, hoạt động đấu giá tài sản ở đa số các Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản đã ổn định và có hiệu quả. Các loại tài sản qua Trung tâm dịch vụ đấu giá chủ yếu là tài sản thi hành án, tài sản cầm cố thế chấp tại các tổ chức tín dụng. Việc đấu giá đã góp phần tích cực vào việc thúc đẩy công tác thi hành án, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
4. Pháp luật thi hành án dân sự Việt nam về đấu giá tài sản trong giai đoạn từ năm 2005 đến nay
Trong tình hình trên, ngày 18/01/2005 Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2005/NĐ–CP để thay thế Nghị định 86/CP. Có thể nói Nghị định số 05/2005/NĐ–CP của Chính phủ về đấu giá tài sản là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển dịch vụ đấu giá tài sản trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngay sau khi Nghị định 05/2005/NĐ–CP có hiệu lực thi hành, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2005/TT–BTP hướng dẫn một số quy định của Nghị định, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 34/2005/TT–BTC hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản nhà để đấu giá. Ngoài các văn bản Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư, Công văn hướng dẫn, các tỉnh còn có Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất, Quy chế đấu giá nhà thuộc sở hữu nhà nước. Tình hình tổ chức thực hiện Nghị định số 05/2005/NĐ–CP cho thấy việc thành lập doanh nghiệp đấu giá tài sản đã tăng lên nhanh chóng. Trước thời điểm Nghị định 05/2005/NĐ–CP có hiệu lực trong cả nước chỉ có 4 doanh nghiệp đấu giá tài sản thì trong năm 2005 đã có thêm 43 doanh nghiệp có chức năng kinh doanh dịch vụ đấu giá tài sản (chủ yếu tập trung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh). Việc cũng cố, kiện toàn các Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản được chú ý hơn. Ngày 14/6/2005, Quốc hội đã ban hành BLDS năm 2005 thay thế BLDS năm 1995. Bộ luật này đã dành 04 điều (Từ Điều 456 đến Điều 459) quy định việc đấu giá tài sản như một phương thức giao dịch, buôn bán trong dân sự. Tài sản có thể được đem đấu giá theo ý muốn của chủ sở hữu hoặc pháp luật có quy định. Năm 2008, Nhà nước ban hành Luật thi hành án dân sự có những quy định đặc thù về đấu giá tài sản thi hành án như quy định phân định cụ thể về loại tài sản do tổ chức đấu giá và do Chấp hành viên thực hiện; những trường hợp hủy kết quả đấu giá, giao tài sản đấu giá, xử lý trường hợp đấu giá không thành. Riêng trình tự, thủ tục đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản. Ngày 04/3/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2010/NĐ–CP thay thế Nghị định số 05/2005/NĐ–CP để điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản phù hợp với điều kiện tình hình mới. Với 6 chương, 57 điều Nghị định đã quy định toàn diện về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá, tổ chức đấu giá, đấu giá viên và quản lý nhà nước về đấu giá tài sản, nguyên tắc xử lý vi phạm đối với các hành vi của cá nhân, tổ chức liên quan đến tổ chức, hoạt động đấu giá...Ngay sau khi Nghị định số 17/2010/NĐ–CP có hiệu lực thi hành, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 23/2010/TT–BTP ngày 06/12/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ–CP. Đồng thời, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính trong quá trình xây dựng Thông tư số 03/2012/TT–BTC ngày 05/01/2012 về hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đấu giá, phí tham gia đấu giá và lệ phí cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá tài sản và Thông tư số 48/2012/TT–BTC ngày 16/3/2012 hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất. Hiện nay, các quy định của pháp luật về đấu giá tài sản thi hành án dân sự đã được hoàn thiện hơn, góp phần hạn chế những sai sót, khiếu nại, tố cáo phát sinh từ việc đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự.