Thợ sửa điện thoại lấy cắp thông tin trong máy điện thoại của khách hàng nhằm đe dọa người đó bị xử lý như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có một người bạn làm điện thoại iphone người này thường hay xâm phạm đời tư của nhiều người trong đó có cả tôi. Người này có sở thích rất kỳ lạ, thường lưu giữ hình ảnh clip nóng của nhiều người và nhiều thông tin quan trọng trong làm ăn công việc bằng hình thức cắm iphone của khách vào itunes rồi back up lưu giữ lại vào máy tính cá nhân của mình không biết vì mục đích gì. Nhưng có những cử chỉ đe dọa với tôi. Nói như vậy và hay thường đùa post ảnh nhưng vẫn che mặt để trêu dọa. Luật sư cho tôi hỏi hành vi này có vi phạm phạm luật hay không? Và bị xử lý như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Điều 31 “Bộ luật dân sự 2015” quy định Quyền của cá nhân đối với hình ảnh như sau:
“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.”
Như vậy, hành vi lưu trữ, sử dụng hình ảnh của người khác mà không được sự đồng ý của người đó là hành vi trái pháp luật.
Căn cứ Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP thì việc thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Điều 611 “Bộ luật dân sự 2015” quy định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm:
“1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Người nào sử dụng những thông tin về đời tư của cá nhân có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định “Bộ luật dân sự 2015”, mức bồi thường do hai bên thỏa thuận nhưng tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Ngoài ra, người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 121 “Bộ luật hình sự 2015”: Tội làm nhục người khác:
“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”