Người lao động khi thực hiện công việc nhất định cho người sử dụng lao động sẽ được thỏa thuận về trả tiền lương. Vậy người lao động người Việt Nam được nhận lương bằng USD không?
Mục lục bài viết
1. Lao động người Việt Nam có được nhận lương bằng USD không?
Người lao động nhận được tiền lương khi đã thực hiện công việc theo thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Tiền lương được trả bao gồm các khoản tiền theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Tại khoản 2 điều 95 Bộ luật Lao động 2019 quy định cụ thể về vấn đề trả lương cho người lao động, cụ thể: Tiền lương mà người sử dụng lao động trả cho người lao động phải bằng tiền đồng Việt Nam và được ghi rõ trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì có thể được nhận lương bằng tiền ngoại tệ theo thỏa thuận với người sử dụng lao động. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định mọi giao dịch, thanh toán, … trên lãnh thổ Việt Nam phải thực hiện bằng tiền đồng Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, theo quy định trên thì tiền lương trả cho người lao động Việt Nam phải là đồng Việt Nam, không được nhận lương có đơn vị tiền tệ là USD. Trừ các trường hợp sau người lao động được nhận tiền ngoại hối, cụ thể nhận lương bằng USD:
+ Người lao động là người Việt Nam chỉ được trả lương bằng đồng ngoại tệ khi người đó làm việc cho những công ty nước ngoài trên lãnh thổ nước ngoài.
+ Người sử dụng lao động có thể trả lương bằng ngoại tệ cho người lao động trong trường hợp người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Ví dụ: Các trường ngoại ngữ hiện nay thường hay thuê các giáo viên bản ngữ về dạy học và nhà trường có thể trả lương cho những giáo viên nước ngoài này bằng tiền ngoại tệ.
2. Lương bằng ngoại tệ thì đóng BHXH như thế nào?
Người lao động là người Việt Nam là đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định Tuy nhiên đối với người lao động là người nước ngoài mà có tham gia bảo hiểm xã hội đặc biệt lưu ý với trường hợp mức đóng bảo hiểm xã hội khi lương được trả bằng ngoại tệ. Điều này đã được quy định rõ tại Điều 26 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, nếu trong hợp đồng lao động có ghi tiền lương trả cho người lao động bằng ngoại tệ thì:
Đối với tiền lương của người lao động được trả bằng ngoại tệ thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng đồng Việt Nam. Với tiền lương được trả bằng ngoại tệ thì phải được chuyển đổi bằng đồng Việt Nam dựa trên tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố tại thời điểm vào ngày 02/1 cho 06 tháng đầu năm và ngày 01/7 cho 06 tháng cuối năm.
Với những trường hợp ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, … theo quy định của pháp luật mà vào ngày đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa thực hiện công bố tỷ giá thì sẽ lấy tỷ giá của ngày tiếp theo liền kề do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.
Bên cạnh đó, tiền lương của tháng đóng bảo hiểm xã hội mà được ghi trong sổ bảo hiểm xã hội là tiền lương được xác định bằng đồng Việt Nam mà được chuyển đổi theo tỷ giá nêu trên.
3. Mức đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động nước ngoài nhận lương bằng ngoại tệ:
Người nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam được nhận lương bằng ngoại tệ, không phải trường hợp nào cũng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định.
3.1. Đối tượng người nước ngoài được đóng Bảo hiểm xã hội:
Công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc phải đáp ứng điều kiện như sau:
– Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
– Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam có
Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm: Người lao động di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định; Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật lao động.
3.2. Mức đóng bảo hiểm xã hội:
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 13, Nghị định 143/2018/NĐ-CP thì người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (theo khoản 1 Điều 2 Nghị định này) phải tham gia các chế độ bảo hiểm sau: ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất. Chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động tính trên thời gian người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định. Mức đóng BHXH theo quy định đối với người lao động nước ngoài nhận lương bằng ngoại tệ như sau:
Đối với người lao động nước ngoài: thì từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, hàng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Ngoài ra, người lao động không phải đóng các chế độ bảo hiểm xã hội khác.
Đối với đơn vị sử dụng lao động là người nước ngoài: hàng tháng đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động như sau:
– Đóng vào quỹ ốm đau và thai sản với mức 3%;
– Đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức 5%;
– Đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 01/01/2022 với mức 14%.
Như vậy, theo quy định trên có thể thấy ở thời điểm hiện tại người lao động nước ngoài nhận lương bằng ngoại tệ có mức đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn so với người lao động Việt Nam, người sử dụng lao động cũng đóng với mức đóng thấp hơn, phù hợp với tình hình thực tế của nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên quy định với trường hợp người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Trong thời gian này không được tính để người lao động hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
4. Cấu thành tiền lương:
Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động thực hiện công việc theo thỏa thuận, khoản tiền này được trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc mà người lao động hoàn thành công việc cho người sử dụng lao động. Ngoài năng suất lao động, tiền lương còn có chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Lưu ý, tiền lương trả cho người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định. Cụ thể khoản tiền lương được xác định như sau:
– Mức lương theo công việc và chức danh: khi tham gia vào quan hệ lao động thì người lao động có thể nhận được số tiền lương cơ bản đã được thỏa thuận dựa trên năng lực, năng suất làm việc của người lao động và công việc, chức danh mà người lao động thực hiện. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán. Mức lương được xác định dựa theo điều kiện lao động của công việc đó và thời giờ làm việc bình thường (không bao gồm khoản tiền trả thêm khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm).
– Phụ cấp lương là khoản tiền bổ sung vào tiền lương cơ bản nhằm bù đắp các yếu tố không ổn định về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà khi xác định tiền lương cơ bản chưa tính được đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh; Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
– Các khoản bổ sung khác: Các khoản bổ sung khác theo Điểm c Khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH bao gồm: Các khoản bổ sung mà không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với kết quả thực hiện công việc của người lao động, quá trình làm việc. Các chế độ phúc lợi như thưởng căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động, tiền thưởng sáng kiến; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; tiền ăn giữa ca; hỗ trợ người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, khi người lao động có thân nhân bị chết, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 143/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
– Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, Hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.