Xử phạt hành vi kinh doanh sản phẩm động vật không có kiểm soát của cơ quan thú y. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban nhân dân xã.
Tóm tắt câu hỏi:
Em chào Luật sư! Phiền anh/chị tư vấn giúp em văn bản nào quy định chế tài xử phạt đối với hành vi kinh doanh sản phẩm động vật không có kiểm soát của cơ quan thú y? Kinh doanh thịt lợn không có bao bì, nhãn mác, kinh doanh thịt lợn không đúng nơi quy định thì chế tài xử phạt như thế nào? Thẩm quyền xử phạt của UBND Phường về các vi phạm trên như thế nào? Mong Luật sư tư vấn giúp? Xin chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
– Điều 13, Điều 14 Nghị định số 119/2013/NĐ-CP;
– Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT;
– Điều 38 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012;
2. Nội dung tư vấn:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động giết mổ động vật trên cạn, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ các quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y theo quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT.
Do bạn không trình bày rõ bạn có đăng ký cơ sở kinh doanh sản phẩm động vật hay không? Hành vi vi phạm cụ thể là gì?
Đối với hành vi kinh doanh sản phẩm động vật không có kiểm soát thì tùy từng hành vi cụ thể sẽ có mức xử phạt hành chính như sau:
– Kinh doanh sản phẩm động vật vi phạm các quy định về kiểm soát giết mổ, sơ chế, chế biến thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 13
“1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Giết mổ động vật ở những địa điểm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
b) Giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật khi không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y về cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, nước sử dụng, người tham gia;
c) Không đăng ký thực hiện kiểm soát giết mổ với cơ quan thú y.
2. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật theo mức phạt sau đây:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm không thực hiện vệ sinh động vật trước giết mổ; không vệ sinh, khử trùng tiêu độc nơi giết mổ, sơ chế, nơi nhốt giữ động vật; không xử lý chất độn, chất thải trong quá trình vận chuyển và sau mỗi đợt nhập động vật để giết mổ, sơ chế;
b) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm không thực hiện việc tách riêng động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh để giết mổ sau hoặc không chấp hành yêu cầu của cán bộ kiểm soát giết mổ về việc để riêng, đánh dấu đối với sản phẩm không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y;
c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trước và sau khi giết mổ;
d) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm đưa vào cơ sở giết mổ động vật chết, động vật mắc bệnh truyền nhiễm hoặc tẩu tán động vật chết, động vật mắc bệnh truyền nhiễm khi chưa được cơ quan thú y kiểm tra, xử lý;
đ) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm không thực hiện việc xử lý đối với động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo vệ sinh thú y;
e) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 9.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm giết mổ động vật mới tiêm phòng vắc xin chưa đủ 15 ngày;
…”
– Trường hợp bạn kinh doanh sản phẩm động vật vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thì xử phạt theo Điều 14 Nghị định số 119/2013/NĐ-CP như sau:
“1. Phạt tiền từ 60% đến 70% giá trị sản phẩm động vật vi phạm nhưng không vượt quá 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Kinh doanh thịt gia cầm, sản phẩm từ gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, bao bì, tem vệ sinh thú y tại các siêu thị, cửa hàng, chợ chuyên doanh;
b) Kinh doanh thịt gia súc, sản phẩm từ gia súc không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y.
2. Phạt tiền từ 80% đến 90% giá trị sản phẩm động vật vi phạm nhưng không vượt quá 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm kinh doanh sản phẩm động vật không đạt quy chuẩn vệ sinh thú y.
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối hành vi vi phạm không thực hiện quy định về điều kiện vệ sinh thú y đối với nơi bảo quản, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật.
…”.
Từ ngày 15/9/2017, quy định xử phạt hành chính các hành vi liên quan đến lĩnh vực thú y sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP.
Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban nhân dân xã, phường theo quy định tại Điều 40
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
+ Phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền đến 5.000.000 đồng trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi;
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 40 Nghị định 119/2013/NĐ-CP;
+ Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các Điểm a, b, c và đ Khoản 1 Điều 28 của
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
+ Phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền đến 25.000.000 đồng trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi; phạt tiền đến 50.000.000 đồng trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi;
+ Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 40 Nghị định 119/2013/NĐ-CP;
+ Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các Điểm a, b, c, đ, e, h, i Khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 3 Điều 3 của Nghị định 119/2013/NĐ-CP.
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:
+ Phạt cảnh cáo;
+ Phạt tiền đến 50.000.000 đồng trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi; phạt tiền đến 100.000.000 đồng trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi;
+ Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
+ Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i Khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 3 Điều 3 của Nghị định 119/2013/NĐ-CP.