Khi nhặt được tài sản của người khác đánh rơi, nhiều người chọn cách trả lại tài sản cho chủ sở hữu, nhưng cũng không ít người đã chọn phương án giữ lại tài sản đó. Vậy câu hỏi đặt ra: Khi nào thì tài sản bị bỏ rơi sẽ thuộc về người nhặt?
Mục lục bài viết
1. Khi nào nhặt được tiền, tài sản rơi sẽ thuộc về người nhặt?
1.1. Quy định pháp luật về căn cứ xác lập quyền sở hữu:
Căn cứ xác lập quyền sở hữu là những sự kiện pháp lí do Bộ luật Dân sự quy định. Tùy thuộc vào pháp luật của mỗi chế độ sở hữu và thể chế nhà nước khác nhau mà việc ghi nhận các căn cứ làm phát sinh quyền sở hữu cũng khác nhau. Tại Việt Nam, theo Điều 221 của Bộ luật Dân sự năm 2015, thì quyền sở hữu đối với tài sản được xác lập trong các trường hợp sau đây:
– Do lao động hoặc do hoạt động sản xuất và kinh doanh hợp pháp;
– Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Từ quá trình thu hoa lợi và lợi tức phù hợp với quy định của pháp luật;
– Tạo thành vật mới do quá trình sáp nhập hoặc trộn lẫn hoặc chế biến;
– Được thừa kế tài sản theo quy định của pháp luật về thừa kế;
– Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với trường hợp vật vô chủ hoặc vật bị đánh rơi, tài sản bị bỏ quên hoặc bị chôn giấu, gia súc và gia cầm bị thất lạc hoặc vật nuôi dưới nước di chuyển một cách tự nhiên mà không có sự tác động của con người;
– Chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình và liên tục, công khai phù hợp với quy định của pháp luật và đáp ứng được yêu cầu về thời hiệu chiếm giữ;
– Những trường hợp khác do pháp luật có quy định.
1.2. Khi nào nhặt được tiền, tài sản rơi sẽ thuộc về người nhặt?
Về bản chất thì có thể thấy, tài sản bị đánh rơi hoặc tài sản bị bỏ quên là những loại tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác, tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau mà tài sản đó đã rời khỏi chủ sở hữu hợp pháp. Khi chúng ta nhập được các loại tài sản bị đánh rơi hoặc bị bỏ quên thì việc đầu tiên cần phải nghĩ đến đó là trả lại tài sản đó cho người bị mất. Tuy nhiên pháp luật cũng có quy định, trong một số trường hợp nhất định thì tài sản bị đánh rơi hoặc bị bỏ quên sẽ trở thành vật sở hữu của người nhặt được nó. Để trở thành chủ sở hữu hợp pháp của tài sản nhặt được thì các chủ thể cũng cần phải thỏa mãn các yêu cầu theo quy định của pháp luật. Cụ thể là căn cứ tại Điều 230 của Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện nay có quy định về việc, khi nhặt được tài sản bị đánh rơi hoặc tài sản bị bỏ quên, nếu như người nhặt được biết tài sản này là của ai và biết rõ địa chỉ của người đánh rơi thì cần phải liên hệ, tiến hành thông báo và trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp. Và ngược lại, nếu như người nhặt được không thể biết được địa chỉ cũng như không biết ai là người đánh rơi và bỏ quên tài sản đó thì người nhặt được có thể thông báo hoặc giao nộp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tiến hành xác minh chủ sở hữu thực sự của các loại tài sản này, đó là:
– Ủy ban nhân dân cấp xã;
– Công an xã phường nơi gần nhất với nơi nhặt được tài sản bị đánh rơi hoặc bị bỏ quên.
Đặc biệt căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 230 của Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành có nêu rõ về thời gian xác lập quyền sở hữu đối với người nhặt được tài sản bị đánh rơi. Đó là sau 01 năm kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo công khai về tài sản mà không xác định được chủ sở hữu hợp pháp hoặc chủ sở hữu của các loại tài sản này không đến nhận thì sẽ giải quyết theo các phương hướng như sau:
– Đối với các loại tài sản có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 10 lần mức lương cơ sở (hiện nay được xác định là 1.800.000 đồng), thì người nhặt được sẽ trở thành chủ sở hữu đối với tài sản bị đánh rơi hoặc bị bỏ quên đó;
– Đối với trường hợp tài sản bị đánh rơi hoặc bị bỏ quên có giá trị lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở, thì khi đó các chủ thể nhặt được sẽ được hưởng 10 lần mức lương cơ sở và 50% giá trị vượt quá của tài sản, còn đối với 50% còn lại của phần vượt quá sẽ thuộc về nhà nước;
– Đối với các loại tài sản thuộc di tích lịch sử văn hóa theo quy định của nhà nước thì đương nhiên thuộc về nhà nước, những chủ thể nhập được các loại tài sản này sẽ được thưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của Chính phủ, cụ thể như sau:
STT | Phần giá trị tài sản đánh rơi, bỏ quên | Tỷ lệ thưởng |
1 | Đến 10 triệu đồng | 30% |
2 | Từ trên 10 – 100 triệu đồng | 15% |
3 | Từ trên 100 triệu đồng – 01 tỷ đồng | 7% |
4 | Từ trên 01 – 10 tỷ đồng | 1% |
5 | Trên 10 tỷ đồng | 0,5% |
Như vậy đối với câu hỏi: khi nào thì tài sản rơi sẽ thuộc về người nhặt? Căn cứ theo quá trình phân tích ở trên thì cần thỏa mãn thời gian theo quy định của pháp luật đó là sau 01 năm, được tính kể từ ngày giao nộp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người nhặt được tài sản có thể trở thành chủ sở hữu của tài sản đó nếu giá trị của tài sản đó nhỏ hơn hoặc bằng 18.000.000 đồng (tức là 10 lần mức lương cơ sở được tính kể từ 1/7/2023).
2. Hướng xử lý đối với hành vi không trả lại tài sản nhặt được:
Mặc dù theo như phân tích ở trên thì người nhặt được tài sản bị đánh rơi có thể trở thành chủ sở hữu của tài sản đó, nhưng trước đó khi nhặt được tài sản thì các chủ thể này cần phải đem trả lại cho người bị mất và thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy nếu như trong trường hợp không trả lại tài sản bị đánh rơi cho người bị mất thì những người nhặt được có thể bị truy cứu dưới hình thức nào? Trong trường hợp này có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí là phải chịu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của pháp luật tùy vào tính chất và mức độ vi phạm khác nhau, cũng như các hậu quả xảy ra trên thực tế, cụ thể như sau:
Thứ nhất, xử phạt hành chính: căn cứ theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, nếu nhặt được tài sản bị đánh rơi mà chiếm giữ trái phép tài sản của người khác thì có thể bị xử phạt hành chính với mức từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định. Ngoài ra thì pháp luật cũng ghi nhận một số hình phạt bổ sung bên cạnh mức phạt vi phạm hành chính đối với người nhặt được tài sản bị đánh rơi mà không trả lại tài sản đó là, sẽ bị tịch thu hoặc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi chiếm đoạt tài sản nhặt được, bỏ rơi.
Thứ hai, truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ tại Điều 176 của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội chiếm giữ trái phép tài sản, người đó sẽ bị:
– Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: Tài sản có giá trị từ 10 – 20 triệu đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa;
– Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Tài sản có trị giá từ 200 triệu đồng trở lên hoặc là bảo vật quốc gia.
3. Một số lưu ý khi nhặt được tiền và tài sản do người khác đánh rơi:
Theo như phân tích ở trên, thì khi nhặt được tài sản của người khác đánh rơi cần phải lưu ý một số vấn đề sau đây để tránh những rủi ro không đáng có:
Thứ nhất, đối với các loại tài sản là động sản mà người nhặt được đã xác định và phát hiện được người chủ sở hữu thì cần phải thông báo cho chủ sở hữu và giao lại tài sản đó cho chủ sở hữu. Còn nếu trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu thì sẽ phải giao nộp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để tiến hành thông báo cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
Thứ hai, khi phát hiện ra tài sản bị đánh rơi hoặc bỏ quên thì người phát hiện rất khó để có thể tự xác định được tài sản đó là tài sản vô chủ hay không xác định được chủ sở hữu. Do đó cho nên để tránh những rủi ro không đáng có thì mới phát hiện nên thông báo cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tiến hành xác định tài sản theo đúng quy định của pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.