Mục lục bài viết
1. Khái niệm của hoạt động thu thập chứng cứ:
Theo Từ điển tiếng Việt, thu thập nghĩa là “góp nhặt và tập hợp lại” , về khái niệm thu thập chứng cứ hiện có nhiều quan điểm khác nhau như, giáo trình của trường Đại học luật Hà Nội cho rằng: “Thu thập chứng cứ là tổng hợp các hành vi phát hiện, ghi nhận, thu giữ và bảo quản chứng cứ” . Quan điểm khác thì cho rằng “Thu thập chứng cứ là hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, thu giữ, bảo quản, các thông tin, tư liệu liên quan đến vụ án theo các trình tự, thủ tục mà pháp luật tố tụng hình sự quy định” . Những quan điểm này đã thống nhất việc thu thập chứng cứ với việc bảo quản chứng cứ và đánh giá chứng cứ, tuy nhiên đây là các giai đoạn khác nhau của quá trình chứng minh, giai đoạn thu thập chứng cứ là cách thức để có được chứng cứ, sau khi có được chứng cứ từ việc thu thập thì mới đến giai đoạn đánh giá chứng cứ và bảo quản chứng cứ, chưa kể việc thu thập và đánh giá chứng cứ hoàn toàn khác nhau về thẩm quyền, cách thức và phương pháp thực hiện mà các quan điểm này chưa xác định được cụ thể, chính xác. Ngoài ra những quan điểm này chưa thể hiện được việc thu thập chứng cứ phải bằng những hành vi cụ thể được BLTTHS cho phép và cơ quan, người được BLTTHS quy định được phép thu thập thì mới có giá trị chứng minh.
Từ những phân tích trên, theo quan điểm của học viên thì định nghĩa thu thập chứng cứ phải đảm bảo 2 nguyên tắc sau:
Một là: Thu thập chứng cứ là các hành vi được BLTTHS cho phép thực hiện để có được chứng cứ, nội dung này nhằm đảm bảo chỉ những hành vi được BLTTHS cho phép thì mới được thực hiện để thu thập chứng cứ, cũng như loại trừ những hành vi trái quy định để có được chứng cứ.
Hai là: Chứng cứ phải do cơ quan, người được BLTTHS cho phép thực hiện việc thu thập thì mới có giá trị chứng minh, những chứng cứ tuy có liên quan đến việc giải quyết vụ án hình sự nhưng không do cơ quan, người có quyền thực hiện thì cũng không có giá trị chứng minh.
Từ các phân tích trên, học viên đưa ra định nghĩa thu thập chứng cứ như sau: “Thu thập chứng cứ là tổng hợp các hành vi phát hiện, ghi nhận, thu giữ chứng cứ theo trình tự, thủ tục quy định trong BLTTHS được cơ quan, người được BLTTHS cho phép thực hiện để có được chứng cứ.”
2. Đặc điểm của hoạt động thu thập chứng cứ:
Thu thập chứng cứ là một giai đoạn trong quá trình chứng minh, các đặc điểm của giai đoạn này được thể hiện ở các điểm sau:
Thứ nhất: Hoạt động thu thập chứng cứ phải khách quan
Nguyên tắc khách quan trong giai đoạn thu thập chứng cứ có thể được hiểu là chỉ được áp dụng trình tự, thủ tục theo quy định của BLTTHS để thu thập chứng cứ, những người có thẩm quyền thu thập không được áp đặt ý chỉ của mình để thay đổi trình tự, thủ tục thu thập nhằm có được chứng cứ theo hướng có lợi cho quá trình chứng minh của mình. Vi phạm nguyên tắc này được BLTTHS 2015 xác định là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng .
Để đảm bảo tính khách quan trong quá trình thu thập chứng cứ, BLTTHS 2015 đã bổ sung thêm quy định kiểm sát việc thu thập chứng cứ, theo đó:
Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án... ,
Thứ hai: Hoạt động thu thập chứng cứ phải toàn diện
Nguyên tắc toàn diện của quá trình thu thập chứng cứ yêu cầu phải đảm bảo toàn diện hai nội dung: Toàn diện về thẩm quyền thu thập chứng cứ và toàn diện về nguồn chứng cứ.
* Toàn diện về thẩm quyền thu thập chứng cứ có thể được hiểu là: Những cơ quan, người được BLTTHS cho phép thu thập chứng cứ thì được quyền thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định để thu thập chứng cứ, việc cản trở quyền thu thập chứng cứ là vi phạm BLTTHS
Trước đây, tại BLTTHS năm 2003 xác định thẩm quyền thu thập chứng cứ chỉ thuộc về CQĐT, VKS và Tòa án, đến BLTTHS 2015 nội dung này được quy định cụ thể hơn khi xác định cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (bao gồm cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra) có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ, bên cạnh đó thẩm quyền thu thập chứng cứ đã được mở rộng cho người bào chữa, cụ thể:
Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa. Tuy nhiên trên thực tế thì việc người bào chữa thu thập chứng cứ vẫn còn rất khó khăn, đặc biệt là thu thập chứng cứ từ các cơ quan, tổ chức do những cơ quan, tổ chức này e ngại những chứng cứ này (thường là chứng cứ gỡ tội) khi cung cấp sẽ ảnh hưởng đến chứng cứ khác (thường là chứng cứ buộc tội) của CQĐT.
* Toàn diện về nguồn chứng cứ có thể được hiểu là: Tất cả những nguồn chứng cứ có liên quan đến vụ án, có cơ sở để xác định ra chứng cứ thì phải được thu thập đầy đủ và toàn vẹn
Chứng cứ có thể có được từ nhiều nguồn chứng cứ, các nguồn chứng cứ lại có thể có được từ nhiều chủ thể khác nhau, dưới nhiều dạng hình thức khác nhau do đó quá trình thu thập chứng cứ BLTTHS quy định “Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án” . Như vậy trong quá trình thu thập chứng cứ, phải thu thập, tiếp nhận, ghi nhận, thu giữ đầy đủ chứng cứ từ các nguồn chứng cứ, càng từ nhiều nguồn khác nhau thì càng tạo nên một “bức tranh” tổng thể hơn, chi tiết hơn về vụ án hình sự. Mặt khác, chỉ khi tập hợp đầy đủ chứng cứ gỡ tội và chứng cứ buộc tội thì tất cả những nội dung liên quan, những tình tiết của vụ án mới được làm sáng tỏ một cách khách quan và toàn diện nhất.
Thứ Ba: Hoạt động thu thập chứng cứ phải kịp thời
Nguyên tắc kịp thời là một nguyên tắc đặc biệt riêng của quá trình thu thập chứng cứ. Triết học Mác–Lênin nhận định “Mọi sự vật trong thế giới khách quan luôn vận động...” do đó nguồn chứng cứ tồn tại trên thực tế khách quan cũng sẽ luôn vận động bất kể có sự tác động ý chí con người hay không, sự tự vận động sẽ dẫn đến tự biến đổi nhưng cái biến đổi này là khách quan, sự tác động ý chí của con người mới là sự biến đổi theo ý chí chủ quan. Do đó khi thu thập chứng cứ phải nhanh chóng, kịp thời để hạn chế sự biến đổi khách quan của nguồn chứng cứ. Càng thu thập sớm thì càng đảm bảo giá trị nguyên vẹn của chứng cứ, trái lại việc thu thập chậm sẽ dẫn đến nguồn chứng cứ bị biến đổi, chứng cứ thu được sẽ không có hoặc ít có giá trị chứng minh.
Cần chú ý rằng không phải chứng cứ nào cũng xuất hiện cùng thời điểm với nhau, có chứng cứ xuất hiện ngay sau khi thực hiện hành vi phạm tội (hung khí gây án, tài sản trộm cắp....); có chứng cứ xuất hiện trước khi phạm tội (bệnh án tâm thần đối với chứng cứ để xác định năng lực chịu trách nhiệm hình sự...); có chứng cứ xuất hiện trong giai đoạn điều tra (lời khai, lời trình bày….) cũng có những chứng cứ chỉ xuất hiện sau khi có những chứng cứ khác (kết luận giám định, kết luận định giá…). Do đó trong quá trình thu thập chứng cứ, Cơ quan có thẩm quyền phải đảm nhanh chóng đánh giá được những nguồn chứng cứ nào của vụ án có thể chứa chứng cứ từ đó tiến hành những biện pháp thu thập đảm bảo kịp thời, tránh dẫn đến sự tự biến đổi của chứng cứ hoặc bị biến đổi do tác động ý chí chủ quan như đã phân tích ở trên.
3. Vai trò của hoạt động thu thập chứng cứ:
Không có hoạt động thu thập chứng cứ sẽ không thể xác định được chứng cứ, từ đó sẽ không có căn cứ để giải quyết vụ án hình sự, vai trò của hoạt động này thể hiện ở những nội dung sau:
– Có hoạt động thu thập chứng cứ thì mới có thể xác định được chứng cứ, có xác định được chứng cứ thì mới có thể giải quyết vụ án hình sự.
– Hoạt động thu thập chứng cứ không chỉ để xác định sự thật khách quan của vụ án mà quá trình thực hiện việc thu thập chứng cứ cũng thể hiện được sự khách quan trong quá trình giải quyết vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng. Cụ thể, thu thập chứng cứ nhằm xác định chứng cứ để chứng minh nội dung vụ án, tuy nhiên quá trình thu thập chứng cứ nó cũng thể hiện việc cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có khách quan trong quá trình thu thập hay không, thu thập có đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục hay không, có sự che đậy, ngụy tạo chứng cứ để thu thập hay không cũng được thể hiện trong quá trình thu thập chứng cứ.
– Hoạt động thu thập chứng cứ có ý nghĩa góp phần bảo đảm khách quan trong việc thu thập chứng cứ gỡ tội, cụ thể thì trong BLTTHS người bào chữa có một số quyền thu thập chứng cứ nhất định; quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa. Ngoài ra cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án . Những quy định này đảm bảo trong quá trình thu thập chứng cứ thì có thể có được chứng cứ từ nhiều nguồn đa dạng khác nhau và không chỉ chứng cứ do Cơ quan tiến hành tố tụng (thường là thu thập chứng cứ buộc tội) mới có giá trị và được sử dụng mà những chứng cứ từ những nguồn khác, do người khác thu thập, có được theo đúng trình tự, thủ tục (thường là chứng cứ gỡ tội) cũng có thể được xem xét, làm căn cứ để giải quyết vụ án.