Khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khoẻ. Bản chất, đặc điểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khoẻ.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khoẻ:
Tính mạng, sức khỏe là những yếu tố gắn liền với mỗi con người kể từ khi sinh ra. Tính mạng là sự sống của con người, của cơ thể về mặt sinh học; sức khỏe là trạng thái thể chất, tinh thần của mỗi chúng ta trong một môi trường sống nhất định. Tính mạng, sức khỏe gắn với cá nhân còn sống, là những yếu tố quyết định sự sống, sự tồn tại của mỗi người. Do đó, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe là vấn đề quan trọng tất yếu.
Kể từ khi con người hình thành hệ thống ý thức, thì quyền nhân thân nói chung, hay quyền đối với tính mạng, sức khỏe của bản thân nói riêng, đã được đề cập đến như một quyền bất khả xâm phạm. Cùng với sự phát triển đi lên của xã hội loài người qua các thời kỳ lịch sử, các hình thái xã hội khác nhau thì quyền con người ngày càng được chú trọng hơn. Và văn minh nhân loại đã thể hiện điều này thông qua việc ghi nhận quyền con người, trong đó có quyền được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, trên cơ sở những quy định pháp luật mang tính định hình và cưỡng chế. Dù là ở bất kỳ quốc gia nào thì con người luôn được pháp luật bảo hộ tính mạng, sức khỏe của mình. Việt Nam chúng ta cũng không nằm ngoài quy luật khách quan này.
“Mọi người có quyền được sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”.
Điều 20 Hiến pháp cũng quy định:
“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe…”
Trên cơ sở đó, hệ thống pháp luật chuyên ngành cũng đã có những quy định cụ thể hơn đối với quyền nhân thân về tính mạng, sức khỏe. Điều 33 BLDS năm 2015 quy định: “Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Điều 11 BLTTHS năm 2015 cũng quy định: “Mọi người được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm trái luật tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân…đều bị xử lý theo pháp luật”.
Như vậy, con người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể và được bảo đảm về sức khỏe, được bảo vệ khỏi bất cứ một hình thức xâm hại nào đến tính mạng, sức khỏe của mình. Trên thực tế luôn tồn tại một quy luật khách quan rằng khi một chủ thể gây thiệt hại trái pháp luật thì phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình gây ra đối với chủ thể bị thiệt hại. Và cụ thể vấn đề chúng ta đang bàn đến trong phạm vi đề tài là khi tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm, thì rõ ràng chủ thể gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm BTTH đối với hành vi xâm hại, trách nhiệm này là trách nhiệm pháp lý được pháp luật quy định. Đây là một hình thức trách nhiệm nhằm buộc chủ thể gây thiệt hại phải khắc phục, bồi hoàn những hậu quả do hành vi của mình gây ra và “bồi thường thiệt hại” là một hình thức trách nhiệm thông dụng, thực tế, phù hợp nhất được sử dụng. Trách nhiệm BTTH là hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại. Trách nhiệm BTTH phải có đầy đủ các điều kiện sau đây thì mới phát sinh: có thiệt hại, có hành vi trái pháp luật và thiệt hại đã xảy ra.
Từ những phân tích trên, chúng ta có thể hiểu trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe là một loại trách nhiệm pháp lý mà trong đó người có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác, gây ra thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại về vật chất và tinh thần do chính mình gây ra mặc dù giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại không hề tồn tại trong một giao dịch hợp đồng cũng như hành vi của người gây thiệt hại không thuộc về nghĩa vụ thực hiện hợp đồng đã xác lập.
2. Bản chất, đặc điểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khoẻ:
Trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe là một dạng trách nhiệm pháp lý dân sự. Xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn khách quan của cuộc sống xã hội, các hoạt động giao lưu dân sự luôn tồn tại và phát triển không ngừng và tất yếu xảy ra những sự kiện pháp lý gây phương hại đến quyền nhân thân nói chung và quyền được bảo hộ về tính mạng, sức khỏe nói riêng. Chính vì vậy, cần gắn trách nhiệm cho những xử sự lệch chuẩn trong xã hội xâm hại đến thân thể của người khác, mà phương thức hữu hiệu nhất là áp đặt trách nhiệm pháp lý thông qua hệ thống pháp luật đối với những chủ thể có hành vi xâm hại. Trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe mang tính chất dân sự nên các bên có quyền thỏa thuận với nhau về nội dung BTTH. Quyền lực Nhà nước có thể được nhìn nhận dưới khía cạnh cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ áp đặt các biện pháp cưỡng chế để buộc thực hiện trách nhiệm bồi thường đối với chủ thể có nghĩa vụ. Quyền lực Nhà nước không can thiệp vào việc tạo ra trách nhiệm bồi thường, nội dung bồi thường cụ thể mà trách nhiệm bồi thường phát sinh khi có những hành vi pháp lý đơn phương tạo nên quan hệ dân sự BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe,
Việc xây dựng chế định trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng, cụ thể là trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe nhằm mục đích bảo vệ cho hoạt động xã hội được diễn ra một cách ổn định. Khi sự ổn định đó bị tác động làm cho méo mó thì bản chất của trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe, với vai trò là một công cụ về mặt pháp lý sẽ khôi phục lại tình trạng bình thường vốn có của hoạt động xã hội, hạn chế tối đa những tác hại xấu đối với những chuẩn mực chung đã được đặt ra. Nhìn nhận vấn đề dưới khía cạnh hẹp hơn, thì trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe nhằm khôi phục lại giá trị ban đầu của những thiệt hại đã xảy ra, bên cạnh đó là xử lý những hệ lụy đã bị kéo theo những thiệt hại.
Xã hội loài người luôn luôn vận động và phát triển theo nhiều chiều hướng khác nhau là một tồn tại khách quan và các chủ thể trong xã hội cũng không ngừng tác động lẫn nhau dưới bất kì hình thức nào, có cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Để ổn định sự vận động và phát triển đó theo một khuôn khổ nhất định tương đối, tất yếu cần đặt ra trách nhiệm pháp lý về BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe để tránh sự tùy tiện trong hành vi của con người. Nếu chúng ta nhìn nhận vấn đề trên khía cạnh vĩ mô, việc xây dựng chế định trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng, trách nhiệm BTTH do xâm phạm đến quyền về thân thể của người khác cũng chính là việc chúng ta đang xây dựng một bộ quy tắc ứng xử chung cho sự vận hành của đời sống xã hội, và khi bất kì ai vi phạm những chuẩn mực đó thì tất yếu sẽ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường và phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường; trách nhiệm này một khi đã phát sinh và được chuyển hóa thành nghĩa vụ pháp lý thì sẽ được Nhà nước bảo đảm thực hiện thông qua những biện pháp cưỡng chế để buộc chủ thể xâm hại phải thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình.
Trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe là một dạng trách nhiệm pháp lý dân sự. Chính vì vậy, trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe mang những đặc điểm chung của trách nhiệm pháp lý, đây là điểm khác biệt cơ bản của trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe với các dạng trách nhiệm xã hội khác như trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm chính trị…Trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe là hậu quả bất lợi đối với chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật; thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa Nhà nước và chủ thể vi phạm pháp luật; được các quy phạm pháp luật điều chỉnh, trong đó bên vi phạm phải gánh chịu những hậu quả bất lợi và được bảo đảm bằng những biện pháp cưỡng chế của Nhà nước thể hiện thông qua phần chế tài của các quy phạm pháp luật. Như vậy, trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe được pháp luật ghi nhận trong hệ thống các văn bản pháp luật dân sự, luôn gắn liền với các biện pháp cưỡng chế thi hành của Nhà nước, được đảm bảo thi hành bằng các phán quyết, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nói một cách đơn giản hơn, thì trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe là một loại trách nhiệm được điều chỉnh cụ thể thông qua pháp luật dân sự của Nhà nước mà không dựa trên những nguyên tắc đạo đức, xã hội hay tôn giáo nào.
Là một dạng trách nhiệm dân sự nên trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe là hậu quả pháp lý bất lợi đối với chủ thể có trách nhiệm bồi thường, thể hiện qua việc chủ thể có trách nhiệm bồi thường phải chịu những thiệt hại nhất định mà chế tài của quy phạm pháp luật đã quy định. Đối với trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe, pháp luật dân sự Việt Nam quy định hậu quả bất lợi này của chủ thể có trách nhiệm bồi thường là hậu quả bất lợi về mặt vật chất; khi chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì phải có trách nhiệm BTTH bằng tiền. Đây có thể được xem là một trong những đặc điểm đặc trưng của trách nhiệm dân sự nói chung, trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác nói riêng.
Trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe buộc chủ thể có trách nhiệm bồi thường rơi vào trạng thái bất lợi về mặt vật chất khi phải có trách nhiệm bồi thường bằng tiền cho người bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe. Và trách nhiệm này được xác định thông qua các phán quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đồng thời được bảo đảm thi hành bằng các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước. Một khi chủ thể có trách nhiệm bồi thường có ý định thoái thác trách nhiệm của mình, thì Nhà nước sẽ thông qua cơ quan chuyên môn có thẩm quyền để sử dụng các biện pháp cưỡng chế, buộc chủ thể có trách nhiệm bồi thường phải gánh chịu hậu quả bất lợi do hành vi vi phạm pháp luật của mình gây ra. Chẳng hạn như khi có tranh chấp về BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe xảy ra,
Chủ thể của trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe được định nghĩa theo Điều 584 BLDS 2015 là “người nào có hành vi xâm phạm”. Khái niệm “người nào” trong trường hợp này được hiểu theo nghĩa rộng, có thể là cá nhân, pháp nhân hay cơ quan Nhà nước khi có hành vi gây ra thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người khác. Pháp luật dân sự bên cạnh việc quy định trách nhiệm BTTH của cá nhân, thì còn có các quy định liên quan đến trách nhiệm BTTH của pháp nhân khi có hậu quả pháp lý do người của pháp nhân gây ra; đồng thời, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng có trách nhiệm BTTH do người thi hành công vụ gây ra. Nhìn chung, tất cả các chủ thể có đủ năng lực pháp luật tham gia vào các quan hệ xã hội nói chung, khi làm phát sinh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe thì đều phải có trách nhiệm BTTH.
Mục đích của trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe là nhằm khôi phục lại những giá trị nhân thân của con người trước khi bị xâm phạm, những giá trị này là những giá trị vật chất và tinh thần. Trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe được xây dựng thành chế định pháp lý nhằm thực hiện quan điểm bảo hộ tính mạng, sức khỏe của con người trong xã hội, giúp bảo vệ quyền được sống, được tồn tại của bất kì ai; đồng thời can thiệp sự xâm hại bất hợp pháp đến quyền nhân thân của con người. Điều 365 BLDS 2015 quy định: “Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận, trừ trường những trường hợp sau đây: Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu BTTH do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe”…Với tính chất là một trong số các quyền nhân thân nên quyền yêu cầu BTTH do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm gắn liền với người bị thiệt hại mà không thể chuyển giao cho người khác. Việc khôi phục lại đối tượng của quyền là những giá trị nhân thân khi bị xâm phạm là hầu như không thể thực hiện được, và trong mối quan hệ BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe không thể thay đổi chủ thể.
Nguyên tắc của trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe là thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời; đồng thời các bên có quyền thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường. Thiệt hại xảy ra khi bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe phải là thiệt hại thực tế, bao gồm cả thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Không giống như trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng khác, khi mỗi cá nhân bị xâm phạm thân thể đồng nghĩa với việc bên cạnh các thiệt hại về mặt sinh học thì yếu tố trạng thái tinh thần khi bị xâm hại là một tồn tại khách quan phải được thừa nhận và tính đến. Hậu quả khi bị xâm hại về thân thể tất yếu kéo theo những sự ảnh hưởng nhất định về mặt tinh thần bởi con người là một thực thể sống có ý thức. Bên cạnh xác định các thiệt hại về vật chất, tinh thần một cách trực tiếp đối với chủ thể bị xâm hại thì nhũng thiệt hại gián tiếp cũng được các nhà xây dựng pháp luật tính đến, đó là thiệt hại gián tiếp đối với những chủ thể khác bị ảnh hưởng khi một cá nhân bị tổn thương, điển hình cho tư duy xây dựng pháp luật này là khái niệm bồi thường tiền mất thu nhập, tiền công chăm sóc nuôi dưỡng ..v.v. Đây cũng là đặc điểm đặc trưng của trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe khi xem xét giải quyết những tranh chấp liên quan trên thực tế. Việc BTTH phải “kịp thời”, được hiểu là việc bồi thường phải được thực hiện một cách sớm nhất có thể, bởi mục đích của trách nhiệm BTTH nhằm phục hồi, khôi phục lại những giá trị nhân thân của con người trước khi bị xâm phạm, và để mục đích này đạt được hiệu quả thì cần phải “kịp thời”. Bồi thường “toàn bộ” là sự đòi hỏi phải xác định được các thiệt hại theo quy định pháp luật bao gồm những gì, và chủ thể có trách nhiệm bồi thường phải bồi thường tất cả những thiệt hại này cho người bị thiệt hại. Pháp luật quy định các bên trong quan hệ BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe được quyền tự thỏa thuận và mức và hình thức bồi thường; điều này là hợp lý bởi lẽ trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe là một loại trách nhiệm dân sự, một loại trách nhiệm cho phép các bên có quyền tự do ý chí với nhau.
Trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe phát sinh không phụ thuộc vào yếu tố lỗi. Lỗi là thái độ tâm lý, là dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của chủ thể phản ánh ý thức của chủ thể đối với hành vi, xử sự của mình gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho người khác. Đối với đa phần các dạng trách nhiệm pháp lý, lỗi là yếu tố quyết định đến việc chủ thể có phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi do mình gây ra hay không. Tuy nhiên, trách nhiệm BTTH do xâm phạm tính mạng, sức khỏe phát sinh ngay cả khi chủ thể gây thiệt hại không có lỗi. Điển hình cho đặc điểm này là trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra quy định tại Điều 601 BLDS năm 2015. Cũng chính vì vậy, trách nhiệm bồi thường do xâm phạm tính mạng, sức khỏe xảy ra cả trong những trường hợp chủ thể gây thiệt hại là pháp nhân, cơ quan Nhà nước, khi gây phương hại đến thân thể của người khác.