Chế độ hồi tỵ trong bổ nhiệm, nhậm chức của cán bộ, công chức? Chế độ hồi tỵ trong lĩnh vực hành chính? Chế độ hồi tỵ trong tố tụng hình sự, dân sự? Một số nhận xét, đánh giá về chế độ hồi tỵ tại Trung Quốc hiện nay?
Mục lục bài viết
1. Chế độ hồi tỵ trong bổ nhiệm, nhậm chức của cán bộ, công chức:
Kế thừa và vận dụng các quy định về hồi tỵ về thân thuộc, địa vực, chức vụ... và các quan niệm truyền thống của thời kỳ phong kiến, nhà nước Trung Quốc hiện nay đã đưa ra các quy định về hồi tỵ đối với cán bộ, công chức hoạt động trong bộ máy. Năm 1993, Trung Quốc ban hành Điều lệ tạm thời về quản lý công vụ viên quốc gia”, bắt đầu quy định về chế độ hồi tỵ đối với công chức; năm 1996, Bộ Nhân sự Trung Quốc ban hành “Biện pháp hồi tỵ nhiệm chức của công vụ viên và hồi tỵ chấp hành của công vụ viên trong nhà nước”; năm 2005, thông qua “Luật công vụ viên nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, quy định cụ thể hơn nữa về chế độ hồi tỵ công chức. Đến năm 2011, Trung Quốc đã tiến thêm một bước trong việc thực hiện chế độ hồi tỵ với công chức khi ban hành
Quy định về hồi tỵ với công vụ viên” (sửa đổi năm 2020), cụ thể hóa chế độ hồi tỵ trong việc bổ nhiệm công chức, đồng thời quy định về trình tự hồi tỵ. “Quy định” này bao gồm 6 chương và 20 điều, lần lượt quy định một cách tương đối cụ thể đối với 3 loại hồi tỵ là thân thuộc, địa vực và trong hoạt động công vụ, nếu so với các văn bản pháp luật có liên quan trước đó có nhiều điểm hoàn thiện hơn:
Thứ nhất, hồi tỵ về thân thuộc, quy định cụ thể, rõ ràng về phạm vi của quan hệ thân thuộc đó là vợ chồng, người có chung huyết thống trực hệ, bàng hệ trong vòng 3 đời và quan hệ về hôn nhân. Đồng thời đưa ra định nghĩa cụ thể đối với một số khái niệm liên quan, ví dụ như: “quan hệ lệ thuộc trực tiếp”, là chỉ mối quan hệ có sự lãnh đạo cấp trên cấp dưới trực tiếp: “cùng một cấp lãnh đạo”, bao gồm các thành viên của ban lãnh đạo cùng cấp; “quan hệ lãnh đạo cấp trên cấp dưới trực tiếp”, là quan hệ lãnh đạo giữa cấp trên với cấp dưới trong quan hệ trưởng phó.
Trình tự tiến hành hồi tỵ về thân thuộc bao gồm: (i) Cá nhân đưa ra yêu cầu hồi tỵ hoặc cơ quan sở tại đưa ra kiến nghị hồi tỵ; (ii) Bộ phận tổ chức nhân sự phụ trách việc bổ nhiệm, miễn nhiệm của cơ quan căn cứ theo quyền hạn tiến hành thẩm tra, sau đó đưa ra ý kiến về hồi tỵ báo cáo lên cơ quan, trước khi cơ quan đưa ra quyết định, cần nghe ý kiến của cá nhân công vụ viên và những người liên quan; (iii) Cơ quan đưa ra quyết định, đối với những trường hợp cần phải hồi tỵ thì tiến hành điều chỉnh công tác, đối với các chức vụ cao thấp khác nhau, thông thường người có chức vụ thấp hơn sẽ phải hồi tỵ, nếu chức vụ ngang nhau, căn cứ theo yêu cầu công tác và tình hình thực tế để quyết định.
Thứ hai, hồi tỵ về địa vực, quy định “Công vụ viên khi đảm nhận chức vụ lãnh đạo cấp trưởng của đảng, chính quyền tại huyện, xã, cần thực hiện hồi tỵ về địa vực, thông thường không được đảm nhận chức vụ lãnh đạo cấp trưởng của đảng, chính quyền tại thành phố (địa khu, minh) 8 mà bản thân trưởng thành”. Có thể thấy, phạm vi về hồi tỵ địa vực đã được quy định tương đối cụ thể, điều này sẽ giúp tăng tính khả thi trong việc áp dụng chế độ hồi tỵ về địa vực trong thực tế. Trình tự tiến hành hồi tỵ về địa vực tương tự với trình tự tiến hành hồi tỵ về thân thuộc.
Thứ ba, hồi tỵ trong một số công việc cụ thể, quy định một số công việc mà công vụ viên không được đảm nhận nếu có người có “quan hệ thân thuộc” giữ chức vụ cùng một cấp lãnh đạo hoặc giữ chức vụ cấp trên cấp dưới trực tiếp với mình, đó là các công việc về “tổ chức, nhân sự, kiểm tra kỷ luật, giám sát, kiểm toán và tài chính”. Trình tự tiến hành hồi tỵ đối với công việc cụ thể tương tự với trình tự tiến hành hồi tỵ về thân thuộc và địa vực.
Về biện pháp bảo đảm thi hành, việc quản lý và giám sát thực hiện hồi tỵ được quy định thành 1 chương riêng, cụ thể quy định: “Cần thẩm tra nghiêm ngặt đối với các nhân viên hành chính trong quá trình chuẩn bị vào một cơ quan hay chuẩn bị có điều chỉnh về chức vụ để tránh phát sinh các quan hệ hồi tỵ, nếu đã phát sinh thì cần tiến hành khắc phục điều chỉnh”.
Về các hình thức kỷ luật, đối với các hành vi không phục tùng quyết định hồi tỵ, không kịp thời thông báo hoặc che giấu tình hình cần phải hồi tỵ thì lần | lượt áp dụng các hình thức “bãi miễn chức vụ, phê bình giáo dục”; nếu ảnh hưởng đến sự công bằng trong việc thực thi công vụ, gây ra hậu quả xấu thì sẽ chịu hình thức xử phạt tương ứng. Các cơ quan liên quan căn cứ vào quyền hạn quản lý kịp thời xử lý phản ánh của cá nhân, tổ chức đối với việc hồi tỵ của công chức, việc kiểm tra giám sát công tác hồi tỵ đối với công vụ viên sẽ do cơ quan chủ quản về công vụ viên ở các cấp tiến hành. Đây là sự bổ sung rất lớn đối với những lỗ hổng và thiếu sót của các quy định pháp luật có liên quan trước đó, giúp cho quy định về hồi tỵ trở nên hoàn thiện hơn..
Ngoài ra, các chế độ hồi tỵ trong tuyển dụng, nhiệm chức và thực hiện công việc đối với viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp cũng được quy định cụ thể trong “Quy định hồi tỵ trong quản lý nhân sự của đơn vị sự nghiệp” (2019) do Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội ban hành.
Đối với cán bộ lãnh đạo, Trung Quốc cũng đã vận dụng bài học lịch sử, áp dụng các quy định hồi tỵ về thân thuộc và địa vực trong việc lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, cụ thể quy định tại Điều lệ công tác tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo đảng và chính quyền” do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành (bản mới nhất ban hành năm 2019), trong đó quy định phạm vi các quan hệ thân thuộc cần phải hồi tỵ khi bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo đảng và chính quyền bao gồm: vợ chồng, người có chung huyết thống trực hệ, bàng hệ trong vòng 3 đời và quan hệ về hôn nhân.
Những người có mối quan hệ thân thuộc trên, không được đảm nhận chức vụ mà hai bên trực tiếp lệ thuộc cùng một lãnh đạo hoặc có quan hệ lãnh đạo cấp trên cấp dưới trực tiếp trong cùng một cơ quan, cũng không được tham gia vào công tác tổ chức (nhân sự), kiểm tra kỷ luật, giám sát, kiểm toán, tài chính trong cơ quan mà một bên trong đó giữ chức vụ lãnh đạo. Đồng thời, cán bộ lãnh đạo cũng không được đảm nhận chức vụ lãnh đạo chủ chốt của đảng ủy và chính quyền cũng như lãnh đạo chủ chốt của ủy ban kiểm tra kỷ luật và giám sát, cơ quan tổ chức, tòa án, viện kiểm sát, cơ quan công an cấp huyện (thành phố cấp huyện)” và cấp thành phố (địa khu, minh) nơi mình trưởng thành.
Ngoài ra, trong quá trình đảng ủy (ban cán sự đảng/đảng đoàn và bộ phận tổ chức nhân sự) thảo luận về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ, nếu đối tượng có liên quan đến người tham gia cuộc họp thảo luận hoặc người thân của người đó, thì bắt buộc phải hồi tỵ; cán bộ là thành viên trong tổ sát hạch cán bộ nếu trong quá trình thực hiện công tác sát hạch mà có mối liên hệ với người thân, thì cũng bắt buộc phải hồi tỵ. “Điều lệ” trên đã quy định thực hiện nguyên tắc hồi tỵ không chỉ là cán bộ lãnh đạo, một số cán bộ chủ chốt từ cấp huyện trở lên là người bản quán mà còn cả những người giữ chức danh trên đã có một thời gian dài sinh sống ở địa phương đó. Áp dụng quy định trên, trong thực tế hiện nay, tuyệt đại đa số cán bộ lãnh đạo từ cấp huyện trở lên Trung Quốc không phải là người bản quán.
2. Chế độ hồi tỵ trong lĩnh vực hành chính:
Cùng với việc quyền lực hành chính nhà nước ngày càng được mở rộng, bảo đảm sự công bằng trong thực thi quyền lực hành chính trở thành nhu cầu của xã hội, vậy nên Trung Quốc đã học hỏi hoặc sao chép nhiều quy định về bảo đảm công bằng trong hoạt động tư pháp áp dụng vào trong trình tự hành chính. Hồi tụ hành chính với tư cách là quy định được tạo ra xuất phát từ nhu cầu về sự công bằng trong hoạt động quản lý hành chính, đã đưa ra nguyên tắc: “khi quyền lợi và lợi ích của mình chịu sự ảnh hưởng bất lợi của các quyết định hành chính, công dân có quyền yêu cầu ý kiến của mình phải được tiếp nhận bởi một nhân viên hành chính không có sự thiên vị, một quyết định hành chính không được do người có quan hệ có lợi hoặc có hại với công dân đó đưa ra”. Với mục tiêu như vậy, việc nghiêm chỉnh chấp hành chế độ hội tụ hành chính có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm sự chính xác trong thực thi quyền lực hành chính, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng quản lý hành chính.
Chủ thể của hồi tục hành chính là những người căn cứ theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu nhân viên hành chính phải hồi tỵ trong quá trình thực hiện hành vi hành chính. Hiện nay, Trung Quốc không có một bộ luật thống nhất về trình tự hành chính, nên luật hồi tỵ được quy định rải rác tại các văn bản pháp luật liên quan. Ví dụ như: khoản 3, điều 37 Luật xử phạt hành chính nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quy định: “Nhân viên chấp pháp nếu có quan hệ có lợi hoặc có hại trực tiếp với đương sự, thì cần phải hồi tỵ”; điểm 4, khoản 1 Điều 42 quy định: “Một người không liên quan đến vụ án được cơ quan hành chính chỉ định phụ trách việc lấy lời khai, nếu đương sự cho rằng người đó có quan hệ có lợi hoặc có hại trực tiếp với vụ việc, thì có quyền yêu cầu hồi ty”. Có thể thấy, chủ thể có quyền yêu cầu nhân viên hành chính phải hồi tỵ đó là “đương sự”, bao gồm đối tượng quản lý hành chính và những người liên quan.
Đối tượng của hội tụ hành chính là những nhân viên hành chính cần phải hồi tỵ căn cứ theo các quy định pháp luật liên quan. Do tính chất của các hành vi hành chính không giống nhau nên đối tượng hồi tỵ cũng không giống nhau, phân thành hồi tỵ đối với hành vi chấp pháp hành chính và hành vi tư pháp hành chính. Trong đó, “hành vi chấp pháp hành chính chủ yếu gồm các hoạt động như: khen thưởng, cấp phép, cứu trợ, hợp đồng, kiểm tra, giám sát, xử phạt, cưỡng chế...”, lấy ví dụ với hành vi xử phạt hành chính, đối tượng hồi tỵ là nhân viên chấp pháp. Nhân viên chấp pháp bao gồm: (i) Nhân viên hành chính trực tiếp xử lý vụ việc; (ii) Nhân viên hành chính có quyền đưa ra ý kiến và kiến nghị đối với việc xử lý vụ việc, thông thường là lãnh đạo của các đơn vị liên quan; (iii) Nhân viên hành chính có quyền quyết định cuối cùng đối với việc xử lý vụ việc, thông thường là lãnh đạo chủ chốt của chủ thể quản lý hành chính. “Hành vi tư pháp hành chính” chủ yếu bao gồm các hoạt động như: hòa giải, trọng tài, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm...”. Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đối tượng hồi tỵ trong tư pháp hành chính bao gồm thẩm phán viên 10 và những người tham gia tố tụng như thư ký, phiên dịch, giám định, khám nghiệm.
Trình tự thực hiện hồi tục hành chính bao gồm việc đưa ra đề nghị hồi tỵ, thẩm tra và quyết định hồi tỵ.
(i) Về đề nghị hồi tỵ, có thể xuất phát từ bản thân nhân viên hành chính hoặc do yêu cầu của đương sự. Nhân viên hành chính sau khi tiếp nhận các nhiệm vụ hành chính, nếu cho rằng bản thân có quan hệ có lợi hoặc có hại trực tiếp với vụ án thì có thể tự đề nghị hồi ty; trong quá trình xử lý vụ án hành chính, nhân viên hành chính trong lần đầu tiếp xúc với đương sự cần công bố danh sách các nhân viên xử lý vụ án, đồng thời thông báo cho đương sự về quyền yêu cầu hồi tỵ đối với những nhân viên đó, đương sự có thể căn cứ vào các lý do liên quan để đưa ra yêu cầu hồi tỵ (thông thường việc đương sự đưa ra yêu cầu hồi tỵ có thể ở bất kỳ giai đoạn nào trong xử lý vụ án hành chính trước khi đưa ra quyết định, phán quyết hành chính).
(ii) Về xử lý đề nghị hồi tỵ, sau khi nhân viên hành chính đưa ra đề nghị hồi tỵ hoặc đương sự yêu cầu hồi tỵ, thì đều cần căn cứ theo các quy định liên quan, do tổ chức hoặc lãnh đạo liên quan thẩm tra quyết định sau đó mới có thể thực hiện. Tham chiếu theo thực tiễn tư pháp và sự bố trí của các cơ quan (đơn vị) hành chính tại Trung Quốc, việc hồi tỵ đối với nhân viên hành chính cần phải do người phụ trách của cơ quan (đơn vị) hành chính đó thẩm tra quyết định; việc hồi ty đối với người phụ trách cơ quan (đơn vị) hành chính, sẽ do cơ quan hành chính cấp trên hoặc ủy ban nhân dân cùng cấp thẩm tra quyết định. Sau khi lãnh đạo hoặc tổ chức liên quan thẩm tra đề nghị hồi tỵ, bất kể ý kiến như nào đều phải ban hành quyết định bằng văn bản. Trong tố tụng hành chính, điều 55 Luật Tố tụng hành chính Trung Quốc quy định, việc hồi tỵ đối với chánh án làm thẩm phán (chủ tọa phiên tòa), sẽ do ủy ban thẩm phán quyết định; việc hồi tỵ đối với thẩm phán viên, sẽ do chánh án quyết định; việc hồi tỵ đối với người tham gia tố tụng, sẽ do thẩm phán (chủ tọa phiên tòa) quyết định; nếu đương sự không đồng ý với quyết định đó, thì có thể yêu cầu xem xét lại 1 lần.
Về các sai phạm thường gặp trong việc thực hiện chế độ hội tụ hành chính trong thực tế (chỉ các hành vi không thực hiện hồi tỵ được pháp luật quy định hoặc khi thực hiện hồi tỵ xảy ra khiếm khuyết, sai sót) và cách khắc phục. Trong thực tế hiện nay, có 2 tình trạng sai phạm thường gặp đó là không thông báo về quyền được yêu cầu hồi tỵ và không thực hiện hồi tỵ mặc dù đã có đủ lý do.
Việc không thông báo về quyền được yêu cầu hồi tỵ diễn ra rất phổ biến. Pháp luật Trung Quốc quy định, chủ thể quản lý hành chính trước khi thực hiện hành vi hành chính cần thông báo cho đối tượng quản lý hành chính về quyền lợi và nghĩa vụ, đồng thời pháp luật trao quyền cho đối tượng quản lý hành chính được yêu cầu hồi tỵ đối với các nhân viên hành chính liên quan. Hành vi không thông báo về quyền được yêu cầu hồi tỵ mang có thể do sơ suất của nhân viên hành chính chưa thông thạo quy định pháp luật hoặc do cố ý che giấu gây nên và đó là hành vi hành chính bất hợp pháp.
Đối với hành vi không thực hiện hồi tỵ mặc dù đã có đủ lý do, hành vi này xảy ra có thể là do nhận thức sai của nhân viên hành chính hoặc đối tượng quản lý hành chính không đưa ra yêu cầu hồi tỵ hoặc một trong hai bên đã đưa ra yêu cầu hồi tỵ nhưng do nhận định sai của tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền đã quyết định không áp dụng hồi tỵ, do vậy hành vi này là hành vi sai phạm do nhận thức sai lầm hoặc có sai sót trong việc giải thích pháp luật.
Vậy làm thế nào để khắc phục các sai phạm này? Các sai phạm khi thực hiện chế độ hồi tỵ liên quan đến tính hợp pháp của hành vi hành chính, đối tượng hành chính bị ảnh hưởng bởi sai phạm trên có quyền yêu cầu được sửa chữa, khắc phục thông qua các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, hồi tục hành chính là một loại trình tự pháp định, vậy nên sai phạm trong thực hiện hồi tỵ hành chính chủ yếu là do vi phạm trình tự thủ tục. Luật Tố tụng hành chính nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quy định: đối với hành vi hành chính vi phạm trình tự thủ tục theo luật định, tòa án có quyền quyết định hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần, đồng thời có thể yêu cầu bị cáo thực hiện lại hành vi hành chính; Luật xét lại hành chính nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng quy định tương tự. Do vậy, cách thức khắc phục sai phạm trong thực hiện hồi tục hành chính có thể thông qua trình tự xem xét lại hoặc thông qua tố tụng hành chính.
3. Chế độ hồi tỵ trong tố tụng hình sự, dân sự:
Hồi tỵ trong tố tụng hình sự bao gồm các quy định đối với điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán viên... nếu có quan hệ có lợi hoặc có hại bất kỳ hoặc quan hệ đặc thù khác với vụ án hoặc đương sự của vụ án, mà có thể ảnh hưởng đến việc xử lý công bằng vụ án hình sự, thì không thể tham gia xử lý vụ án đó hoặc tham gia vào các hoạt động tố tụng khác của vụ án đó. Mục tiêu cao nhất của chế độ hồi tỵ trong tố tụng hình sự là để bảo đảm sự công bằng – linh hồn của hoạt động tư pháp, trong đó công bằng bao gồm 2 phương diện là công bằng về mặt trình tự và công bằng về mặt chủ thể. Thực hiện chế độ hồi tỵ trong tố tụng hình sự có lợi cho việc thực hiện công bằng về chủ thể.
Chế độ hồi tỵ yêu cầu những người liên quan có quan hệ có lợi hoặc có hại với vụ án không thể tham gia vào các hoạt động tố tụng như điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử... Chế độ hồi tỵ trong tố tụng hình sự thông qua hình thức là các quy định cụ thể để ngăn chặn ở mức tối đa các nhân tố vụ lợi làm ảnh hưởng đến sự công bằng trong việc giải quyết vụ án. Tại Trung Quốc, chế độ hồi tỵ trong tố tụng hình sự được quy định trong các văn bản như: “Luật tố tụng hình sự”, “Quy tắc tố tụng hình sự của Viện kiểm sát nhân dân”, “Giải thích của Tòa án Nhân dân tối cao về việc áp dụng Luật tố tụng hình sự”, “Quy định của Tòa án Nhân dân tối cao về một số vấn đề liên quan đến việc áp dụng chế độ hồi tỵ trong hoạt động tố tụng của thẩm phán viên, “Quy định của 6 bộ (cơ quan ngang bộ) về các vấn đề liên quan đến việc thực thi Luật tố tụng hình sự”.
Luật tố tụng hình sự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dành 1 chương riêng để quy định về hồi tỵ. Điều 29, điều 32 quy định đối tượng hồi tỵ bao gồm 6 loại, đó là thẩm phán viên, điều tra viên, kiểm sát viên và thư ký viên, phiên dịch viên, giám định viên trong các hoạt động điều tra, khởi tố, xét xử [31, tr.127]. Bên cạnh đó, đưa ra các trường hợp cần phải hồi tỵ:
“1. Là đương sự của vụ án hoặc người thân (bao gồm vợ, chồng, bố, mẹ, con trai, con gái, anh chị em ruột) của đương sự;
2. Bản thân hoặc người thân có quan hệ có lợi hoặc có hại với vụ án;
3. Từng là nhân chứng, giám định viên, người biện hộ, người đại diện tham gia tố tụng của vụ án;
4. Có quan hệ khác với đương sự của vụ án mà có thể ảnh hưởng đến sự công bằng trong xử lý vụ án.”.
Bên cạnh đó còn đưa ra quy định, thẩm phán viên, kiểm sát viên và điều tra viên không được nhận quà của đương sự và người được đương sự ủy thác, không được gặp gỡ đương sự và người được đương sự ủy thác trái với quy định. Nếu vi phạm, cần truy cứu trách nhiệm theo pháp luật, đương sự và người đại diện theo luật định có quyền yêu cầu những người này phải hồi ty.
Quy định này được đưa ra xuất phát từ thực tế rằng trong nhiều trường hợp, các đương sự hoặc người được đương sự ủy thác cố ý tìm đủ mọi cách để hẹn gặp cán bộ xử lý vụ án hoặc tặng quà, tạo quan hệ, “đi cửa sau”, với ý đồ làm lung lay cán bộ xử lý vụ án, khiến cán cân pháp luật nghiêng về phía mình. Thực hiện nghiêm quy định trên sẽ góp phần trực tiếp ngăn chặn các hành vi tham nhũng (đưa, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi) trong hoạt động tố tụng.
Ngoài ra, Tòa sơ thẩm khi xét xử lại vụ án do Tòa phúc thẩm yêu cầu cũng như xét xử lại vụ án căn cứ theo thủ tục giám đốc thẩm, thì toàn bộ thành viên trong hội đồng xét xử sơ thẩm và phúc thẩm của vụ án đều nằm trong phạm vi hồi tỵ. Còn về thành viên của ủy ban thẩm phán, ủy ban kiểm sát có phải hồi tỵ khi xét xử lại hay không thì hiện nay pháp luật vẫn chưa quy định trực tiếp. Nhưng do họ đều nằm trong phạm vi phải hồi tỵ đối với thẩm phán viên và kiểm sát viên, vì vậy nếu có quan hệ có lợi hoặc có hại, hoặc quan hệ khác với vụ án mà có thể ảnh hưởng đến việc xử lý công bằng, thì đều cần phải hồi tỵ, không được tham gia thảo luận và biểu quyết đối với các vấn đề liên quan đến vụ án.
Trình tự thực hiện hồi tỵ trong tố tụng hình sự cũng bao gồm việc đưa ra đề nghị hồi tỵ, thẩm tra và quyết định hồi tỵ. Việc đưa ra đề nghị hồi tỵ có thể xuất phát từ bản thân thẩm phán viên, điều tra viên, kiểm sát viên, và thư ký viên, phiên dịch viên, giám định viên hoặc do yêu cầu của đương sự, người đại diện theo luật định của đương sự, người biện hộ, người đại diện tố tụng. Việc hồi tỵ đối với thẩm phán viên, kiểm sát viên, điều tra viên lần lượt do chánh án, viện trưởng Viện kiểm sát, lãnh đạo cơ quan công an quyết định; việc hồi tỵ đối với chánh án, do ủy ban thẩm phán quyết định; việc hồi tỵ viện trưởng Viện kiểm sát và lãnh đạo của
Bên cạnh đó Luật cũng quy định, trước khi có quyết định về việc hồi tỵ đối với điều tra viên, việc điều tra vẫn sẽ được tiến hành. Vì thông thường, khi đề nghị hội tụ được đưa ra, bất kể là có được phê chuẩn hay không thì cũng đều đã ảnh hưởng đến việc tiến hành xử lý vụ án, về cơ bản vụ án chỉ có thể được tiếp tục xử lý sau khi cơ quan, người có thẩm quyền thẩm tra đề nghị hội tụ đưa ra quyết định. Tuy nhiên, có ngoại lệ đó là ở giai đoạn điều tra, trước khi đưa ra quyết định xem xét hồi tỵ đối với điều tra viên, thì điều tra viên không được dừng hoạt động điều tra vụ án. Bởi vì hoạt động điều tra là hoạt động đặc thù, cần phải bảo đảm tính kịp thời. Nếu đình chỉ điều tra để chờ quyết định hồi tỵ thì sẽ có thể khiến tình trạng vi phạm pháp luật bị thay đổi, dẫn đến khó thu thập được chứng cứ.
Đối với các vụ án có yếu tố cần phải hồi tỵ nhưng không hồi tỵ và tòa án đã ra phán quyết, Điều 238 Luật Tố tụng hình sự quy định: tòa phúc thẩm trong quá trình xử lý vụ án nếu phát hiện trường hợp nhân viên tư pháp trong quá trình xét xử sơ thẩm cần phải hồi tỵ nhưng không hồi tỵ thì có quyền yêu cầu hủy bỏ bản án sơ thẩm, đề nghị xét xử lại.
Hồi tỵ trong tố tụng dân sự cơ bản quy định tương tự như trong tố tụng hình sự và tố tụng hành chính (cũng dành 1 chương riêng để quy định về hồi tỵ), quy định đối tượng hồi tỵ bao gồm: thẩm phán viên, thư ký viên, phiên dịch viên, giám định viên và khám nghiệm viên. Về trình tự hồi tỵ: việc hồi tỵ đối với chánh án làm thẩm phán (chủ tọa phiên tòa) sẽ do ủy ban thẩm phán quyết định; việc hồi tỵ đối với thẩm phán viên sẽ do chánh án quyết định; việc hồi tỵ với những người khác, sẽ do thẩm phán (chủ tọa phiên tòa) quyết định.
Bên cạnh đó, còn quy định cụ thể một số vấn đề đó là đương sự có quyền yêu cầu hồi tỵ thông qua cả 2 phương thức là lời nói hoặc văn bản. Đương sự khi đưa ra yêu cầu hồi tỵ, cần nêu rõ lý do, đưa ra yêu cầu hồi tỵ khi quá trình xử lý vụ án bắt đầu cho đến trước khi kết thúc phiên tranh luận tại phiên tòa. Người bị yêu cầu hồi tỵ trước khi toàn án nhân dân đưa ra quyết định có chấp nhận hồi tỵ hay không, cần tạm ngừng tham gia vào các công việc liên quan đến vụ án, trừ trường hợp vụ án cần áp dụng các biện pháp khẩn cấp.
Về thời hạn quyết định, trong vòng 3 ngày kể từ khi đương sự đưa ra yêu cầu hồi tỵ, tòa án nhân dân cần đưa ra quyết định bằng lời nói hoặc văn bản; nếu người yêu cầu không đồng ý với quyết định, có thể yêu cầu xem xét lại khi nhận được quyết định, trong thời gian xem xét lại, người bị yêu cầu hồi tỵ tiếp tục tham gia vào các công việc liên quan đến vụ án, tòa án nhân dân đưa ra quyết định xem xét lại trong vòng 3 ngày và thông báo cho người yêu cầu xem xét lại (Theo Luật Tố tụng dân sự nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa).
4. Một số nhận xét, đánh giá về chế độ hồi tỵ tại Trung Quốc hiện nay:
Có thể thấy, nhà nước Trung Quốc ngày nay đã kế thừa nhận thức từ thời cha ông về sự ảnh hưởng mà các mối quan hệ thân thuộc hay địa vực có thể tác động đến hoạt động công vụ, xác định được rằng cùng với việc trao quyền lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, thì cũng cần phải hạn chế và ràng buộc họ. Điều này đã được thể hiện qua các văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng về công tác cán bộ, tiếp đó được cụ thể hóa bằng pháp luật của nhà nước. Pháp luật Trung Quốc hiện hành đã đưa ra những quy định tương đối cụ thể về phạm vi và lý do hồi tỵ, các loại hình và trình tự hồi tỵ, trải qua những lần cập nhật và chỉnh sửa, chế độ hồi tỵ tại Trung Quốc hiện nay đang dần hoàn thiện hơn để phù hợp với yêu cầu về quản lý đất nước toàn diện dựa trên pháp luật và cuộc chiến phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, các quy định hiện hành vẫn còn nhiều thiếu sót cần chỉnh sửa và bổ sung để hoàn thiện hơn nữa, đồng thời cần có những biện pháp để bảo đảm tăng khả năng áp dụng trong thực tế.
Thứ nhất, trong các quy định về hồi tỵ trong bổ nhiệm công chức, cụ thể là trong “Quy định về hồi tỵ với công vụ viên” (ban hành năm 2011, sửa đổi năm 2020), chỉ đề cập một cách chung chung chứ không quy định rõ ràng, cụ thể về việc hồi tỵ trong quá trình tuyển dụng công chức, đây là một lĩnh vực quan trọng cần thiết phải áp dụng các quy định về hồi tỵ và đã được các triều đại phong kiến Trung Quốc trước đây quan tâm (hồi tỵ trong khoa cử).
Về phạm vi và đối tượng hồi tỵ trong bổ nhiệm công chức, các quy định pháp luật hiện hành chủ yếu vẫn xoay quanh quan hệ thân thuộc, các mối quan hệ khác vẫn chưa được đề cập đến, có thể thấy tư duy về hồi tỵ hiện nay vẫn chưa vượt ra khỏi phạm trù quan hệ thân thuộc. Tuy rằng tại Trung Quốc từ xưa đến nay, quan hệ thân thuộc vẫn giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội, tuy nhiên cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, mối quan hệ giữa người với người đã trở nên rất phong phú chứ không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần ban đầu.
Về việc xử lý hành chính đối với công chức làm trái hoặc che giấu không thực hiện hồi tỵ thông qua các hình thức là “phê bình giáo dục” hoặc “miễn nhiệm chức vụ” chưa thực sự thể hiện được sự tăng tiến về mức độ xử phạt, chưa phân biệt cụ thể được mức độ nặng nhẹ của hành vi, dẫn đến việc khó áp dụng trong thực tế mà chỉ có thể tồn tại ở dạng các quy định “chết”. Đồng thời, các quy định hiện hành cũng chưa nêu cụ thể về cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, mà chỉ nêu khái niệm mơ hồ là “cơ quan liên quan”, do đó, việc giám sát tình hình thực chấp hành chế độ hồi tỵ, truy cứu trách nhiệm và hậu quả của việc chấp hành không nghiêm chỉnh chế độ hồi tỵ rất khó để thực hiện.
Thứ hai, trong tố tụng hình sự và tố tụng dân sự quy định về phạm vi hồi tỵ là người thân (ruột thịt: bao gồm vợ, chồng, bố, mẹ, con trai, con gái, anh chị em ruột) của đương sự trong vụ án, có thể thấy phạm vi này quá hạn hẹp và đó cũng chỉ là một phần nhỏ trong quan hệ thân thuộc. Đối với một đất nước có truyền thống lễ nghĩa, trọng tình trọng nghĩa, các mối quan hệ họ hàng ruột thịt, xa gần, bạn bè thân thiết đan xen phức tạp, việc chỉ quy định phạm vi hồi tỵ hạn hẹp như vậy sẽ tạo nhiều kẽ hở dẫn đến sự mất công bằng trong quá trình tiến hành tố tụng và việc đưa ra phán quyết cuối cùng. Tiếp đó, các khái niệm như “quan hệ có lợi hoặc có hại”, “quan hệ khác” tương đối mơ hồ, chưa được định nghĩa cụ thể, điều này dễ dẫn đến sự mất công bằng trong quá trình tiến hành tố tụng cũng như việc lạm dụng, tùy tiện trong thực thi quyền lực.
Tuy nhiên, dù hiện nay pháp luật vẫn chưa đưa ra định nghĩa cụ thể đối với “quan hệ khác”, nhưng có thể dựa trên tôn chỉ lập pháp của chế độ hồi tỵ, đó là những quy định mang tính trao quyền cho cơ quan công an, tư pháp cũng như công dân liên quan và là những quy định mang tính nguyên tắc được áp dụng trong những trường hợp mà “quan hệ khác” đó có thể ảnh hưởng đến việc xử lý công bằng vụ án, để quyết định xem có cần thiết phải áp dụng hồi tỵ hay không. Có nghĩa là, việc có “quan hệ khác” với đương sự của vụ án không phải là lý do bắt buộc phải hồi tỵ, mà chỉ khi “quan hệ khác” đó có thể ảnh hưởng đến việc xử lý công bằng vụ án thì mới trở thành lý do cần phải hồi tỵ. Từ đó yêu cầu khi giải thích và áp dụng quy định này, cần tuân thủ chặt chẽ tôn chỉ lập pháp của chế độ hồi tỵ.
Thứ ba, tuy rằng pháp luật hiện hành đã quy định tương đối cụ thể về quyền yêu cầu hồi tỵ của đương sự, nghĩa vụ thông báo cho đương sự của nhân viên tư pháp, đồng thời cũng quy định không được hạn chế, cản trở hoặc tước đoạt quyền yêu cầu hồi tỵ của đương sự và người đại diện bằng bất kỳ lý do nào, tuy nhiên, trong thực tế vẫn tồn tại những vấn đề khó khăn trong việc áp dụng các quy định cũng như việc chấp hành quy định “không đến nơi đến chốn”. Lý do là Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay, nhận thức pháp luật của của cả nhân viên tư pháp và người dân vẫn còn nhiều hạn chế, quan niệm về quyền lợi của người dân vẫn tương đối mờ nhạt.
Trong bối cảnh ý thức pháp luật vẫn chưa được phổ cập sâu rộng, người dân rất khó để hiểu được chính xác thế nào là “hồi ty”, cũng như làm thế nào để thực hiện quyền hồi tỵ, nhân viên tư pháp cũng khó có thể vận dụng một cách chính xác nhất có thể các quy định về hồi tỵ. Hơn nữa, chế độ hồi tỵ hiện hành tại Trung Quốc là hồi tỵ “có lý do”, theo quy định của luật tố tụng, đương sự khi đưa ra yêu cầu hồi tỵ cần nêu rõ lý do, thậm chí một số trường hợp còn phải cung cấp bằng chứng đầy đủ. Đặt trong bối cảnh thực tế rằng đương sự rất khó có thể nắm rõ được lý lịch của nhân viên tư pháp, vậy thì làm cách nào để có thể đưa ra được bằng chứng chứng minh nhân viên tư pháp cần phải hồi tỵ, điều này dẫn đến việc yêu cầu hồi tỵ từ phía đương sự trong thực tế rất ít được thực hiện.
Thứ tư, về việc truy cứu trách nhiệm đối với các hành vi cố ý vi phạm chế độ hồi tỵ, pháp luật hiện hành đã quy định về biện pháp xử lý đối với nhân viên tư pháp trong các trường hợp biết rõ tình hình cần tự thực hiện hồi tỵ nhưng cố ý không hồi tỵ, cố ý che giấu, không đưa ra quyết định hồi tỵ đối với các yêu cầu hồi tỵ phù hợp hoặc không phục tùng quyết định hồi tỵ, tuy nhiên các hình thức xử phạt này vẫn là quá nhẹ, không đủ để ngăn ngừa hành vi cố ý vi phạm chế độ hồi tỵ. Việc các chế tài không đủ sức răn đe sẽ tạo điều kiện thuận lợi để một số nhân viên tư pháp lạm dụng quyền lực để vụ lợi, thực hiện các hành vi phạm pháp trong quá trình thực thi pháp luật, từ đó ảnh hưởng đến sự công bằng trong việc đưa ra kết quả tố tụng.