Kê biên là một biện pháp được áp dụng nhiều trong các thủ tục tố tụng, chẳng hạn như kê biên trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự.... Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây với chủ đề: Kê biên tài sản đang tranh chấp khi đương sự vắng mặt.
Mục lục bài viết
1. Kê biên tài sản đang tranh chấp khi đương sự vắng mặt:
1.1. Kê biên tài sản là gì?
Kê biên tài sản là một trong những biện pháp khẩn cấp tạm thời mà tòa án có thể áp dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp dân sự. Bên canh đó, trong thi hành án dân sự thì kê biên là một trong các biện pháp cưỡng chế thi hành án dùng quyền lực nhà nước để buộc người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự của họ.
Kê biên được áp dụng theo một trình tự, thủ tục quy định nhằm hạn chế, tước bỏ quyền tự định đoạt tài sản trong trường hợp người phải thi hành án có tài sản nhưng không tự nguyện thi hành án hoặc ngăn chặn người phải thi hành án chuyển dịch tài sản cho người khác nhằm tẩu tán, hủy hoại tài sản để bảo vệ quyền và lợi ích của người được thi hành án.
Kê biên tài sản mang tính quyền lực nhà nước, trong quá trình tổ chức kê biên người phải thi hành án hay những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có thái độ chống đối thì chấp hành viên được đưa ra các quyết định xử phạt hành chính và nếu có đủ căn cứ có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm hình sự. Đối tượng của kê biên trong thi hành án dân sự đó là tài sản vì vậy biện pháp này được áp dụng khi người phải thi hành án dân sự có tài sản nếu như người phải thi hành án không có tài sản thì chấp hành viên không thể áp dụng biện pháp kê biên đối với họ vì đối tượng của biện pháp này là không có.
Việc kê biên tài sản chỉ được áp dụng khi người phải thi hành án không tự nguyện thực hiện thi hành án mặc dù họ đã có một thời gian để tự nguyện thi hành nhưng hết thời gian đó họ không thực hiện việc thi hành án thì chấp hành viên áp dụng biện pháp kê biên. Khi chấp hành viên áp dụng biện pháp kê biên đối với người phải thi hành án cũng có nghĩa là người phải thi hành án bị hạn chế chuyển giao quyền sở hữu tài sản như mua, bán, tặng, cho, chuyển nhượng, chuyển đổi…cho người khác cũng như không được làm mất mát hư hỏng hay hủy hoại tài sản này.
1.2. Có được phép kê biên tài sản đang tranh chấp khi đương sự vắng mặt?
Điều 87 Luật Thi hành án Dân sự quy định về các trường hợp không được phép kê biên bao gồm:
– Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định, tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng, tài sản do ngân sách nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức.
– Đối với người thi hành án là cá nhân thì những tài sản sau không được kê biên gồm:
+ Lương thực đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người phải thi hành án và gia đình trong thời gian chưa có thu nhập, thu hoạch mới;
+ Số thuốc cần dùng để phòng, chữa bệnh của người phải thi hành án và gia đình;
+ Vật dụng cần thiết của người tàn tật, vật dụng chăm sóc người ốm;
+ Đồ thờ cúng theo tập quán ở địa phương;
+ Công cụ lao động cần thiết, không có giá trị lớn và được dùng làm phương tiện sinh sống chủ yếu hoặc phương tiện sống duy nhất của người phải thi hành án và gia đình;
+ Đồ dùng sinh hoạt cần cho người phải thi hành án và gia đình.
– Đối với người phải thi hành án là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì những tài sản dưới đây không bị kê biên gồm:
+ Số thuốc phục vụ phòng, chữa bệnh cho người lao động, lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác phục vụ bữa ăn cho người lao động;
+ Nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế và thiết bị, phương tiện, tài sản khác thuộc các cơ sở này;
+ Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống ô nhiễm môi trường.
Căn cứ vào quy định này thì khi đương sự vắng mặt không thuộc trường hợp không được kê biên tài sản. Đồng thời căn cứ vào khoản 1 Điều 88 Luật Thi hành án dân sự thì nếu đương sự vắng mặt thì có thể uỷ quyền cho người khác thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình. Nếu đã được thông báo hợp lệ mà đương sự hoặc người được uỷ quyền vắng mặt thì Chấp hành viên vẫn thực hiện kê biên, nhưng phải mời người làm chứng và ghi rõ vào nội dung biên bản kê biên, nếu không mời được người làm chứng thì Chấp hành viên vẫn thực hiện việc kê biên và phải ghi rõ vào nội dung biên bản kê biên.
Như vậy, nếu đương sự vắng mặt thì chấp hành viên vẫn tiến hành kê biên, khi đang tiến hành kê biên, nếu có tranh chấp thì Chấp hành viên vẫn sẽ tiến hành kê biên theo đúng thủ tục và giải thích cho đương sự biết về quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự.
2. Trình tự, thủ tục tiến hành kê biên tài sản đang tranh chấp khi đương sự vắng mặt:
Đối với việc áp dụng kê biên tài sản như một biện pháp bảo đảm thì trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán thụ lý giải quyết vụ án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp; Tại phiên tòa, hội đồng xét xử quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên tài sản đang tranh chấp.
Khi tiến hành kê biên tài sản là bất động sản, Chấp hành viên phải thông báo trước ít nhất 3 ngày cho đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế, đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, tài sản kê biên, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.
Việc kê biên tài sản phải lập biên bản. Biên bản phải ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm kê biên, họ, tên Chấp hành viên, đương sự hoặc người được ủy quyền, người lập biên bản, người làm chứng và người có liên quan đến tài sản; diễn biến của việc kê biên; mô tả tình trạng từng tài sản, yêu cầu của đương sự và ý kiến của người làm chứng. Sau khi lập biên bản kê biên các bên liên quan phải ký vào biên bản như đương sự hoặc người được uỷ quyền, người làm chứng, đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế, Chấp hành viên và người lập biên bản.
Đối với trường hợp khi kê biên đồ vật đang bị khoá hoặc đóng gói thì Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án, người đang sử dụng, quản lý đồ vật mở khoá, mở gói; nếu họ không mở hoặc cố tình vắng mặt thì Chấp hành viên tự mình hoặc có thể thuê cá nhân, tổ chức khác mở khoá, phá khoá hoặc mở gói, trong trường hợp này phải có người làm chứng. Người phải thi hành án phải chịu thiệt hại do việc mở khoá, phá khóa, mở gói. Trường hợp cần thiết, sau khi mở khoá, phá khoá, mở gói, Chấp hành viên niêm phong đồ vật và giao bảo quản theo quy định, việc mở khoá, phá khoá, mở gói hoặc niêm phong phải lập biên bản, có chữ ký của những người tham gia và người làm chứng.
3. Xử lý tài sản sau khi đã kê biên:
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017
– Luật Thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014