Văn bằng bảo hộ được nhà nước cấp nhằm bảo đảm quyền sở hữu đối với các sáng chế, tạo hành lang pháp lý chắc chắn cho hoạt động sáng chế. Tại bài viết này, Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản cần thiết về vấn đề hủy bỏ văn bằng bảo hộ.
Mục lục bài viết
1. Hủy bỏ văn bằng bảo hộ là gì?
Văn bằng bảo hộ là văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp nhằm xác lập quyền sở hữu công nghiệp như nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp,… của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, việc hủy bỏ hiệu lực Văn bằng bảo hộ Sở hữu trí tuệ sẽ xảy ra trong một số trường hợp nhất định.
Văn bằng bảo hộ có hiệu lực ghi trên bằng, và khi hết thời hạn thì hiệu lực văn bằng sẽ tự động bị chấm dứt. Tuy nhiên, hiệu lực của văn bằng sẽ bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần quyền của văn bằng trong một số trường hợp nhất định.
Văn bằng bảo hộ tiếng anh là Protective certificate
Căn cứ tại điều 96
“Điều 96. Hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ
1. Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
a) Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu;
b) Đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ.
2. Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ một phần hiệu lực trong trường hợp phần đó không đáp ứng điều kiện bảo hộ.
3. Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này với điều kiện phải nộp phí và lệ phí.
Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ là suốt thời hạn bảo hộ; đối với nhãn hiệu thì thời hiệu này là năm năm kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ, trừ trường hợp văn bằng bảo hộ được cấp do sự không trung thực của người nộp đơn.
4. Căn cứ kết quả xem xét đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ và ý kiến của các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc thông báo từ chối hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ.
5. Quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này cũng được áp dụng đối với việc huỷ bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế đối với nhãn hiệu.”
2. Hủy bỏ hiệu lực của văn bằng bảo hộ:
Văn bằng bảo hộ có thể bị hủy bỏ hiệu lực một phần hay toàn bộ, cụ thể:
2.1. Các trường hợp văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực:
– Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu;
– Đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ.
Ví dụ:
+ Về chủ thể, người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu.
+ Về điều kiện bảo hộ, đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ.
2.2. Các trường hợp văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ một phần hiệu lực:
Đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, nhãn hiệu , tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp,… Nó không phải là một khối thống nhất, mà được tập hợp từ nhiều yếu tố khác nhau. Khi một trong các yếu tố này không còn đảm bảo điều kiện bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp thì văn bằng bảo hộ sẽ bị hủy bỏ hiệu lực phần không đáp ứng đó.
Ví dụ:
+ Kiểu dáng công nghiệp được kết hợp từ các yếu tố như màu sắc, đường nét, hình khối, tương quan vị trí,… khi một trong các yếu tố này không còn đảm bảo điều kiện bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp thì văn bằng sẽ bị hủy bỏ hiệu lực phần không đáp ứng đó.
+ Nhãn hiệu được kết hợp từ dấu hiệu hình và dấu hiệu chữ, khi một trong 2 dấu hiệu này không đảm bảo điều kiện bảo hộ thì văn bằng bị hủy bỏ đối với phần không đáp ứng đó.
Khi văn bằng bị hủy bỏ hiệu lực, đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp ghi nhận trên văn bằng đó không còn được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo hộ. Muốn được tiếp tục bảo hộ thì đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp phải đáp ứng điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng cũng như chú ý đến việc người nộp đơn có thẩm quyền hay không.
3. Chủ thể nào có quyền yêu cầu hủy bỏ văn bằng bảo hộ:
Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hủy bỏ hiệu lực văn bằng trong các trường hợp nêu trên với điều kiện phải nộp phí và lệ phí hủy văn bằng bảo hộ.
Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực văn bằng là suốt thời hạn bảo hộ; đối với nhãn hiệu thì thời hiệu này là năm năm kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ, trừ trường hợp văn bằng bảo hộ được cấp do sự không trung thực của người nộp đơn.
Căn cứ kết quả xem xét đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng và ý kiến của các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực văn bằng hoặc thông báo từ chối hủy bỏ hiệu lực văn bằng.
4. Trình tự thực hiện yêu cầu hủy bỏ văn bằng bảo hộ:
– Hồ sơ yêu cầu hủy bỏ văn bằng bảo hộ bao gồm:
1.Tờ khai (02 bản);
2. Chứng cứ (nếu có);
3. Giấy uỷ quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện);
4. Bản giải trình lý do yêu cầu;
5. Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
– Trình tự thực hiện:
+ Bước 1: Tiếp nhận đơn
Đơn yêu cầu có thể nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
+ Bước 2: Xử lý đơn
Trường hợp chủ văn bằng tự yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ:
– Kiểm tra về mặt hình thức và đưa ra kết luận về tính hợp lệ của đơn;
– Kiểm tra hiệu lực của văn bằng bảo hộ yêu cầu huỷ bỏ;
– Ra quyết định huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ theo yêu cầu của người nộp đơn.
Trường hợp yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ do người thứ ba thực hiện:
– Kiểm tra bằng chứng, lý do yêu cầu huỷ bỏ;
– Cục Sở hữu trí tuệ thông báo bằng văn bản cho chủ văn bằng bảo hộ về ý kiến của người thứ ba để chủ văn bằng có ý kiến. Cục Sở hữu trí tuệ có thể tổ chức việc trao đổi ý kiến trực tiếp giữa người thứ ba và chủ văn bằng bảo hộ;
+ Bước 3: Ra quyết định
Trên cơ sở xem xét ý kiến của các bên, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định huỷ bỏ một phần/toàn bộ hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc thông báo từ chối hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ.
+ Bước 4: Công bố
Quyết định huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp và được ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký quyết định.
– Thời hạn giải quyết:
Trường hợp chính chủ văn bằng yêu cầu hủy bỏ: 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Trường hợp người thứ ba yêu cầu hủy bỏ: 03 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn 02 tháng tính từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ thông báo bằng văn bản về ý kiến của người thứ ba cho chủ văn bằng mà không có ý kiến phản hồi hoặc kể từ ngày nhận được ý kiến của chủ văn bằng. Thời hạn này có thể kéo dài thêm tối đa 03 tháng nếu chủ văn bằng có ý kiến khác với chủ đơn yêu cầu hủy bỏ.
Thời gian thực hiện các thủ tục liên quan khác cần thiết để giải quyết yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng không được tính vào thời hạn nêu trên.
– Phí và lệ phí:
Phí thẩm định yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ: 390.000 đồng
Phí đăng bạ Quyết định hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng
Phí công bố Quyết định hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng
Lệ phí yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ: 50.000 đồng (mỗi đối tượng)
5. Phân biệt chấm dứt và hủy bỏ văn bằng bảo hộ:
Trên thực tế, khi có một số căn cứ xảy ra như : Chủ văn bằng bảo hộ không còn muốn sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ trên thực tế. Hoặc điều kiện sử dụng thay đổi hay có hành vi trái pháp luật xảy ra. Văn bằng bảo hộ sẽ bị chấm dứt hoặc hủy bỏ.
Căn cứ pháp lý
| Chấm dứt : Điều 95 Luật sở hữu trí tuệ | Hủy bỏ : Điều 96 Luật sở hữu trí tuệ |
Căn cứ, cơ sở | Ý chỉ của chủ văn bằng bảo hộ một cách chủ quan Yếu tố khách quan điều kiện địa lí thay đổi không xuất phát từ hành vi trái Pháp luật của các chủ thể
| Hành vi trái pháp luật hoặc có lỗi của người nộp đơn, cơ quan thẩm định đơn |
Hệ quả | Giấy chứng nhận vẫn có hiệu lực kể từ thời điểm được cấp cho đến khi có quyết định chấm dứt hiệu lực. Mọi giao dịch liên quan đến giấy chứng nhận vẫn hợp pháp
| Giấy chứng nhận sẽ bị mất hiệu lực kể từ thời điểm cấp văn bằng. Mọi giao dịch liên quan đến giấy chứng nhận đều bị coi là vô hiệu
|
Thời hiệu yêu cầu | Không có quy định về thời hiệu. Bất cứ khi nào phát sinh căn cứ thì có bên đều có quyền yêu cầu chấm dứt
| Thời hiệu 5 năm. Trừ trường hợp chứng minh được chủ văn bằng không trung thực khi nộp đơn
|
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009;
– Thông tư 03/2010/TT-BKHCN