Gửi tiết kiệm tại ngân hàng hiện nay là một trong những cách thức được nhiều người lựa chọn khi dư một khoản tiền nhất định. Tuy nhiên nếu chẳng may người gửi tiết kiệm đó qua đời, những người thừa kế thường được hưởng thừa kế sổ tiết kiệm của người chết như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hưởng thừa kế sổ tiết kiệm của người chết như thế nào?
Có thể hiểu, sổ tiết kiệm là một trong những loại giấy biên nhận được mở tại ngân hàng, làm lại giấy tờ thể hiện số tiền mà bất kỳ một chủ thể nào đó gửi tại ngân hàng kèm theo những thông tin cơ bản về lãi suất và số tiền lãi mà cá nhân đó sẽ được nhận theo mức lãi suất được áp dụng tại ngân hàng. Sổ tiết kiệm được coi là một loại giấy tờ duy nhất cho từng khách hàng và thể hiện chính xác số tiền, lãi suất đã thỏa thuận giữa bên gửi tiết kiệm và bên nhận tiết kiệm. Vì vậy, sổ tiết kiệm được coi là hình thức đầu tư tài chính phổ biến và an toàn được nhiều người lựa chọn trên thực tế. Vì thế hiện tượng hưởng thừa kế từ sổ tiết kiệm diễn ra vô cùng phổ biến và không còn quá xa lạ trong đời sống của người dân. Khi người chết có sổ tiết kiệm, thì thủ tục hưởng thừa kế từ sổ tiết kiệm mà người chết để lại được thực hiện như sau:
Bước 1: Những người thừa kế cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và giấy tờ để hưởng thừa kế từ sổ tiết kiệm. Cho dù người chết có để lại di chúc hay không có di chúc thì những người thừa kế đều phải chuẩn bị những thành phần giấy tờ cơ bản sau đây:
– Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu do pháp luật quy định;
– Di chúc hợp pháp theo quy định của pháp luật;
– Sổ tiết kiệm của người chết để lại;
– Giấy chứng tử của người để lại sổ tiết kiệm;
– Những giấy tờ chứng minh về quan hệ nhân thân giữa người đứng tên trên sổ tiết kiệm và những người thừa kế;
– Những giấy tờ tùy thân của người thừa kế như chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu còn thời hạn …
Bước 2: thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật trong trường hợp thừa kế theo di chúc, hoặc thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế trong trường hợp thừa kế theo pháp luật tại văn phòng công chứng. Nộp toàn bộ những hồ sơ nêu trên tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cán bộ tiếp nhận sẽ xem xét tính hợp pháp của hồ sơ. Sau đó người nộp hồ sơ sẽ trình bày nội dung sự việc, công chứng viên sẽ tiến hành hoạt động giải thích quyền và nghĩa vụ của những người thừa kế sau đó niềm ít công khai biên bản khai nhận hoặc biên bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp xã phường trong khoảng thời gian 15 ngày làm việc.
Bước 3: Nếu như hết thời hạn nêu trên theo quy định của pháp luật mà các bên không có ý kiến về vấn đề khiếu nại và tố cáo, thì văn phòng công chứng sẽ tiến hành thủ tục công chứng văn bản thừa kế.
Bước 4: Tiến hành thủ tục rút tiền từ sổ tiết kiệm tại ngân hàng do người chết để lại theo quy định của pháp luật. Tức là sau khi những người thừa kế đã làm xong
Bước 5: Rút tiền và nhận tiền từ sổ tiết kiệm của người chết theo hướng dẫn của từng ngân hàng khác nhau.
2. Cách thức chia thừa kế đối với sổ tiết kiệm của người chết:
Có nhiều cách thức khác nhau để chia thừa kế đối với sổ tiết kiệm mà người chết để lại. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, trong trường hợp người chết có để lại di chúc. Nếu Như trong trường hợp người chết có sổ tiết kiệm gửi ngân hàng có để lại di chúc nêu ý nguyện muốn để lại sổ tiết kiệm đó cho những chủ thể nhất định, thì sẽ được chia theo di chúc phù hợp với nguyện vọng mà người chết để lại, trừ những trường hợp thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc căn cứ theo quy định tại Điều 644 của Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó nếu rơi vào những trường hợp này, thì các đối tượng này sẽ được hưởng 2/3 một suất thừa kế theo quy định của pháp luật, số tiền còn lại của sổ tiết kiệm mới được chia theo di chúc mà người chết để lại.
Thứ hai, trong trường hợp người có sổ tiết kiệm đột ngột qua đời và không để lại di chúc. Mặc dù không để lại di chúc nhưng số tiền này trong sổ tiết kiệm được gửi tại ngân hàng cũng không bị mất đi. Các đồng thừa kế có thể đến trực tiếp ngân hàng để nhờ xác minh xem người thân của mình có mở sổ tiết kiệm tại các ngân hàng đó hay không. Việc xác minh này sẽ được thực hiện bằng cách người thừa kế cần cung cấp giấy chứng tử của người chết và giấy tờ tùy thân chứng minh quan hệ nhân thân của mình với người chết, kèm theo đơn yêu cầu nhờ phối hợp kiểm tra và xác minh đến từng ngân hàng nhất định nơi người chết đó có thể mở sổ tiết kiệm. Sau khi xác minh rằng người chết có sổ tiết kiệm tại một ngân hàng bất kỳ thì các đồng thừa kế sẽ tiến hành thủ tục khai nhận và phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp người chết không để lại di chúc định đoạt tài sản của mình là sổ tiết kiệm cho người khác thì việc thừa kế sẽ được chia theo pháp luật. Tức là chia theo các hàng thừa kế căn cứ theo quy định tại Điều 651 của Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể như sau:
– Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định của pháp luật hiện nay bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Những người thuộc hàng thừa kế thứ hai theo quy định của pháp luật hiện nay bao gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Những người thuộc hàng thừa kế thứ ba theo quy định của pháp luật hiện nay bao gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Như vậy thì trong trường hợp người chết không để lại di chúc, sổ tiết kiệm của người chết sẽ được chia theo pháp luật. Những người cùng hàng thừa kế với nhau sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Người thuộc hàng thừa kế phía sau sẽ chỉ được hưởng thừa kế sổ tiết kiệm mà người chết để lại nếu như không còn những người thuộc hàng thừa kế trước đó.
3. Sổ tiết kiệm có được xác định là di sản thừa kế không?
Theo quy định của pháp luật hiện nay, di sản thừa kế sẽ bao gồm:
– Tài sản riêng của người chết;
– Tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật dân sự năm 2015, thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Sổ tiết kiệm chỉ là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu của chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm hoặc đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm về khoản tiền đã gửi tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm chứ không phải chỉ là quyển sổ tiết kiệm/ thẻ tiết kiệm, và được pháp luật dân sự công nhận trên thực tế. Sổ tiết kiệm chính là hình thức giấy tờ ghi nhận quyền sở hữu của người đứng tên trên sổ tiết kiệm với số tiền được gửi tiết kiệm tại bất kỳ một ngân hàng nào đó. Vì vậy cho nên, số tiền ghi nhận trong sổ tiết kiệm chính là tài sản của người đứng tên trên sổ tiết kiệm. Vì vậy sổ tiết kiệm cũng được coi là một loại tài sản, dưới hình thức là giấy tờ có giá. Khi chủ sở hữu của sổ tiết kiệm qua đời, số tiền trong sổ tiết kiệm sẽ được coi là di sản thừa kế và sẽ được phân chia theo quy định của pháp luật, tức là có thể chia theo di chúc hoặc chia theo pháp luật (trong trường hợp người chết không để lại di chúc). Căn cứ theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015 hiện nay, có thể kể đến những trường hợp chia thừa kế đối với sổ tiết kiệm như sau:
– Nếu người sở hữu sổ tiết kiệm để lại di chúc thì sẽ ưu tiên phân chia sổ tiết kiệm theo di chúc của người chết;
– Nếu người sở hữu sổ tiết kiệm không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì số tiền trong sổ tiết kiệm sẽ được phân chia theo pháp luật.
Vì vậy cho nên, nếu như người chết có sổ tiết kiệm thì sổ tiết kiệm đó cũng sẽ được coi là di sản thừa kế và cần phải chia thừa kế theo quy định của pháp luật.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015.