Hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục chuyển hộ khẩu trong cùng tỉnh. Chuyển hộ khẩu trong cùng một tỉnh có bắt buộc phải đổi hộ khẩu không?
Công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của pháp luật Luật cư trú 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2013 và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Công dân có đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, tạm trú. Trong trường hợp công dân có thay đổi nơi ở, nếu đáp ứng được các điều kiện để thay đổi thường trú thì sẽ tiến hành làm thủ tục cắt khẩu và nhập hộ khẩu vào chỗ ở mới. Nếu trong thời hạn quy định mà công dân không thực hiện thủ tục đăng ký thường trú mới thì sẽ bị xử phạt hành chính.
Vì vậy, công dân khi thay đổi chỗ ở cần phải chú ý đến thủ tục đăng ký thường trú mới. Và sau đây Luật Dương Gia xin hướng dẫn về một trong những trường hợp chuyển khẩu phổ biến hiện nay đó là thủ tục chuyển hộ khẩu trong cùng tỉnh
Mục lục bài viết
1. Thời hạn đăng ký thường trú khi thay đổi địa chỉ thường trú
Tùy vào đối tượng đang thực hiện thủ tục hành chính mà pháp luật quy định thời gian phải thực hiện thủ tục đăng ký thường trú. Quá thời hạn nói trên trong quá trình đăng ký thường trú công an quận/ huyện sẽ ra quyết định xử phạt. Căn cứ điều 7 Nghị định 31/2014/NĐ-CP quy định về thời hạn đăng ký thường trú cụ thể như sau:
– Trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới, người thay đổi hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú tại chỗ ở mới.
– Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày trẻ em được đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ em đó.
– Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của người có sổ hộ khẩu, người được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ của mình hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú.
Trong trường hợp không tuân thủ thời gian đăng ký thường trú sẽ bị xử phạt hành chính từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng khi không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú theo Nghị định 167/2013/NĐ – CP quy định cụ thể như sau:
“1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú;
b) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về
c) Không chấp hành việc kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú hoặc không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.”
2. Trình tự, thủ tục chuyển hộ khẩu cùng tỉnh
Để thực hiện thủ tục chuyển hộ khẩu cùng tỉnh thì công dân sẽ phải thực hiện theo trình tự xin cấp giấy chuyển hộ khẩu và nhập khẩu theo quy định của pháp luật hiện hành như sau:
2.1 Thủ tục cấp Giấy chuyển hộ khẩu (cắt khẩu)
Căn cứ theo Điều 21 Luật cư trú 2006 sửa đổi bổ sung 2013 quy định về trường hợp thay đổi địa chỉ thường trú cụ thể như sau:
1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại
a) Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;
b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
2. Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:
a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
b) Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật này;
c) Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc Trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.
3. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Dẫn chiếu khoản 2 Điều 28 Luật cư trú 2006 sửa đổi bổ sung 2013 quy định về cấp giấy chuyển hộ khẩu như sau:
2. Giấy chuyển hộ khẩu được cấp cho công dân trong các trường hợp sau đây:
a) Chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh;
b) Chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Như vậy, trong trường hợp hộ khẩu khác huyện trong cùng một tỉnh, do đó khi chuyển khẩu bạn cần có giấy chuyển hộ khẩu vì thuộc trường hợp: Chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh
Bước 1: Công dân thuộc các đối tượng nêu trên chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy chuyển khẩu bao gồm:
Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu ( Lưu ý khi điền phiếu ghi rõ tại Mục 15. Nôi dung thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu: Cấp giấy chuyển hộ khẩu)
+ Trường hợp chuyển cả hộ thì ghi rõ vào giấy chuyển hộ khẩu và Sổ hộ khẩu là chuyển đi cả hộ để cơ quan Công an nơi chuyển đến thu Sổ hộ khẩu cũ khi cấp Sổ hộ khẩu mới;
+ Trường hợp chuyển một người hoặc một số người trong hộ thì ghi rõ vào trang điều chỉnh thay đổi trong Sổ hộ khẩu những nội dung cơ bản sau: Thông tin người chuyển đi, thời gian cấp giấy chuyển hộ khẩu, địa chỉ nơi chuyển đến. Sổ hộ khẩu (hoặc Sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể đã được cấp trước đây).
Bước 2: Công dân nộp hồ sơ đã chuẩn bị tại:
Công an xã, thị trấn: Trường hợp chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh và ngoài phạm vi tỉnh; Công an huyện, quận, thị xã thành phố trực thuộc Trung ương; Trưởng Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh: Trường hợp chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã thành phố trực thuộc Trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh và ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng thiếu thành phần hồ sơ hoặc biểu mẫu, giấy tờ kê khai chưa đúng, chưa đầy đủ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cho người đến nộp hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì không tiếp nhận và trả lời bằng văn bản cho công dân, nêu rõ lý do không tiếp nhận.
Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Công an phải cấp Giấy chuyển hộ khẩu cho công dân
Bước 3: Nhận giấy chuyển hộ khẩu tại nơi nộp hồ sơ.
Người nhận kết quả đưa giấy biên nhận, cán bộ trả kết quả viết phiếu nộp lệ phí (trừ trường hợp được miễn).
Mức nộp lệ phí theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Người nhận đem phiếu nộp lệ phí đến nộp tiền cho cán bộ thu lệ phí và nhận biên lai thu tiền. Cán bộ trả kết quả kiểm tra biên lai nộp lệ phí và yêu cầu ký nhận, trả giấy chuyển hộ khẩu và hồ sơ cho người đến nhận kết quả.
2.2 Thủ tục đăng ký thường trú tại chỗ ở mới (nhập khẩu)
Sau khi được cấp giấy chuyển hộ khẩu, công dân tiếp tục thực hiện thủ tục đăng ký thường trú tại nơi ở mới như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
Bản khai nhân khẩu đối với công dân từ 14 tuổi trở lên;
Giấy chuyển hộ khẩu;
Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên.
Trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Ngoài ra, chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) về điều kiện diện tích tối thiểu theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương.
Lưu ý: Các trường hợp sau không phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của UBND cấp xã về mối quan hệ đó:
– Ông, bà nội, ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, cháu ruột chuyển đến ở
với nhau;
– Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng, người khuyết tật mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với người giám hộ.
Bước 2: Công dân nộp hồ sơ tại:
Công an xã, thị trấn hoặc Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh đối với tỉnh.
Công an huyện, quận, thị xã đối với thành phố trực thuộc Trung ương.
Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy biên nhận.Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng thiếu thành phần hồ sơ hoặc biểu mẫu, giấy tờ kê khai chưa đúng, chưa đầy đủ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cho người đến nộp hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì không tiếp nhận và trả lời bằng văn bản cho công dân, nêu rõ lý do không tiếp nhận.
Thời hạn giải quyết: 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Bước 3: Trả kết quả:
Trường hợp được giải quyết đăng ký thường trú: Nộp lệ phí và nhận hồ sơ; kiểm tra lại giấy tờ, tài liệu, đối chiếu các thông tin được ghi trong Sổ hộ khẩu, giấy tờ khác và ký nhận vào Sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu (ký, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm nhận kết quả).
Trường hợp không giải quyết đăng ký thường trú: Nhận lại hồ sơ đã nộp; kiểm tra lại giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ; nhận văn bản về việc không giải quyết đăng ký cư trú và ký nhận (ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm nhận văn bản và hồ sơ đăng ký cư trú đã nộp) vào Sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu.