VNeID là ứng dụng đa tiện ích được tích hợp cùng các tiện ích của thẻ CCCD điện tử, để bảo đảm chính xác, tiện lợi và thông tin của công dân được bảo mật. Những nội dung hướng dẫn cách dùng VNeID thay giấy xác nhận cư trú sẽ được Luật Dương Gia thể hiện trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu.
Mục lục bài viết
1. Hướng dẫn cách dùng VNeID thay giấy xác nhận cư trú:
Tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID được xem là một thay đổi tích cực khi được đưa vào sử dụng bởi ứng dụng này chứa đựng nhiều tính năng nổi bật không chỉ có thể thay giấy xác nhận cư trú mà tài khoản định danh điện tử mức 2 có giá trị tương đương như sử dụng Căn cước công dân khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ Căn cước công dân. Đồng thời, cá nhân khi được cấp tài khoản định danh điện tử mức 2 còn hỗ trợ cho việc đồng bộ Hộ chiếu, Giấy phép lái xe, Thẻ Bảo hiểm y tế, giấy chứng nhận tiêm chủng… nếu trong một số hoạt động có yêu cầu việc đối chiếu khi được yêu cầu xuất trình giấy tờ đó. Trong bài viết này, tác giả sẽ chỉ đề cập đến cách dùng VNeID thay giấy xác nhận cư trú.
Theo Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP, cơ quan, cá nhân tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng một trong các phương thức sau:
– Người dân có thể tiến hành tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, để thực hiện được thì cần đảm bảo thông tin người dân đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia;
– Ngoài ra, có thể lựa chọn hình thức tra cứu thông tin cá nhân qua tài khoản định danh điện tử của công dân trong ứng dụng VNeID;
– Việc sử dụng thiết bị đầu đọc mã QRCode, thiết bị đọc chip trên thẻ Căn cước công dân gắn chip đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng là phương pháp đem lại hiệu quả và dần trở nên phổ biến hơn;
– Có thể kể đến các phương thức khai thác khác theo pháp luật chuyên ngành.
Với quy định trên thì khi tra cứu thông tin cá nhân qua tài khoản định danh điện tử của công dân, thông qua ứng dụng VNeID là một trong những phương thức khai thác thông tin bắt buộc của cơ quan nhà nước khi giải quyết thủ tục hành chính đang được khuyến khích và đồng bộ thực hiện.
Hiện nay ứng dụng VNeID phiên bản 2.0.7 được đưa vào sử dụng đã cập nhật, tích hợp tính năng xác nhận thông tin cư trú hộ gia đình ngay trên ứng dụng. Do đó, người dân hoàn toàn có thể lựa chọn dùng VNeID thay giấy xác nhận cư trú của công an xã khi cần chứng minh thông tin về cư trú;
Tính năng thông tin cư trú trên ứng dụng VNeID được cung cấp ở tài khoản định danh điện tử mức độ 2 – với mức độ này người dân phải trực tiếp tới cơ quan Công an cấp xã hoặc nơi làm thủ tục cấp Căn cước công dân để đăng ký. Sau đây là cách dùng VNeID thay giấy xác nhận cư trú:
Bước 1: Người dân tiến hành truy cập ứng dụng VNeID => Chọn Ví giấy tờ => Chọn tính năng Thông tin cư trú;
Bước 2: Để kiểm tra được thông tin cư trú, người dùng sẽ phải nhập thông tin và mật khẩu để đăng nhập
Sau khi nhập mật khẩu, thông tin cư trú sẽ phải chứa đựng đầy đủ các thông tin, bao gồm:
– Tất cả các thông tin về hành chính như: Họ tên, số định danh cá nhân, dân tộc, quốc tịch, quê quán…;
– Liên quan đến nơi cư trú: Nơi thường trú, tạm trú, nơi ở hiện tại cũng sẽ được thể hiện rõ;
– Thành viên khác trong hộ gia đình: Họ tên, ngày sinh, giới tính, quan hệ với chủ hộ…
Lưu ý: Người dân có thể gặp khó khăn trong việc lấy thông tin cư trú nếu không đảm bảo ứng dụng VNeID phải là phiên bản 2.0.7 nên cần chú ý phiên bản sử dụng để thuận lợi hơn cho việc tra cứu. Để kiểm tra phiên bản của ứng dụng, công dân chọn “Cá nhân”, phiên bản ứng dụng sẽ nằm ở cuối màn hình.
2. Thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử:
2.1. Thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử với công dân Việt Nam:
– Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1 qua ứng dụng VNelD đối với công dân đã có thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử:
+ Để lập nên tài khoản định danh điện tử thì công dân sử dụng thiết bị di động tải và vào mục cài đặt lựa chọn ứng dụng VNelD cài đặt về máy;
+ Công dân sử dụng ứng dụng VNelD để nhập thông tin về số định danh cá nhân và số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử; cung cấp các thông tin theo hướng dẫn trên ứng dụng VNelD; khi nhận được yêu cầu thu nhận ảnh chân dung bằng thiết bị di động để xác thực người thực hiện thì cần làm theo hướng dẫn và gửi yêu cầu đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử tới cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng VNelD;
+ Trách nhiệm của các cơ quan quản lý định danh điện tử đó là tiến hành thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNelD hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử khi nhận được hồ sơ yêu cầu mở tài khoản;
– Tiến hành đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2
+ Xét đến trường hợp công dân đã được cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử:
++ Để tiến hành hoạt động này thì Công dân đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân để làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử. Khi đi thì công dân cầm theo và xuất trình thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử, cung cấp thông tin về số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử khi được yêu cầu và thể hiện rõ được đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử;
Cán bộ có trách nhiệm trong hoạt động này khi tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp thì đăng nhập vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; tiến hành chụp ảnh chân dung, thu nhận vân tay của công dân đến làm thủ tục để xác thực với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử;
++ Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNelD hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử;
+ Sau khi thực hiện các thủ tục trên thìCơ quan Công an tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho người dân cùng với cấp thẻ Căn cước công dân với trường hợp công dân chưa được cấp Căn cước công dân gắn chíp điện tử.
2.2. Người nước ngoài muốn đăng ký tài khoản định danh điện tử thì cần thực hiện thủ tục sau:
– Khi có mong muốn đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1:
+ Người nước ngoài thực hiện đề nghị đăng ký tài khoản định danh cũng không có khác biệt so với công dân Việt Nam. Theo đó, sẽ sử dụng thiết bị di động tải và cài đặt ứng dụng VNelD vào điện thoại;
+ Khi đã cài về máy thì người nước ngoài sử dụng ứng dụng VNelD để nhập thông tin về số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và địa chỉ thư điện tử hoặc số điện thoại (nếu có); tiến hành việc cung cấp các thông tin theo hướng dẫn trên ứng dụng VNelD; thu nhận ảnh chân dung bằng thiết bị di động và gửi yêu cầu đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử tới cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng VNelD;
+ Khi tiếp nhận đề nghị hợp lệ từ người nước ngoài thì cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNelD hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.
– Thủ tục để người nước ngoài đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2:
+ Người nước ngoài không thể tự mình thực hiện tại nhà mà cần đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an hoặc Công an cấp tỉnh làm thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử, khi đi cầm theo hộ chiếu và xuất trình Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, cung cấp thông tin địa chỉ thư điện tử hoặc số điện thoại (nếu có) nếu được yêu cầu và phải đưa ra được đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử;
+ Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin người nước ngoài cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; tiến hành các thủ tục như chụp ảnh chân dung, thu nhận vân tay của người nước ngoài đến làm thủ tục để xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh và khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử;
+ Sau khi đã đảm bảo thực hiện tất cả giai đoạn trên thì Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh gửi yêu cầu cấp tài khoản định danh điện tử tới cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử;
+ Cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNelD hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử. (Quy định này đã được Điều 15 Nghị định 59/2022/NĐ-CP).
Văn bản pháp luật được sử dụng:
– Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công
– Nghị định số 59/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về định danh và xác thực điện tử.
THAM KHẢO THÊM: