Thông thường các giao dịch bằng miệng được thực hiện dựa trên mối quan hệ tin tưởng, quen biết diễn ra rất nhiều. Nhất là trong giao dịch vay tiền, hình thức vay bằng miệng vừa nhanh chóng, tiện lợi nhưng cũng chưa đựng nhiều rủi ro cho bên cho vay. Vậy hợp đồng vay tiền bằng miệng có giá trị pháp luật không?
Mục lục bài viết
- 1 1. Hợp đồng vay tiền bằng miệng có hiệu lực không?
- 2 2. Khi nào hợp đồng vay tiền bằng miệng có hiệu lực?
- 3 3. Nghĩa vụ của bên cho vay:
- 4 4. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay:
- 5 5. Quy định về thực hiện hợp đồng vay:
- 6 6. Những lưu ý khi giao kết hợp đồng vay bằng miệng:
- 7 7. Cho vay tiền bằng miệng có đòi lại được không?
1. Hợp đồng vay tiền bằng miệng có hiệu lực không?
Vay tiền là một giao dịch dân sự, và theo quy định của pháp luật tại Khoản 1 Điều 119 Bộ luật dân sự về hình thức giao dịch dân sự, thì giao dịch dân sự có thể được thể hiện dưới 3 hình thức: bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Đối với những tường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì giao dịch dân sự phải tuân theo quy định đó mới đảm bảo hiệu lực.
Căn cứ quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự năm 2015 thì hợp đồng vay tài sản được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại khi đến hạn trả theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Theo đó, Bộ luật dân sự không yêu cầu cụ thể về hình thức của hợp đồng vay tài sản. Chính vì vậy, hình thức của hợp đồng vay tài sản không phải là yếu tố để quyết định giá trị hiệu lực của hợp đồng vay tài sản đó. Hợp đồng vay tài sản có giá trị pháp lý khi được giao kết một cách hợp pháp, đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
– Chủ thể thực hiện giao kết hợp đồng vay tiền phải là người có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập.
– Các bên chủ thể tham gia giao dịch dân sự với ý chí tự nguyện, không bị lừa dối, không bị ép buộc.
– Mục đích giao kết hợp đồng vay tiền và nội dung vay tiền không vi phạm các điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức của xã hội.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì hợp đồng vay tiền không bắt buộc phải được lập thành văn bản, việc các bên vay tiền bằng lời nói vẫn có giá trị pháp lý nếu không vi phạm các điều kiện trên. Do đó, việc vay tiền bằng lời nói có hiệu lực pháp luật và các bên phải thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận và theo quy định của pháp luật.
2. Khi nào hợp đồng vay tiền bằng miệng có hiệu lực?
Khi đáp ứng đủ điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thì việc vay tiền bằng miệng có giá trị pháp lý, từ đó phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên cho vay và bên vay. các bên có thể thỏa thuận với nhau về quyền và nghĩa vụ liên quan đến thời hạn trả tiền vay, lãi suất trả, tài sản bảo đảm cho khoản vay, cách thức trả tiền, … miễn là không trái với những quy định mà pháp luật nghiêm cấm.
Theo quy định thì thơi điểm hợp đồng vay tài sản bằng miệng sẽ có hiệu lực sau khi hai bên thỏa thuận và bên cho vay giao tài sản cho bên vay. Từ thời điểm hợp đồng vay tiền bằng miệng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết đã thỏa thuận. Hợp đồng vay chỉ có thể bị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Nghĩa vụ của bên cho vay:
Căn cứ theo quy định của Điều 465 Bộ luật dân sự năm 2015, bên cho vay có các nghĩa vụ sau:
– Bên cho vay phải giao cho bên vay đầy đủ, đúng số lượng tiền vay vào thời điểm và địa điểm mà hai bên đã thỏa thuận.
– Nếu bên vay nhận được tài sản vay biết tài sản không bảo đảm chết lượng thì bên cho vay phải bồi thường thiệt hại cho bên vay nếu bên cho vay biết mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó.
– Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường nếu được bên vay đồng ý hoặc luật khác có quy định khác.
4. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay:
Căn cứ theo quy định tại Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015, bên vay có nghĩa vụ trả nợ cho bên cho vay, cụ thể:
– Bên vay tài sản là tiền thì phải có trách nhiệm trả đủ tiền khi đến hạn; trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
– Trường hợp bên vay không thể trả tiền vay thì có thể trả bằng vật theo trị giá của khoản vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
– Địa điểm mà để trả nợ do hai bên thỏa thuận, có thể là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay.
– Trường hợp đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ đối với khoản vay không có lãi thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự là 10%/năm trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
– Trường hợp khi đến hạn mà bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ đối với trường hợp vay có lãi thì bên vay phải trả lãi như sau:
+ Lãi trên nợ gốc: Là lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả, nếu chậm trả thì phải trả lãi theo mức lãi suất 10%/năm.
+ Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả: Lãi suất được tính bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
5. Quy định về thực hiện hợp đồng vay:
Đối với việc thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn:
Đối với thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn:
Theo quy định tại Điều 470 Bộ luật dân sự 2015 thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi. Còn với trường hợp hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng với tiền lãi thì bên vay phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
6. Những lưu ý khi giao kết hợp đồng vay bằng miệng:
Hợp đồng vay tiền bằng miệng có rất nhiều rủi ro cho bên cho vay. Bởi thực tế nhiều trường hợp vay tiền giữa người thân, người quen nên các bên vay tiền chỉ giao kết bằng lời nói, đến khi bên vay cố tình chây ì, không chịu trả nợ thì nhiều trường hợp bên cho vay không còn căn cứ để đòi lại khoản tiền đó. Vì vậy, để tránh những rủi ro, tranh chấp không đáng có, khi giao kết hợp đồng vay tiền bằng miệng cần lưu ý những vấn đề sau đây:
– Khi thực hiện giao kết hợp đồng vay tiền bằng lời nói mà có bên cho vay giao tiền mặt cho bên vay thì nên có người làm chứng;
– Khi thực hiện giao kết việc giao tiền vay nên lưu giữ bằng chứng xác lập giao dịch bằng các file ghi âm, ghi hình rõ ràng, …
– Thực hiện giao tiền vay cho bên bay thông qua việc chuyển khoản qua ngân hàng.
7. Cho vay tiền bằng miệng có đòi lại được không?
Về nguyên tắc hợp đồng vay tiền không lập văn bản; chỉ thỏa thuận bằng lời nói cũng được coi là hợp đồng và có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với hai bên. Do vậy, bên vay và bên cho vay cũng có các quyền và nghĩa vụ tương ứng đối với loại hợp đồng mà mình đã thỏa thuận xác lập. Theo đó, bên vay tiền có nghĩa vụ đương nhiên phải trả đầy đủ số tiền vay khi đến thời hạn đã thỏa thuận.
Trường hợp bên vay tiền không thực hiện đúng nghĩa vụ, cố tình chây ì hoặc trốn tránh nghĩa vụ trả nợ cho bên cho vay thì bên cho vay có quyền khởi kiện đến Tòa án cấp quận/huyện nơi người vay tiền cư trú để yêu cầu người đó thực hiện nghĩa vụ trả tiền.
Tuy nhiên hợp đồng vay tiền bằng miệng không lập thành văn bản nên việc chứng minh khoản vay là điều tương đối khó khăn , trở ngại. Không ít những trường hợp tranh chấp về số tiền vay mà không có chứng cứ về khoản vay, không chứng minh được giao dịch giữa bên vay và bên cho vay; không có bất kì phương tiện ghi âm, ghi hình nào ghi nhận giao dịch này. Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì khi bên cho vay có yêu cầu đòi lại tiền vay thì bên cho vay phải có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do đó, khi khởi kiện đòi tiền vay, bên cho vay cần cung cấp những chứng cứ liên quan chứng minh đến khoản vay như tin nhắn trao đổi về việc vay tiền, hứa hẹn trả tiền vay, file ghi âm, sao kê ngân hàng, …
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật dân sự năm 2015.