Khách sạn có hồ bơi có phải đăng ký hoạt động với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch không? Thủ tục đăng ký hoạt động đối với khách sạn có hồ bơi? Điều kiện kinh doanh khách sạn?
Ngày nay, với sự phát triển tăng cao của hoạt động du lịch kéo theo các hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ cũng theo đó mà diễn ra sôi nổi hơn để kịp thời đáp ứng nhu cầu của du khách. Các khách sạn cũng ngày càng hoàn thiện, củng cố hơn về điều kiện, chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất nhằm đem đến sự tiện nghi và làm hài lòng khách hàng. Tuy nhiên, kinh doanh dịch vụ khách sạn là một ngành có điều kiện, được ràng buộc bởi rất nhiều quy định của pháp luật. Vậy thủ tục đăng ký hoạt động đối với khách sạn có hồ bơi được thực hiện như thế nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Luật sư tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568
Căn cứ pháp lý:
– Thông tư 03/2018/TT-BVHTTDL
– Thông tư 43/2018/TT-BCT
1. Khách sạn có hồ bơi có phải đăng ký hoạt động với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch không?
Căn cứ theo Điều 1 và Điều 2 Thông tư 03/2018/TT-BVHTTDL quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn bơi, lặn thì phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng được quy định như sau:
– Về phạm vi điều chỉnh: các quy định của Thông tư 03/2018/TT-BVHTTDL quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đáp ứng yêu cầu hoạt động tập luyện và thi đấu môn Bơi, Lặn.
– Về đối tượng áp dụng: Thông tư 03/2018/TT-BVHTTDL áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động tập luyện, thi đấu và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Bơi, Lặn tại Việt Nam.
Theo đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định đối với các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động tập luyện, thi đấu và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn Bơi, Lặn thì phải thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đối với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Như vậy, đối với trường hợp kinh doanh khách sạn có xây dựng hồ bơi để phục vụ cho nhu cầu cho khách hàng, không nhằm mục đích tổ chức hoạt động bơi, lặn thì sẽ không thuộc trường hợp phải đăng ký tại Sở văn hóa thể thao và du lịch. Tuy nhiên, khách sạn phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khách sạn do Sở kế hoạch và Đầu tư cấp.
2. Thủ tục đăng ký hoạt động đối với khách sạn có hồ bơi
Theo như phân tích ở trên thì thủ tục đăng ký hoạt động đối với khách sạn có hồ bơi tương tự thủ tục đăng ký kinh doanh khách sạn bình thường theo quy định của pháp luật.
Theo đó, pháp luật Việt Nam quy định việc kinh doanh dịch vụ khách sạn sẽ cần có các loại giấy tờ sau đây:
– Giấy phép đăng ký kinh doanh khách sạn
– Giấy phép đủ điều kiện Phòng cháy chữa cháy
– Giấy chứng nhận an ninh trật tự
– Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm
– Giấy phép cam kết bảo vệ môi trường
– Đăng ký xếp hạng sao khách sạn
Như vậy các thủ tục hành chính để đưa khách sạn có hồ bơi vào hoạt động bao gồm thủ tục đăng ký kinh doanh khách sạn; thủ tục đăng ký các giấy phép con về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm,…
2.1. Thủ tục đăng ký kinh doanh khách sạn
– Cơ quan có thẩm quyền cấp: Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh/ thành phố nơi đặt địa điểm kinh doanh khách sạn.
– Thời gian nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 20 – 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ
– Hồ sơ đăng ký kinh doanh khách sạn bao gồm các giấy tờ sau:
+ Bản sao (có công chứng hoặc chứng thực ) giấy đăng ký kinh doanh khách sạn đối với doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh khách sạn hoặc giấy phép đầu tư đối với các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài.
+ Bản kê khai cơ sở vật chất và các trang thiết bị sử dụng của khách sạn.
+ bản kê khai danh sách các cán bộ và công nhân viên của cơ sở khách sạn.
+ Giấy chứng nhận sức khỏe của các cán bộ, các công nhân viên làm việc tại khách sạn theo quy định của pháp luật.
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng hợp pháp mặt bằng nơi đặt địa điểm kinh doanh khách sạn.
2.2. Giấy phép đủ điều kiện Phòng cháy chữa cháy
– Cơ quan có thẩm quyền cấp: Cơ quan cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cấp Quận/ Huyện hoặc Cơ quan cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cấp Tỉnh/ Thành phố tùy thuộc vào quy mô và số tầng của khách sạn.
– Thời gian nhận được giấy phép Phòng cháy chữa cháy: 15 ngày kể từ ngày cơ quan chức năng nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
– Thành phần hồ sơ xin giấy phép đủ điều kiện Phòng cháy chữa cháy bao gồm:
+ Đơn đề nghị cấp phép đủ điều kiện Phòng cháy chữa cháy theo mẫu quy định
+ Bản sao (có công chứng hoặc chứng thực) giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy và văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở xây dựng mới hoặc cải tạo phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy khi đóng mới hay hoán cải; bản sao (có công chứng hoặc chứng thực) biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở và phương tiện giao thông cơ giới khác theo quy định của pháp luật.
+ Bản thống kê các phương tiện phòng cháy và chữa cháy, phương tiện thiết bị cứu người đã trang bị của khách sạn.
+ Phương án cụ thể về phòng cháy chữa cháy của khách sạn.
+ Sơ đồ khách sạn
+ Sơ đồ thoát hiểm của khách sạn
+ Danh sách lực lượng chữa cháy tại chỗ của khách sạn.
– Cơ quan cảnh sát Phòng cháy chữa cháy sẽ thường xuyên thực hiện kiểm tra để đảm bảo khách sạn luôn trong điều kiện tốt nhất về Phòng cháy chữa cháy.
2.3. Giấy chứng nhận an ninh trật tự
– Cơ quan có thẩm quyền cấp:
– Thời gian cấp giấy chứng nhận: 7 – 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
– Thành phần hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận an ninh trật tự:
+ Văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh – trật tự theo Mẫu 03 – phụ lục ban hành kèm Nghị định 96/2016 của Chính phủ.
+ Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
+ Bản sao hợp lệ (có công chứng/ chứng thực) các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy đối với khu vực kinh doanh và kho bảo quản nguyên liệu – hàng hóa của khách sạn. (Văn bản nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, Biên bản kiểm tra phòng cháy chữa cháy…)
+ Bản khai lý lịch của chủ sở hữu khách sạn theo mẫu số 02 – ban hành kèm theo Nghị định 96/2016.
2.4. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm
– Cơ quan có thẩm quyền cấp: Ban quản lý an toàn thực phẩm thuộc Sở Y tế tỉnh/ thành phố nơi đặt địa điểm kinh doanh.
– Thời gian cấp giấy chứng nhận: 30 – 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
– Thời hạn của giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm là 3 năm, doanh nghiệp phải tổ chức khóa đào tạo, kiểm tra sức khỏe cho nhân viên làm việc trong khách sạn.
– Thành phần hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm được quy định tại Thông tư 43/2018/TT-BCT về quản lý an toàn thực phẩm bao gồm:
+ Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo mẫu.
+ Bản thuyết minh cơ sở vật chất, các trang thiết bị và dụng cụ bảo đảm vệ sinh theo mẫu.
+ Bản sao
+ Bản sao giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm hoặc bản sao giấy chứng nhận tập kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở khách sạn và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
2.5. Giấy phép cam kết bảo vệ môi trường
– Cơ quan có thẩm quyền cấp: Phòng tài nguyên môi trường cấp Quận/ Huyện/ Thị xã
– Thời gian cấp giấy chứng nhận: 15 – 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
– Thành phần hồ sơ xin cấp giấy phép cam kết bảo vệ môi trường bao gồm:
+ Bản cam kết bảo vệ môi trường của chủ cơ sở khách sạn hoặc người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
+ Đơn xin xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường của khách sạn.
+ Bản sao có công chứng/ chứng thực dự án đầu tư đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
+ Số lượng hồ sơ: 03 bộ
2.6. Đăng ký xếp hạng sao khách sạn
Sau khi được cấp giấy phép kinh doanh khách sạn, khách sạn cần đăng ký xếp hạng sao với cơ quan quản lý du lịch mới có thể đi vào hoạt động.
– Cơ quan tiếp nhận hồ sơ xếp hạng sao khách sạn: Sở du lịch Tỉnh/ thành phố nơi đặt địa điểm kinh doanh khách sạn.
– Cơ quan có thẩm quyền cấp: Sở du lịch Tỉnh/ thành phố nơi đặt địa điểm kinh doanh khách sạn đối với khách sạn 2 sao trở xuống – Tổng cục du lịch đối với khách sạn hạng 3 sao trở lên.
– Thời gian cấp chứng nhận hạng sao là từ 30 – 45 ngày làm việc.
– Hồ sơ đang ký xếp hạng sao khách sạn bao gồm:
+ Đơn đề nghị xếp hạng cơ sở kinh doanh khách sạn
+ Sơ đồ các phòng của khách sạn
+ Danh sách toàn bộ nhân viên làm việc tại khách sạn
+ Bản sao bằng cấp về chuyên ngành hoặc chứng nhận học lớp nghiệp vụ của các nhân viên khách sạn
+ bảng điểm đánh gí tiêu chuẩn xếp hạng sao của khách sạn
+ Bản sao giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp
+ Bản sao giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự
+ Bản sao giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm
+ Biên lai nộp lệ phí thẩm định khách sạn theo quy định của pháp luật
– Trong thời hạn 3 tháng kể từ khi bắt đầu kinh doanh, khách sạn cần phải nộp hồ sơ đăng ký xếp hạng sao khách sạn. Khách sạn sẽ bị phạt hành chính từ 10.000.000 đến 15.000.000 đồng nếu không thực hiện đăng ký xếp hạng sao khách sạn theo quy định của pháp luật.
3. Điều kiện kinh doanh khách sạn
Theo quy định của pháp luật hiện hành, các điều kiện đối với hoạt động kinh doanh khách sạn bao gồm:
– Phải có giấy đăng ký kinh doanh
– Khách sạn phải có ít nhất 10 phòng, mỗi phòng đôi rộng tối thiểu 12m2 – phòng đơn rộng tối thiểu 9m2. Cơ sở vật chất tối thiểu của khách sạn phải đạt tiêu chuẩn 1 sao.
– Khách sạn phải cách bệnh viện, trường học tối thiểu 100m và không được nằm gần khu vực an ninh quốc phòng làm cản trở hoạt động khu vực phòng không, không được nằm gần khu vực ô nhiễm hóa chất độc hại, ô nhiễm môi trường.
– Phải bảo đảm các yêu cầu tối thiểu về tiêu chuẩn xây dựng, trang thiết bị – dịch vụ của khách sạn và trình độ chuyên môn – ngoại ngữ của người quản lý, nhân viên khách sạn theo tiêu chuẩn xếp hạng sao khách sạn tương ứng.
– Với người chịu trách nhiệm về an ninh – trật tự của khách sạn: đối với trường hợp là người Việt Nam thì không thuộc các trường hợp bị khởi tố hình sự, có tiền án nhưng chưa được xóa án tích hoặc đang trong quá trình được tạm hoãn chấp hành án tù hay bị cấm kinh doanh các ngành nghề có điều kiện về an ninh trật tự. Với trường hợp người chịu trách nhiệm về an ninh – trật tự của khách sạn là người Việt mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài thì phải không thuộc trường hợp chưa được cấp phép lưu trú.
– Phải đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy chữa cháy, an ninh – trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường.