Hai người cùng một họ có lấy nhau được không? Lấy người cùng họ có được pháp luật cho phép không? Quy định của pháp luật về các trường hợp không được phép kết hôn?
Hôn nhân là kết quả của tình yêu nam nữ, là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn. Hiện nay pháp luật đề cao mối quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, tuy nhiên ở nhiều địa phương vẫn có tình trạng ngăn cản việc tự do trong tình yêu giữa những người cùng họ và đi đến hôn nhân đối với trường hợp này. Vậy việc ngăn cản đó theo quan điểm lệ làng có đúng theo quy định của pháp luật hôn nhân hay không?
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ.
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
1. Điều kiện kết hôn.
Theo
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. quy định nam nữ muốn đi đến mối quan hệ hôn nhân phải đáp ứng điều kiện về kết hôn tại Điều 8:
1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”
Thứ nhất về độ tuổi kết hôn pháp luật quy định từ “đủ” , từ đủ x tuổi được hiểu là từ ngày sinh nhật thứ x của người đó.
Ví dụ: Nguyễn Văn A sinh ngày 10/10/2000 thì ngày 10/10/2020 Nguyễn Văn A sẽ được xem là đủ 20 tuổi, và từ đủ 20 tuổi xác định từ ngày 10/10/2020 thì Nguyễn Văn A đủ tuổi để đăng ký kết hôn.
Thứ hai, là về ý chỉ của các bên tham gia quan hệ phải tự nguyện. Tự nguyện ở đây được hiểu là ý chí là nguyện vọng, mong muốn chủ quan bên trong của các chủ thể. Khi nguyện vọng, mong muốn chủ quan bên trong được thể hiện ra bên ngoài đúng như vậy thì đó là sự tự nguyện. Pháp luật luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự chủ của mỗi chủ thể tham gia giao dịch dân sự để các chủ thể tham gia giao dịch có hiệu lực theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, đó là về năng lực chủ thể của cá nhân đó phải không bị mất năng lực hành vi dân sự. Mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 tại điều 22 như sau:
“1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.”
Hôn nhân là quan hệ gắn với nhân thân của mỗi người đó là mối quan hệ được xác lập riêng biệt vì vậy pháp luật không chấp nhận việc ủy quyền cho người đại diện theo pháp luật có thể xác lập thây người mất năng lực hành vi dân sự để đăng ký kết hôn với một cá nhân khác.
Thứ tư, pháp luật quy định các trường hợp vi phạm điều cấm tại khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 nhằm bảo đảm cho mục đích của hôn nhân được thực hiện và tôn trọng trong thực tế đời sống.
Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Như vậy, đáp ứng đủ bốn điều kiện tương ứng nêu trên thì việc kết hôn của nam nữ được pháp luật tôn trọng và bảo vệ.
Luật sư
2. Kết hôn khi hai người cùng một họ? Lấy người cùng họ được không?
Theo quy định tại khoản 6 điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:
Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này.
Điểm d, khoản 2 điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có nhắc đến việc kết hôn trong dòng họ với phạm vi ba đời là một trong những trường hợp bị cấm không được kết hôn:
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
Vậy như thế nào là có họ trong phạm vi ba đời? Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba. Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.
Như vậy, pháp luật chỉ cấm kết hôn giữa những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau và những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.
II.TƯ VẤN TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ:
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có một câu hỏi về luật hôn nhân, rất mong các luật sư có thể trả lời cho tôi được rõ, chân thành cảm ơn.Tôi năm nay 24 tuổi. Tôi có người yêu kém tôi một tuổi. Nhưng có một vấn đề đó là tôi và cô ấy cùng mang họ Lê.
Tức là theo các cụ ngày xưa giải thích nếu chúng tôi lấy nhau thì là hôn nhân nội tộc, không được chấp nhận. Nhưng theo như tôi tìm hiểu thì tôi và cô ấy tuy là họ Lê nhưng chúng tôi không cùng một Chi và cách nhau rất nhiều đời. Vậy nếu xét về quan điểm luật pháp thì chúng tôi có phạm pháp khi kết hôn không? Và theo quan điểm của dòng họ, tức là theo “lệ” thì chúng tôi có sai không?
Tôi đang rất bối rối. Xin các luật sư có thể trả lời kỹ lưỡng và rõ ràng giúp tôi. Cám ơn rất nhiều.
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất: Theo quy định tại khoản 6 điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:
Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này.
Điểm d, khoản 2 điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có nhắc đến việc kết hôn trong dòng họ với phạm vi ba đời là một trong những trường hợp bị cấm không được kết hôn:
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba. Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.
Như vậy theo quy định trên thì bạn và người yêu bạn nếu kết hôn thì hôn nhân đó không phạm pháp, vì hôn nhân của hai bạn không thuộc trường hợp cấm kết hôn do Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định. Quan hệ giữa bạn và người yêu bạn không phải là quan hệ ba đời mà là rất nhiều đời. Luật hôn nhân chỉ cẩm kết hôn trong phạm vi ba đời.
Thứ hai; kết hôn theo phong tục tập quán.
Mỗi địa phương có phong tục tập quán khác nhau, tùy vào từng địa phương thì mức độ phản đối về trường hợp kết hôn có cùng họ mặc dù không thuộc trong phạm vi là ba đời là khác nhau. Vì vậy bạn có thể xem xét tình hình thực về mức độ phản kháng tế ở quê bạn để bạn có thể lựa chọn cho mình một phương án tốt nhất. Tuy nhiên phải nhấn mạnh rằng việc kết hôn của bạn và người yêu bạn là hoàn toàn đúng pháp luật.