Hoàn thuế thu nhập cá nhân là việc cơ quan nhà nước sẽ hoàn trả lại phần tiền thuế đã nộp thừa, khi các chủ thể có đề nghị hoàn thuế và đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Dưới đây là hồ sơ xin hoàn thuế thu nhập cá nhân.
Mục lục bài viết
1. Khái quát chung về hoàn thuế thu nhập cá nhân:
Hoàn thuế thu nhập cá nhân là một khâu trong quy trình quản lý thuế nói chung, thuế thu nhập cá nhân nói riêng. Việc giải quyết hoàn thuế nhanh gọn, đúng chính sách sẽ là động lực góp phần kích thích tính tự giác thực hiện nghĩa vụ của thu nhập cá nhân, đồng thời thể hiện tính chuyên nghiệp của ngành thuế cũng như của công chức thuế. Ngược lại, nếu việc giải quyết hoàn thuế thu nhập cá nhân không nhanh gọn, không đúng quy trình, chính sách sẽ là một trở lực lớn cho quá trình triển khai chiến lược cải cách hệ thống thuế, làm giảm sút niềm tin trong quần chúng cũng như trong xã hội. Cá nhân được hoàn thuế trong các trường hợp sau:
– Số tiền thuế thu nhập cá nhân đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp trong kỳ tính thuế;
– Cá nhân đã nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng có thu nhập tính thuế chưa đến mức phải nộp thuế;
– Các trường hợp khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc hoàn thuế thu nhập cá nhân chỉ áp dụng đối với những cá nhân đã đăng ký thuế và có mã số thuế. Đối với cá nhân đã uỷ quyền quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện quyết toán thay thì việc hoàn thuế của cá nhân được thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân trả thu nhập.
2. Hồ sơ xin hoàn thuế thu nhập cá nhân bao gồm những gì?
Căn cứ theo Điều 42 của Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có quy định về hồ sơ hoàn thuế. Theo đó thì hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
– Văn bản đề nghị xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa theo mẫu số 01/DNXLNT ban hành kèm theo phụ lục I của Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;
– Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp người nộp thuế không trực tiếp thực hiện thủ tục hoàn thuế, trừ trường hợp đại lý thuế nộp hồ sơ hoàn thuế theo hợp đồng đã ký giữa đại lý thuế và người nộp thu;
– Bảng kê chứng từ nộp thuế theo mẫu số 02-1/HT ban hành kèm theo phụ lục I của Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế (áp dụng cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập);
– Chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (là chứng từ khấu trừ thuế mà doanh nghiệp cấp cho các chủ thể);
– Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân của người xin hoàn thuế thu nhập cá nhân;
– Bản chụp
– Hoặc sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (nếu quyết toán thuế tại cơ quan thuế nơi cá nhân cư trú).
3. Cách tính số tiền thuế thu nhập cá nhân nộp thừa được hoàn lại:
Thực tế hiện nay nếu như chúng ta đã nộp thuế thu nhập cá nhân và muốn biết bản thân nộp thuế thu nhập cá nhân tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thừa hay thiếu thì bắt buộc phải làm hoạt động quyết toán theo quy định của pháp luật. Cá nhân có thể quyết toán theo nhiều công thức khác nhau, có thể tự quyết toán trực tiếp với cơ quan thuế hoặc tiến hành hoạt động ủy quyền cho cơ quan chi trả thu nhập nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Áp dụng công thức:
Số thuế thu nhập cá nhân nộp thừa = Số thuế thu nhập cá nhân đã nộp – Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo quyết toán thuế
Nếu kết quả công thức này ra dương thì đó là số tiền nộp thừa, ngược lại ra âm là nộp thiếu tiền thuế.
Trong đó:
– Số thuế thu nhập cá nhân đã nộp: Số tiền thuế đã nộp được xác định trên giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước (đối với doanh nghiệp hoặc cá nhân đã nộp vào ngân sách nhà nước theo mã số thuế của cá nhân người nộp thuế) hoặc chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (đối với cá nhân);
– Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo quyết toán thuế: Muốn xác định được thì phải thực hiện làm quyết toán thuế. Và công thức tính quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm như sau: Thuế thu nhập cá nhân phải nộp của cả năm = (Thu nhập tính thuế bình quân tháng x biểu thuế suất theo biểu lũy tiến từng phần) x 12 tháng. Trong đó:
+ Thu nhập tính thuế bình quân tháng được xác định bằng công thức: Thu nhập tính thuế bình quân tháng = (Tổng thu nhập chịu thuế – tổng các khoản giảm trừ) / 12 tháng;
+ Thu nhập chịu thuế là tổng thu nhập từ tiền lương tiền công mà cá nhân thực nhận từ 01 tháng 01 đến 31 tháng 12 của năm quyết toán. Có công thức như sau: Thu nhập chịu thuế của cả năm = Tổng thu nhập đã nhận được trong năm – các khoản được xác định là miễn thuế trong năm;
+ Các khoản giảm trừ gồm có: Giảm trừ gia cảnh (bản thân + người phụ thuộc) + Các khoản bảo hiểm bắt buộc + Các khoản đóng góp từ thiện, khuyến học, nhân đạo.
4. Giải pháp hoàn thiện cơ chế thực thi thuế thu nhập cá nhân trên thực tế:
Thứ nhất, hoàn thiện công tác quản lý thu nhập dân cư. Đây là yếu tố quyết định hiệu quả việc thực thi Luật thuế thu nhập cá nhân. Ở các nước phát triển, mọi giao dịch kinh tế phát sinh trong xã hội đều thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt thì vấn đề kiểm soát thu nhập dân cư thuận lợi, dễ dàng, nhưng đối với Việt Nam, khi giao dịch tiền mặt còn phổ biến thì đây là một thách thức. Để kiểm soát được thu nhập dân cư, cơ quan thuế căn cứ vào những thông tin, dữ liệu được cung cấp bởi các cơ quan chi trả thu nhập; căn cứ vào thông tin từ các tổ chức, đơn vị có quan hệ kinh tế với các cá nhân để khai thác các nguồn thu nhập; dựa vào hệ thống chính trị ở cơ sở bao gồm chính quyền và Hội đồng tư vấn thuế phường, xã để có được những thông tin về thu nhập của cá nhân.
Thứ hai, hoàn thiện về quản lý thu nhập cá nhân kinh doanh. Biện pháp tối ưu hàng đầu của ngành thuế là tận dụng triệt để và phát huy những kinh nghiệm tốt trong quá trình quản lý hộ kinh doanh đã đúc kết. Để đảm bảo quản lý sát doanh số, chi phí và thu nhập của cá nhân kinh doanh, cơ quan thuế các cấp cần phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, từ các đơn vị kinh tế có quan hệ với các hộ kinh doanh, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Hội đồng tư vấn thuế phường, xã, bởi đây là tổ chức gần dân và sát dân nhất sẽ hỗ trợ tích cực cho ngành thuế trong việc quản lý đối tượng này. Thông qua hệ thống dịch vụ hỗ trợ, cơ quan thué cung cấp đầy đủ thông tin, kịp thời hướng dẫn các thủ tục cũng như giải đáp nhanh những khó khăn vướng mắc, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để người nộp thuế thu nhập cá nhân thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cơ quan thuế tăng cường kiểm tra kiểm soát, nhằm phát hiện kịp thời những trường hợp cố tình vi phạm về khai thuế thu nhập cá nhân để xử lý theo luật định.
Thứ ba, hoàn thiện về khai thuế thu nhập cá nhân. Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công đạt ngưỡng thu nhập chịu thuế và có nuôi người phụ thuộc, phải lập hai bản tờ khai đăng ký giảm trừ cho người phụ thuộc và nộp cho cơ quan chi trả thu nhập; trong đó một bản cơ quan chi trả thu nhập giữ để làm căn cứ tạm khấu trừ thu nhập hàng tháng còn một bản cơ quan chi trả thu nhập chuyển cho cơ quan thuế để kiểm soát. Hàng tháng, căn cứ vào thu nhập và bản đăng ký người phụ thuộc của từng cá nhân, đơn vị chi trả thực hiện tạm giảm trừ cho bản thân người có thu nhập và người phụ thuộc, sau đó sẽ tính số thuế phải nộp để khấu trừ. Căn cứ vào bản kê khai của cá nhân đã nộp cho cơ quan thuế và hồ sơ chứng minh người phụ thuộc cơ quan thuế kiểm tra đối chiếu. Trường hợp phát hiện hồ sơ chứng minh người phụ thuộc không đúng, không đủ hoặc không phù hợp với tờ khai đăng ký người phụ thuộc, cơ quan thuế thông báo cho người nộp thuế điều chỉnh hoặc bổ sung. Trường hợp không điều chỉnh hoặc bổ sung thì thông báo cho đơn vị chi trả thu nhập để đơn vị chi trả thu nhập điều chỉnh số người phụ thuộc được giảm trừ. Để phát hiện kịp thời các trường hợp cá nhân nộp thuế cố tình khai gian, khai trùng, khai không đúng về người phụ thuộc, cơ quan thuế phối hợp với đơn vị chỉ trả thu nhập và Hội đồng tư vấn thuế phường, xã để kiểm soát và quản lý.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2014;
– Luật Quản lý thuế năm 2019;
– Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.