Khái quát chung về tạm giam? Khái quát chung về tạm giữ? Hồ sơ quản lý tạm giam, quản lý tạm giữ?
Hiện nay, đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạm giam, tạm giữ là một trong số các biện pháp ngăn chặn có vai trò và ý nghĩa quan trọng và được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, không phải bất cứ trường hợp nào, tội phạm nào cũng áp dụng biện pháp tạm giam hay tạm giữ. Việc quản lý tạm giam, quản lý tạm giữ cũng là một vấn đề rất được quan tâm và được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật của nước ta. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu về tạm giam, tạm giữ và hồ sơ quản lý tạm giam, quản lý tạm giữ bao gồm những gì?
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Khái quát chung về tạm giam:
Tạm giam theo quy định của pháp luật được hiểu như sau:
Tạm giam được hiểu là một trong số những biện pháp ngăn chặn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng nhằm mục đích để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây ra những khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm hoạt động thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.
Theo Điều 119
– Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.
– Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm.
+ Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can.
+ Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn.
+ Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội.
+ Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
– Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
Thời hạn tạm giam để điều tra được quy định tại Điều 173
– Thời hạn tạm giam bị can để điều tra theo quy định của pháp luật hiện hành là không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng và không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
– Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
2. Khái quát chung về tạm giữ:
Tạm giữ theo quy định của pháp luật được hiểu như sau:
Việc tạm giữ được hiểu là một biện pháp ngăn chặn được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành nhằm mục đích để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc được áp dụng khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 2 Điều 117
– Thứ nhất: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp là người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ.
– Thứ hai: Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng là người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ.
– Thứ ba: Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng là người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý đối với quyết định tạm giữ phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tạm giữ, lý do tạm giữ, giờ, ngày bắt đầu và giờ, ngày hết thời hạn tạm giữ và các nội dung về: Số, ngày, tháng, năm, địa điểm ban hành quyết định; Căn cứ ban hành quyết định; Nội dung; Họ tên, chức vụ, chữ ký của người ban hành quyết định và đóng dấu.
Quyết định tạm giữ theo quy định của pháp luật hiện hành thì sẽ phải giao cho người bị tạm giữ. Bên cạnh đó, chủ thể là người thi hành quyết định tạm giữ phải
Trong thời hạn mười hai giờ kể từ khi ra quyết định tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải gửi quyết định tạm giữ kèm theo các tài liệu làm căn cứ tạm giữ cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Khi cơ quan có thẩm quyền xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
Theo Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về thời hạn tạm giữ như sau:
– Pháp luật quy định thời hạn tạm giữ không quá ba ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.
– Trong các trường hợp cần thiết, chủ thể là người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Đối với các trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá ba ngày.
Cần lưu ý đối với tất cả các trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
– Trong khi thực hiện việc tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
– Thời gian tạm giữ theo quy định của pháp luật sẽ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ sẽ được tính bằng một ngày tạm giam.
3. Hồ sơ quản lý tạm giam, quản lý tạm giữ:
Theo Điều 17 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 đã quy định, hồ sơ quản lý tạm giữ, tạm giam bao gồm các giấy tờ, tài liệu như sau:
– Thứ nhất: Các lệnh, quyết định, biên bản về việc bắt, tạm giữ, tạm giam, gia hạn tạm giữ, gia hạn tạm giam, truy nã, trả tự do, trích xuất, điều chuyển nơi giam giữ; các quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân.
– Thứ hai: Biên bản giao nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam, tài liệu, hồ sơ kèm theo;
– Thứ ba: Danh bản, chỉ bản, lý lịch và tài liệu về nhân thân; tài liệu liên quan đến việc chấp hành các quy định về giam giữ; biên bản, quyết định kỷ luật về việc vi phạm nội quy, pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; tài liệu về sức khỏe, khám, chữa bệnh; tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong thời gian bị giam giữ; tài liệu liên quan đến việc giải quyết chuyển kháng cáo, khiếu nại, tố cáo, yêu cầu, kiến nghị, đề nghị của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; tài liệu về thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự.
– Thứ tư: Quyết định của cơ quan có thẩm quyền đưa người bị kết án phạt tù đến nơi chấp hành án; quyết định của Hội đồng thi hành án tử hình đưa người bị kết án tử hình đi thi hành án tử hình.
– Thứ năm là các tài liệu khác có liên quan.
Cần lưu ý đối với người bị tạm giam mà trước đó đã bị tạm giữ thì hồ sơ tạm giam còn bao gồm các tài liệu trong hồ sơ tạm giữ.
Như vậy, căn cứ theo quy định được nêu cụ thể bên trên, ta nhận thấy rằng, việc quy định cụ thể các loại tài liệu, giấy tờ như trên sẽ góp phần tích cực vào việc theo dõi, quản lý đối với tình hình người bị tạm giữ, người bị tạm giam của các cơ sở giam giữ được thống nhất. Không những thế, quy định về hồ sơ quản lý tạm giam, tạm giữ một cách cụ thể cũng sẽ tạo điều kiện để cho công tác kiểm sát hồ sơ tạm giữ, tạm giam đạt hiệu quả hơn.