Các loại hình bảo hiểm hàng hải? Nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm hàng hải?
Trên thực tế, bất cứ một ngành kinh tế nào hay một hoạt động kinh tế nào đều sẽ gặp phải những rủi ro một cách ngẫu nhiên và bất thường. Chính bởi thế mà trong những năm gần đây ngành bảo hiểm đang được xem là công cụ để giúp bù đắp những thiệt hại, mất mát về người cũng như tài sản của nhà nước, doanh nghiệp đặc biệt là ngành bảo hiểm hàng hải. Hiện nay, sự ra đời của bảo hiểm hàng hải được xem là ngành mũi nhọn nhằm mục đích để đảm bảo việc chuyên chở hàng hóa an toàn trên một hành trình từ cảng này đến cảng khác, từ nước này đến nước khác và giảm thiểu tối đa thiệt hại khi xảy ra tổn thất cho các chủ thể tham gia xuất khẩu, nhập khẩu. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về hình thức và nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm hàng hải.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Các loại hình bảo hiểm hàng hải:
Bảo hiểm hàng hải được hiểu là những nghiệp vụ bảo hiểm có liên quan đến hoạt động của con tàu, con người hoặc của hàng hoá được vận chuyển trên biển hay những nghiệp vụ bảo hiểm những rủi ro trên biển, trên bộ, trên sông có liên quan đến hành trình đường biển theo quy định pháp luật.
Các loại hình bảo hiểm hàng hải bao gồm:
– Bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu chuyên chở bằng đường biển: đối tượng bảo hiểm là hàng hoá xuất nhập khẩu được vận chuyển trên biển và các chi phí có liên quan.
– Bảo hiểm thân tàu: đối tượng bảo hiểm là vỏ tàu, máy móc thiết bị trên tàu và các chi phí hợp lý (chi phí dọc hành trình, chi phí ứng trước lương cho sỹ quan thuỷ thủ, một phần trách nhiệm mà chủ tàu phải chịu trong trường hợp hai tàu đâm va nhau)
– Bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu: bảo hiểm những thiệt hại phát sinh từ trách nhiệm của chủ tàu trong quá trình sở hữu, kinh doanh, khai thác tàu biển đối với người khác
Bảo hiểm hàng hải về cơ bản là loại bảo hiểm đối với những rủi ro trên biển hoặc những rủi ro trên sông, trên bộ liên quan đến hành trình đường biển, gây tổn thất cho các đối tượng chuyên chở trên biển. Hầu hết trong quá trình khi hàng hóa được chuyên chở bằng đường biển thì các chủ thể là chủ doanh nghiệp đều mua bảo hiểm hàng hải để đảm bảo an toàn cho hàng hóa, người và tài sản chung trong suốt hành trình.
2. Nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm hàng hải:
Trong lĩnh vực hàng hải, bởi vì giá trị của hàng hóa thường xuyên thay đổi từ nước này sang nước khác, đồng thời giá trị thị trường của các con tàu cũng dao động với biên độ tương đối lớn, nên hầu hết các đơn bảo hiểm hàng hải đều là đơn bảo hiểm định giá hoặc đơn bảo hiểm theo giá trị thoả thuận theo đó số tiền bảo hiểm được người bảo hiểm và người được bảo hiểm thoả thuận như là giá trị thực của tài sản được bảo hiểm. Một khi giá trị đã được thoả thuận thì không thể thay đổi trừ khi đạt được một thoả thuận khác hoặc người bảo hiểm có thể chứng minh được đó là một sự lừa đảo, gian dối nhằm đạt được mục đích.
Các nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm hàng hải bao gồm:
– Nguyên tắc đầu tiên đó là bồi thường đối với tổn thất toàn bộ.
Phương pháp bồi thường đối với tổn thất toàn bộ khá đơn giản và dễ hiểu. Trừ khi được quy định khác đi trên đơn bảo hiểm hoặc được thoả thuận khác bởi hai bên.
Như vậy, trên thực tế, khi số tiền bảo hiểm nhỏ hơn giá trị bảo hiểm thì khi xảy ra tổn thất toàn bộ của một bộ phận đối tượng bảo hiểm thì tính toán bồi thường sẽ phải dựa trên con số nhỏ hơn.
Khác với tổn thất toàn bộ, phương pháp bồi thường đối với một tổn thất bộ phận gặp khó khăn hơn nhiều.
– Thứ hai: Bồi thường đối với tổn thất bộ phận của tàu.
MIA 1906 được ban hành đã quy định phương pháp bồi thường đối với tổn thất bộ phận trong các Điều 69 và 77. Các khó khăn chủ yếu xuất phát từ việc tổn thất bộ phận có liên quan đến giá trị bảo hiểm, vì thế trên thực tiễn cũng như nguyên tắc được đưa ra đều cố gắng tìm biện pháp để giải quyết vấn đề này. Trong khi xét cho cùng thì ý định của chủ tàu khi tham gia bảo hiểm là để bảo vệ cho các chi phí sửa chữa con tàu khi bị tổn thất và đây cũng chính là mục đích chính yếu của các đơn bảo hiểm thân tàu.
Cần phải lưu ý rằng phương pháp bồi thường đối với tổn thất bộ phận của tàu cho phép áp dụng các mức chế tài thông thường, trong đó hao mòn thông thường là một trong các khoản chế tài được quyền áp dụng để trừ vào khiếu nại về chi phí thay thế một bộ phận cũ của con tàu bị tổn thất bằng một bộ phận mới.
Như đã nói ở trên, phương pháp bồi thường đối với tổn thất bộ phận của tàu chính là chi phí sửa chữa không phụ thuộc vào việc con tàu có được bảo hiểm đúng giá trị hay không mà chỉ phụ thuộc vào một giới hạn là số tiền bảo hiểm đối với mỗi một tai nạn hoặc sự cố.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng người bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm đối với tổn thất mà người được bảo hiểm thực sự phải gánh chịu, do vậy nếu không tiến hành sửa chữa thì sẽ không có chi phí sửa chữa và người bảo hiểm không thể chịu trách nhiệm đối với việc sửa chữa không có đó. Nếu con tàu bị tổn thất toàn bộ sau khi bị một tổn thất khác trước đó nhưng chưa được sửa chữa, thì trách nhiệm của người bảo hiểm chỉ là tổn thất toàn bộ mà thôi, và khiếu nại đối với tổn thất chưa được sửa chữa đã được coi là thanh toán trong tổn thất toàn bộ.
Một con tàu khi chưa được sửa chữa sẽ có giá trị thấp hơn chính con tàu đó trong tình trạng nguyên lành và nếu con tàu không bị tổn thất toàn bộ thì con tàu sẽ bị giảm giá trị vào thời điểm hết hạn bảo hiểm. Như vậy nếu các chủ thể là người được bảo hiểm muốn bảo hiểm lại con tàu thì giá trị bảo hiểm của con tàu sẽ thấp hơn, có nghĩa là dù người được bảo hiểm không phải gánh chịu chi phí sửa chữa nhưng họ lại phải gánh chịu tổn thất do giảm giá trị của con tàu. Chính vì thế Điều 69 của MIA 1906 đã quy định rằng khi một con tàu không được sửa chữa và không được bán trong tình trạng bị tổn thất thì người được bảo hiểm có quyền đòi bồi thường một số tiền hợp lý cho việc giảm giá trị của con tàu tuy nhiên không vượt quá chi phí sửa chữa hợp lý đối với tổn thất đó.
Nếu một con tàu chỉ được sửa chữa một phần tổn thất thì phương pháp bồi thường cũng tuân theo nguyên tắc tương tự được áp dụng đối với việc giảm giá trị của con tàu bị tổn thất nhưng chưa sửa chữa. Bởi vì các chủ thể là người bảo hiểm không chịu trách nhiệm đối với các tổn thất chưa sửa chữa nếu con tàu sau đó bị tổn thất toàn bộ trong thời hạn bảo hiểm nên họ cũng không phải chịu trách nhiệm đối với việc giảm giá trị tàu do tổn thất chưa được sửa chữa và con tàu sau đó lại bị tổn thất toàn bộ, bất kể tổn thất có gây bởi các hiểm họa được bảo hiểm hay không.
– Thứ ba: Bồi thường đối với tổn thất bộ phận của hàng hóa.
Khi các bên không có thoả thuận khác của người được bảo hiểm thì phương pháp bồi thường đối với tổn thất bộ phận của hàng hóa phải được tính toán theo quy định của Điều 71 của MIA 1906. Trên thực tế, có rất nhiều hệ thống được sử dụng trong công tác bồi thường hàng hóa theo từng loại hàng được bảo hiểm theo các điều kiện bảo hiểm cụ thể, tuy nhiên trong khuôn khổ của bài viết này phương pháp bồi thường được xem xét trong phạm vi các quy định của MIA 1906, theo đó giả thiết rằng hàng hóa đã được bán và bị tổn thất tại cảng đến. Ngày nay, không phải lúc nào cũng có thể xác định được tỷ lệ giảm giá trị của hàng hóa bị tổn thất và người bảo hiểm thường phải phụ thuộc vào kỹ năng của các giám định viên hàng hóa để xác định mức độ tổn thất.
Lý do để sử dụng giá trị gộp là bởi vì các chi phí tại cảng đích có xu hướng ổn định bất kể hàng hóa đến cảng trong tình trạng nguyên lành hay bị tổn thất. Cước phí thường được trả đủ cho cả hàng tốt lẫn hàng bị tổn thất. Thuế nhập khẩu thường dựa vào khối lượng hàng đến bất kể có bị tổn thất hay không, chỉ trong một số trường hợp thuế sẽ chỉ áp dụng đối với khối lượng hàng hóa trong trạng thái nguyên lành, khi đó sẽ có sự khác biệt đáng kể.
Khi hàng hóa được bán một cách thông thường trong kho ngoại quan và hàng hóa này bị tổn thất, khi đó giá trị trong kho sẽ thay thế giá trị gộp để tính toán bồi thường theo đơn bảo hiểm.
– Thứ tư: Tổn thất bộ phận của cước phí.
Tại Điều 70 của MIA 1906 quy định về phương pháp bồi thường đối với tổn thất bộ phận của cước phí vận tải. Cước phí là tiền thù lao trả cho người vận tải đối với việc thuê tàu hay một phần dung tích tàu của họ để chuyên chở hàng hóa của người gửi hàng.
Theo các quy định thì cước phí được trả khi hàng hóa được giao an toàn tại cảng đích, tuy nhiên phần lớn cước phí được chủ tàu yêu cầu trả trước và được thoả thuận trong hợp đồng vận chuyển là cước phí này sẽ không được hoàn lại ngay cả trong trường hợp không giao hàng toàn bộ hay một phần chuyến hàng. Trong trường hợp đó cước phí được gộp vào giá trị của hàng hóa và một khiếu nại về tổn thất bộ phận của hàng hóa sẽ tự động bao gồm một phần cước phí đã trả cho việc vận chuyển hàng hóa. Khi cước phí không được trả trước hoặc có thể phải hoàn trả thì chủ tàu phải gánh chịu rủi ro đối với khoản cước phí này, do vậy chủ tàu phải thu xếp bảo hiểm cho riêng họ tuân theo đúng các quy định của pháp luật.
Đơn bảo hiểm có thể có quy định đặc biệt về việc bồi thường đối với khiếu nại tổn thất bộ phận, tuy nhiên Điều 70 của MIA 1906 quy định rằng tỷ lệ tổn thất sẽ được xác định bằng cách so sánh cước phí thực sự bị tổn thất với toàn bộ cước phí chịu rủi ro. Cách bồi thường đơn giản là lấy tổng cước phí chịu rủi ro gộp trừ đi cước phí đã trả và so sánh phần chênh lệch này với tổng cước phí chịu rủi ro gộp. Tỷ lệ tổn thất này sau đó được nhân với số tiền bảo hiểm theo đơn bảo hiểm. MIA 1906 được ban hành cũng đã đưa ra quy định chung cho cả đơn bảo hiểm định giá và không định giá, tuy nhiên trong thực tiễn các đơn bảo hiểm định giá không được áp dụng đối với việc bảo hiểm cước phí.
– Thứ năm: Bồi thường tổn thất cứu vớt.
Hiện nay, không có cơ sở đối với loại tính toán bồi thường hàng hóa liên quan trong một vụ cứu hộ, tuy nhiên chúng ta có thể gặp trường hợp này trong thực tế khi hàng hóa được dỡ xuống một cảng trung gian và hợp đồng vận chuyển bị kết thúc.
Trong các tình huống như thế, bảo hiểm theo Bộ điều khoản ICC 1982 cũng sẽ kết thúc theo cùng thời điểm kết thúc hợp đồng vận chuyển, trừ khi người được bảo hiểm
Khi việc tiếp tục bảo hiểm được chấp nhận, người được bảo hiểm có 60 ngày để xử lý hàng hóa theo đúng quy định.
Trong nhiều trường hợp các chủ thể là người được bảo hiểm sẽ thu xếp để hàng hóa tiếp tục được vận chuyển về cảng đích dự kiến. Tuy nhiên, trong một số trường hợp việc bán hàng hóa ngay tại chỗ sẽ thuận lợi hơn. Khi hàng hóa của các chủ thể được bán tại cảng trung gian theo sự chấp thuận của người bảo hiểm thì họ có thể đồng ý bồi thường tổn thất cứu vớt. Theo phương pháp bồi thường này thì các chủ thể là người được bảo hiểm sẽ có lợi hơn nhưng đây không phải là phương pháp bồi thường được quy định trong MIA 1906 và người bảo hiểm không bị bắt buộc phải sử dụng phương pháp bồi thường này theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm hàng hải mang những ý nghĩa quan trọng nhất định. Các nguyên tắc được xác lập với mục đích chính nhằm gán trách nhiệm và khuyến khích người tham gia bảo hiểm có thể giữ gìn và bảo vệ tài sản của mình tốt hơn. Không những thế thì mục đích của bảo hiểm là đảm bảo cho người tham gia bảo hiểm về rủi ro tài chính, đảm bảo được bồi thường đúng mức tổn thất chứ không tạo ra nhằm tạo cơ hội cho những người khác trục lợi, người được bảo hiểm phải được nhận đúng, không thể để các chủ thể đó có được lợi ích không hề có trước đó.