Hiện vận tải đường sắt được điều chỉnh bởi hai hệ thống pháp luật chính, trong đó chịu sự điều chỉnh của Hiệp định liên vận hàng hóa đường sắt quốc tế SMGS. Bài viết dưới đây chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu về Hiệp định SMGS.
Mục lục bài viết
- 1 1. Hiệp định liên vận hàng hóa đường sắt quốc tế SMGS:
- 2 2. Sơ lược nội dung Hiệp định liên vận hàng hóa đường sắt quốc tế SMGS:
- 3 3. Hợp đồng vận tải hàng hóa bằng đường sắt quốc tế và vận đơn đường sắt theo Hiệp định liên vận hàng hóa đường sắt quốc tế (SMGS):
- 4 4. Trách nhiệm của đường sắt theo Hiệp định liên vận hàng hóa đường sắt quốc tế (SMGS):
- 5 5. Cước phí trong vận tải hàng hóa bằng đường sắt theo Hiệp định liên vận hàng hóa đường sắt quốc tế (SMGS):
1. Hiệp định liên vận hàng hóa đường sắt quốc tế SMGS:
“Hiệp định liên vận hàng hóa đường sắt quốc tế ” (International Convention on Carriage of Goods by Rail- MGS), gọi tắt là “Hiệp định MGS”. Năm 1951 tại Budapest (Hungary) đại diện Đường sắt các nước Hungary, Bulgaria, Romania, Albania, Cộng hòa dân chủ Đức, Ba Lan, Liên Xô (cũ),Tiệp Khắc đã thỏa thuận và thông qua Hiệp định về chuyên chở hàng hóa bằng đường sắt liên vận quốc tế, gọi là “Hiệp định MGS” và có hiệu lực từ ngày 1/11/1951. Năm 1953 “Hiệp định MGS” được đổi thành “Hiệp định SMGS”. Sau đó các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Mông cổ và Việt Nam (1956) lần lượt tham gia “Hiệp định SMGS”.
Hiệp định này được sửa đổi và bổ sung lần thứ nhất vào tháng 11/1997. Thành viên của “Hiệp định SMGS” gồm các nước thành viên sau: Cộng hòa Azerbaijan, Cộng hòa Anbani, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Bulgaria, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cộng hòa Hồi giáo Iran, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Cộng hòa Kyrgyzstan, Cộng hòa Litva, Cộng hòa Môdônva, Mông Cổ, Cộng hòa Ba Lan, Liên Bang Nga, Cộng hòa Tajikistan, Turkmenistan, Ucraina, Cộng hòa Estonia, Cộng hòa Uzbekistan.
2. Sơ lược nội dung Hiệp định liên vận hàng hóa đường sắt quốc tế SMGS:
“Hiệp định SMGS” quy định trách nhiệm của đường sắt đối với hàng hóa chuyên chở, liệt kê những vật phẩm cấm chuyên chở, quy định mẫu giấy tờ chuyên chở cũng như trách nhiệm liên đới của các đường sắt đối với hàng hóa nhận chở. Mọi đường sắt chở tiếp, khi tiếp nhận lô hàng cùng giấy tờ chuyên chở đương nhiên tham gia vào hợp đồng chuyên chở và chịu trách nhiệm trước người nhận hàng.
“Hiệp định SMGS” đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung. Nội dung của nó ngày một hoàn chỉnh, phù hợp với sự phát triển của chuyên chở hàng hóa bằng đường sắt giữa các nước tham gia Hiệp định. Hiện nay, “Hiệp định SMGS” gồm 8 phần với 40 điều khoản. Ngoài ra, còn có 13 phụ kiện là những bộ phận không thể tách rời của “Hiệp định SMGS”. Việt Nam có thể sử dụng đường sắt liên vận quốc tế để chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu đến hoặc từ các nước thành viên của Hiệp định hoặc chuyên chở quá cảnh qua đường sắt các nước thành viên để chuyển đến các nước khác như: Hy Lạp, Apganistan, Phẩn Lan, Thổ Nhĩ Kỳ…
3. Hợp đồng vận tải hàng hóa bằng đường sắt quốc tế và vận đơn đường sắt theo Hiệp định liên vận hàng hóa đường sắt quốc tế (SMGS):
Theo Hiệp định SMGS, hàng hóa được phân chia thành các nhóm gồm: hàng hóa không được phép vận chuyển (vũ khí, bom, đạn, hàng dễ chảy, hàng lẻ dưới 10kg…); hàng hóa chở theo điều kiện đặc biệt căn cứ đặc điểm hàng hóa và tình trạng kỹ thuật của đường sắt (hàng hóa vận chuyển bằng container, hàng hóa mau hỏng,…) và nhóm hàng hóa chuyên chở theo điều kiện bình thường. Việc vận tải hàng hóa bằng đường sắt quốc tế có thể gửi theo các phương pháp sau đây:
– Gửi hàng lẻ: hàng lẻ là lô hàng vận chuyển theo một vận đơn đường sắt, có trọng lượng cả bì không quá 5.000 kg và không đòi hỏi toa riêng.
– Gửi nguyên toa: hàng nguyên toa là lô hàng gửi theo một vận đơn đường sắt, đòi hỏi phải sử dụng cả toa riêng hay nói cách khác kaf hàng chở bằng cả toa xe theo một giấy gửi hàng.
– Gửi hàng trong container trọng tải lớn: lô hàng gửi theo một vận đơn để chuyển chở trong một container loại lớn gọi là lô hàng container trọng tải lớn (container có trọng tải trên 5 tấn). Các container loại trung bình và nhỏ có thể gửi theo lô hàng nguyên toa.
Về vận đơn đường sắt, vận đơn đường sắt là chứng từ vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt còn có cách gọi khác là giấy gửi hàng. Mối quan hệ giữa chủ hàng và các đường sắt tham gia chuyên chở được điều chỉnh bằng các điều kiện ghi trong Giấy gửi hàng và các quy định trong hiệp định. Theo Hiệp định SMGS, vận đơn đường sắt (hay giấy gửi hàng) bao gồm các chứng từ (5 tờ) có nội dung như sau:
– Tờ 1: bản chính ” giấy gửi hàng ” gửi theo hàng tới ga được giao cho người nhận cùng với hàng hoá;
– Tờ 2: giấy theo hàng đi theo hàng đến ga đến và lưu ở đường sắt nước đến;
– Tờ 3: bản sao giấy gửi hàng được giao cho người gửi sau khi xếp hàng lên toa xe ở ga gửi hàng;
– Tờ 4: giấy giao hàng có chữ kí của người nhận hàng, theo hàng đến ga đến và được lưu ở ở ga đến;
– Tờ 5: giấy báo tin hàng đến đi theo hàng đến ga đến và được giao cho người nhận hàng để báo tin hàng đến.
Trong số các tờ của vận đơn nói trên thì bản chính ” giấy gửi hàng ” là quan trọng nhất. Bản chính giấy gửi hàng có đóng dấu ngày, tháng của ga gửi là bằng chứng của hợp đồng vận tải. Bản sao giấy gửi hàng là bằng chứng nhận hàng để chở của đường sắt. Nội dung của vận đơn đường sắt gồm hai phần: phần do chủ hàng điện và phần do đường sắt điền. Chủ hàng phải điền các nội dung: số hợp đồng, tên hàng, kí mã hiệu, số kiện, trọng lượng, loại bao bì hàng hóa; loại lô hàng, giá trị hàng hóa; tên, địa chỉ của người gửi, người nhận, ga đi, ga biên giới mà hàng hóa đi qua; đường sắt đến và ga đến; chữ kí của người gửi hàng. Đường sắt phải điền các chi tiết về toa xe, cước phí và tạp phí, số lô hàng, trọng lượng, thể tích… và kí tên, đóng dấu ngày, tháng nhận hàng để vận chuyển.
Người gửi hàng phải đính kèm theo vận đơn đường sắt các giấy tờ cần thiết để làm rõ các thủ tục trong quá trình giải quyết khiếu nại và khiếu kiện, bao gồm: giấy phép xuất khẩu, giấy khai quan, giấy khai chi tiết hàng hóa, giấy chứng nhận phẩm chất, giấy chứng nhận kiểm dịch… Người gửi hàng phải chịu trách nhiệm về những hậu quả xảy ra do việc không đính kèm hoặc không ghi chính xác, đầy đủ các giấy tờ đính kèm theo giấy gửi hàng.
4. Trách nhiệm của đường sắt theo Hiệp định liên vận hàng hóa đường sắt quốc tế (SMGS):
Đường sắt tham gia vận chuyển hàng hóa theo vận đơn của SMGS phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện hợp đồng vận chuyển trên toàn bộ quãng đường đi cho đến khi giao hàng ở ga đến và trong trường hợp hàng hóa được vận chuyển tiếp đến các nước không tham gia SMGS thì chịu trách nhiệm cho đến khi làm xong thủ tục vận chuyển theo vận đơn của nước khác hay hiệp định khác. Nếu không chứng minh được là mình không có lỗi hoặc có các trường hợp miễn trách nhiệm thì đường sắt phải chịu trách nhiệm về những mất mát toàn bộ hay một phần hàng hóa, hư hỏng, thiếu hụt của hàng hóa, vận chuyển hàng chậm trễ hoặc làm mất các giấy tờ gửi kèm. Đường sắt không có trách nhiệm bồi thường những mất mát, hư hỏng của hàng hóa do các nguyên nhân sau đây:
– Những trường hợp mà đường sắt không lường trước được, không khắc phục được;
– Do tính chất tự nhiên, đặc biệt của hàng hóa;
– Do lỗi của chủ hàng;
– Do việc sử dụng toa xe không mui để vận chuyển hàng hóa mà quy định đường sắt nước gửi không cho phép như vậy,
– Do người áp tải của chủ hàng gây ra hoặc do không thực hiện đúng hướng dẫn quy định cho người áp tải;
– Do bao bì không đầy đủ;
– Do kê khai sai tên hàng hoặc vận chuyển những hàng hóa cấm vận chuyển;
– Hao hụt, hao mòn tự nhiên; Chủ hàng xếp vào xe hoặc container không thích hợp cho việc vận chuyển;
– Thiếu hụt trọng lượng, số lượng mà xi chì vẫn nguyên vẹn.
5. Cước phí trong vận tải hàng hóa bằng đường sắt theo Hiệp định liên vận hàng hóa đường sắt quốc tế (SMGS):
Cước phí bao gồm tất cả các khoản tiền cước hàng hóa, tiền đi tàu của người áp tải và các chi phí khác phát sinh trong quá trình vận tải. Cước phí trong vận tải hàng hóa liên vận đường sắt quốc tế được tính bằng những đơn vị tiền tệ khác nhau trên các đoạn đường vận chuyển khác nhau, cụ thể là: các khoản cước phí phát sinh trên đường sắt nước gửi hàng tính bằng đơn vị tiền tệ của nước đó, các khoản cước phí phát sinh trên đường sắt nước đến được tính bằng đơn vị tiền tệ của nước đến; các khoản cước phí phát sinh trên đường sắt quá cảnh tính theo bảng giá cước quá cảnh thống nhất – bảng giá cước ETT (được quy định kèm theo Hiệp định SMGS) với mức thấp hơn so với mức trong nước và quốc tế và giảm dần theo chiều dài đường vận chuyển. Về nguyên tắc tính cước thì người gửi trả cước phí chuyên chở trên đường sắt nước gửi, người nhận trả cước phí chuyên chở trên đường sắt nước nhận; cước phí quá cảnh sẽ thu toàn bộ hoặc một phần từ người gửi hoặc người nhận tùy theo thỏa thuận; tạp phí do người trả cước quá cảnh thanh toán và nếu người nhận từ chối nhận hàng thì người gửi phải thanh toán cước và tiền phạt.