NSDLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với NLĐ là việc NSDLĐ chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ trong các trường hợp không đúng quy định tại Điều 38 và Điều 39 của BLLĐ 2012
NSDLĐ đơn phương chấm dứt
1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.
3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.(Điều 42 BLLĐ 2012)
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Như vậy, khi NSDLĐ thực hiện hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái pháp luật sẽ dẫn việc quan hệ lao động bị chấm dứt trái pháp luật và do căn cứ chấm dứt là trái pháp luật nên hậu quả pháp lý của hành vi này là quan hệ lao động phải được khôi phục lại, tức là NSDLĐ sẽ phải tiếp tục HĐLĐ với NLĐ. Ngoài việc khôi phục lại quan hệ lao động, NSDLĐ còn phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi về vật chất đối với hành vi trái pháp luật của mình, đó là bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần đối với NLĐ khi bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, những thiệt hại đó gồm:
– Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày NLĐ không được làm việc, đó là thiệt hại thực tế đối với NLĐ xuất phát từ hành vi trái pháp luật của NSDLĐ. Ngoài ra, nếu NSDLĐ còn vi phạm về thời hạn thông báo thì còn phải bồi thường cho NLĐ khoản tiền lương của họ trong những ngày không báo trước.
– Ít nhất 2 tháng tiền lương theo hợp đồng, đây là khoản tiền bồi thường về mặt tinh thần đối với NLĐ.
Tuy bắt buộc NSDLĐ phải nhận NLĐ trở lại làm việc nhưng quan hệ lao động là một mối quan hệ cần có sự hợp tác từ cả hai bên chủ thể, việc một bên trong quan hệ đã thể hiện ý chí muốn chấm dứt quan hệ thì việc tiếp tục quan hệ là rất khó để thực hiện. Vì vậy pháp luật đã đưa ra lựa chọn cho NLĐ về việc tiếp tục thực hiện quan hệ lao động hay không và NSDLĐ bắt buộc phải chấp nhận những hậu quả pháp lý đối với từng trường hợp NLĐ lựa chọn, cụ thể:
*Trường hợp NLĐ không muốn tiếp tục làm việc cho NSDLĐ: khi NLĐ không muốn tiếp tục làm việc cho NSDLĐ, luật pháp không ép buộc NLĐ và NSDLĐ phải khôi phục lại quan hệ lao động nhưng NSDLĐ lúc này vẫn phải bồi thường những chi phí quy định tại khoản 1 Điều 42 BLLĐ và phải trả thêm trợ cấp mất việc cho NLĐ theo Điều 48 BLLĐ.
* Trường hợp NSDLĐ không muốn nhận lại NLĐ và NLĐ đồng ý:việc thực hiện hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng đã thể hiện ý chí của NSDLĐ không muốn tiếp tục quan hệ lao động. Vì vậy khi pháp luật bắt buộc NSDLĐ khôi phục lại quan hệ lao động, NSDLĐ có thể không đồng ý nhận lại NLĐ, tuy nhiên việc tiếp tục quan hệ lao động hay không lúc này không còn phụ thuộc vào ý chí của NSDLĐ mà phụ thuộc vào ý chí của NLĐ.Nếu NSDLĐ không muốn nhận lại NLĐ nhưng NLĐ không đồng ý thì NSDLĐ vẫn bắt buộc phải nhận lại NLĐ và bồi thường như khoản 1 Điều 42, nhưng nếu NLĐ đồng ý thì quan hệ lao động sẽ được chấm dứt và NSDLĐ ngoài phải chi trả các khoản quy định ở khoản 2 Điều 42 BLLĐ thì còn phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng 2 tháng lương cho NLĐ để chấm dứt hợp đồng.
* Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong HĐLĐ mà NLĐ vẫn muốn làm việc: trong trường hợp này, dù không có công việc trong HĐLĐ cho NLĐ làm nữa, NSDLĐ cũng vẫn bắt buộc phải nhận lại NLĐ do NLĐ vẫn muốn tiếp tục làm việc, thể hiện quyền được lựa chọn của NLĐ. NSDLĐ phải sửa đổi, bổ sung HĐLĐ để nhận lại NLĐ làm việc và phải trả khoản bồi thường quy định tại khoản 1 Điều 42.
Tóm lại, khi thực hiện hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, NSDLĐ sẽ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi từ hành vi của mình và việc quan hệ lao động có chấm dứt hay không sẽ phụ thuộc vào quyết định của NLĐ.