Doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp thông tin sai sự thật, bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp thông tin sai sự thật, bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2010 thì: “Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”.
Thứ nhất, đối với doanh nghiệp bảo hiểm. Ngoài việc quy định trách nhiệm cung cấp thông tin về bảo hiểm cho bên mua bảo hiển thì Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng đã quy định trách nhiệm về trường hợp khi doanh nghiệp bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật. Cụ thể tại khoản 3 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2010 có quy định: “Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm do việc cung cấp thông tin sai sự thật”. Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động với mục đích sinh lời và vì thế doanh nghiệp bảo hiểm (hoặc đại lý bảo hiểm được ủy quyền) sẽ rất dễ vì lợi ích của mình mà lừa dối người mua bảo hiểm. Đây được xem như một chế tài mà pháp luật đặt ra để trù định trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm dựa vào sự hiểu biết chưa cặn kẽ của người dân cung cấp những thông tin sai sự thật về bảo hiểm mà doanh nghiệp cung cấp khiến cho người mua bảo hiểm hiểu sai, không có nhận thức đúng đắn và tiến hành giao kết hợp đồng bảo hiểm. Ví dụ như nhiều doanh nghiệp đã cung cấp không chính xác về mức phí bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm phải đóng, tiền bảo hiểm được bồi thường cũng như các lợi ích mà bên mua bảo hiểm có thể được khi mua bảo hiểm… Như một chế tài, quy định này giúp cho các doanh nghiệp bảo hiểm khi tiến hành cung cấp thông tin để giao kết hợp đồng bảo hiểm sẽ chủ động cung cấp các thông tin một cách trung thực và chính xác hơn. Đồng thời, bên cạnh đó quy định đã hướng tới bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua bảo hiểm khi người họ có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng và yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại đối với hậu quả do việc cung cấp thông tin sai sự thật của doanh nghiệp gây ra.
Thứ hai, đối với bên mua bảo hiểm. Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng quy định trách nhiệm của bên mua bảo hiểm trong trường hợp cung cấp thông tin sai sự thật. Theo quy định tại khoản 2 Điều 19, khi bên mua bảo hiểm rơi vào một trong hai trường hợp sau thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến hết thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm:
Thứ nhất, trường hợp bên mua bảo hiểm cung cấp thông tin sai sự thật quy định tại điểm a) khoản 2 Điều 19 Luật kinh doanh bảo hiểm 2010. Có thể thấy lỗi của bên mua ở đây là lỗi có ý, mục đích là giao kết hợp đồng để được bồi thường.
Thứ hai, trường hợp bên mua bảo hiểm không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin cho doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2010.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Như vậy, việc cố ý cung cấp thông tin sai sự thật của người mua bảo hiểm nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường thực chất cũng là một hành vi lừa dối. Tuy nhiên, hợp đồng bảo hiểm là một loại hợp đồng chuyên biệt nên hậu quả pháp lý của hành vi này sẽ chịu sự điều chỉnh của luật riêng đó là Luật Kinh doanh bảo hiểm. Về nguyên tắc áp dụng pháp luật, trừ khi Luật chuyên ngành không quy định thì áp dụng luật chung. Và ở đây, luật chung chính là Bộ luật Dân sự năm 2005. So với Bộ luật Dân sự, Luât Kinh doanh bảo hiểm có điểm khác ở chỗ cùng là hành vi lừa dối nhưng Luật Kinh doanh bảo hiểm lại quy định hai hậu quả pháp lý khác nhau (Bộ luật dân sự chỉ quy định một hậu quả pháp lý là hợp đồng vô hiệu).Việc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm về bản chất là hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng. Như vậy, tại Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm có thể nhận thấy việc “cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng” chỉ dẫn đến hậu quả pháp lý là bên kia có thể đơn phương đình chỉ hợp đồng là chưa phù hợp với các quy định của Bộ Luật dân sự cũng như các nguyên tắc trong giao kết hợp đồng, ngoài ra chưa phù hợp với các quy định khác trong chính Luật Kinh Doanh bảo hiểm. Cụ thể, tại Điều 22 của Luật Kinh Doanh bảo hiểm lại quy định về các trường hợp hợp đồng vô hiệu, trong đó có trường hợp: “Bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệm bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết Hợp đồng bảo hiểm”, và “Việc xử lý hợp đồng bảo hiểm được thực hiện theo quy định của Bộ Luật Dân sự và các quy định của pháp luật có liên quan”. Theo quy định của Bộ Luật dân sự, giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận… và bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường. Như vậy, cùng một vấn đề đã có hai cách xử lý khác nhau cùng được quy định trong Luật Kinh Doanh bảo hiểm 2010.
Về mặt lý luận, nếu có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng thì hợp đồng đó phải vô hiệu vì đã không tuân thủ nguyên tắc trung thực khi giao kết. Bộ Luật dân sự năm 2005 quy định, nếu một bên bị lừa dối thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố hợp đồng vô hiệu (Điều 132 Bộ Luật dân sự năm 2005). Vì vậy, việc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm không thể dẫn đến hành vi đình chỉ thực hiện hợp đồng.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:
– Điều kiện đối với kinh doanh môi giới bảo hiểm
– Nguyên tắc trung thực tuyệt đối trong luật kinh doanh bảo hiểm
– Các biện pháp để phòng, hạn chế tổn thất trong kinh doanh bảo hiểm
Mọi thắc mắc pháp lý cần tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ, quý khách hàng vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 1900.6568 hoặc gửi thư về địa chỉ email: [email protected].
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:
– Tư vấn pháp luật doanh nghiệp trực tuyến miễn phí