Xuất phát từ tình cảm cá nhân hoặc tình thương trong gia đình, nhiều người đã có hành vi nhận tội thay cho người khác. Hành vi này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình điều tra của các cơ quan chức năng mà còn ảnh hưởng xấu đến nền tư pháp Việt Nam nói chung. Vậy theo quy định của pháp luật thì nhận tội thay cho người khác sẽ phạm tội gì?
Mục lục bài viết
1. Hành vi nhận tội thay cho người khác thì phạm tội gì?
Trên thực tế hiện nay, tình trạng nhận tội thay cho người khác đã và đang diễn ra vô cùng phổ biến, ngày càng trở nên phức tạp hơn. Với tâm lý muốn bao che và giảm nhẹ tội cho người phạm tội hoặc hướng tới mục tiêu nhằm trốn tránh trách nhiệm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhiều người đã tiến hành hoạt động nhận tội thay cho người khác với nhiều thủ đoạn khác nhau. Vậy đặt ra câu hỏi: Nhận tội thay cho người khác thì phạm tội gì? Để trả lời được câu hỏi này thì cần phải tìm hiểu quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Nhận tội thay cho người khác có thể hiểu là việc một người không thực hiện hành vi phạm tội hoặc người đó tuy có thực hiện hành vi nhưng không đủ yếu tố để có thể cấu thành tội phạm, tuy nhiên lại nhận mình là người thực hiện hành vi phạm tội nhằm mục đích giúp cho người phạm tội thực sự không phải chịu trách nhiệm hình sự (trốn tránh trách nhiệm hình sự thay cho người khác). Những người nhận tội thay cho người khác có thể xuất phát vì nhiều lý do khác nhau, tuy nhiên chủ yếu xuất phát từ lý do: tình cảm, vấn đề đạo đức, hoàn cảnh gia đình …
Nhận tội thay cho người khác là một trong những hành vi gây cản trở, gây khó khăn cho hoạt động giải quyết vụ án hình sự, gây ra nhiều rắc rối trong quá trình điều tra và thực hiện hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có thẩm quyền khác. Bên cạnh đó, hành vi nhận tội thay cho người khác còn có thể dẫn đến trường hợp bỏ lọt tội phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền tư pháp Việt Nam, gây hậu quả khôn lường đến hoạt động phòng chống tội phạm.
Vì vậy phải nhận tội thay cho người khác hoàn toàn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội che giấu tội phạm hoặc Tội không tố giác tội phạm nếu thỏa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành của các loại tội phạm này.
2. Dấu hiệu pháp lý và hình phạt của tội che giấu tội phạm:
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 18 của Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định về hành vi che giấu tội phạm. Theo đó, người nào không hứa hẹn trước tuy nhiên sau khi biết tội phạm đã được thực hiện, người đó đã có hành vi che giấu người phạm tội, che giấu tang vật của tội phạm, che giấu các dấu vết hoặc có hành vi khác cản trở cho quá trình điều tra, phát hiện và xử lý người phạm tội, thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm. Tội che giấu tội phạm hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại Điều 389 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Dấu hiệu pháp lý của tội che giấu tội phạm như sau:
(1) Về chủ thể. Chủ thể của tội che giấu tội phạm được xác định là cá nhân, cá nhân đó có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, trong độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên. Ngoại trừ những chủ thể được quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật hình sự năm 2015.
(2) Về khách thể. Tội che giấu tội phạm xâm phạm trực tiếp đến hoạt động xử lý tội phạm, giải quyết đúng đắn của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, gây ra nhiều khó khăn cho công tác điều tra, truy tố và xét xử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(3) Về mặt chủ quan. Tội che giấu tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi, tuy nhiên vẫn cố tình thực hiện hành vi đó.
(4) Về mặt khách quan. Hành vi khách quan của tội phạm này được thể hiện ở hành vi che giấu tội phạm. Hành vi che giấu tội phạm có thể hiểu là hành vi không hứa hẹn trước tuy nhiên sau khi biết tội phạm được thực hiện trên thực tế đã tiến hành hoạt động che giấu (có thể là che giấu người phạm tội, che dấu dấu vết của tội phạm, che giấu tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở cho quá trình xử lý, điều tra, phát hiện người phạm tội của các lực lượng chức năng). Cụ thể:
+ Che giấu người phạm tội. Hành vi che giấu người phạm tội là hành vi của một cá nhân biết rõ người đó đã thực hiện hành vi phạm tội, vi phạm quy định của pháp luật tuy nhiên vẫn chứa chấp, che giấu người đó trong nhà, hoặc tìm kiếm địa chỉ cho người phạm tội lẩn tránh để không bị bắt bởi lực lượng chức năng, tiến hành nhiều hoạt động giúp đỡ cho người phạm tội bỏ trốn, giúp đỡ cho người phạm tội thay đổi hình dạng bên ngoài để tránh sự phát hiện của người dân xung quanh hoặc của lực lượng chức năng, hoặc thực hiện các hành vi khác nhằm mục đích che giấu người phạm tội trái quy định của pháp luật;
+ Che giấu các dấu vết của tội phạm. Hành vi che giấu dấu vết của tội phạm là hành vi tìm nhiều cách thức khác nhau để xóa dấu vết tội phạm. Các dấu vết của tội phạm có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào từng loại tội phạm xảy ra trên thực tế. Ví dụ như: đối với tội giết người, dấu vết để lại hiện trường có thể là dấu vân tay, dấu chân hoặc vết máu, trên thi thể của nạn nhân có thể là vết cào cấu hoặc vết bầm tím do bị đánh đập … Trong trường hợp các dấu vết này đã bị tẩy xóa, bị thay đổi hoặc mất đi thì sẽ gây ra nhiều khó khăn cho công tác điều tra, truy tìm đối tượng thực hiện hành vi phạm tội;
+ Che giấu tang vật của tội phạm. Tang vật của tội phạm có thể được xác định là công cụ và phương tiện mà người phạm tội sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Che giấu tang vật của tội phạm là hành vi cất giấu, hủy hoại công cụ, làm biến dạng các loại công cụ, phương tiện mà người phạm tội sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Cần lưu ý, hậu quả của hành vi che giấu tội phạm không phải là một trong những dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của loại tội phạm này. Tội che giấu tội phạm sẽ được hoàn thành kể từ khi người phạm tội đã thực hiện hành vi che giấu tội phạm, không phụ thuộc vào kết quả của việc che giấu đó có thành công hay không thì người thực hiện hành vi che giấu tội phạm vẫn có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn đầy đủ các cấu thành khác.
Căn cứ theo quy định tại Điều 389 của Bộ luật hình sự năm 2015, hình phạt đối với tội che giấu tội phạm được quy định như sau:
+ Khung hình phạt tại khoản 1: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm;
+ Khung hình vào tại khoản 2: Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Dấu hiệu pháp lý và hình phạt của tội không tố giác tội phạm:
Trước hết, không tố giác tội phạm có thể được hiểu là hành vi của người biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, tội phạm đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện tuy nhiên không tố giác tội phạm đó với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Không tố giác tội phạm hiện nay đang được truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 390 của Bộ luật hình sự năm 2015.
Dấu hiệu pháp lý của tội không tố giác tội phạm được quy định như sau:
(1) Về khách thể. Tội không tố giác tội phạm xâm phạm trực tiếp đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành tố tụng, từ đó gây ra nhiều khó khăn cho công tác điều tra, truy tố và xét xử.
(2) Về mặt khách quan. Mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện ở hành vi không tố giác tội phạm. Hành vi không tố giác tội phạm đang được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 14 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
(3) Về mặt chủ quan. Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi tuy nhiên vẫn cố tình thực hiện hành vi đó và mong muốn cho hậu quả xảy ra.
(4) Về mặt chủ thể. Chủ thể của tội phạm này được xác định là người trong độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên, đồng thời có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
(5) Về hình phạt đối với tội không tố giác tội phạm. Có các khung hình phạt như sau:
+ Khung hình phạt tại khoản 1: Người phạm tội bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;
+ Trong trường hợp người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt tại khoản 2: Người không tố giác tội phạm khi đã có hoạt động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tối đa tác hại của tội phạm xảy ra trên thực tế thì có thể sẽ được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.
THAM KHẢO THÊM: