Hiện nay, đăng ký thường trú là nghĩa vụ của công dân, hoạt động này có thể được thực hiện khi sở hữu hợp pháp chỗ ở hoặc đăng ký tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình nếu được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý. Vậy việc đăng ký thường trú thông qua giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân được quy định thế nào?
Mục lục bài viết
1. Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân đăng ký thường trú:
Công dân khi sinh sống tại Việt Nam thì phải đăng ký cư trú, đây là nghĩa vụ phải thực hiện để cơ quan quản lý nắm bắt, kiểm soát các vấn đề liên quan đến cư trú. Nơi thường trú được biết đến là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú. Công dân có trách nhiệm đăng ký thường trú trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký. Hiện nay, việc đăng ký thường trú có thể tồn tại ở nhiều cách thức khác nhau, trong đó có thể chứng minh quan hệ nhân thân để đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Trong phạm vi bài viết này sẽ cung cấp đầy đủ các giấy tờ được sử dụng để chứng minh quan hệ nhân thân hỗ trợ việc đăng ký thường trú. Theo đó, tại Điều 6 Nghị định 62/2021/NĐ-CP có quy định về giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân như sau:
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân thuộc trường hợp Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con, bao gồm:
+ Cá nhân có thể cung cấp giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ vợ, chồng như: Giấy chứng nhận kết hôn được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền; hoặc cung cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú;
+ Ngoài ra, giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con cũng được sử dụng gồm: Giấy khai sinh đã được cấp; chứng nhận hoặc quyết định việc nuôi con nuôi; sử dụng quyết định việc nhận cha, mẹ, con; xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú; Trong một số trường hợp chỉ có hộ chiếu còn thời hạn sử dụng có chứa thông tin thể hiện quan hệ nhân thân cha hoặc mẹ với con thì cũng được lấy ra để sử dụng; Thông qua quyết định của Tòa án, trích lục hộ tịch hoặc văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định, cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận về quan hệ cha, mẹ với con;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân thuộc trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú, bao gồm:
+ Cung cấp một trong các giấy tờ, tài liệu để chứng minh mối quan hệ anh, chị, em ruột, cháu ruột: thông qua giấy khai sinh, Thậm chí xin xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú về mối quan hệ nhân thân này;
+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh mối quan hệ cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ: Quyết định cử người giám hộ; xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi cư trú về mối quan hệ nhân thân;
+ Để chứng minh nhân thân đối với trường hợp không còn cha, mẹ: Cung cấp giấy chứng tử của cha, mẹ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha, mẹ mất tích, chết, xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi cư trú về việc cha, mẹ đã chết;
+ Có thể dùng giấy tờ chứng minh người cao tuổi: Lấy các thông tin được ghi nhận trong Giấy khai sinh, thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu để làm căn cứ xác minh; Sổ Bảo hiểm xã hội, Thẻ bảo hiểm y tế hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi cư trú về ngày, tháng, năm sinh;
+ Bên cạnh đó việc chứng minh người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì có thể thông qua giấy tờ như: Chứng nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi cư trú;
+ Giấy tờ chứng minh người chưa thành niên sẽ được sử dụng để chứng minh gồm: Giấy khai sinh, thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, Sổ Bảo hiểm xã hội, Thẻ bảo hiểm y tế hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi cư trú về ngày, tháng, năm sinh.
2. Có trường hợp nào công dân không có quan hệ nhân thân vẫn được đăng ký thường trú?
Việc đăng ký thường trú thông qua chứng minh quan hệ nhân thân chỉ là một trong những điều kiện được đăng ký thường trú nên ngoài trường hợp này thì cá nhân cũng được đăng ký thường trú theo ghi nhận tại Điều 20 Luật Cư trú năm 2020, cụ thể:
- Đối với trường hợp công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì cũng được đăng ký nếu đã đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Cá nhân thuộc trường hợp trên đã được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó;
+ Về diện tích nhà cũng phải bảo đảm tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định, thông thường cũng không thấp hơn 08 m2 sàn/người.
- Ngoài ra, công dân cũng được đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Cá nhân này trực tiếp tham gia hoạt động tôn giáo được phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển đến hoạt động tôn giáo tại cơ sở tôn giáo;
+ Được công nhận là người đại diện cơ sở tín ngưỡng;
+ Ngoài ra, còn kể đến trường hợp người được người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng đồng ý cho đăng ký thường trú để trực tiếp quản lý, tổ chức hoạt động tín ngưỡng tại cơ sở tín ngưỡng;
+ Pháp luật cũng ghi nhận đối tượng là trẻ em, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không nơi nương tựa được người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, người đứng đầu hoặc người đại diện cơ sở tôn giáo đồng ý cho đăng ký thường trú thì cũng được đăng ký thường trú;
- Quy định về đăng ký thường trú tại cơ sở trợ giúp xã hội thì được quy định như sau:
Người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp sẽ được đăng ký thường trú tại đây khi được người đứng đầu cơ sở đó đồng ý hoặc được đăng ký thường trú vào hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý.
- Cuối cùng, người sinh sống, người làm nghề lưu động trên phương tiện được đăng ký thường trú tại phương tiện đó khi đáp ứng các điều kiện đã được quy định cụ thể trong Khoản 6 Điều 20 Luật Cư trú năm 2020.
3. Trường hợp không cần cung cấp giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân:
Theo quy định hiện hành thì việc chứng minh quan hệ nhân thân có thể sẽ không phải thực hiện nếu những thông tin này đã được cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Chính vì vậy, khi cá nhân có nhu cầu đăng ký thường trú thuộc trường hợp này thì cơ quan đăng ký cư trú không yêu cầu công dân phải cung cấp giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân, hoặc có hành vi gây khó khăn, sách nhiễu với đề nghị của người dân;
Hiện nay, cơ quan đăng ký cư trú là cơ quan quản lý cư trú trực tiếp thực hiện việc đăng ký cư trú của công dân, bao gồm; Công an xã, phường, thị trấn; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
- Luật Cư trú năm 2020;
- Nghị định số 62/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú.
THAM KHẢO THÊM: